Chiến thắng 30/4 là chiến thắng chung của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp của “lực lượng thứ ba”, những người có tinh thần dân tộc, dân chủ, đấu tranh chống chế độ Sài Gòn, vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất
Xuất xứ lực lượng thứ ba
Có nhiều quan niệm khác nhau về “lực lượng thứ ba” hoặc “thành phần thứ ba” trong hoạt động chính trị cũng như có sự nhận định khác nhau về vai trò của lực lượng thứ ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương được ký kết, một bộ phận trí thức ở miền Nam Việt Nam đã đấu tranh với chính quyền Sài Gòn do Mỹ lập ra với khẩu hiệu phản đối chiến tranh, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Tuy vậy, để thành một lực lượng gọi là “lực lượng thứ ba” thì chưa phải. Lúc đầu, lực lượng thứ ba là đề cập lực lượng có sự khuyến khích của tư tưởng hòa giải và hòa hợp dân tộc ở trong các giai tầng, nhất là trong giới trí thức người Việt Nam đang sinh sống ở cả trong và ngoài nước. Dần dần, phía ta đã nắm lấy vấn đề này để phát triển các lực lượng có lợi cho cách mạng.
Trong Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, họp từ ngày 27/1 đến ngày 11/2/1972, khi đánh giá tình hình miền Nam, có đề cập phong trào đấu tranh của nhân dân thành thị đòi hòa bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh đã “lôi kéo cả các tầng lớp trung gian”[1]. Bộ Chính trị nêu lên chủ trương: “Ở miền Nam phải có một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ”[2]; “mở rộng mặt trận liên hiệp hành động chống Mỹ-Thiệu, tập trung mũi nhọn đòi quân Mỹ về nước, lật chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, vãn hồi hòa bình, hòa hợp dân tộc”[3].
Nội dung hòa hợp dân tộc sau đó được đưa vào thành Điều 12 của Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973. Tại Điều 12 này, Hiệp định nêu lên việc thiết lập một "Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau"[4].
Trong bức điện ngày gửi Thường vụ Trung ương Cục, Thường vụ Khu ủy Khu V, Thường vụ Khu ủy Trị-Thiên, 28/9/1972, đồng chí Lê Duẩn viết: “Bây giờ ở miền Nam, ta cần nắm khẩu hiệu hòa bình làm khẩu hiệu trung tâm để phát động quần chúng trong vùng địch đứng lên chống Mỹ - Thiệu”[5]; “khẩu hiệu hòa bình gắn liền với khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ…, hòa hợp dân tộc là khẩu hiệu nhằm…phân hóa các thế lực phản động, cô lập bọn tay sai ngoan cố, hiếu chiến nhất, đại biểu quyền lực của giai cấp tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt và nhằm phấn đấu thực hiện chính quyền hòa hợp dân tộc”[6].
Nhà báo Hồ Ngọc Nhuận (bên phải), một người được cho là thuộc "lực lượng thứ ba"
Đồng chí Lê Duẩn còn viết: “Phải kịp thời thành lập lực lượng thứ ba[7] gồm các phe, nhóm tán thành hòa bình, dân tộc, dân chủ, hòa hợp dân tộc, làm thành lực lượng đồng minh trực tiếp của ta để phân hóa hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu và các phần tử thân Mỹ cực đoan, hiếu chiến nhất”[8].
Cứ như thế, trên thực tế, lực lượng thứ ba đã hình thành theo sự tác động có lợi cho cách mạng. Các thế lực khác, kể cả một số thế lực quốc tế, muốn lái lực lượng thứ ba này thành lực lượng cứu vãn tình hình thất bại của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Ngay tới cả những ngày cuối tháng 4/1975, khi quân giải phóng ào ạt tiến vào Sài Gòn, giờ “tận số” của địch đã điểm, thế lực bên ngoài vẫn cứ cố níu kéo thiết lập chính quyền có cả lực lượng thứ ba.
Từ một chủ trương, từ một phương án sử dụng lực lượng thứ ba và thành lập chính quyền liên hiệp, nhưng theo diễn biến cực kỳ mau lẹ dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.”[9] thì do đó, đã bị thực tế lịch sử vượt qua, không thể triển khai được nữa.
Một số nhận định về vai trò của lực lượng thứ ba
Có hai loại ý kiến nhận định khác nhau về vai trò của lực lượng thứ ba. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nó không phải là lực lượng mà chỉ là một khuynh hướng chính trị, lực lượng không đáng kể, chất lượng yếu, không có vai trò gì trong thực tế, chỉ nặng về khát vọng hòa giải và hòa hợp dân tộc mà thôi.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, có lực lượng thứ ba và lực lượng này có vai trò, tuy không lớn, nhưng đó là vai trò tích cực nhất định, rõ nhất là ở thời kỳ sau Hiệp định Paris.
Lực lượng thứ ba có vai trò nhất định góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước là ở những điểm nào?
(1) Góp phần tích cực tạo ra làn sóng mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam và trên thế giới phản đối chiến tranh
Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ và tay sai lâm vào tình thế bất lợi trong việc triển khai chiến lược chiến tranh. Nội tình nước Mỹ càng lâm vào cảnh bị chia rẽ. Chính quyền Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị bốn bên ở Paris. Nội bộ chính quyền Sài Gòn rối ren, tinh thần ngụy quân Sài Gòn sa sút nghiêm trọng. Làn sóng phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ và ở miền Nam Việt Nam nổi lên mạnh hơn, lan rộng hơn. Nhiều tổ chức theo hướng tự do dân chủ, hòa bình đã ra đời. Đó là các tổ chức: Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam; Ban vận động hiệp thương Đảng Xã hội cấp tiến; Lực lượng quốc gia tiến bộ; Tổ chức Tiếng nói nhân dân miền Nam; Uỷ ban thanh niên học sinh tranh thủ dân chủ và hoà bình; Uỷ ban Phụ nữ đòi quyền sống; Uỷ ban Công giáo vận động hoà bình, v.v.
Một cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Hình thức đấu tranh rất phong phú, thể hiện ở các hình thức: báo chí; đấu tranh tuyệt thực, bãi khoá, biểu tình, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, dán áp phích. Các phong trào này đã tạo ra làn sóng mới, rất mạnh mẽ, đoàn kết với các giới, các tầng lớp, các lĩnh vực, góp phần đấu tranh làm cho Mỹ-ngụy lâm vào thế lúng túng.
(2) Góp phần tạo thêm sức mạnh cho lực lượng cách mạng miền Nam
Gọi là lực lượng thứ ba, nghĩa là lực lượng này không theo bên nào, nhưng trên thực tế, do chủ trương của Đảng và sự nhanh nhạy, tích cực của lực lượng cách mạng ở miền Nam, ta đã tranh thủ được lực lượng này, góp thêm một phần sức mạnh cho phía cách mạng. Sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm 1969 và là thành viên tham dự Hội nghị bốn bên ở Paris cũng như tuyên bố về Kế hoạch 8 điểm, ghi rõ việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm ba thành phần ở miền Nam Việt Nam, trong đó lực lượng thứ ba bao gồm những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo trong và ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ đã gây được thiện chí, cảm tình sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân. Các phong trào đấu tranh của lực lượng thứ ba góp phần vào việc ký kết và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, góp phần làm bất ổn nội bộ chính quyền Sài Gòn. Trước tình hình đó, nhiều tổ chức chính trị đã được thành lập để đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải thi hành Hiệp định Paris, đòi thực hiện hoà giải, hoà hợp dân tộc, đòi Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
(3) Góp phần tích cực trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Trong cuộc Tổng tiến công này, lực lượng thứ ba đã có vai trò trong đấu tranh đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Dưới nhiều bất lợi cả từ phía Mỹ và tình hình chiến sự, Nguyễn Văn Thiệu buộc phải từ chức ngày 21/4/1975, thay vào đó là Trần Văn Hương, một nhân vật chống cộng quyết liệt chẳng khác gì Nguyễn Văn Thiệu.
Được sự tác động của một số thế lực nước ngoài cũng như lực lượng binh vận của ta cài sâu vào nội các chính quyền Sài Gòn, và có cả sự góp phần của lực lượng thứ ba, Dương Văn Minh đã lên thay Trần Văn Hương làm tổng thống với hy vọng hiệp thương với lực lượng cách mạng.
Trước sức tiến công như vũ bão của lực lượng cách mạng và do có sự tác động từ trước, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, thành phố Sài Gòn nguyên vẹn. Đất nước toàn thắng. Đó là thắng lợi chung của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó không thể thiếu công đóng góp của lực lượng thứ ba, tuy chính phủ liên hiệp ba thành phần không thành hiện thực. Một thời kỳ hòa giải và hòa hợp dân tộc mới bắt đầu, tuy phải trải qua muôn vàn khó khăn, trắc trở trong những năm còn lại của thế kỷ XX và các thế kỷ tiếp theo.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.27.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.38.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.44.
[4] Toàn văn Điều 12 như sau:
b) Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hoà giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong điều 9 (b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thoã thuận. Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thoả thuận.
(Theo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Hiep-dinh-Cham-dut-chien-tranh-lap-lai-hoa-binh-cua-Viet-Nam-Hoa-ky-23327.aspx).
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.370.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.372.
[7] Có người nêu rằng, đây là lần đầu tiên phía ta đưa ra cụm từ “lực lượng thứ ba”. Cần xác minh thêm.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.33, tr.377.
[9] Ngày 7/4/1975, Đại tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung như trên.