Lênin đã kế thừa một cách sáng tạo quan điểm của Mác, Ăngghen và đã phát triển nguyên tắc tính đảng trong văn học, nghệ thuật một cách hoàn chỉnh, trên nhiều bình diện. Nguyên tắc hàng đầu của tính đảng trong văn hóa, nghệ thuật được xác lập dựa trên quan hệ giữa văn học và chính trị, đó là quan hệ giữa văn học với đường lối và tổ chức chính trị của Đảng vô sản.
Nền văn nghệ phải bảo đảm tự do sáng tạo. Ảnh minh họa.
Văn học, nghệ thuật là một bộ phận trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng vô sản. Toàn bộ nguyên tắc này được thể hiện rõ nhất trong bài báo “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” được Lênin viết năm 1905 đăng trên Báo “Đời sống mới”. Theo Lênin, tính đảng trong văn học, nghệ thuật được biểu hiện cụ thể như: (i) Nền văn học, nghệ thuật phải là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp của Đảng, do Đảng lãnh đạo về tư tưởng và tổ chức; (ii) Tính chất cách mạng và tiền phong về tư tưởng chính trị là yếu tố, tiêu chuẩn hàng đầu của một tác phẩm văn nghệ mang tính đảng; (iii) Tác phẩm văn học, nghệ thuật là tác phẩm miêu tả chân thực cuộc sống; (iv) Tác phẩm nghệ thuật phải có tính nhân dân sâu sắc; (v) Nền văn nghệ phải bảo đảm tự do sáng tạo; (vi) Trong công tác lãnh đạo và quản lý văn nghệ cần có sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng tính đặc thù của văn học, nghệ thuật.
Lênin cho rằng đó là những vấn đề cốt yếu nhất, bản chất nhất trong nguyên tắc tính đảng đối với văn hóa, văn nghệ nói chung. Ngày nào còn đấu tranh giai cấp, ngày nào thế lực phản động và bè lũ bồi bút còn tìm cách này hoặc cách khác dùng văn nghệ bênh vực cho quyền lợi ích kỷ và xấu xa của chúng, thì ngày đó nguyên tắc về tính đảng vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những tư tưởng soi đường cho công tác lãnh đạo văn nghệ cũng như sáng tác văn nghệ của chúng ta trong mọi thời kỳ.
Tự do sáng tạo là vấn đề mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống lại chủ nghĩa Mác và phủ nhận nguyên tắc tính đảng trong văn học, nghệ thuật. Các luận điệu chống phá cho rằng, văn nghệ mà đã mang tính đảng thì đồng nghĩa với việc đánh mất tự do sáng tạo và do đó, tính đảng tỷ lệ nghịch với giá trị nghệ thuật của tác phẩm; tính đảng gò bó sáng tạo, bóp chết tài năng văn nghệ sĩ, làm khô cạn sức sáng tạo; nguyên tắc tính đảng đã tầm thường hóa các các hoạt động sáng tác…
Trên thực tế, khi nghiên cứu những luận điểm của Lênin, chúng ta thấy rõ Lênin khi đề ra nguyên tắc tính đảng trong văn học, nghệ thuật luôn chú trọng đến vấn đề tự do sáng tạo, hơn nữa, tính đảng còn là điều kiện để thực hiện tự do sáng tạo.
Lênin viết: “Không thể chối cãi được rằng trong sự nghiệp đó (văn học), tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi rộng rãi bao la cho sáng kiến cá nhân, cho chiều hướng cá nhân, bảo đảm phạm vi sáng tạo bao la cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung… Mỗi cá nhân đều có tự do viết tất cả những điều họ muốn viết và nói tất cả những điều họ muốn nói, không có một chút hạn chế nào”[1].
