Huỳnh Thúc Kháng (tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên) là một trong những gương mặt tiêu biểu của cách mạng Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX. Gắn liền với các chặng đường hoạt động, văn chương của Huỳnh Thúc Kháng luôn chứa đựng giá trị nhân văn, trở thành tấm gương sáng để hậu thế noi theo và tự sửa mình.
Bác Hồ, cụ Huỳnh cùng các đồng chí trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh: Internet)
Ngoài vai trò là một nhà hoạt động cách mạng, một chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hậu thế còn biết đến Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là một nhân sĩ, một tác gia tiêu biểu của dòng văn học yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương “thật là mạnh mẽ, cứng cỏi, như con người của ông”[1]: Thi tù tùng thoại (1939), Thi văn với thời đại (1939), Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng, 1937), Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (1957), Xã túc tập (bản thảo), Gia đình giáo dục (bản dịch - 1937), Tuồng Trưng vương bình ngũ lãnh (tuồng), Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (tự truyện), Thi tù thảo (bản thảo), Đê hải thi tập (bản thảo), Mính Viên cận tác (di cảo)...
Luôn đề cao vai trò của người dân
Điểm nhất quán trong tư tưởng và cũng là nét đặc trưng, giá trị tiêu biểu trong văn chương Huỳnh Thúc Kháng chính là sự đề cao về vai trò của người dân. Trong quan niệm của chí sĩ - nhân sĩ xứ Quảng, “dân” là một chữ quan trọng: “ngày nay là ngày dân quyền phát đạt, khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn”, “Cái nghĩa chân chánh chữ dân từ đây về sau, như mặt trời mới mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả” (Nghĩa chữ dân, 1928)... Ông cũng cho rằng “dân” là trách nhiệm của kẻ sĩ:
“Gánh giang sơn cất nổi để chờ ai
Tang bồng chất nặng hai vai” (Cảm tác, 1933)...
Quan niệm này cho thấy sự nhất quán trong tư tưởng của Huỳnh Thúc Kháng, khi mà trước đó ông đã khẳng định dân là trung tâm:
“Sinh trong một nước phải lo phần
Dưới đất, trên trời, giữa có dân” (Tiếng dân tự đề, 1927)...
Là người luôn nhấn mạnh vai trò của dân, vì vậy, mỗi khi có cơ hội Huỳnh Thúc Kháng thường công khai tuyên truyền và thể hiện quan điểm của mình. Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì và nhất là những năm tháng thành lập, dẫn dắt báo Tiếng Dân (1927-1943), Huỳnh Thúc Kháng đã rất tích cực đấu tranh đòi quyền lợi dân tộc, dân chủ. Các tác phẩm được ông đăng tải trên báo Tiếng Dân và bản thân tờ báo này cho thấy đây không chỉ là “Một nền ngôn luận vốn con con” mà ý nghĩa hơn, như chính tên gọi, là tiếng nói chính đáng của người dân: “Dân đà có tiếng lẽ nào câm/ Tỉnh dậy kêu lên mấy tiếng rầm.” (Đệ nhị chu niên), “Trời cho TIẾNG DÂN cứ sống dai/ Lời nói không sai, nét mực không phai.” (Nhị thập chu niên)…
Vì coi trọng người dân, Huỳnh Thúc Kháng cũng đề cao quyền tự chủ, tự quyết của dân tộc. Chứng kiến cuộc sống lầm than của nhân dân trong cảnh đất nước bị ngoại bang đô hộ, hơn mười năm bị tù đày và sau đó là sự cộng tác với chính quyền cách mạng, hơn ai hết, ông hiểu rằng chỉ khi người dân được tự do thì những điều khác mới có ý nghĩa. Vậy nên, ngay cả trong những ngày tháng cuối đời, Huỳnh Thúc Kháng vẫn tâm niệm: “Chủ nghĩa gì cũng chẳng nên trò, nếu còn là dân nô lệ” (Cùng các anh em đảng phái, tôn giáo, viết ngày 19/4/1947)[2] và mong ước: “Mong anh em hăng hái hơn nữa, nhất định không để cho dân tộc ta bị tròng vào ách thực dân một lần nữa.” (Gởi anh em binh sĩ, viết ngày 19/4/1947)[3].
Như vậy, sự đề cao về vai trò người dân của Huỳnh Thúc Kháng, trước hết được bắt nguồn từ cái tâm chân chính của một bậc trí thức uyên thâm và tiếp đó là từ sự tự thay đổi bản thân của ông qua việc từ bỏ thế giới quan Nho giáo, từ bỏ sự đỗ đạt của chốn quan trường phong kiến để thâm nhập vào thực tiễn đầy chông gai của đời sống, và sau đó là sự cống hiến hết mình cho chính quyền cách mạng. Có thể nói, văn chương Huỳnh Thúc Kháng cũng như cuộc đời ông: “chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Văn chương là một vũ khí để tranh đấu
Dốc trọn tâm lực vào con đường cách mạng đầy gian khổ, Huỳnh Thúc Kháng đã dùng văn chương như một phương tiện, một vũ khí đắc lực để giúp ông tranh đấu. Các tác phẩm của ông, dù viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, dù là thi phú, báo chí hay lịch sử, nghiên cứu… đều đề cao khí tiết của những chí sĩ kiên trung luôn xả thân vì nước; vạch trần sự bóc lột của xã hội thực dân; kêu gọi nhân dân bãi bỏ lối học hủ văn, biết nhìn ra bốn biển để soi rọi lại mình và biết đồng lòng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng đất nước:
“Hỡi hỡi những đồng bào Nam Việt
Cùng giống nòi phải biết thương nhau (...)
