Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội thắng lợi khá sớm so với các địa phương khác trong cả nước, kể cả các địa phương trong khu giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc. Sự kiện này có tác động vô cùng lớn đối với việc khởi nghĩa giành chính quyền tại các địa phương trên cả nước
Tường thuật cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội
Báo Tin Mới, số ra ngày 20-8-1945, mô tả cuộc biểu tình giành chính quyền ngày tại Hà Nội ngày 19-8-1945 như sau :
“Trưa 19-8. Không phí một giọt máu, cuộc Cách mệnh của Việt Minh đã thành công.
Suốt ngày thứ bảy,18-8-1945, Các đoàn Cứu Quốc và đoàn Xung phong của Việt Minh cho ô tô mang loa truyền khắp thành phố Hà Nội, khắp các vùng ngoại ô và Gia Lâm, báo tin Việt Minh sẽ tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ tại Nhà hát lớn Thành phố vào 10 giờ sáng chủ nhật 19-8-1945, đồng thời trên các đường phố khắp Hà thành dán những biểu thị cổ động cho cuộc biểu tình, hô hào đoàn kết để vũ trang đi tới chống mọi cuộc xâm lăng và thành lập một chính quyền cách mạng …
…Rồi từ sáng sớm chủ nhật hôm qua, cờ đỏ sao vàng mọc lên khắp trước cửa các nhà.
Chưa 10 giờ, dân chúng đã tụ tập đông trước Nhà hát lớn.
Các giới, các nhóm ủng hộ Việt Minh đứng xếp thành hàng ngũ dưới những lá cờ đỏ sao vàng càng làm tăng thêm sự oai nghiêm và rực rỡ của một lá cờ lớn cùng màu sắc buông từ thượng tầng Nhà hát lớn xuống.
Rừng cờ đỏ.
11 giờ. Trước Nhà hát lớn hiện lên một rừng cờ đỏ. Một tấm biển được chú ý nhất với khẩu hiệu: “Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập chiến đấu bên chỉnh phủ Việt Minh”.
Trên thềm Nhà hát lớn, đoàn Xung phong Việt Minh và đoàn Tự vệ nghiêm chỉnh đứng, khí giới tuốt trần đưa thẳng lên trời.
Đó là biểu hiện cuộc biểu tình có tính chất vũ trang tuần hành thị uy để đi tới một thắng lợi. Quanh đó những đoàn dân quân Hà Nội và các vùng lân cận Hà Nội sát cánh đứng dưới cờ, nhiều đội phụ nữ trang sức lối Hà thành đã đứng xếp hàng nắm tay các chị quần áo vải nâu.
Bản Tiến quân ca.
Trước sự đoàn kết của mấy vạn dân chúng đủ các giai cấp, đủ các giới và đủ cả già, trẻ, trai, gái đó vang lên bản nhạc “Tiến quân ca”. Nhạc dứt. Mười em nhỏ đứng trước máy đồng thanh hát to. Dân chúng vỗ tay hoan hô và hát theo….
Ba phát súng nổ. Bắt đầu chào cờ. Thêm một lá cờ đỏ sao vàng nữa trên nóc kỳ đài.
Một loạt truyền đơn từ trên cao Nhà hát lớn bay xuống.
Tiến vỗ tay vang lên hoan nghênh một chiến sĩ đọc lới hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc biểu tình thị uy.
Chiến sĩ Việt Minh hô hào dân chúng dự cuộc biểu tình đi theo các đoàn Xung phong và Tự vệ vũ trang tuần hành thị uy. Dân chúng xếp hàng năm người một, bước theo cờ.
Nhạc Tiến quân ca vang theo từng nhịp bước.
Ở một số, có cả một số cảnh binh và bảo an mang súng tham gia vào đoàn biểu tình.
Cuộc đánh chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính và các công sở khác diễn ra thuận lợi” .
