Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên. Đại hội II đánh dấu mốc son trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đã thảo luận và quyết nghị một số vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng và tổ chức của Đảng
Những yêu cầu đặt ra
Sau chiến thắng Biên Giới, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới, có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Ngày 19-12-1950, trong Lời kêu gọi nhân ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: “Sau 4 năm kháng chiến toàn quốc, ta đã từ bị động chuyển sang chủ động, từ thế yếu chuyển sang thế mạnh ... Nhưng tôi phải nhắc lại lần nữa để bộ đội và đồng bào ta ghi tạc vào lòng: tuyệt đối chớ vội thấy thắng mà đã kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi, ta càng gặp nhiều sự gay go, chúng ta phải chuẩn bị sẵn tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới”1.
Về Đảng, Sau 5 năm lãnh đạo kháng chiến, Đảng đã trưởng thành về nhiều mặt. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến các địa phương phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, số lượng đảng viên đã lên tới trên 76 vạn đồng chí. Yêu cầu lịch sử đặt ra là cần có một Đảng công khai, mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mặt khác, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 đã giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi ba nước Đông Dương, cần thành lập ở mỗi nước một Đảng cách mạng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với hoàn cảnh mỗi nước.
Đầu năm 1951, nhiều vấn đề đặt ra với Đảng ta cả về chủ trương, đường lối cách mạng và tổ chức, đó là tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng từ năm 1935 đến năm 1950, đề ra phương hướng trong giai đoạn tiếp theo, sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu cử Ban Chấp hành Trung ương mới…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại Đại hội II
(Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)
Hai vấn đề quan trọng
Trong quá trình chuẩn bị tiến tới đại hội toàn quốc, Hội nghị Trung ương họp từ ngày 21 đến 23-6-1950 đã quyết định đưa vào nội dung của đại hội toàn quốc hai vấn đề quan trọng là tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành 3 Đảng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và đổi tên chính Đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam thành Đảng Lao động Việt Nam, ra công khai lãnh đạo kháng chiến.
Đảng ta đã dựa trên những nhận định và phân tích sau đây để tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba chính đảng ở ba nước Đông Dương:
Một là, xuất phát từ khả năng thực tế của cách mạng mỗi nước, trình độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của ba nước khác nhau. Sau cách mạng tháng Tám, chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời làm cho trình độ của Việt Nam khác Lào và Campu chia. Tại Việt Nam đã có nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa dân chủ mới trong khi ở Lào, Campuchia mới có chính quyền phản đế. Vì vậy, tính chất và cương lĩnh của cách mạng Việt Nam khác với Lào và Campuchia.
Việt Nam phải hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Lào, Campuchia đấu tranh giải phóng dân tộc, lập chính quyền phản đế, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.
Do vậy, mỗi nước cần có một chính Đảng cách mạng của giai cấp công nhân với Cương lĩnh cách mạng riêng.
Hai là, sau nhiều năm rút vào hoạt động bí mật, đã đến lúc Đảng phải ra công khai lãnh đạo kháng chiến. Nếu tiếp tục giữ tên Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết yêu nước của Lào, Campuchia vì trong đó có những lực lượng yêu nước không cộng sản. Do đó, đế quốc và các lực lượng phản động sẽ lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết, làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước. Nếu thành lập ba Đảng riêng, những người cộng sản Lào và Campuchia sẽ phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo.
Ba là, đến năm 1951, cách mạng Lào và cách mạng Campuchia đã có những bước trưởng thành. Trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào và Campuchia đã có những lực lượng cộng sản làm nòng cốt, có khả năng tập hợp đông đảo quần chúng như Chính phủ kháng chiến Lào, Ủy ban giải phóng dân tộc Cao Miên.
Bốn là, tuy tách riêng thành ba đảng, nhưng vẫn duy trì sự phối hợp hoạt động do có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, lịch sử. Với sự trưởng thành vượt bậc, Đảng Lao động Việt Nam có trách nhiệm tăng cường giúp đỡ Đảng cách mạng Lào và Campuchia, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, coi giúp bạn là tự giúp mình.
Cũng xuất phát từ tình hình thế giới và trong nước, khi ra công khai, Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Trên thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhiều nước theo hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Nam Âu đã lấy tên là Đảng công nhân, Đảng Lao động… nhưng dù tên nào cũng nhằm mục đích thống nhất giai cấp công nhân và chính đảng của giai cấp công nhân, củng cố liên minh công nông, tập hợp các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo các Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai, thành lập và củng cố chế độ dân chủ nhân dân, tến lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ độc lập dân tộc và hoà bình thế giới. Đặt tên Đảng chỉ là vấn đề sách lược, quan trọng nhất là giữ vững bản chất giai cấp công nhân và những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng.
Đánh giá tình hình trong nước, Đảng ta cho rằng lấy lên Đảng Lao động Việt Nam sẽ tạo ra những thuận lợi sau:
- Đoàn kết được toàn dân kháng chiến, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất trên nền tảng liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, cụ thể là đoàn kết được một số tư sản, địa chủ yêu nước, trí thức tiến bộ, tín đồ các tôn giáo.
- Dễ gây anh rhưởng và phát triển Đảng vào các tầng lớp nhân dân lao động, vì vậy có điều kiện phát triển Đảng mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa, tăng cường sức mạnh của Đảng, thúc đẩy kháng chiến mau tới ngày thắng lợi.
- Đảng ra công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh công khai trở thành lãnh tụ của Đảng, với uy tín của mình trong nước và trên trường quốc tế, sẽ giành được sự ủng hộ của đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế, tăng cường đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
- Năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán nên khi ra công khai lãnh đạo kháng chiến, Đảng lấy tên khác, sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền, cổ động.
- Đổi tên Đảng, nhưng nội dung căn bản theo chủ nghĩa Mác Lênin, nguyên tắc tập trung dân chủ, phát triển theo quy luật phê bình và tự phê bình… sẽ không thay đổi nên sẽ không đi chệch mục tiêu lý tưởng của Đảng đã đề ra từ khi thành lập.
- Lấy tên khác nhưng chủ trương, chính sách và hoạt động của Đảng không thay đổi nên không sợ quần chúng hiểu lầm, mất tin tưởng, không sợ suy giảm uy tín của Đảng trong nhân dân. Mặt khác, ta có thể chống lại âm mưu của đế quốc và tay sai tổ chức những Đảng cộng sản giả hiệu để lừa bịp quần chúng.
- Khi đã phát triển rộng rãi trong nhân dân lao động, Đảng ta có điều kiện gắn bó chặt chẽ với nhân dân hơn nữa, phối hợp với quần chúng, qua phong trào quần chúng mà xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đại hội lần thứ II của Đảng đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của Đảng ta cả về trình độ lãnh đạo và tổ chức. Đường lối cách mạng do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và yêu cầu lâu dài của cách mạng. Về tổ chức, chủ trương tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng ở ba nước Đông Dương và lấy tên chính đảng cách mạng Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam, đưa Đảng ra công khai có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển của cách mạng Đông Dương nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.
Bình Nguyễn
1 Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 135.