Ở Việt Nam, Người Chăm đa phần sống rải rác ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ, gồm 3 cộng đồng tôn giáo chính: Bà-la-môn, Bà-ni và Islam. Mỗi cộng đồng tôn giáo có nếp sinh hoạt và các nghi lễ khác nhau, nhưng ít nhiều có mối tương đồng về nhân sinh quan. Điều này được thể hiện qua các lễ hội cầu mưa, lễ hội Ka-tê, lễ hội Ranuwan (Ramưwan), lễ hội Tháp Bà Po Nagar, lễ mở cửa tháp… và người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Vậy nên đồng bào Chăm có câu: Hadiep jieng ka urang, Mutai ba talang ka gep (Còn sống thì tạo dựng cho người (vợ), Khi chết đi thì về nhà mình (mẹ)).
Nghi lễ truyền thống của người Chăm. Ảnh: vov4
Tại Bình Thuận, đồng bào Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, với 9.041 hộ/39.656 khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,98% so với các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc Chăm sống rải rác khắp các huyện, thị, thành phố của tỉnh; trong đó, cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình, chiếm 57,28%[1]. Đồng bào Chăm theo hai tôn giáo chính là Bà-la-môn giáo và Hồi giáo Bà ni; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào thuần túy theo phong tục truyền thống; ngoài ra, còn một số đồng bào Chăm theo đạo Islam.
Theo truyền thuyết Chăm vào thế kỷ thứ XII thời vua Po Klaong Garai trị vì, trong nước xảy ra nạn đói kém, dân chết đầy đường, vì đây là tầng lớp lao động nghèo nên người chết không được làm lễ hỏa táng, xương cốt vứt bỏ khắp nơi. Quan niệm tín ngưỡng người dân cho rằng do không được siêu thoát khỏi trần gian nên hồn ma người chết vẫn lảng vảng quanh họ, gây nên những cảnh chết chóc, bệnh tật triền miên. Do đó người dân lao động đã nổi dậy đòi nhà vua và tăng lữ cầm quyền cho họ được thiêu xác chết và chôn cất cho có nơi có chỗ, như vậy thì nhân dân mới có thể được yên ổn làm ăn. Đứng trước tình hình đó, vua Po Klaong Garai đã chấp nhận và cho dựng Kut (Các nghĩa địa người Chăm) để chôn xương tầng lớp lao động nghèo. Kể từ đó, Kut được hình thành và tồn tại đến ngày hôm nay.
Hình tượng trong Kut Chăm là những tảng đá hình tròn, không vết tì xước, được lấy ở sông, suối. Để mang được đá về làm lễ, các vị chức sắc Chăm phải cúng xin phép thần linh. Nghi lễ này mang ý nghĩa lá rụng về cội. Người Chăm Bà-la-môn ở Bình Thuận quan niệm lúc sinh thời có thể sinh sống ở bất kỳ nơi nào, nhưng khi chết đi phải về với gia đình, dòng tộc, xóm làng.
Người Chăm theo đạo Bà-la-môn khi chết đi, sau 1 thời gian chôn cất, hài cốt sẽ đào lên làm đám hoả táng-gọi là Ndam Thu (với dân thường và một số chức sắc), còn với Ppo Adhia (Sư Cả) sẽ không chôn mà làm ngay khi chết đi-gọi là Ndam That - ngày xưa người Chăm chỉ làm Ndam That, nhưng do tốn kém và một số gia đình không có khả năng vật chất để làm, nên sau này có Ndam Thu để phù hợp với người nghèo và tầng lớp thường dân. Sau đám hoả táng, người ta lấy 9 mảnh xương đầu đối với nữ và 7 mảnh xương đầu đối với nam, các mảnh xương được gọt giũa nhỏ nhắn gọn gàng như hình đồng xu được bỏ vào chiếc Klaong (tức cái hộp đựng hài cốt) và cuối cùng là đem vào nhập Kut bên tộc họ mẹ. (Điều này cũng một phần xuất phát từ truyền thống mẫu hệ của người Chăm nên phụ nữ là người sẽ chủ động trong quan hệ luyến ái. Hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con sinh ra đều theo họ mẹ). Đây là một phần nghi lễ trong chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm, cho nên được xem là nghi lễ quan trọng.
Kut là nơi cuối cùng của một đời người Chăm theo Bà-la-môn. Đó là một khu đất được xây cất và chọn lựa kỹ càng của chức sắc dòng họ, Kut lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào sự giàu có hay đông đúc của dòng họ. Xung quanh được xây rào chắn hoặc không, nền Kut thường có hình chữ nhật và quay về hướng Bắc - hướng của cõi âm.
Những hộp xương trán của người đã khuất được tập hợp lại chuẩn bị đưa vào Kut. Ảnh: vov
Kut thường chia làm 2 khu, khu cho người chết tốt và khu cho người chết xấu. Chết tốt là khi nguời ta sống ở đời được họ hàng tin cậy, coi trọng, là một người có ích cho xã hội…và không bị mất đi các phần trong cơ thể, không bị các vết mổ, không chết ngoài đường, được chết trong tay người thân trong nhà…và người chết xấu là ngược lại. Khu cho người chết tốt lại phân ra thành các hòn đá khác nhau: Đá cho người nam ở phía Đông, phía Tây cho người nữ và ở giữa là Ppo Di (người có chức sắc, địa vị). Ngoài ra, với tộc họ lớn còn có khu Urang Murat - người ngoài (người không có nguồn cội lấy vợ trong dòng họ). Thông thường, Kut của người Chăm có 6 tảng đá (mỗi tảng đá biểu trưng cho 1 dòng tộc, cho giới tính). Các hộp Klaong sẽ được một vị chức sắc làm lễ tẩy uế và tắm rửa sạch sẽ, sau đó ghi tên nhằm tránh nhầm lẫn và tuân theo thứ tự từ lớn đến bé.
