66 năm trước, trong lúc cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đang gặp bế tắc về đường lối, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo bản Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, thường gọi là Đề cương cách mạng miền Nam, bước đầu mở ra hướng đi cho phong trào cách mạng
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh “tố cộng, diệt cộng”
Từ tháng 7/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng, diệt cộng" trên toàn miền Nam, đánh phá có chiều sâu, hòng quét sạch cơ sở của Đảng và quần chúng yêu nước.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa được hiện đại hóa về vũ khí trang bị, được cố vấn Hoa Kỳ huấn luyện, duy trì ở mức khoảng 155.000 quân chính quy, 52.000 bảo an và 53.000 dân vệ.
Lực lượng công an, cảnh sát, an ninh, mật vụ chính quyền Sài Gòn cũng được xây dựng và hiện đại hóa. Chỉ trong năm 1957, Hoa Kỳ cung cấp cho ngành an ninh, cảnh sát Sài Gòn 22 xe zíp, đưa hàng trăm cố vấn, tình báo, mật vụ sang miền Nam.
Trong giai đoạn II "tố cộng - diệt cộng", chính quyền miền Nam hướng trọng điểm đánh vào miền Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với phương châm: "tiêu diệt Việt cộng không thương tiếc... tiêu diệt như trong tình trạng chiến tranh, thà giết lầm chứ không bỏ sót". Chúng dùng lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an, dân vệ càn quét, đánh phá dữ dội cả nông thôn, thành thị và các khu căn cứ.
Các cuộc hành quân cấp trung đoàn và sư đoàn liên tục được tiến hành trong nửa cuối năm 1956 và đầu năm 1957. Sau những cuộc càn quét và khủng bố gắt gao, địch đưa các đoàn gồm công an, cảnh sát, điều tra, mật vụ, cán bộ hương thôn, công dân vụ… xuống các tỉnh, huyện rồi chia thành nhiều toán nhỏ về hoạt động ở một xã hay một ấp để thẩm tra, nắm nắm chặt từng gia đình, từng nhân khẩu.
Địch đưa một số tên đầu hàng phản bội cách mạng tố cáo Đảng, xuyên tạc chủ trương, đường lối cách mạng, xé cờ Đảng và ảnh Bác Hồ… bắt mọi người trong lớp học tố cộng phải "sám hối". Chúng sử dụng những hình thức tra tấn dã man cán bộ và quần chúng như: đóng đinh vào các khớp xương, treo người lên xà nhà, đổ nước xà phòng, cắt cổ, moi gan, phanh thây những người đã chết…
Trong các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng", số lượng nhà tù, trại giam tăng lên nhanh chóng. ở nhà tù Gia Định và Hội An, địch giam 150 người trong diện tích 54m2. Tại nhà lao Quảng Trị, xà lim rộng dưới 2m2, cao hơn 1m, địch giam 4 người; nhà lao Phú Lợi, địch áp dụng hình thức giam người trong hầm lộ thiên, sâu khoảng 3 - 4m, rộng 3m, trên mặt hầm rào bằng dây kẽm gai, không lợp mái; nhà tù Côn Đảo, chúng dùng hệ thống xà lim để giam hãm tù nhân. Các nhà báo nước ngoài đã mô tả nhà tù ở miền Nam thời điểm này “đầy đến nóc”.
Những hành động khủng bố tàn bạo cùng các chính sách thâm độc về kinh tế, chính trị, quân sự của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã gây ra cho nhân dân miền Nam những tổn hại to lớn về mọi mặt.
Chính quyền miền Nam đẩy mạnh "tố cộng", "diệt cộng" (Ảnh tư liệu)
Hàng nghìn người thiệt mạng trong khủng bố, hàng trăm người bị thảm sát trong các nhà tù, hàng vạn công nhân thất nghiệp, nhà máy đóng cửa, nông dân đói ăn, mất ruộng đất... Đảng bộ Nam Bộ bị tổn thất, hàng loạt chi bộ, cơ sở đảng bị phá vỡ,đảng viên bị bắt và sát hại... Cách mạng miền Nam bị đẩy vào bước khó khăn chưa từng thấy, bước vào một thời kỳ thoái trào nguy ngập tưởng chừng không gượng dậy nổi.
Đề cương cách mạng miền Nam – bước đầu giải quyết khủng hoảng đường lối cách mạng
Tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam.
Đề cương cách mạng miền Nam xác định: “Chính quyền miền Nam hiện nay không phải chỉ là một chính quyền của đế quốc phong kiến bại trận để lại, nó là một chính quyền thực dân kiểu mới của một đế quốc xâm lược đương muốn gây chiến tranh, là đế quốc Mỹ"[1].
Bản Đề cương vạch rõ nhiệm vụ cách mạng miền Nam “chỉ có con đường cứu nước và tự cứu mình, là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường khác” [2]. Đảng bộ Nam Bộ phải nắm vững đường lối cách mạng miền Nam để gìn giữ và đẩy phong trào cách mạng tiến lên .
