Trong suốt cuộc đời, tuy ngắn ngủi của mình, dù trên cương vị nào, ông vẫn ứng xử như vậy: vì dân, vì nước, sẵn sàng dấn thân vào chốn hiểm nguy mà không màng danh lợi, đặc biệt ưu tư vì sự phát triển của văn hóa dân tộc.
Ông là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, một nhà nghiên cứu, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng,… mẫu người là hiện thân của sự kết hợp giữa tinh thần dân tộc và tri thức phương Tây trong buổi gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông Tây đầu thế kỷ XX. Ông vừa thông thạo chữ Hán, có kiến thức phong phú về lịch sử văn hóa Việt Nam, vừa thông thạo tiếng Pháp, am hiểu về văn minh phương Tây. Một trí thức An Nam, làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, có thể tranh luận với các học giả Pháp về các vấn đề khoa học nhưng luôn giữ một cốt cách ung dung, giản dị trong bộ áo the, khăn xếp. Giữa nội dung bên trong và hình thức bên ngoài tưởng chừng mâu thuẫn đó kỳ thực lại cực kỳ nhất quán. Đó là sự nhất quán của tinh thần dân tộc, của những giá trị văn hóa Việt Nam đã được kết tinh trong nhân cách và trí tuệ của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố.
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ảnh: TL
Nhiệt tâm mở mang dân trí
Một trong những công việc mà Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố theo đuổi suốt cuộc đời đó là mở mang dân trí. Ngay từ năm 1910, Nguyễn Văn Tố đã tham gia Hội Trí Tri (la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin). Đây là một tổ chức xã hội được thành lập vào ngày 1/4/1892. Tên tiếng Pháp của Hội này có nghĩa là Hội Tương hỗ Giáo dục Bắc kỳ. Mục đích của Hội là nâng cao trình độ dân trí thông qua việc tổ chức các lớp giảng dạy kiến thức tân học bao gồm khoa học, vệ sinh, phong tục ... cho cả đối tượng trẻ em và người lớn. Hội cũng xuất bản Tập san cùng tên (Trí Tri) và tổ chức các buổi diễn thuyết về nhiều chủ đề khác nhau. Nhiều trí thức đã tham gia Hội Trí Tri, tiêu biểu như Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Phạm Huy Thông, Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ, Tô Ngọc Vân, Đoàn Phú Tư, Trần Văn Lai ... Với tư cách là một thành viên của Hội, Nguyễn Văn Tố phụ trách xuất bản các ấn phẩm của Hội những năm 1920, 1921. Đến năm 1922, ông tạm nghỉ do việc riêng, nhưng từ tập 12 (7/1931 – 12/1932), Ông lại đảm đương chức Chủ sự Tạp chí. Tại Đại hội đồng thường niên của Hội diễn ra vào ngày 29/6/1934, ông được bầu làm Hội trưởng. Dù với tư cách nào, là thành viên hay là Hội trưởng, Nguyễn Văn Tố cũng luôn nghiêm túc trong công việc, tạo được uy tín cao trong cộng đồng trí thức đương thời.
Những năm 30 của thế kỷ XX, trong bối cảnh khoảng 90% dân số mù chữ, Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chống nạn mù chữ, nâng cao dân trí. Các Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 9 năm 1937 và tháng 3 năm 1938 đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ chống nạn thất học bằng việc mở các lớp dạy chữ, các hội đọc sách báo, hội văn hóa, bạn học tốt …. Giữa năm 1938, một số đảng viên cộng sản hoạt động ở Hà Nội đã cùng một số nhân sĩ trí thức họp bàn để tiến tới thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học. Hồi ký của nhà sử học Trần Huy Liệu viết: “Theo quyết nghị của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn việc này. Buổi họp ở tại nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố và Trần Trọng Kim … Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội, trước định là Hội chống nạn thất học”[1]. Tại Hội nghị này, Nguyễn Văn Tố, Hội trưởng hội Trí Tri được giới thiệu để đứng ra đảm nhiệm việc làm thủ tục, thành lập và trực tiếp làm Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ.
