Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất nước Việt Nam với biết bao biến đổi, thăng trầm đã tích lũy và xây dựng được một nền văn hóa mang bản sắc riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc Việt. Văn hóa có sức mạnh to lớn, có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam
Mặt trận văn hóa góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử
Trong Cương lĩnh chính trị năm 1930, Đảng ta đã xác định phải phát triển văn hoá của dân tộc. Tiếp đó, năm 1943, Đảng ban hành Đề cương về văn hoá Việt Nam, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá)”[1], và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây cũng được xem là Cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng và có vai trò như ngọn đuốc soi sáng cho văn hóa quốc dân trong đêm tối nô lệ.
Trong quá trình lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, văn hóa “không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[2].
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”[3], hay nói cách khác là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai,tháng 7/1948 và Hội nghị cán bộ văn hóa lần thứ nhất, tháng 2/1949 đã giương cao khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những “Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” qua các thời kỳ cách mạng đã biết cách biến tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, cổ vũ, huy động sức mạnh của toàn dân, góp phần làm nên thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tư tưởng, văn hóa đã có những đóng góp to lớn, tạo nên sức mạnh tinh thần cho toàn Đảng, toàn dân đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch, tạo đà tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây cũng là giai đoạn văn hóa và báo chí cách mạng đã phát huy hiệu quả vai trò và sức mạnh của mình. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn” đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng căm thù giặc, cổ vũ tinh thần yêu nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho quân và dân ta.
Lễ hội Đền Hùng (Ảnh Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ)
Thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa.
Những chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng là cội nguồn khơi dậy ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết, yêu nước của mỗi người dân Việt Nam và góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới
Bước vào thời kỳ đổi mới (1986), cùng với tinh thần đổi mới chung của toàn xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với quan điểm này, Đảng đã đưa đến nhận thức rõ nét về sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa với mọi mặt đời sống và sự phát triển của văn hóa chính là thước đo sự phát triển chung của đất nước.
Nhằm tăng cường vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (khóa IX) kết luận: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên là điều kiện quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước”[4].
Để nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam, Đảng khẳng định nội dung quan trọng nhất là phát triển con người và xây dựng môi trường văn hóa.
Ngày 09/6/2014, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5], văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,... nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Năm 2016, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tái khẳng định mục tiêu này[6].
Để “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[7] và tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa với tư cách là nguồn sức mạnh nội sinh trong bối cảnh mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”[8]. Cũng trong Đại hội XIII, Đảng yêu cầu “xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Trong bài nói tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”[9].
Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng
Sông Cửu Long, tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: phuhunglife.com)
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa làm nền tảng, trên cơ sở đó, Đảng đề ra những chủ trương, quan điểm nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc như: Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa... Đây chính là các nguồn lực quan trọng có khả năng tạo nên sức mạnh nội sinh văn hóa quốc gia.
Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đây là biểu hiện tập trung của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, phần mềm trò chơi điện tử, … đều đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thanh, truyền hình nhằm quảng bá hình ảnh của đất nước ra thế giới.
Thứ tư, chú trọng đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - phát huy sức mạnh của văn hóa. Du lịch văn hóa mang lại nguồn thu, giải quyết việc làm, tạo đổi sinh kế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội… Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.
Trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo nên một xã hội dân trí cao với những con người có văn hóa; tạo nên đời sống văn hóa xã hội đa dạng, lành mạnh, cao đẹp, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển và thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của nó trong sự phát triển chung của xã hội, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hằng Nga
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr.316.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng và Nhà nước về văn hoá, văn nghệ từ 1943 đến 1968, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.588.
[3] Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.90.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI,Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 2014, tr. 46-47.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.47.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.216
[9] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021).