Trại Bảo an binh, nơi từng diễn ra cuộc đấu trí căng thẳng giữa Ủy ban
Khởi nghĩa Hà Nội và quân đội Nhật
Vài nhận định về cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội
Có một điều khá đặc biệt là trong lúc Việt Minh tại Hà Nội đang thương thuyết nhằm thuyết phục quân đội Nhật án binh bất động, không can thiệp vào cuộc cách mạng của nhân dân Hà Nội thì tại Thái Nguyên, Trung ương Đảng chủ trương tiến công quân Nhật, mở đầu cho giành chính quyền trên địa bàn.. Sáng ngày 20-8-1945, cuộc tiến công nổ ra.
Chính vì vậy, ông Lê Trọng Nghĩa cho rằng : “Đó là một cuộc đột phá tuyệt vời ! Nếu như chúng tôi rụt rè và chậm một chút, chỉ nửa ngày thôi, thì không biết tình hình sẽ diễn biến ra sao ! Vì ngay sáng 20, Quân giải phóng của ta nổ súng đánh vào quân Nhật ở Thái Nguyên (lúc đó chúng tôi cũng không hề biết ! [1]”.
Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết: “Tin khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi truyền đi như một luồng gió mạnh góp thêm vào trận bão cách mạng đang cuồn cuộn dâng lên trong cả nước. Khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi còn là “một đòn giáng mạnh vào chính quyền bù nhìn ở các tỉnh, làm tinh thần binh lính địch tại những nơi này mau tan rã, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cách mạng”[2].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Ở Hà Nội, lúc thời cơ đến, theo đường lối của Đảng và chỉ thị của Trung ương, mặc dù mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa và Quân lệnh số Một chứ đến Hà Nội thì nhân dân Hà Nội, các chiến sĩ Việt Minh ở Hà Nội, tự vệ Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, lúc đó chỉ có mấy chục đảng viên, nhưng hết sức sáng tạo, gan dạ, đồng lòng cùng với đông đảo đồng bào đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Tôi nghĩ rằng, nhân dân Hà Nội có một tiềm năng và nghị lực sáng tạo cực kỳ to lớn. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, ảnh hưởng vang dội trong cả nước”[3].
Ông Lê Trọng nghĩa cũng cho rằng: “Điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội là do chính sự tự lực của nhân dân Hà Nội tập hợp nhau lại, cùng tiến hành, theo Chính cương của Việt Minh, khi chưa có lực lượng vũ trang và cũng không có sự hỗ trợ của quân giải phóng từ các chiến khu hay từ Trung ương.
Ra được quyết định cho Hà Nội khởi nghĩa và đưa đến thành công là một kỳ tích, nói lên sự sắc bén, nhanh nhạy, dũng cảm chính trị và đầy trách nhiệm của Xứ ủy, khi mà các đồng chí không hề nhận được bất cứ mệnh lệnh cụ thể nào từ Trung ương”[4].
Ông Lê Quang Đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội từ đầu năm 1943 đến đầu năm 1945 cho rằng: Chủ trương của Đảng là đúng, nhưng nếu Thành ủy Hà Nội không kiên quyết và kịp thời thì thời cơ thuận lợi sẽ nhanh chóng qua mất. Nếu như ở Hà Nội không giành được chính quyền, chỉ các nơi khác giành được chính quyền thì tình hình sẽ phức tạp, cục diện tình hình có thể thay đổi[5].
Đại tướng Nguyễn Quyết kể lại những giây phút căng thẳng trong quá trình chiếm
Trại Bảo an binh trong khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Nội
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội là “khôn khéo và mau lẹ, xuất sắc dù không có một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài”[6]. “Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung diễn ra thật đúng lúc. Khi những người lính Đồng Minh đầu tiên đến giải giáp quân Nhật đổ bộ lên Việt Nam, họ đã đứng trước một Chính phủ được nhân dân thừa nhận là hợp pháp”[7].
