Chương tình Phượng Hoàng là chương trình phối hợp giữa lực lượng quân sự và tình báo của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn được triển khai rộng khắp Miền Nam Việt Nam trong những năm 1967-1972, nhằm tiêu diệt đội ngũ cán bộ ở cơ sở của Cách mạng miền Nam. Chương trình này được Hoa kỳ bắt đầu thực hiện từ năm 1967 dưới tên Phoenix Program, và sau đó Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu tiếp nối dưới tên Chương trình Phượng Hoàng từ tháng 7/1968.
Tháng 3/1966, đồng thời với việc gia tăng quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam, Hoa Kỳ cho rằng cần phải tiến hành bình định vùng nông thôn, đưa vùng này thoát khỏi sự kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Tổng Thống Lyndon B. Johnson chỉ định Robert W. Komer làm Phụ tá đặc biệt tại Washington để hướng dẫn, phối hợp và giám sát các “chương trình không quân sự” (hay còn gọi là một "cuộc chiến tranh khác").
Sau vài chuyến viếng thăm Việt Nam, Komer báo cáo rằng công cuộc bình định nông thôn đang gặp bế tắc và đề nghị lên Tổng thống Johnson một số biện pháp để giải quyết.
Ngày 29/6/1967, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam đã tóm tắt một bản nghiên cứu về chiến lược của Việt Cộng. Bản nghiên cứu nêu rõ “hạ tầng cơ sở Việt Cộng” là một mối đe dọa đối với chiến thắng của Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam.
Cũng trong năm 1967, cơ quan tình báo CIA đã đề nghị tất cả các cơ quan tình báo Mỹ phải chú tâm vào việc thu thập các tin tức về “hạ tầng cơ sở Việt Cộng” ở các địa phương. Giới chức tình báo Hoa Kỳ định nghĩa Phượng Hoàng là một nỗ lực nhằm hệ thống hóa việc phối hợp và khai thác các hoạt động tình báo. Trước khi có kế hoạch Phượng Hoàng, một quận có thể có tới 11 mạng lưới tình báo của Mỹ, đồng minh Việt Nam Cộng hòa và các đồng minh khác, hoạt động riêng rẽ. Điều này gây tốn kém rất nhiều kinh phí mà lại kém hiệu quả. Nên việc thống nhất tin tức hình báo và phối hợp hành động được đặt ra như là một biện pháp căn bản của Chương trình Phượng Hoàng.
Một áp phích cổ động Chương trình Phượng Hoàng (Ảnh tư liệu)
Phượng Hoàng đã phối hợp sử dụng các nguồn tin từ các ủy ban tình báo hỗn hợp của chính quyền các cấp cho tới cấp quận. Các cố vấn Mỹ, kể cả CIA, đã tham dự trong nỗ lực gạn lọc các nguồn tin từ các mật báo viên, người cho tin, tù binh và nhiều nguồn khác. Nhiều đơn vị vũ trang cũng được tung vào vùng Việt Cộng kiểm soát để thu thập tin tức.
Cùng với các chiến dịch quân sự quy mô lớn sau Tết Mậu Thân, Chương trình Phượng Hoàng đã góp phần mở rộng vùng chiếm đóng và ảnh hưởng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1970, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố kiểm soát trên 97 % lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Theo số liệu của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, nhờ có Chương trình Phượng Hoàng, tính đến tháng 6 năm 1970, đã có 91% trên tổng số 10.944 ấp được coi là an ninh hay tương đối an ninh, và 7,2% đang còn tranh chấp, và chỉ có 1,4% được coi do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát.
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn ước tính có khoảng 80.000 cán bộ thuộc hạ tầng cơ sở Việt Cộng ở nông thôn và đến tháng 5/1968, Chiến dịch Phượng Hoàng đã góp phần loại bỏ 16.000 cán bộ trong số đó.
Tổng Thống Johnson đã ủy nhiệm cho tướng Westmoreland, Tư Lệnh MACV, kiểm soát cả hai lĩnh vực dân sự và quân sự về bình định, và đồng thời chỉ định Komer làm phó cho Westmoreland đặc trách về bình định. Komer đứng đầu một cơ quan mới thành lập (từ tháng 5/1967) được đặt tên là Civil Operations and Revolutionary Development Support gọi tắt là CORDS (cơ quan này chúng ta vẫn gọi là Cơ Quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ) để thống nhất các nỗ lực về quân sự và dân sự trên mọi cấp.
Chương trình Phượng Hoàng được bắt đầu từ Hoa Kỳ, dần dần được chuyển giao cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ngày 1/7/1968, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Chính quyền Sài Gòn bắt đầu thực Chương trình đánh vào hạ tầng cơ sở Việt Cộng, có tên là Chương trình Phượng Hoàng.