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù
Tiếc chi cái sống thừa nhục nhã...” (Lương ngọc danh sơn phú).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (ảnh: Internet)
Đặc biệt, trong thời gian phụ trách tờ báo Tiếng Dân, ngòi bút của Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần quan trọng trong đấu tranh chống văn hóa nô dịch của kẻ thù và bè lũ tay sai: “trong xã hội mới nảy ra những bọn không lao động mà sống được. Lần lần mới có những giai cấp bất lao động đó đã chiếm được cái địa vị sung sướng, bụi không đến chân, mồ hôi không đến tóc, có thì giờ thong thả mà tìm ra mưu này chước nọ để bảo thủ cái sung sướng của mình...” (Hai chữ Lao động, báo Tiếng Dân, 18/2/1930). Qua các tác phẩm được đăng trên báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng (Miếu Trần Hưng Đạo, Cảm đời, Cảm tác, Vịnh Kiều… Tự do ngôn luận, Nghĩa chữ dân, Nếu cam chịu hèn, Thuyết bình đẳng, Hai chữ lao động, Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?... ) đã cho thấy “ông là một nhà văn, một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, là người bạn của những tầng lớp dân nghèo đặc biệt là những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương đang phải sống khắc khoải dưới hai tầng áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến”[4].
Lối thể hiện gần gũi, bình dân
Mặc dù là người xuất thân Hán học nhưng không phải lúc nào Huỳnh Thúc Kháng cũng chọn lối hành văn “gò chữ uốn câu”, “tầm chương trích cú”... Trái lại, văn chương của ông luôn gần gũi, bình dân, trong sáng... nhất là khi hướng tới quần chúng nhân dân.
Thi tù tùng thoại là tập thơ chữ Hán nói về cảnh lao tù đày ải và chí khí của kẻ làm trai, nhưng không vì thế mà khó hiểu:
“Xiềng gông cà kệ biệt Đô-môn
Khảng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn-lôn” (Thi tù tùng thoại, bản dịch của Huỳnh Thúc Kháng, in năm 1939).
Thuật lại chuyện thi cử trong thời kỳ thuộc địa, để mọi người dễ hình dung, ông đã sử dụng lối thơ văn trào phúng: “Những tưởng trường thi, thi chữ nghĩa/ Hay đâu hàng cá lại hàng tôm (...)/ Trăm nghìn nay đỗ bấy nhiêu người/ Đậu hỏng tay quan đã định rồi/ Giám khảo xong rồi thêm nặng túi/ Tha hồ cờ bạc lại ăn chơi” (Chuyện đi thi, 1930).
Ngay cả lúc chuyển tải tâm tư, gửi gắm ước vọng, ông cũng chọn ngôn từ hết sức bình dị: “Sao ta cứ giữ dã man quen thói/Đem mình nô mà luồn lỏi dưới cường quyền? (...) Anh em ta cố gắng tài/ Trời Nam có lúc yết bài tự do” (Khuyên con đi học).
Lối thể hiện gần gũi, bình dân của Huỳnh Thúc Kháng đã làm cho thơ ca ông mang đậm cái hồn dân tộc: “nói lên tiếng nói của dân tộc, nghĩ cái nghĩ của dân tộc, làm cái làm của dân tộc.”[5].
*
Chí sĩ, nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng, tiêu biểu của người trí thức không màng danh lợi vinh hoa, sẵn sàng chấp nhận tù đày gian khổ. Ông là hiện thân của sự vươn tìm cái mới, biết vượt lên trên mọi hạn chế của bản thân và xã hội để hướng tới một giá trị chung, cao cả: Tự do, hạnh phúc của Nhân dân và độc lập, tự chủ của Quốc gia.
[1] Đỗ Đức Hiểu (chủ biên, 2004), “Huỳnh Thúc Kháng” (Lê Chí Dũng viết), Từ điển Văn học bộ mới , Nxb Thế giới, H, tr.674.
[2] Nguyễn Q. Thắng (2001), Huỳnh Thúc Kháng – Con người và thơ văn, Nxb Văn học (tái bản), tr.350.
[3] Nguyễn Q. Thắng (2001), Huỳnh Thúc Kháng – Con người và thơ văn, Nxb Văn học (tái bản), tr.350.
[4] Trần Mạnh Thường (2008), “Huỳnh Thúc Kháng”, Các tác giả văn chương Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.761.
[5] Nguyễn Q. Thắng (2001), Huỳnh Thúc Kháng – Con người và thơ văn, Nxb Văn học (tái bản), tr.309.
Sỹ Bùi