Song, theo Lênin, tự do thật sự, tự do chân chính hoàn toàn khác với sự tự do tuyệt đối, tự do giả dối, tự do vô chính phủ. “Tự do tuyệt đối chẳng qua là một thứ giả dối mà thôi… Sống trong xã hội lại thoát khỏi xã hội để tự do, đó là điều không thể được. Tự do của nhà văn, nhà nghệ thuật và diễn viên tư sản chẳng qua chỉ là một lối che đậy (hoặc khoác mặt nạ giả dối) cho sự lệ thuộc vào túi tiền, vào mua chuộc, vào sự bao thầu". Tự do thật sự là nhận thức được tất yếu, nhận thức được quy luật để làm chủ thế giới bên ngoài, tự chủ được chính con người của ta; tự do để phục vụ hàng triệu triệu nhân dân lao động - tinh hoa, lực lượng tương lai của đất nước.
Xuyên suốt bài báo “Tổ chức Đảng và văn học Đảng” cũng như ở rất nhiều bài viết khác, Lênin trở đi trở lại vấn đề tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều đó được giải thích bởi nhận thức sâu sắc trước đó của Mác, Ăngghen và sau này của chính Lênin về tính chất đặc thù của văn học, nghệ thuật.
Văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù và lao động của người nghệ sĩ, là lao động hết sức đặc biệt. Sáng tác nghệ thuật là hoạt động mang nhiều tính sáng tạo phong phú do sự quyết định của thế giới quan, của vốn sống, của tài năng, nó mang tính cá thể cao độ, mang đậm dấu ấn cá nhân nhất. Vì vậy, nó rất cần một khoảng trống nhất định, khoảng trống của tự do. Chính vì hiểu rõ và trân trọng lao động sáng tạo nghệ thuật nên Lênin luôn nhắc nhở trong công tác lãnh đạo văn nghệ cần tránh khuynh hướng giản đơn hoá và can thiệp vào nội dung sáng tác. “Sự nghiệp văn học ít nhân nhượng hơn cả đối với sự bình quân máy móc, đối với sự san bằng, đối với số đông thống trị số ít… Bộ phận văn học trong sự nghiệp của Đảng của giai cấp vô sản không thể cùng với những bộ phận khác trong sự nghiệp Đảng của giai cấp vô sản rập khuôn như nhau”.
Hơn nữa, Lênin còn chứng minh một cách thuyết phục rằng: tính đảng trong văn học, nghệ thuật không những không đối lập, phủ nhận mà còn là điều kiện để thực hiện tự do sáng tạo.
Theo Lênin, mục tiêu của văn nghệ vô sản là giải phóng con người và theo đó, giải phóng văn nghệ sỹ, chứ không phải như trong xã hội tư sản mà đã được Lênin chỉ ra: “Ngài nhà văn, ngài có thoát khỏi tên tư sản làm nghề xuất bản sách của ngài để tự do được không?”[2]. Tính đảng trong văn học, nghệ thuật suy cho cùng chính là sự xác định vai trò của văn học, nghệ thuật trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản, xác định nền văn học, nghệ thuật là bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp của Đảng hướng đến xây dựng một xã hội bình đẳng không có tình trạng người bót lột người.
Như vậy về bản chất, tính đảng chẳng những không mâu thuẫn mà còn là điều kiện để thực hiện tự do sáng tạo. “Tính tổ chức, tính tư tưởng trong nguyên tắc tính đảng không hạn chế sự phát triển của cá tính sáng tạo, tự do sáng tạo mà còn bồi dưỡng cho cá tính, phong cách riêng phát triển. Đó là sự thống nhất, là sự thể hiện hoàn mỹ những nguyên tắc và lý tưởng chung đối với sự nhận thức và phong cách nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ, là sự thống nhất tự bên trong giữa tính đảng và tâm hồn, tài năng của người nghệ sĩ”.
Tư tưởng của Lênin về tính đảng trong văn học, nghệ thuật với kết quả tất yếu là tự do sáng tạo có thể xem là những luận điểm đặt nền móng lý luận cơ bản cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật cách mạng. Đó là kết quả của quá trình nhận thức sâu sắc, thấu đáo của Lênin về một lĩnh vực hết sức tinh tế nhưng nhạy cảm và phức tạp như văn học, nghệ thuật, cũng là sự tiên đoán có căn cứ của Người về thuận lợi, khó khăn, những biểu hiện phong phú, đa dạng của công tác văn học, nghệ thuật sau này.
Triều Nguyễn