Về phương pháp cách mạng, Đề cương khẳng định: "Phong trào cách mạng tranh đấu theo đường lối hoà bình, nghĩa là phong trào ấy lấy lực lượng chính trị của nhân dân làm căn bản, không phải lấy lực lượng vũ trang của nhân dân để tranh đấu với chính quyền hiện hữu, để đạt mục đích cách mạng của mình"[3]. Đường lối phong trào cách mạng phải đi đúng theo khuynh hướng, nguyện vọng của nhân dân thì mới phát động được phong trào cách mạng. Nguyện vọng thiết tha của nhân dân miền Nam là giữ gìn hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước, nên phải thấy rõ nguyện vọng đó của nhân dân.
Đề cương phân tích sự cần thiết phải xây dựng Đảng ở miền Nam, tăng cường quyền hạn cho cơ quan lãnh đạo ở miền Nam.
Đề cương nêu ra 5 bài học kinh nghiệm từ khi Đảng ta ra đời đến cuộc Cách mạng tháng Tám thành công và nhận định rằng đó là những "bài học kinh nghiệm quý báu, thiết thực nhất, soi sáng cho chúng ta con đường cần đi, phải đi để đạt tới mục đích cách mạng"[4].
Những bài học đó là:
1. Không có lực lượng bên trong không nắm được thời cơ bên ngoài. Do đó, Đảng phải nắm vững thời cơ xây dựng thực lực cách mạng bên trong, sử dụng hiệu quả thời cơ bên ngoài .
2. Phải có một Đảng cách mạng đứng trên lập trường giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh đạo phong trào cách mạng.
3. Phải xây dựng khối công nông liên minh sâu rộng vững chắc, chỉ có củng cố xây dựng khối công nông liên minh, mới củng cố phát triển mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, phong kiến.
4. Xây dựng, củng cố phát triển mặt trận dân tộc thống nhất thật rộng rãi, gồm các giai cấp, các tầng lớp, các tôn giáo, đồng bào các với các dân tộc thiểu số, những tiến bộ trong bộ máy chính quyền miền Nam…
5. Khai thác triệt để mâu thuẫn nội bộ kẻ thù, tranh thủ những phần tử tiến bộ, cô lập những phần tử hiếu chiến, phản động nhất.
Đề cương khẳng định: “Để giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam phát triển, chúng ta cần phải đi đúng đường lối chính trị của Đảng, cần phải học tập kinh nghiệm lịch sử cách mạng của Đảng”[5].
Ý nghĩa lịch sử của Đề cương cách mạng miền Nam là ở chỗ góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và cơ sở chính trị cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.
Nhân dân miền Nam vùng lên trong cao trào Đồng khởi (Ảnh tư liệu)
Trong điều kiện cụ thể lúc ấy, Đề cương cách mạng miền Nam chưa nói rõ được con đường tiến lên của cách mạng sau khi các cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Đề cương cũng chưa đề ra được những biện pháp cụ thể, thích đáng để đối phó có hiệu quả với địch, giảm bớt khó khăn tổn thất của quần chúng.
Theo tinh thần của bản Đề cương cách mạng miền Nam các Đảng bộ miền Nam đã có ý thức chuẩn bị cuộc nổi dậy, trong khi chờ đợi chủ trương chính thức của Trung ương.
Quán triệt những Nghị quyết của Trung ương Đảng và tư tưởng bản Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, cuối tháng 12/1956 đến tháng 1/1957, Xứ uỷ Nam Bộ họp Hội nghị lần thứ hai để nhận định tình hình và đề ra phương hướng nhiệm vụ trước mắt cho toàn Đảng bộ.
Hội nghị thảo luận Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và nhiều văn kiện khác của Trung ương Đảng. Căn cứ tương quan lực lượng giữa ta và địch ở miền Nam, Xứ uỷ Nam Bộ nêu phương hướng tranh đấu “chặn bàn tay phát xít, chặn âm mưu gây chiến của Mỹ - Diệm để đòi một số quyền lợi thiết thực, cấp bách của quần chúng”, đặt vấn đề “vũ trang tuyên truyền và vũ trang tự vệ thành một chủ trương lớn để hỗ trợ đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng, đánh đổ Mỹ- Diệm”.
Trong những tháng cuối năm 1956 và năm 1957, trên cơ sở bản Đề cương cách mạng miền Nam, sự lãnh đạo năng động, sáng tạo của Xứ uỷ Nam Bộ và tổ chức Đảng các địa phương, phong trào cách mạng miền Nam từng bước phục hồi. Khắp các địa phương từ Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ đến Tây Nam Bộ, từ thành thị đến nông thôn đều đẩy mạnh đấu tranh chống sự khủng bố, đàn áp, của địch, từng bước khôi phục lực lượng và phục hồi phong trào đấu tranh cách mạng.
Bình Thi
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.17, tr. 787.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr 785.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 17, tr.798.
[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr. 806.
[5] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr. 822, 823.