Hà Nội vốn là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc địa của Pháp, là trung tâm đầu não của kẻ thù nên cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội có tầm quan trọng đặc biệt. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội giữ vai trò hàng đầu cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang trong toàn quốc.
Khách quan nhìn nhận sự kiện, sử gia Stein Tonnesson cho rằng: “Vai trò trọng yếu của cuộc nổi dậy ở Hà Nội là không thể chối cãi được. Việc Hà Nội, thủ phủ của Đông Dương được tiếp quản ngay từ sáng ngày 19-8-1945 có một ảnh hưởng quan trọng trong việc lan truyền cuộc cách mạng tới vùng còn lại của nông thôn. Tới một mức độ nhất định, đây là cuộc cách mạng “bằng điện báo’ – sử dụng theo cách diễn đạt của Trosky”[8].
Đồng chí Trường Chinh nhận định: “Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19-8 sớm hơn nhiều tỉnh khác là nhờ cuộc biểu tình ngày 17-8, ta biết thái độ của địch là co vào doanh trại; sáng kiến và anh dũng của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đã cướp ngay lấy thời cơ, nổi dậy giành chính quyền. Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa ở miền Bắc (gồm cả Hà Nội, Huế) là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc tổng khởi nghĩa … tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không thể chậm trễ được nữa”[9].
Khởi nghĩa tại Hà Nội có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi khởi nghĩa tại Sài Gòn, điều này đã được ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) khẳng định. Tin chính thức Hà Nội đã khởi nghĩa đến Sài Gòn, “được đồng chí Bí thư đưa ra để chứng minh rằng có thể vô hiệu hóa quân Nhật… rồi quyết định lấy Tân An làm thí điểm khởi nghĩa. Ngày 21, 22 khởi nghĩa Tân An thành công. Và Sài Gòn sẽ “bấm nút” khởi nghĩa vào tối 24”[10].
Ông Trần Văn Giàu khẳng định: “Tôi ca ngợi ngày 19-8 ở Hà Nội và cho rằng có khởi nghĩa 19-8 ở Hà Nội mới có khởi nghĩa 25-8 ở Sài Gòn”[11].
“Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945”[12].
Những nhận định nói trên của người trong cuộc đã cho thấy vị trí, vai trò cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
BìnhThi
[1] . Lê Trọng Ngĩa: Đồng chí Nguyễn Khang với khởi nghĩa tháng Tám tại Thủ đô Hà Nội, trong Tạp chí Xưa và Nay, số 241, 2005, tr. 6.
[2] . Nguyễn Quyết: Hà Nội tháng Tám (Hồi ký), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1984, tr. 54.
[3] . Đại tướng Võ Nguyên Giáp:Thủ đô Hà Nội với Cách mạng tháng Tám, trong Tạp chí Xưa và Nay, số 78, 2000, tr. 4.
[4] . Lê Trọng Nghĩa: Đồng chí Nguyễn Khang với khởi nghĩa tháng Tám tại Thủ đô Hà Nội, trong Tạp chí Xưa và Nay, số 241, 2005, tr. 5.
[5] . Lê Quang Đạo: Xây dựng lực lượng cách mạng, đón thời cơ khởi nghĩa ở Hà Nội, trong Tạp chí Lịch sử Đảng, 1985.
[6] . Việt Minh Hoàng Diệu, sđd, tr. 470.
[7] . Việt Minh Hoàng Diệu, sđd, tr. 482.
[8] . Stein Tonnesson: The Vietnamese revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in ơ world at war, SAGE Publication Ltd, 1991. Bản dịch tiếng Việt lưu tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 100.
[9] . Trường Chinh: Bài giải đáp về Cách mạng Tháng Tám tại trường Nguyễn Ái Quốc tháng 4 năm 1963. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nxb. Chính trị quốc gia,Hà Nội, 1995,tr. 200.
[10] . Trần Văn Giàu, Mùa Thu lịch sử, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1996.
[11] . Báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 23-7-2000.
[12] . Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 200.