Giáo dục Nho giáo, xét trên nhiều phương diện: mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục... còn bộc lộ không ít hạn chế. Tuy nhiên, trong hàng nghìn năm tồn tại, nền giáo dục ấy đã hình thành được những truyền thống quý báu: coi trọng chữ nghĩa, tôn sư trọng đạo, tiên học lễ, hậu học văn,… Hay nói cách khác, giáo dục Nho học tạo dựng nên một thứ “văn hóa học đường” rất đặc sắc, mà cốt lõi của nó chính là văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong và ngoài phạm vi trường học.
Học đường Nho giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống. Ảnh: baophapluat
Nghề giáo trong xã hội Việt Nam truyền thống được xem như một biểu tượng về sự thanh cao và người thầy được cả xã hội kính trọng. Chính bởi vậy, nhiều người đỗ đạt nhưng không chịu ra làm quan hoặc cũng có những người sau một thời gian tham chính thì từ quan, lui về một vùng quê nào đó dạy học để giữ cho khí tiết thanh cao. “Tiến vi quan, đạt vi sư” là quan niệm của nhiều nhà Nho trước đây. Thầy giáo không chỉ là người dạy chữ mà còn là một nhà bách khoa, là một vị cố vấn cho cộng đồng, đặc biệt là những người thầy trong không gian làng xã. Từ những việc thiêng liêng của làng xã như soạn văn tế, lễ bái đến những công việc hàng ngày của người dân trong làng như cắt thuốc, viết hộ đơn từ, xem ngày giờ tốt, … đều nhờ ông thầy giúp đỡ. Chuyện huyền thoại của quê hương, chuyện lịch sử dân tộc... đều phải nhờ thầy giảng giải, ghi chép. Ngoài vốn tri thức phong phú, người thầy còn là tấm gương đạo đức với một cuộc sống thanh đạm, không màng danh lợi.
Đạo lý thầy trò theo quan niệm Nho giáo được hình thành theo hai cách: luật và lệ. Nhiều triều đại phong kiến quan tâm tới việc phát triển giáo dục đã xây dựng nên những điều luật về lĩnh vực này, trong đó ghi rõ những quy định thầy – trò phải ứng xử như thế nào nơi học đường cũng như những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc với những ai coi thường đạo lý thầy trò. Chẳng hạn Luật Hồng Đức quy định: “Làm thầy và học trò đều phải hết đạo, thầy thì trước tiên phải ngay mình để làm gương mẫu cho học trò”. Còn về đạo làm trò, Luật Hồng Đức cũng ghi rõ: “Học trò thì phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc... Các học trò trước đã nhập môn theo học nghiệp, sau lại quên ơn nghĩa, khinh nhờn thầy, thì sẽ bị phạt suốt đời không được đi thi, không được làm quan lại và không được giữ nghề nghiệp. Nếu biết lỗi mà tự tạ làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho”.
Kẻ nào khinh nhờn thày sẽ bị phạt cỗ tiền 50 quan; đánh chửi thày thì tiền tạ tăng lên 15 quan và bị đánh 80 trượng. Học trò mà đánh thầy và lăng mạ thầy thì phải tội hơn tội lăng mạ người thường 3 bậc, đáng chết thì phải tội chém... Những cha mẹ, vợ con của các học trò đánh chửi thầy sẽ bị phạt 80 trượng, tiền tạ 10 quan, nếu đánh chửi vợ thầy sẽ bị phạt 50 trượng, tiền tạ 5 quan. Các học trò vô lễ này suốt đời không được làm nghề dạy học. Nếu tự biết tội mà tạ từ với thầy thì cũng tha cho... Cha mẹ học trò phải răn con em về đạo thờ thầy, khi gặp thầy phải kính cẩn có lễ phép, không ai được trái lệnh, nếu không thì bị ghép vào tội bất kính”[1].
Ngoài ra, 24 điều giáo huấn của vua Lê Thánh Tông cũng nhấn mạnh tới những đặc điểm của người trí thức (trong đó có người thầy), quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ trong cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó còn có những văn bản dưới luật, những hương ước, những quy định bất thành văn nhưng tồn tại một cách bền bỉ và được mọi người tuân thủ một cách nghiêm ngặt góp phần xây dựng nên đạo lý thầy – trò trong xã hội Nho giáo.
Chính nhờ sự nghiêm minh của pháp luật, sự thiết thực, kịp thời của tập quán pháp mà văn hóa học đường trong xã hội truyền thống được duy trì. Những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ thầy - trò được lan tỏa trong không gian và thời gian. Trong nền giáo dục Việt Nam truyền thống, xuất hiện rất nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu cả về kiến thức và nhân cách như thầy Trần Ích Phát (thế kỷ XV), Nguyễn Thiếp (1723-1804), Lê Quý Đôn (1726-1784)... Đặc biệt phải kể đến thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), người được tôn là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Có nhà nghiên cứu đã đánh giá “Trong lịch sử giáo dục dân tộc nghìn năm lại đây, Chu Văn An nổi lên như một nhân cách tiêu biểu nhất của nhà giáo Việt Nam”[2]. Triều chính suy mạt, ông dâng sớ chém đầu 7 tên gian thần. Tuy không được vua Trần Dụ Tông chấp nhận, nhưng “thất trảm sớ” của ông là một minh chứng cho tấm lòng chính trực của người làm thầy. Tâm huyết suốt cuộc đời của thầy giáo Chu Văn An là đào tạo người tài cho đất nước. Bởi vậy, gạt bỏ danh lợi, ông kiên trì nghiệp nhà giáo như một cách nhập thế. Trước tác của ông như Tứ thư thuyết ước cũng là để phục vụ sự nghiệp cao quý “trồng người”.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, trường học đa phần là do các thầy giáo tự lập nên, chỉ có một số ít là do nhà nước phong kiến mở. Vì thế, hệ thống ứng xử của thầy trò trong trường học dưới hình thức các nghi lễ cũng do các thầy tự quy định. Mặc dù vậy, nghi thức học đường của các trường không có sự khác biệt lớn, mà về cơ bản tương đối giống nhau. Chính truyền thống đạo lý của dân tộc đã tạo nên sự tương đồng này.