Sau khi nhận trách nhiệm do Ban vận động giao phó, học giả Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên khác trong ban vận động đã nhanh chóng xác định rõ mục đích, tôn chỉ, tính chất và chương trình hoạt động của Hội và triển khai các hoạt động thiết thực. Để việc truyền bá chữ quốc ngữ được mau chóng, Hội yêu cầu những người đã được Hội dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình. Ngoài việc mở lớp học, Hội truyền bá quốc ngữ còn chủ trương tổ chức các cuộc diễn thuyết, xuất bản sách, lập thư viện bình dân để phổ biến những kiến thức thường thức vể sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học … cho nhân dân. Học giả Nguyễn Văn Tố đã tích cực tham gia các cuộc diễn thuyết, giới thiệu về lịch sử chữ quốc ngữ, mục đích, tôn chỉ của Hội truyền bá quốc ngữ, về tình trạng thất học của đồng bào ta …
Khi được tín nhiệm làm Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ, Nguyễn Văn Tố một mặt mời gọi các nhân sĩ, trí thức tham gia Hội, mặt khác, ứng xử khéo léo với chính quyền thực dân Pháp để duy trì sự tồn tại của Hội. Và hơn hết, Ông dành tâm huyết, trí tuệ để xây dựng chương trình dạy học, thực hiện mục đích của Hội là nâng cao dân trí. Nhớ lại cung cách làm việc giản dị, khiêm nhường mà khéo léo của Ông, Vũ Đình Hòe nhận xét: “Cụ có lối nói bình dân, thái độ khiêm nhường, chân tình, dễ thương. Đi thanh tra lớp học, cụ thường lân la vào nhà các đồng bào nghèo, giục theo lớp, tiện thể hỏi han về đời sống, công việc làm ăn, được bà con mến lắm. Tôi học được nhiều ở cụ. Mặt khác, cụ lại khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, ta, sách lược khi cương khi nhu, có lùi có tiến, nhờ vậy Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ”[2].
Cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, Hội đã lập được 20 chi hội ở Bắc Kỳ, 11 chi hội ở Trung Kỳ và 8 chi hội ở Nam Kỳ. Số giáo viên của Hội lên tới năm nghìn. Kể từ ngày thành lập đến năm 1945, Hội hoạt động được bảy năm, gây được một phong trào rộng ở nhiều nơi trong cả nước, dạy được khoảng tám vạn người biết đọc, biết viết và một số điều thường thức cần biết.[3] Báo Tin tức (cơ quan của Mặt trận Dân chủ) đã nhận xét: “Hội truyền bá Quốc ngữ là trường học văn hóa rất rộng lớn và cũng là trường học yêu nước, yêu dân”[4].
Say mê gìn giữ văn hóa dân tộc
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố có hàng trăm bài viết công bố trên các tạp chí khảo cứu về lịch sử, văn hóa, văn học. Ông là người viết chính về nội dung khảo cứu văn hóa trên tạp chí Tri Tân. Trên 212 số của Tạp chí này, ông có tổng cộng 476 bài viết[5]. Như vậy tính trung bình, mỗi số của Tạp chí Tri Tân, ông có khoảng 2 bài viết. Có những mục nghiên cứu của Nguyễn Văn Tố xuyên suốt từ những số đầu đến những số cuối của Tạp chí Tri Tân như Những ông nghè triều Lê (từ số 25 đến số 204). Thực ra đây là những bài giới thiệu và dịch các văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, “đem bia Văn Miếu ra khảo cứu để bổ khuyết một đoạn lịch sử nước nhà nhằm mục đích tránh sự mai một của thời gian” (Tri tân, 1941, số 25). Thông qua việc khảo cứu 82 văn bia dựng ở Văn Miếu, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã tái hiện lại truyền thống hiếu học, trọng nhân tài của nhà nước phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê. Muốn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước tiên phải hiểu về nó. Hiểu văn hóa dân tộc để giữ cho văn hóa dân tộc không bị đồng hóa bởi ngoại bang. Trong bối cảnh nước nhà bị nô dịch, việc dịch và giới thiệu những tư liệu quan trọng về lịch sử văn hóa dân tộc cũng là một cách để thể hiện lòng yêu nước, khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc. Đúng như nhà nghiên cứu Bùi Thiết đã nhận xét: “Sử học đối với ông không chỉ là nghề nghiệp có tính chất là một sinh kế mà thể hiện một tinh thần dân tộc có suy tính về thời cuộc. Trong khi đất nước bị đô hộ bởi một chế độ thực dân đương đại, thì việc làm sáng tỏ lịch sử dân tộc mà đặc biệt là lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử những triều đại thịnh trị của dân tộc, như nhà Đinh, triều Trần, đời Lê Thánh Tông và việc đưa thời Hai Bà Trưng vào chính sử ... không chỉ là việc hồi cố lịch sử thuần túy, mà là một ý thức về dân tộc, về quyền tự chủ của một quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến mà ông âm thầm thể hiện trong trước tác của mình. Đó cũng là vũ khí sắc bén cho cuộc phục hưng dân tộc được hoàn thành mà cuộc đời của ông đã nhìn thấy và góp phần”[6].
