Sau khi thành lập năm 1922, Liên Xô đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu quan trọng. Đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Liên Xô được vận dụng vào xây dựng chủ nghia xã hội tại miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975
Sau khi thành lập, Liên Xô vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Trong bối cảnh đó, công nghiệp hóa (CNH) xã hội chủ nghĩa (XHCN) chính là “chìa khóa” để cải tạo toàn bộ nền kinh tế đất nước, trọng tâm là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nặng, theo quan điểm của Lênin: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp”[1].
Đại hội lần thứ XIV Đảng Bônsêvích (12/1925) đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó, xác định đường lối, nhiệm vụ và phương châm công nghiệp hóa XHCN. Biện pháp thực hiện là thông qua các kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công cuộc công nghiệp hóa XHCN đã đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp XHCN, với một nền công nghiệp hùng mạnh, dựa trên cơ sở kỹ thuật hiện đại và nền nông nghiệp tập thể hóa, cơ giới hóa.
Đến giữa năm 1955, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Đảng quyết định đưa miền Bắc Việt Nam quá độ đi lên CNXH. Cũng như Liên xô trước đây, miền Bắc Việt Nam tiến hành công cuộc xây dựng CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Đảng cho rằng: Chủ nghĩa xã hội không thể thắng lợi với một cơ sở kinh tế lạc hậu, nhất thiết phải có một nền tảng kinh tế tiên tiến phù hợp, để cải biến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, đưa miền Bắc từ nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa XHCN chính là biện pháp thích hợp nhất.
Từ nhận thức trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) xác định: “Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[2].
Nhà máy thép Magnitogorsk thập niên 1930, biểu tượng quá trình công nghiệp hóa của Liên bang Xô viết (Ảnh tư liệu)
Đường lối công nghiệp hóa trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên xô được vận dụng trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam. Sự vận dụng dựa trên những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, trọng tâm của công nghiệp hóa XHCN là phát triển công nghiệp nặng. Kết thúc hai kế hoạch 5 năm đầu tiên (1928-1932 và 1933-1937), Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp. Tổng sản lượng công nghiệp của Liên Xô đứng hàng đầu ở châu Âu và đứng thứ hai trên thế giới, vượt các nước Đức, Anh và Pháp. Đến năm 1955, công cuộc công nghiệp hóa XHCN của Liên Xô đã đạt được những thành tựu to lớn: tổng sản lượng công nghiệp tăng 85% so với năm 1951, gấp 3,5 lần trước chiến tranh; than đá chiếm 20% tổng sản lượng của thế giới; sản lượng dầu lửa tăng bình quân hằng năm 11,4 triệu tấn. Từ năm 1950, Liên Xô đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai thế giới về sản lượng điện. Trong khoa học - kĩ thuật, Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất điện nguyên tử; tháng 10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên và sau đó là chinh phục vũ trụ.
Công nghiệp hóa XHCN đã đưa Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một quốc gia công nghiệp, dựa trên cơ sở kỹ thuật hiện đại và nền nông nghiệp tập thể hóa, cơ giới hóa.
Vận dụng kinh nghiệm của Liên Xô, Đảng Lao động Việt Nam xác định đường lối công nghiệp hóa XHCN cho miền Bắc là “… xây dựng một nền kinh tế XHCN cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý…”[3].
Trên cơ sở đó, Nhà nước đã đầu tư hình thành bước đầu các ngành công nghiệp nặng trọng điểm và một số ngành công nghiệp nhẹ thiết yếu phục vụ sản suất và sinh hoạt.
Đến năm 1975, toàn miền Bắc có 1.335 xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh (315 xí nghiệp Trung ương, 1.020 xí nghiệp địa phương; trong đó, Hà Nội có 87 xí nghiệp, Hải Phòng 53 xí nghiệp, Hoàng Liên Sơn 100 xí nghiệp, Hà Nam Ninh 93 xí nghiệp…). Tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 45% năm 1965 lên 55% năm 1975.
Công nghiệp ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, năm 1975, toàn ngành làm ra 41,5% tổng sản phẩm xã hội, 28% thu nhập quốc dân và 91,5% giá trị hàng xuất khẩu[4].
Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trong giai đoạn 1954 - 1975, các cơ sở công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ của miền Bắc được xây dựng một cách nhanh chóng; hình thành các lĩnh vực công nghiệp chủ yếu như điện, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp và công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã khá cân bằng. Công nghiệp hóa XHCN đã tạo dựng được một bước cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Lò cao số 2, Khu gang thép Thái Nguyên, năm 1964 (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, công nghiệp hóa XHCN được tiến hành với tốc độ nhanh, mạnh.
Trước sự thù địch và chống phá điên cuồng của các thế lực đế quốc và phản động trong nước, để nhanh chóng khẳng định tính độc lập, tự chủ trong xây dựng kinh tế XHCN, Đại hội XIV Đảng Bônsêvích (1925) đề ra phương châm công nghiệp hóa là tiến hành với một tốc độ nhanh chóng để trong một thời gian ngắn nhất, Liên Xô phải trở thành cường quốc công nghiệp tiên tiến, đuổi kịp và sau đó vượt các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến. Với phương châm đó, đến giữa thập niên 30 (thế kỷ XX), Liên Xô đã khẳng định được nền kinh tế độc lập, tự chủ, với sự vượt trội về công nghiệp.
Vận dụng phương châm công nghiệp hóa XHCN của Liên Xô; đồng thời, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong nước cũng đặt ra vấn đề cần phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra phương châm tiến hành công nghiệp hóa là “…đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội…”[5]. Về tốc độ công nghiệp hóa, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định do Việt Nam có tài nguyên phong phú, lại được sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước anh em khác, cho nên, miền Bắc Việt Nam có điều kiện để thực hiện công nghiệp hóa XHCN với tốc độ cao. Để đạt được tốc độ đó, cần phải bảo đảm phát triển cân đối các ngành kinh tế quốc dân, giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ; giữa công - nông nghiệp và giao thông vận tải và các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, công nghiệp hóa XHCN dựa trên hình thức sở hữu toàn dân
Từ năm 1925, Liên Xô chính thức bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành CNH XHCN. Để bảo đảm thống nhất vai trò quản lý của Nhà nước Xô viết đối với nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch, Liên Xô đã tiến hành xóa bỏ nhân tố tư bản chủ nghĩa và tư nhân trong tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; thực hiện hình thức sở hữu toàn dân với những tư liệu sản xuất chủ yếu. Các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ được quốc hữu hóa do Nhà nước quản lý bằng nền kinh tế kế hoạch.
Ngay từ những năm 1958 - 1960, miền Bắc Việt Nam tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân, xác lập hình thức sở hữu toàn dân đối với tư liệu sản xuất. Trong quá trình công nghiệp hóa XHCN ở miền Bắc Việt Nam, toàn bộ nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, trở thành các đơn vị kinh tế quốc doanh do Nhà nước quản lý, thực hiện bằng cơ chế quản lý kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Mô hình đó cho phép Nhà nước quản lý được nguồn tư liệu sản xuất ở mức tập trung cao nhất và kiểm soát được hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế quốc dân một cách chặt chẽ bằng kế hoạch.
Liên Xô là nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Liên Xô phải tự vạch ra phương pháp, phải giải quyết cả những vấn đề về lý luận và thực tiễn. Công nghiệp hóa XHCN chính là phương pháp để quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đó cũng là con đường tất yếu khách quan, phù hợp với những nước đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp, trong đó có Việt Nam. Công cuộc Công nghiệp hóa XHCN trong thời kỳ đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và miền Bắc Việt Nam, xét trên ý nghĩa thành công, đã làm cải biến về chất trình độ của nền kinh tế quốc dân, tạo nên những tiền đề vững chắc cho xây dựng nền tảng kinh tế, kỹ thuật của đất nước trong những giai đoạn sau.
Nhẫn Trần
[1] . V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, t.44, tr.11.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.544.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr. 546.
[4] Tổng Cục Thống kê: 30 năm phát triển kinh tế, văn hoá của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.73 và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế học: 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990),Nxb Khoa học- xã hội, Hà Nội, 1990, tr.79.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.558-559.