Thuật ngữ văn hóa công vụ (VHCV) mới được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên nội dung của VHCV đã xuất hiện từ rất lâu trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền hành chính nhà nước. Các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, 2011-2020 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức (CB,CC) tương ứng với trách nhiệm và có chế tài nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ; đã đề cập đến việc nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức CB,CC nhà nước. Xây dựng VHCV là xây dựng đội ngũ CB,CC với đầy đủ phẩm chất cách mạng, làm nền tảng cho việc xây dựng một phong cách làm việc của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Thực tế trong hoạt động công vụ hiện nay ở nước ta, CB,CC đã nhận thức mình là công bộc của dân, là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Các nguyên tắc trong văn hóa ứng xử được CB,CC chấp hành trong thực thi công vụ như: 4 xin (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép); 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ); 4 có (có lên, có xuống, có vào, có ra) và trở thành nếp văn hóa ứng xử của CB,CC hiện nay. Nhiều cơ quan, đơn vị có sự xử lý kịp thời những CB,CC, viên chức có thái độ không chuẩn mực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện hình thức thư xin lỗi và có cơ chế kiểm soát, bảo đảm mỗi hồ sơ trễ hạn đều phải xin lỗi. Cán bộ, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý nghiêm, bằng hình thức kiểm điểm, luân chuyển công tác…
Về thực hiện tinh giản biên chế để đảm bảo số lượng, chất lượng CB,CC hiện nay, chỉ tính riêng tại khối Chính phủ, đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015. Tổng số CB,CC, viên chức, hợp đồng 68 đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.268 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.907 người)[1]. Chất lượng CB,CC là yếu tố có tính quyết định trong thực thi VHCV. Bên cạnh, công cuộc chống tham nhũng quyết liệt mà Tổng Bí thư khởi xướng đã góp phần chấn chỉnh kỷ cương, phép nước cũng đã tạo điều kiện lớn cho việc thực thi VHCV hiện nay.
Luật Tiếp cận thông tin 2016 có hiệu lực từ 1/7/2018 cho phép người dân chuyển từ tâm thế "thụ động nhận thông tin" sang có quyền "chủ động tiếp cận thông tin". Việc công khai thông tin chủ động, tích cực sẽ giảm gánh nặng hành chính của việc trả lời những câu hỏi và yêu cầu thông thường của người dân.
Hiện các công sở được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất: nhiều nơi đã trang bị đầy đủ điều hòa, quạt mát, ghế ngồi chờ… phục vụ người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, làm việc. Cùng với đó là bảng, biển hướng dẫn được lắp đặt ở những nơi dễ tiếp cận. Hòm thư góp ý, sổ ghi ý kiến… được treo, để công khai. Hệ thống máy tính kết nối mạng, hỗ trợ công dân đăng ký trực tuyến một cách dễ dàng, cho thấy chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động công vụ luôn được coi trọng.
Tuy nhiên, trong hoạt động công vụ, vẫn còn đó nhiều hạn chế thể hiện việc thực thi VHCV chưa được xem trọng đúng mức. Đã có những quy định, quy chế cho việc định hình VHCV, nhưng việc thực hiện ở không ít nơi còn chưa nghiêm túc. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; vẫn nảy sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà tới người dân, doanh nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật, quy chế, quy định trong hoạt động công vụ, có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử, bao gồm cả CB,CC, viên chức từ cơ sở cho tới cán bộ cao cấp diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, không ít cơ quan, đơn vị còn “tùy hứng” trong việc tiếp xúc và giải quyết công việc của dân; do chưa có quy trình nội bộ, quy chế phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc tiếp công dân của người đứng đầu - người có thẩm quyền giải quyết các thắc mắc của người dân - chưa thực hiện nghiêm. Chỉ khoảng 60% lãnh đạo cấp tỉnh, 75% lãnh đạo cấp huyện, 25% lãnh đạo cấp xã thực hiện đúng quy định tiếp công dân[2]. Việc tiếp công dân thực hiện không nghiêm túc, làm giảm niềm tin của người dân vào chính quyền, dẫn đến không ít vụ khiếu nại, kiện cáo kéo dài… Còn có hiện tượng nhân viên nói trống không với công dân; nhân viên ăn uống trong giờ làm việc, nói chuyện riêng, không tập trung tiếp công dân; có lịch niêm yết thời gian tiếp dân song không thực hiện.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng CB,CC vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan.
