Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về nền độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập kết tinh khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Khai sinh nước Việt Nam mới – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đầu năm 1945, tình hình thế giới và Đông Dương có nhiều biến đổi. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc với những thắng lợi của các lực lượng dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Hồ Chí Minh đã rất nhạy bén phát hiện thời cơ tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam đang dần chín muồi để giành lại độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, nô lệ.
Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám đã đánh đổ chế độ thuộc địa gần 100 năm và chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của đất nước – kỷ nguyên độc lập dân tộc, nhân dân được làm chủ đất nước và xã hội, làm chủ cuộc sống của chính mình.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định dân tộc Việt Nam đã giành chính quyền từ tay phát xít Nhật: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Người nhấn mạnh, Cách mạng Tháng Tám đặt dấu chấm hết cho thể chế cũ của thực dân, phong kiến: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, và mở ra thời đại mới – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đánh dấu một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và khẳng định cho sự bắt đầu của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ thể hiện ý chí, trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn làm nổi bật truyền thống, khát vọng của dân tộc Việt Nam và lẽ phải, chân lý của nhân loại, của thời đại; là lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc kém phát triển và đang phát triển vì mục tiêu độc lập, tự do, hòa bình và phát triển.
Lực lượng vũ trang cách mạng trong Lễ độc lập 2/9/1945 (Ảnh: Philippe Devillers)
Toàn bộ tinh thần, khát vọng về quyền của dân tộc được tích lũy, nhân lên trong gần một thế kỷ oanh liệt chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít, chế độ phong kiến để đưa tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã hội tụ tất cả tinh thần, khát vọng của dân tộc và toả sáng khi Người tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời thể hiện ước vọng hòa bình, hữu nghị và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam bằng bất kỳ giá nào.
Khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã nhắc đến bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 với sự trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại; đồng thời cũng là để khẳng định quyền độc lập, tự do của chính dân tộc mình.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ tuyên bố về quyền của mỗi dân tộc mà còn là quyền của mỗi con người: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[2], có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[3].
Đây là một trong những tư tưởng đặc sắc, mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi khẳng định một quan niệm hoàn toàn mới về quyền con người. Quyền con người gắn liền với quyền tự quyết của mỗi dân tộc, hai loại quyền này thống nhất và làm tiền đề cho nhau, đây thực sự là một đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận thế giới.
Bên cạnh việc trích dẫn những tinh hoa về độc lập, tự do trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định cơ sở pháp lý của nền độc lập mà dân tộc ta giành được: “các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”[4] và “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[5].
Đây là những dẫn chứng, luận cứ khẳng định sự thừa nhận về những quyền độc lập dân tộc cơ bản đối với Việt Nam. Ngoài ra, bản Tuyên ngôn còn ca ngợi tinh thần, ý chí đấu tranh chống quân xâm lược của cả dân tộc và thể hiện niềm tin tất thắng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng, mang lại tự do, độc lập cho nhân dân Việt Nam.
Trong những câu cuối cùng của bản Tuyên ngôn Độc lập. Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam trịnh trọng tuyên bố với thế giới, đồng thời cũng khẳng định quyền dân tộc, quyền được hưởng độc lập tự do được tăng lên một bậc nữa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[6].
Với bản Tuyên ngôn Độc lập, lần đầu tiên nước Việt Nam được hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do, độc lập; cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới cũng nhận thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Biển người tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Tạo động lực cho sự phát triển lâu dài của đất nước
Cội nguồn giá trị tư tưởng về quyền tự do và độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập chính là tinh thần “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân luôn là mục tiêu bất biến của cách mạng Việt Nam. Độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là khát vọng muôn đời, ý chí quyết tâm giữ vững, bảo toàn độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Đó là nền tảng vững chắc, là điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.
Có thể khẳng định, khát vọng độc lập, tự do đã tạo ra khối thống nhất, động lực thúc đẩy ý chí quyết tâm bảo vệ bằng được độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, tinh thần này lại được thể hiện trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[7] để khích lệ tinh thần toàn dân tộc quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do.
Trong giai đoạn hiện nay,đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của toàn dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[8].
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng ý chí, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được kết tinh trong bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trung Kiên
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.1
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.1
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.3
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.534
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 2, tr.324