Ngày 6-4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tác phẩm mỹ thuật “Chiến lũy” sáng tác năm 1985 của Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân. Điều đáng nói là bức họa sơn dầu có ý nghĩa và là tài sản quý của bảo tàng này được triển lãm trực tuyến trong một thời điểm hết sức đặc biệt của nước ta - thực hiện giãn cách xã hội và công chúng đều thưởng thức văn hóa nghệ thuật trên nền tảng internet.
“Con người ta lúc bấy giờ phải có lòng tin lớn lắm. Họ tin Đảng ta, tin vào ngày chiến thắng của dân tộc thì mới có thể đem tất cả những gì mình có ra xây thành chiến lũy để bảo vệ Hà Nội” - Họa sĩ Lê Anh Vân nói về ý nghĩa của tác phẩm “Chiến lũy”. Đây là cũng mục tiêu của ý tưởng triển lãm trực tuyến bức họa có ý nghĩa này trong thời điểm hiện nay.
Bức họa miêu tả Hà Nội năm 1946 với 4 người lính mặc áo trấn thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Sự sống sinh động rất đời thường thể hiện ở trong tranh có chi tiết con gà trống, chú chó nhỏ nằm bên chân chiến sĩ, sắc nâu tươi sáng tái hiện tinh thần vững chãi và trầm mặc của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Bức tranh đầy tinh thần lạc quan, trữ tình, mặc dù Thủ đô đã từng trải qua những thời kỳ khốc liệt bởi chiến tranh như thế.
Xu hướng sử dụng nền tảng internet trong hoạt động văn hóa nghệ thuật xuất phát từ thực tiễn toàn bộ hoạt động đông người triển lãm, lễ hội, giao lưu văn hóa... đều phải tạm thời ngừng lại. Khi dịch bệnh xảy ra, để đặt sự an toàn của người dân lên cấp độ bảo vệ cao nhất bằng các chính sách quyết đoán chưa từng có tiền lệ, Chính phủ Việt Nam mong muốn người dân đáp ứng và tuân thủ giãn cách xã hội. Mặt khác, người dân cũng phải chấp nhận sự bất tiện vì không thể đi lại và giao tiếp, phải thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống. Nếu cần phải có sự khích lệ lớn về tinh thần, sự bù đắp cho những thiếu hụt của đời sống văn hóa nghệ thuật đột ngột gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19 thì nền tảng internet thực sự là cứu cánh của công chúng.
Một điều đáng mừng là các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam rất nhanh chóng thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng trong mọi hoàn cảnh. Ngoài việc truyền thông kêu gọi, ủng hộ, xã hội hóa nguồn lực chống dịch, họ sử dụng nền tảng internet để cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả không bị cắt đứt. Nhiều buổi biểu diễn trực tuyến truyền đi qua mạng internet đã thu hút công chúng nhiều hơn so với biểu diễn trực tiếp. Được truyền cảm hứng từ ý tưởng ca hát trong phòng khách, trên cửa sổ nhà mình của người dân Italia khi đất nước họ buộc phải phong tỏa phòng chống dịch bệnh, người dân khắp thế giới thời điểm này kết nối với nhau, truyền đi cảm hứng và tình yêu cuộc sống bằng internet với niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh.
Trước đó, khán giả Việt Nam đã làm quen với màn hình trực tuyến qua mạng xã hội bằng sự thành công của các bộ phim web-drama (phim nhiều tập phát trực tuyến trên internet). Xu hướng này hiện đang được khai thác triệt để, kể cả những bộ phim trước đó sản xuất để chiếu rạp cũng phải chuyển hướng sang trình chiếu trên nền tảng internet.
Không thể phủ nhận vai trò của truyền thông internet trong việc cung cấp thông tin và điều hướng xã hội, cho đến nay, nền tảng này tiếp tục hữu ích trong sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, nuôi dưỡng tinh thần cho đông đảo công chúng. Trong lúc việc cấp bách là giãn cách xã hội, các buổi biểu diễn trực tuyến, tác phẩm nghệ thuật trình diễn, triển lãm, phim trên mạng xã hội đã kéo con người lại gần nhau, tạo ra sức mạnh tinh thần góp phần phòng, chống dịch thành công.
Để hướng công chúng tập trung vào kênh thông tin trên internet, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa có công văn chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình trong phòng, chống dịch Covid-19. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, thông tin về dịch bệnh được Chính phủ và Bộ Y tế cung cấp nhanh chóng, thuận tiện nhất để người dân cập nhật, theo dõi.
Các địa phương phải tìm ra giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành biện pháp phòng, chống dịch. Từ đó, người dân xem việc khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ là biện pháp tự bảo vệ cho gia đình, bản thân, cộng đồng.
Mặt khác, chính công chúng cũng phải phát hiện, phản ánh những hành vi, thông tin sai phạm đến các cơ quan chức năng trên địa bàn cư trú để có biện pháp kịp thời xử lý, tránh hoang mang dẫn đến hoảng loạn mất an ninh, trật tự. Nhiệm vụ trấn an tinh thần người dân luôn có trách nhiệm của những người làm văn hóa và họ buộc phải có được kênh truyền dẫn giữa văn nghệ sĩ - khán giả. Internet đã đáp ứng điều đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn nhấn mạnh, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng còn là nêu cao và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tạo sức mạnh đoàn kết trong thời điểm này. Nền tảng internet đều kích hoạt các tính năng riêng có của cơ chế hoạt động trực tuyến nhằm để ứng phó với đại dịch toàn cầu. Một ưu điểm khác là nền tảng trực tuyến có quy mô toàn cầu, là sợi dây giúp cho các quốc gia khác nhau trên thế giới có thể giao tiếp trong bối cảnh rất nhiều quốc gia phong tỏa đất nước mình. Và văn hóa – nghệ thuật luôn là mảng sáng của đời sống có tính chất xuyên quốc gia, chạm đến tâm hồn mỗi người mà cuộc sống văn minh luôn phải níu giữ để chống chọi với một cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu như hiện nay.
Theo bienphong.com.vn