Cũng cần nói thêm rằng, cá biệt có những trường học có soạn hẳn nội quy yêu cầu thầy giáo và học sinh của trường phải tuân thủ. Ví dụ như trường Nghi Am ở Thanh Hoá của thầy giáo Nhữ Bá Sĩ (1788 – 1867). Ông cho soạn “Nghi Am học thức” nói rõ nhiệm vụ của thầy trò, cách thức sinh hoạt trong nhà trường, quy chế cho học sinh... Song phần lớn, các nghi thức học đường truyền thống được thầy và trò các trường học tự nguyện tuân thủ, không nhất thiết nhà trường đó có soạn quy chế học đường hay không.
Trong cuộc đời mỗi người từng được theo đuổi nghiệp đèn sách, nghi thức học đường đầu tiên chính là lễ khai tâm. Ngày hôm đó, cha mẹ học trò, tuỳ vào gia cảnh, biện một cái lễ, dẫn con em tới xin thầy cho nhập học. Trong không khí trang nghiêm, thầy thắp một nén nhang, nhận lễ của trò và kể tử đó, cậu bé chính thức được làm môn sinh của thầy.
Lớp học của thầy đồ xưa thường có nhiều học trò ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Thầy chỉ định hoặc học trò trong lớp cử ra một người có uy tín làm trưởng tràng. Trưởng tràng có nhiệm vụ giúp thầy bảo ban những học trò ít tuổi, giữ gìn nội quy lớp học, thay thầy quản lý lớp khi thầy đi vắng. Đặc biệt, với những thầy giáo không có con trai nối dõi, thì trưởng tràng chính là người trông nom việc hương khói khi thầy mất. Đối với những thầy giáo quá nghèo, đồng môn trong lớp sẽ góp nhau mua cho thầy vài sào ruộng. Vượt lên trên những ứng xử xã giao, ứng xử thầy trò trong xã hội Việt Nam truyền thống biểu hiện một mối quan hệ khăng khít, được xây dựng trên nền tảng Nho giáo và đạo lý của dân tộc. Vì thế, bên cạnh những nghi thức học đường trang nghiêm, sự mực thước đôi khi đến hà khắc của ông thầy, còn là những ứng xử của những con người được dung dưỡng trong một nền văn hoá trọng tình nghĩa.
Đạo lý dân tộc đề cao vai trò người thầy giáo dẫn tới những ứng xử hết sức tôn trọng người thầy. Không chỉ trong không gian hẹp của lớp học ông thầy mới là trung tâm, mà trong cả không gian làng xã nông thôn, thầy giáo luôn nhận được sự trọng thị của cả cộng đồng. Ca dao còn ghi lại rất rõ thái độ của xã hội đối với người thầy giáo:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Hay: “Không thầy đố mày làm nên”
“Mùng một thì tết nhà cha,
Mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”.
Chính vì vậy, nhiều người tuy đã đỗ đạt cao, làm quan to nhưng vẫn giữ nghiêm lễ nghĩa thầy trò. Sử sách còn ghi lại nhiều câu chuyện cảm động về ứng xử giữa thầy và trò khi trò đã thành đạt. Chẳng hạn, Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, mỗi khi có việc quan trọng đều quay về để hỏi ý kiến thầy Chu Văn An. Thái độ đối với thầy giáo của các vị ấy trước sau hết sức cung kính. Thầy cho phép vào gặp mới được vào.
Rõ ràng, trong nền giáo dục Việt Nam truyền thống đã hình thành văn hóa học đường với những nghi thức, đạo lý rất rõ ràng, không chỉ có những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục (là thầy và trò) tuân thủ mà được cả cộng đồng thừa nhận. Tất nhiên, văn hóa học đường ấy là sản phẩm của một bối cảnh lịch sử cụ thể nên bằng con mắt đương đại, có thể nhận thấy nhiều yếu tố trong đó đã bộc lộ những bất cập, những hạn chế. Nhưng ôn cố tri tân không chỉ là vấn đề đạo lý mà còn là một thao tác khoa học. Cả những điểm mạnh và điểm yếu trong nền giáo dục Nho học nói chung, trong văn hóa học đường truyền thống nói riêng đều là những kinh nghiệm quý giá, có thể xem là những gợi ý tham chiếu hữu ích cho việc xây dựng văn hóa học đường ngày hôm nay.
[1] Dẫn theo Lê Minh Quốc: Hỏi đáp giáo dục Việt Nam. NXB Trẻ. 2001.
[2] Sách Những gương mặt trí thức Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
Lâm Minh Khuê