Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xuất phát từ thực tiễn lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, quân và dân ta ở miền Nam sáng tạo phương châm “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh” và một điển hình của phương thức này là vành đai diệt Mỹ
Vành đai diệt Mỹ, biểu hiện sáng ngời và rõ nét của cuộc chiến tranh nhân dân
Phương châm “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh” biểu hiện sinh động bằng các vành đai diệt Mỹ xuất hiện, bao vây, áp sát các căn cứ quân sự, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, trở thành những chiếc “thòng lọng” ngày đêm siết chặt vào yết hầu quân xâm lược. Những khẩu hiệu tự nó nói lên tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta: “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, “lấy máu địch nhuộm đỏ lưỡi lê ta” (bộ binh), “kề sát vào gáy địch mà bắn” (pháo binh)…
Quá trình quân Mỹ vào xâm lược miền Nam đồng thời là quá trình quân và dân miền Nam xây dựng các vành đai diệt Mỹ. Từ đầu năm 1966, khi các đơn vị chiến đấu sừng sỏ của quân đội Mỹ như Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ “ Anh cả đỏ”, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”, Lữ đoàn 196 Mỹ….đổ bộ vào đóng chốt ở Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, các vành đai diệt Mỹ ra đời. Tiêu biểu là các vành đai Trảng Lớn (Châu Thành, Tây Ninh) bao vây Lữ đoàn 196 Mỹ, Củ Chi (Gia Định) bao vây căn cứ Đồng Dù, trước là căn cứ Sư đoàn 1, sau là Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ, Rạch Kiến (Cần Đước, Long An) vây hãm Lữ đoàn 1, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ và hàng loạt các vành đai diệt Mỹ khác ở Lai Khê, Phước Vĩnh, Phú Lợi, Thành Sơn…
Vành đai diệt Mỹ góp phần đánh bại đội quân xâm lược hiện đại nhất thế giới
Vành đai diệt Mỹ góp phần tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Hoạt động ở vành đai chủ yếu là lực lượng du kích nhưng đã quấy rối, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch. Trong tháng 2/1966, các lực lượng ở vành đai Củ Chi đã đánh gần 100 trận lớn, nhỏ. Đến cuối tháng 7/1966, lực lượng ta tại vành đai đã 8 lần (kể cả pháo kích) đánh vào căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ, trong đó có hai trận cuối tháng 7, diệt 300 tên Mỹ, phá hủy 20 xe bọc thép.
Tại vành đai Rạch Kiến, trong 3 tháng đầu, các lực lượng vũ trang đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên xâm lược Mỹ, diệt gọn 1 đại đội và 2 trung đội, bắn rơi 16 trực thăng, đánh bại chiến thuật phân đội nhỏ thọc sâu và chiến thuật xe cơ giới của địch.
Tại vành đai Trảng Lớn, ngay trận đầu tháng 11/1965, ta đã diệt và tiêu hao gần một đại đội Mỹ, bắn rơi 1 trực thăng. Tiếp đó, trận Gò Nổi tại Ninh Điền, ta diệt và làm bị thương hơn 300 tên Mỹ. Ngày 21/5/1967, ta tiến công sân bay Biên Hoà và căn cứ Phước Vĩnh, làm hư hại 150 máy bay các loại, 85 xe quân sự, diệt hơn 800 tên địch…
Hình mô phỏng khu vực Vành đai Rạch Kiến (Long An)
Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm trận đánh tại các vành đai diệt Mỹ, tiêu biểu cho tinh thần kiên quyết và liên tục tiến công của quân và dân ta.
Đầu năm 1969, khi tình hình đã trở nên vô cùng khó khăn đối với cách mạng, trung bình mỗi tháng vẫn có 5 cuộc tiến công của bộ đội và du kích vào các căn cứ Mỹ.
Vành đai diệt Mỹ kìm giữ một lực lượng lớn quân Mỹ tại các căn cứ. “Vào giữa năm 1966, việc bảo vệ căn cứ chiếm gần một phần ba số quân Mỹ mới đến…và chiếm gần một nửa số quân Mỹ có thể dùng cho các hoạt động tiến công”1. Trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, mặc dù Mỹ tiến hành chiến lược “tìm và diệt”, nhưng một số lượng lớn quân chiến đấu Mỹ vẫn bị ghìm chân tại các căn cứ. Trong một số trận đánh, lực lượng ở vành đai đã bao vây, nghi binh, kìm giữ lực lượng địch trong căn cứ tạo điều kiện cho lực lượng bên ngoài hoạt động, không cho địch chi viện. Tiêu biểu là đợt quân và dân huyện Phú Giáo, Phước Thành thực hiện xuất sắc nhiệm vụ nghi binh bao vây Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1 Mỹ tại căn cứ Phước Vĩnh, tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 quân giải phóng hoạt động trên đường 13, góp phần làm nên chiến thắng Cần Lê- trảng Ba Nghì cuối 6/1966.
Các cuộc tiến công địch tại các căn cứ hết sức bất ngờ, tạo tình trạng bất ổn, tâm lý hoang mang lo sợ, mệt mỏi cho lính Mỹ. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, lính Mỹ cũng có thể bị tiến công. Điển hình là một số trận. 18h 30’ ngày 26/6/1966, quân Mỹ trong căn cứ Đồng Dù đang tập trung chuẩn bị ăn tối và vui chơi, bị pháo kích bất ngờ. Sau trận đánh, địch tưởng lực lượng ta đã rút ra căn cứ thì 5h15’ ngày 27/6/1966, đúng lúc quân Mỹ vừa thức dậy và ra khỏi công sự, trận pháo kích thứ hai dội xuống căn cứ, diệt và làm bị thương nhiều tên Mỹ, phá hủy 20 xe quân sự, 50 nhà dù, nhiều nhà kho. Những trận đánh như vậy, tuy không thực sự gây thiệt hại nhiều cho địch, nhưng địch tốn nhiều công sức, tiền của cho công tác bảo vệ căn cứ, đúng như Gabrien Côncô viết: “vì sợ các cuộc tiến công của đặc công mà Mỹ phải đầu tư nhiều thì giờ và tiền của cho việc bảo vệ các căn cứ”.
Quân và dân ta ở vành đai diệt Mỹ phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân, sức mạnh chiến tranh du kích. Vành đai diệt Mỹ là một hình thức chiến tranh du kích sáng tạo. Đối mặt với vành đai diệt Mỹ, quân đội Mỹ vấp phải bức tường vô địch của chiến tranh du kích và “bức tường sắt” của dân tộc Việt Nam góp phần tạo nên bức tường đá ảm đạm bên kia bán cầu, ghi danh hàng nghìn lính Mỹ đã bỏ xác tại các vành đai diệt Mỹ.
Tại các vành đai diệt Mỹ, quân và dân ta đã thể hiện tinh thần bám trụ kiên cường, vượt mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm và sáng tạo tìm ra cách đánh thắng kẻ thù xâm lược. Nghị quyết Hội nghị thường vụ Trung ương Cục miền Nam tháng 10/1965 chỉ rõ: “ Địch có những chỗ mạnh như máy bay, pháo, xe tăng, thiết giáp để sát thương ta, vì vậy ta chủ trương “nắm thắt lưng địch mà đánh”…tập kích và tiêu diệt chúng bất kỳ ở đâu kể cả ngày hay đêm làm cho địch mất dần quyền chủ động và phải căng lực lượng ra mà đối phó ở khắp nơi”2. Tại vành đai diệt Mỹ, lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện phương châm bám đất, bám địch. Tính chất ác liệt tiêu biểu ở Củ Chi “đất thép” theo đúng nghĩa đen của nó và tại cụm II vành đai Trảng Lớn, hố bom chồng hố bom, hố đạn pháo chồng hố đạn pháo. Du kích Củ Chi có khẩu hiệu “Đã vác trái đi, không vác trái về”, sau nhiều cuộc hành quân càn quét và bom pháo dày đặc còn có những gia đình bám trụ, một lòng một dạ theo cách mạng cho đến ngày thắng lợi …Tại Vành đai Trảng Lớn, quân và dân Tây Ninh chiến đấu với quyết tâm: “Kiên quyết đánh, giá nào cũng đánh, cá nhân đơn vị nào ra đi không đánh, không diệt được Mỹ không về”.