Lễ nhập Kut của người Chăm Bà-la-môn diễn ra theo chu kỳ 5 năm đến 10 năm và thường diễn ra vào các tháng 3,4,6,8,10,11 theo Chăm lịch. (Theo lịch của người Chăm, họ quan niệm tháng Giêng là tháng nhớ nhung, tương tư; tháng 2 và 8 là tháng tội lỗi, tháng 3 là tháng nhiều lúa gạo, tháng 4, 5 và 9 là tháng gây hấn, tháng 6 nhiều tiền tài của cải, danh lợi, tháng 7 là tháng ốm đau, tháng 10 phát tài, tháng 11 là sự thịnh vượng, tháng 12 là tháng lửa phát cháy). Khi dòng họ tập trung được thật nhiều Klaong thì dòng họ sẽ tổ chức lễ nhập Kut, tuỳ dòng họ lớn hay nhỏ mà Klaong được tập trung nhiều hay ít, có thể từ 20 đến 100 chiếc Klaong hoặc hơn. Những chiếc Klaong được phân loại tốt xấu với một hội đồng chức sắc và những người đứng đầu dòng họ. Thông thường con cháu trong nhà sẽ hạ Klaong sớm vài ba ngày để trong nhà để nhiều thời gian nói chuyện với người đã khuất, vì đây là lần cuối cùng được cơ hội báo hiếu của con cháu trong nhà. Các con cháu có thể thỉnh Klaong về nhà mình để người đã khuất thăm nhà lần cuối cùng trước khi về với tổ tiên hay kiếp luân hồi. Lễ nhập Kut sẽ diễn ra vào 2 ngày chính là thứ 3 và thứ 4, nên từ ngày thứ 2 Klaong sẽ được con cháu khiêng bằng Kiệu đến dòng họ con cháu nhà mẹ để chuẩn bị cho nghi lễ nhập Kut. Sau lễ nhập Kut, trong tộc họ không được tổ chức cưới hỏi, giết mổ động vật trong nhà, các lễ ăn mừng, kể cả nghi lễ lớn như tết Kate trong vòng 1 năm để chịu tang cho người đã khuất.
Khi các nghi thức xong xuôi, các mảnh xương trán lại được đặt cẩn thận trong hộp Klaong để chuẩn bị nghi thức quan trọng. Vào lúc 0 giờ, vị chức sắc cao nhất là Pô Sà[2] sẽ làm nghi lễ linh thiêng này. Lúc này chỉ có vị chức sắc và người dòng tộc được tham gia lễ. Lễ diễn ra vào đêm khuya, vì đó là lúc Pô Sà sẽ hóa thân thành thần Shiva[3] dẫn linh hồn người đã khuất về với dòng họ, tổ tiên và đến với thế giới vĩnh hằng, kết thúc một vòng đời của người Chăm. Bên cạnh đó nghi lễ nhập Kut của người Chăm còn thể hiện triết lý “lá rụng về cội” của người Chăm Bà-la-môn một cách rõ nét.
Nghi lễ nhập Kut thể hiện được phần lớn một đời người, triết lý làm người của người Chăm Bà-la-môn cho một nghĩa vụ làm người, trả xong món nợ ở trần gian. Người Chăm Bà-la-môn thì cho rằng Kut là nơi cư ngụ của tổ tiên (On Proh) và được phụng thờ, là nơi làm các nghi lễ cầu cúng của gia đình và tộc họ trong các dịp lễ hội Katê hàng năm. Đây cũng là dịp để đồng bào người Chăm theo đạo Bà-la -môn hội tụ gặp gỡ tạo thành một nét gắn kết cộng đồng thêm khăng khít gần gũi hết sức đặc sắc.
Những năm gần đây, cùng với việc đời sống của người Chăm nói chung và người Chăm theo đạo Bà-la-môn nói riêng không ngừng được cải thiện, nhiều phong tục truyền thống có nét văn hóa riêng được gìn giữ và trường tồn. Trong đó nghi lễ nhập Kut cho người Chăm đã khuất theo đạo Bà-la-môn đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó không ngừng tăng tính phong phú, đa dạng, hấp dẫn của văn hóa, con người Bình Thuận.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Khánh Thế (chủ biên), (1995), Từ điển Chăm – Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Inrasara (2014), 4650 từ Việt - Chăm thông dụng, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM.
[1] Số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tháng 12/2020.
[2] Mỗi họ có 1 Pô Sà, là con gái người Chăm có quyền lực cao nhất giống như vua của họ.
[3] Là hiện thân của sự khởi đầu mới cũng như bảo quản và tiêu hủy. Biểu tượng chính của thần Shiva là con mắt thứ ba trên trán, con rắn Vasuki quanh cổ, vật cưỡi là con bò mộng Nandi.
Huỳnh Thông