Nghiên cứu về văn hóa phương Đông, ông có các bài viết như: Văn hóa Đông phương (Đông Thanh, 1933, số 30), Đạo giáo (Trí Tri, 1934), Khổng Tử và Kinh Xuân Thu (Trí Tri, 1935), Văn hóa Đông Dương (Tri Tân, 1944, số 98-104)… Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, ông có các bài viết như: Thời tiền sử ở Bắc Kỳ (Trí tri, 1933), Nguồn gốc các mái cong (Trí Tri, 1934), Một mô hình nhà bằng đất nung tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh (Trí Tri, 1935), Ngôi chùa An Nam (BEFEO, 1941), Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam (BEFEO, 1941), Mỹ thuật nước nhà (Đông Thanh, 1932), Nguồn gốc chữ quốc ngữ (Trí Tri, 1933), Văn hóa vật chất (Tri Tân, 1943, số 106 – 110), Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (Tri Tân, 1944) … Các bài viết, các công trình nghiên cứu của ông cho thấy phông kiến thức của ông rất phong phú, uyên bác, từ văn hóa Trung Hoa, văn hóa khu vực đến văn hóa dân tộc, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần …. ở lĩnh vực nào, ở vấn đề nào ông cũng đều đào sâu suy nghĩ, đưa ra những kiến giải dựa trên hệ thống tư liệu đáng tin cậy và phương pháp làm việc khoa học.
Trong các bài viết, các buổi diễn thuyết, nói chuyện, học giả Nguyễn Văn Tố luôn đề cao những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: hiếu thảo, cần cù, lễ phép, thân ái, giúp đỡ người nghèo, nói lời thì giữ lấy lời, cố gắng làm việc nước cho hết bổn phận, hiếu học ... Thực tiễn chứng minh rằng, giá trị văn hóa dân tộc chính là sợi dây liên kết chặt chẽ các thế hệ, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vượt qua những thời khắc hiểm nghèo của lịch sử. Sự cổ vũ, thức tỉnh tinh thần dân tộc trên cơ sở nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về đất nước, về truyền thống văn hóa tốt đẹp chính là cách thức khôn ngoan để nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nói cách khác, đây là cách để các nhân sĩ yêu nước như Nguyễn Văn Tố “gây men”[7] cho các giai tầng trong xã hội.
Say mê nghiên cứu, gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc nhưng Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố không quay lưng lại với văn minh phương Tây. Điều này khác với một số nhân sĩ cùng thời. Tinh thần khoan dung văn hóa đã làm nên thái độ ứng xử của ông trước văn hóa truyền thống dân tộc và văn minh phương Tây. Ông nhận thấy tính chất hữu dụng của văn minh phương Tây và đi đầu trong việc tuyên truyền những kiến thức về khoa học, vệ sinh... cho đồng bào mình. Bằng vốn ngoại ngữ uyên bác, ông chiếm lĩnh tri thức về lịch sử thế giới, về tinh hoa văn hóa của nhân loại và giới thiệu với bạn đọc trong nước thông qua các công trình nghiên cứu. Nhưng việc tiếp nhận văn hóa, văn minh phương Tây của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố không làm phai nhạt hồn cốt dân tộc trong con người Ông. Từ suy nghĩ đến hành động, thủy chung như nhất, con người Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố toát lên tinh thần tự hào dân tộc. Có lẽ, chính lòng yêu nước đã thành ngôi sao dẫn đường để người trí thức uyên bác như Ông vừa nhận thức và thâu hóa được những giá trị của văn minh phương Tây, vừa trân trọng và gìn giữ được những nét đẹp của văn hóa Việt Nam truyền thống.
Nền văn hóa của một dân tộc luôn cần có diện và điểm. Nếu diện là phông văn hóa chung của cả dân tộc, thì điểm là những điểm nhấn – những nhân cách văn hóa, những người góp phần cho văn hóa dân tộc tỏa sáng. Trong cuộc tiếp biến văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc diễn ra vào đầu thế kỷ XX, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố chính là một điểm sáng. Sự đóng góp tích cực của ông vào công cuộc mở mang dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần khơi những mạch nguồn trong mát để văn hóa dân tộc trường tồn với thời gian.
“Nhớ Cụ xưa,
Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết
Mở mang văn hóa, Cụ dốc một lòng
Phú quý công danh, Cụ nào có thiết…”[8]
[1] Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, trang 214.
[2] Vũ Đình Hòe (2009), Nguyễn Văn Tố vị Hội trưởng của dân trí, Tạp chí Xưa và nay số 333 tháng 6 – 2009, trang 9.
[3] Dẫn theo Nguyễn Xuyến (2012), Nguyễn Văn Tố - học giả uyên bác đi đầu trong sự nghiệp truyền bá quốc ngữ, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 11 – 2012, trang 66.
[4] Dẫn theo Ngô Thế Long (2016), Học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 11 – 2016, trang 23.
[5] Trần Thị Thanh Huyền (2017), Những đóng góp của Nguyễn Văn Tố với văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX (Qua những bài viết trên Tạp chí Tri Tân), Tạp chí Nguồn nhân lực khoa học xã hội, số 2 – 2017, trang 86.
[6] Bùi Thiết (1993), Nguyễn Văn Tố con người và hoạt động khoa học, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số 2 – 1993, trang 64-65.
[7] Chữ dùng của Vũ Đình Hòe trong Nguyễn Văn Tố vị Hội trưởng của dân trí – tlđd, trang
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Lời điếu cụ Tố, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Lâm Minh Khuê