Có thể thấy những việc liên quan sai phạm về đạo đức của CB,CC, viên chức trong giai đoạn hiện nay xuất hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, công an, kiểm lâm, y tế, giao thông... Trong đó, có nhiều vụ việc CB,CC, viên chức vi phạm VHCV, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, như một số vụ công chức kiểm lâm, viên chức làm công tác quản lý, bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm; một số viên chức ngành y tế lợi dụng vị trí việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm nhân phẩm, danh dự và thể xác của người khác; một số cán bộ dự án "rút ruột" công trình xây dựng; một số công chức, viên chức thanh tra giao thông, công an giao thông nhận tiền “mãi lộ” của lái xe và doanh nghiệp…
Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận CB,CC. Các vụ tiêu cực liên quan đến suy thoái đạo đức ở nước ta những năm qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của xã hội về đạo đức người công chức…
Nhìn một cách tổng thể, VHCV chưa được thực hiện thật sự, “tác động đến lối sống, hành vi và lề lối làm việc của người thực thi công vụ, tạo ra môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”[3] như bản chất vốn có của nó.
Đề án Văn hóa công vụ[4] (ngày 27 tháng 12 năm 2018) xác định mục tiêu rõ ràng: “Nâng cao VHCV, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB,CC, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội”.
Nội dung Đề án đã đề cập đến các vấn đề cơ bản sau:
- Tinh thần, thái độ làm việc của CB,CC, viên chức
- Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của CB,CC, viên chức
- Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của CB,CC, viên chức
- Trang phục của CB,CC, viên chức
Đáng chú ý, về các giải pháp thực hiện văn hoá công vụ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ tham nhũng vặt, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, Đề án VHCV được ban hành đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng Chính phủ Việt Nam liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ nhân dân. Đề án “đã “đánh thẳng“ vào thói xấu của người Việt, nhất là tầng lớp cán bộ, có chức sắc trong chính quyền, hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tâm, “chí công vô tư”, để đẩy lùi nạn quan liêu, hách dịch, đang tồn tại trong chính quyền”[5], thực sự đang rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước hiện nay.
Tiếp đó, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tiếp tục đưa ra những giải pháp căn bản cho thực thi VHCV. Và gần đây, Quy định 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đã tạo nên hàng rào pháp lý căn bản cho việc thực thi các vấn đề liên quan đến VHCV trong CB,CC nước ta.
Các đề án, chỉ thị, quyết định… đã ban hành, thiết nghĩ nhiệm vụ đặt ra chính yếu nhất: triển khai thực thi các văn bản xuống từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở là việc cần làm ngay trước mắt. Thực hiện VHCV, cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả thực thi công vụ; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; Phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm… chính là những giải pháp cần thiết để xây dựng con người lao động mới - văn minh, chuyên nghiệp - yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở.
[1]https://dantri.com.vn/xa-hoi/lanh-dao-chinh-phu-noi-ve-thuc-trang-suy-thoai-cua-can-bo-cong-chuc-20190627103005194.htm
[2]https://tuoitre.vn/chong-tham-nhung-vat-nguoi-dung-dau-phai-co-dung-khi-20190630093829972.htm
[3] Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Nxb LLCT,2018, tr. 161
[4]https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/quyet-dinh-1847-qd-ttg-2018-de-an-van-hoa-cong-vu-169795-d1.html
[5]https://congluan.vn/de-an-van-hoa-cong-vu-xay-dung-nen-dao-duc-cong-vu-vi-mot-chinh-phu-kien-tao-post55178.htm
Triều Nguyễn