Ngày 30/3/1972, thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định của Trung ương Đảng và Quân Ủy Trung ương, quân và dân ta trên toàn miền Nam mở đợt hoạt động lớn với nhiều chiến dịch trên toàn chiến trường. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, nhất là tại mảnh đất giới tuyến Quảng Trị với địa danh Thành cổ Quảng Trị đã đi vào huyền thoại
Bối cảnh tình hình
Đến cuối năm 1971, cách mạng miền Nam đã khôi phục được thế và lực sau những đợt tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, từng bước giành lại quyền chủ động trên chiến trường, bao gồm cả chiến trường miền Nam và chiến trường Campuchia và Lào. Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa phải chuyển hẳn vào thế phòng ngự bị động. Quân đội Việt Nam Cộng hòa xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” giảm sút về số lượng, sa sút về tinh thần, phải dàn mỏng trên các chiến trường thay thế quân Mỹ và Đồng minh rút về nước. Chương trình bình định nông thôn của địch bị thu hẹp, năm 1971, số ấp chiến lược, ấp tân sinh địch kiểm soát giảm 2.000 ấp so với năm 1970.
Hậu phương miền Bắc đã khôi phục sau khi Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại, có điều kiện thuận lợi chi viện cách mạng miền Nam.
Quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam về cơ bản, tính đến cuối năm 1971, chỉ còn khoảng 70.000 quân Mỹ tại miền Nam (so với thời điểm cao nhất là 543.000 vào tháng 4/1968). Năm 1972 đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, là cơ hội cho ta kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình vẫn tiếp diễn mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ.
Chủ trương của Đảng
Tháng 5/1971, Bộ Chính trị họp đề ra nhiệm vụ giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Bộ Chính trị chủ trương: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường… giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”[1].
Đầu năm 1972, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên, mặc dầu còn có những khó khăn và nhược điểm cần phải khắc phục; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống, mặc dầu chúng đang còn nhiều lực lượng và có những chỗ mạnh tạm thời”[2].
Trên cơ sở đó, Hội nghị đề ra nhiệm vụ tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong năm 1972, đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại “Học thuyết Nichxơn”.
Ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết quan trọng về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Trước những diễn biến mới của tình hình, nhất là việc Mỹ và Trung quốc ra Thông cáo chung Thượng Hải, ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị họp, khẳng định quyết tâm không gì thay đổi là đánh bại về cơ bản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn đối phó của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ pháo binh "Vua chiến trường" 175 mm của địch tại
điểm cao 241, ngày 2/4/1972 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện quyết tâm
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, ngày 30/3/1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Tại hướng chủ yếu Trị- Thiên, đến ngày 2/5/1973, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị gồm hơn 10 vạn dân, đây là tỉnh đầu tiên được quân và dân ta giải phóng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Các mặt trận khác trên toàn miền Nam, ta cũng giành những thắng lợi to lớn. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 30 vạn tên địch, đánh thiệt hại từ 40 đến 65 % số đơn vị thuộc các lực lượng địch, diệt và bức hàng 2.200/9.000 đồn bốt, mở rộng vùng giải phóng với trên 4 triệu dân/11,5 triệu dân ở nông thôn miền Nam.
Tuy nhiên, cũng như những lần trước, việc giành thắng lợi hoàn toàn trong năm 1972 đã không diễn ra. Mặc dù đã thực hiện “phi Mỹ hóa chiến tranh”, “Việt Nam hóa chiến tranh” nhưng Mỹ đã ngay lập tức phản kích quyết liệt, cứu nguy chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Trước tình thế nguy ngập của chính quyền Sài Gòn, Mỹ đã sử dụng lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến trở lại ở miền Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai chống phá miền Bắc từ ngày 6/4/1972.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau khi ta mở cuộc tiến công, Mỹ đã huy động lực lượng không quân khổng lồ gồm 1.300 máy bay chiến thuật, 150 máy bay chiến lược B52 tham chiến, hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Hải quân Mỹ cũng được huy động cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với khoảng 60 tàu chiến, trong đó có 5 tàu sân bay và 5 tàu tuần dương. Nhiều vũ khí, trang thiết bị mới được trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng hòa[3].
Với hỏa lực áp đảo, địch tiến hành phản kích quyết liệt, đặc biệt là tại chiến trường Quảng Trị. Trung bình mỗi ngày địch bắn trên 100.000 viên đạn pháo, số lần xuất kích máy bay B52 từ 11 lần chiếc ngày trong tháng 5 tăng lên 50 lần chiếc ngày trong tháng 6, có ngày 100 lần chiếc, tập trung đánh phá hậu phương chiến lược và đường tiếp tế vận tải của ta.
Chiến sĩ giải phóng tại Thành cổ Quảng Trị (Ảnh Đoàn Công Tính)
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tập trung tại Thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Trung bình mỗi ngày, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, Thị xã Quảng Trị hầu như bị san phẳng.
Ngày 16/9/1972, địch tái chiếm Thành cổ.
Trên các mặt trận khác, cuộc tiến công của quân giải phóng cũng dần bị đẩy lùi. Tại một số mũi tiến công, như mũi tiến công Huế, lực lượng mũi nhọn quân giải phóng đã vào quá sâu, bị địch bao vây, chia cắt, gây nhiều thương vong.
Như vậy, một lần nữa, ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng, vì tương quan lực lượng chưa nghiêng hẳn về phái quân giải phóng. Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn rất mạnh. Đặc biệt, Hoa Kỳ quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tác chiến, hỗ trợ quân lực Việt Nam Cộng hòa cao nhất về phi pháo, gây thiệt hại lớn cho quân giải phóng.
Mặc dù cuối cùng không đạt được mục tiêu quân sự đã đặt ra, nhưng cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là cuộc tiến công mạnh mẽ, dài ngày rộng khắp của quân và dân ta từ sau Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội cuối năm 1972, góp phần quyết định buộc Hoa Kỳ phải ký Hiệp định hòa bình Paris, mở ra con đường đến thắng lợi cuối cùng.
[1] . Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 514.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 33, tr. 142.
[3] . Hỏa tiễn chống tăng TOW, vốn đang được nghiên cứu hoàn chỉnh, nhằm trang bị lực lượng NATO tại Châu Âu, được cấp tốc trang bị cho quân đội Việt Nam cộng hòa, đã bắn cháy một số xe tăng của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị.