Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề gia đình, luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình trong phát triển đất nước. Đảng ta quan niệm: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[1].
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Ảnh minh họa
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội
Tiếp thu, vận dụng sáng tạo những quan điểm của các nhà tư tưởng đi trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”[2]. Mỗi gia đình chính là một tế bào cấu thành nên xã hội, tế bào có lành mạnh, phát triển tốt đẹp thì xã hội mới phát triển bền vững. Vì vậy, ngay khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”.[3]
Gia đình vừa là “tế bào” tự nhiên, có chức năng tái sản xuất ra con người, vừa là một đơn vị kinh tế, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Có thể xem gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt của con người, là một thiết chế văn hóa xã hội đặc thù. Do vậy, xây dựng và phát triển gia đình đã trở thành chiến lược hạt nhân của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng chỉ rõ: “Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”[4]. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa mới, lối sống mới, con người mới bắt đầu từ mỗi gia đình”[5].
Như vậy, với tư cách là “tế bào của xã hội”, là “tổ ấm của mỗi người”, gia đình cần được quan tâm chăm lo xứng đáng để trở thành nền móng vững chắc, kiến tạo và phát triển xã hội bền vững, đúng như tinh thần của Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình”.
Gia đình là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục con người phát triển toàn diện
Trước khi được xã hội hóa rộng rãi, con người được sinh ra, lớn lên và được giáo dục bởi cái nôi gia đình của mình. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, các quan hệ gia đình (cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em) luôn được đề cao và duy trì rất bền chặt. Đó là cơ sở đạo đức gia đình nuôi dưỡng tình cảm, tâm hồn và rèn luyện phẩm cách con người. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con người nên từ khi tiến hành đổi mới đến nay, Đảng ta luôn chú trọng việc phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng con người và phát triển văn hóa – xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã đưa ra yêu cầu: “Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường, gia đình, từng tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo bồi dưỡng hình thành con người mới” [6]. Cương lĩnh cho thấy, để con người có thể phát triển toàn diện, bền vững phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, mà trong đó, “gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[7]. Như vậy, trong mối quan hệ mật thiết với nhà trường và xã hội, gia đình được khẳng định là môi trường đầu tiên, thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của mỗi con người.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng, phát triển con người, phát triển đất nước, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vai trò của gia đình và những mong đợi của xã hội đối với gia đình: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”[8]. Để phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam vào xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò giáo dục của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”[9].
Như vậy, gia đình phải trở thành môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng, giáo dục con người. Đó là môi trường đầu tiên nhưng cũng là môi trường suốt đời để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người phát triển toàn diện.
Gia đình là nơi lưu truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Gia đình là một đầu mối quan trọng trong sợi dây quan hệ của con người trong xã hội. Với người Việt là nhà – làng - nước. Từ tình yêu gia đình gắn kết với tình yêu quê hương, đất nước, từ tình yêu đối với người thân ruột thịt đến tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào. Chính từ mối quan hệ ứng xử gắn bó ấy mà các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được trao truyền, lưu giữ và phát huy. Văn hóa gia đình là cốt lõi của văn hóa dân tộc. Gia đình vừa đóng góp vào việc xây dựng các chuẩn mực, giá trị đạo đức, phong tục tập quán, lối sống… của dân tộc, vừa tiếp nhận và chịu sự điều chỉnh của các chuẩn mực, giá trị văn hóa ấy.
Vì vậy, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tại Đại hội lần thứ VIII Đảng ta xác định, phải: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”[10]. Gia đình không chỉ có trách nhiệm giáo dục, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc giữa các thế hệ mà còn là thành trì vững chắc ngăn chặn những yếu tố phi văn hóa, phản văn hóa len lỏi vào làm suy thoái đạo đức, nhân cách con người. Xây dựng văn hoá gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng chỉ rõ: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”.
Trong bối cảnh mới, để có thể phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam vào phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, gia đình phải là môi trường văn hóa đầu tiên khơi dậy khát vọng phát triển mãnh liệt ở mỗi con người. Với tâm thế đó, Đại hội XIII của Đảng xác định một nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương để xây dựng, phát triển văn hóa, con người trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của đất nước là: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[11].
Có thể thấy, như Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
[1] Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-02-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam. 2005. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47. Nxb. Chính trị quốc gia, tr 773-774
[4,5,6,7,10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.661
[9,11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
Lương An