Nữ du kích tại Củ Chi "đất thép" (Ảnh tư liệu)
Vành đai diệt Mỹ là bàn đạp cho các cuộc tiến công của lực lượng pháo binh, đặc công, biệt động vào các căn cứ của địch. Ở Biên Hoà, trung đoàn pháo 75 của Miền tổ chức một tiểu đoàn pháo phối hợp với đặc công Biên Hoà chuyên trách đánh sân bay. Tại Sài Gòn- Gia Định, tiểu đoàn 8 pháo binh quân khu pháo kích nhiều trận vào căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất. Tại vành đai Trảng Lớn, nổi bật là đội nữ pháo binh B13, kết hợp với lực lượng Sư đoàn 9, D14 lực lượng an toàn khu pháo kích căn cứ Trảng Lớn, diệt hàng trăm tên xâm lược Mỹ. Tại căn cứ Hiệp Thạnh (Châu Thành, Long An), giữa mùa nước nổi, lực lượng trinh sát huyện đã đưa được mìn ĐH10 vào đánh căn cứ, gây hoang mang, sợ hãi. Tại căn cứ Lai Khê (Bến Cát, Bình Dương), đội chốt Lai Khê đã tổ chức đánh mìn hẹn giờ trong căn cứ, phá hủy một kho đạn, 1 máy bay lên thẳng và đánh trúng cơ quan tham mưu Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ. Tại sân bay Thành Sơn, lực lượng vũ trang Ninh Thuận nhiều lần pháo kích sân bay và xây dựng vành đai bắn máy bay lên xuống sân bay với 5 tiểu đội du kích bám quanh sân bay.
Tại các vành đai diệt Mỹ, ta sử dụng nhiều lực lượng với nhiều hình thức đánh địch, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đặc công biệt động và quần chúng nhân dân, đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, …Toàn dân đánh giặc với những cách đánh không ai giống ai, không ở đâu giống ở đâu, già trẻ, gái trai đều có thể đánh địch. Phong trào đánh Mỹ trong nhân dân sôi nổi đến mức nảy sinh nhiều hình thức như “vay mượn thành tích”, “chia thành tích”, “đổi thành tích”…để có nhiều các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay…Trong mùa khô lần thứ nhất, Tây Ninh có 601 dũng sĩ các loại. Có những du kích bắn giỏi như Nguyễn Thị Coi (Út Coi) làm kẻ thù khiếp sợ.
Nhiều hình thức đánh địch bằng vũ khí thô sơ được du kích và nhân dân vành đai áp dụng. Trước thế trận chiến tranh nhân dân tại các vành đai diệt Mỹ nói riêng và trên cả miền Nam nói chung, ngày 24/7/1966, Jhonson phải thừa nhận: “Binh sĩ Mỹ đã tham gia một cuộc chiến tranh kỳ lạ, gay go chống lại một kẻ địch thiện chiến, ngoan cường mà chưa một đạo quân nào các Mỹ trước đây đã gặp phải và họ phải đối phó với nhiều việc khác”1. “Củ Chi còn, Sài Gòn mất”, Củ Chi tồn tại dai dẳng qua bao thời kỳ ác liệt, chỉ có quân đội Mỹ không chịu nổi tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh do chính họ gây ra. Củ Chi còn đó, sừng sững đất thép thành đồng, chỉ có những đội quân xâm lược phải cuốn xéo khỏi mảnh đất không phải dành cho họ, rút khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Bình Nguyễn
1 . Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh – Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr. 189-190.
2. Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh – Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Sđd, tr. 190.
2 . Nghị quyết Hội nghị thường vụ Trung ương Cục miền Nam, tháng 10/1965. Tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng
1 .Viện Lịch sử quân sự Việt Nam- Phòng Thông tin Tư liệu: Lịch diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập 1, (1954-1968), lưu hành nội bộ, xuất bản 12/1985, tr. 157.