Mỹ đã đệ trình một bản phúc trình lên Thượng Nghị Sĩ William J. Fulbright, Chủ Tịch Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng Viện, nói rằng: “Phượng Hoàng là một kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tập trung và phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan quân sự và dân sự nhằm vô hiệu hóa các hạ tầng cơ sở Việt Cộng. Nền tảng của nó là một cố gắng phối hợp đầy đủ các hoạt động về tình báo của tất cả các cơ quan của chính phủ Việt Nam và của Mỹ nhắm vào hạ tầng cơ sở Việt Cộng với mục đích muốn vô hiệu hóa những ảnh hưởng và sự kiểm soát của nó trên dân chúng”.
Chương trình Phượng Hoàng của chính quyền Sài Gòn phân loại cán bộ Việt cộng ở cơ sở ra các loại khác nhau và ấn định cách thức xử trí đối với mỗi loại cán bộ. Các cán bộ Việt Cộng này sẽ bị xử án tù từ 3 tháng đến 2 năm khi bị bắt giữ và bị kết tội hoạt động cách mạng.
Theo báo cáo của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, năm 1969 có 47.000 cán bộ hạ tầng cơ sở Việt Cộng bị bắt giữ và cải tạo, con số đó năm 1970 là 32.000 người. Chiến dịch Phượng hoàng được ca ngợi là “khá nhân văn” vì đa số chỉ bị tù vài tháng rồi trả tự do.
Nhưng sự thực không phải như vậy. Chương trình Phượng Hoàng là cái cớ để Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn gia tăng các hoạt động đàn áp, giết hại nhiều cán bộ cách mạng và dân thường có xu hướng ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Một nạn nhân của Chương trình Phượng Hoàng (Ảnh tư liệu)
Một số tiền rất lớn đã được chi cho chương trình Phượng Hoàng, chủ yếu để thưởng cho những tin tức tình báo đưa đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt những cán bộ của Mặt trận. Số tiền được chi lớn đến nỗi trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm 1970, Colby lúng túng khi bị báo chí chất vấn: “Tiền có phải là động lực kích thích người Việt Nam hoạt động cho chương trình hay không?”.
Khi được chất vấn rằng tại sao số người bị giết hại lên đến trên 30 % tổng số người bị bắt, Colby thừa nhận rằng, nhiều khi lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nổ súng trước khi kiểm tra và sau đó mới phát hiện rằng đó là những cán bộ cộng sản.
Trên thực tế, điều này hoàn toàn có thật, bởi trực thăng Mỹ bắn chết bất kỳ ai, bắn vào bất kỳ cái gì động đậy, sau đó mới kiểm tra đó có phải là cán bộ cộng sản hay không. Các lực lượng hành quân mặt đất cũng thế, đúng như lời thú nhận của một cựu binh Mỹ:“Đầu tiên, mấy ông thần ở Sài Gòn lên danh sách đen. Dựa trên danh sách này, bọn tôi phối kiểm với tình báo quận, huyện. Rồi thì phối hợp các nguồn tin. Đêm sau, hoặc vài đêm sau, mấy đứa cao bồi trong toán công tác mò vào làng gõ cửa nhà dân, bảo “Mẹ mày, đùa tí chơi”. Rồi, Đoàng ! Không có kiểm soát trách nhiệm gì hết”[1]. Việc giết thường dân bị nghi là Việt Cộng đã diễn ra hoàn toàn như một trò đùa.
Đo là lý do Báo Washington Post ra ngày 17/2/1970, chỉ trích chương trình Phượng Hoàng và cho rằng, “Phượng Hoàng đối với nhiều người ở Mỹ, thường được coi như là một Công ty ám sát người Việt (Vietnamese Murder Inc.)”.
Theo tính toán, chương trình Phượng Hoàng đã sử dụng 450 nhân viên cố vấn tình báo Mỹ, trong số đó 262 người trực tiếp tham gia những cuộc hành quân cấp quận.
Thực tế thì nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ đã tham gia vào các cuộc hành quân Phượng Hoàng và họ được trả lương cao gấp 4 lần những người lính của các đơn vị thông thường.
Chương trình Phượng Hoàng chỉ tạm thời bị ngừng lại khi quân giải phóng mở chiến dịch tiến công Xuân-Hè 1972, và chấm dứt hoàn toàn vào đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết.
Theo W. Colby, chương trình Phượng Hoàng đã làm thiệt mạng khoảng 20.000 người và tất nhiên, vẫn như thường lệ, Colby đổ lỗi cho những người này là chống đối quyết liệt lực lượng Hoa Kỳ và Nam Việt Nam.
Chương trình Phượng Hoàng cuối cùng đã thất bại cùng với thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Lê Minh
[1]. Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 7.