Hiện nay, về sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, có nhiều hình ảnh khác nhau. Vì vậy, trên mạng xã hội đã xảy ra những tranh luận xung quanh câu chuyện này
1. Có nhiều hình ảnh khác nhau Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, dưới đây là 5 hình ảnh tiêu biểu:
Nguồn hình 1, lấy trên trang Báo Gia Lai điện tử: https://baogialai.com.vn/channel/581/201708/ky-niem-72-nam-cach-mang-thang-tam-muoi-lam-ngay-xac-tin-mot-du-bao-1945-viet-nam-doc-lap-5546543/
Nguồn hình 2, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lấy từ Trang Thông tin Thành ủy TP. Hồ Chí Minh: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tuyen-ngon-doc-lap-%E2%80%93-nhung-gia-tri-truong-ton-1491883626
Nguồn hình 3, lấy từ trang An Ninh thủ đô: ttps://www.anninhthudo.vn/hinh-anh-song-dong-giay-phut-chu-tich-ho-chi-minh-doc-ban-tuyen-ngon-doc-lap-291945-post328100.antd
Thực ra hình ảnh này là từ bộ phim nhựa "Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" sản xuất năm 1960 của đạo diễn Quang Huy, biên kịch: Nguyễn Hồng Nghi - Lê Minh Hiếu - Phạm Hiếu Dân.
Nguồn hình 4, là hình Tem kỷ niệm ngày 2/9 (1945 - 1960) lấy từ báo Zing: https://zingnews.vn/trang-phuc-bac-ho-trong-ngay-doc-lap-1945-post984931.html
Nguồn hình 5, lấy từ Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, Nxb Giáo dục, 2020, trang 94.
Ảnh này cũng xuất hiện trong cuốn sách Why Vietnam/ Tại sao Việt Nam của Archimedes L.A. Patti, một tình báo Mỹ với danh nghĩa Đại diện Đồng Minh chống phát xít, đã từng gặp và làm việc với Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc và có mặt tại Hà Nội trong dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.
2. Vì có quá nhiều dị biệt về tư liệu hình ảnh của Bác Hồ trong ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 2/9/1945, nên xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Nhóm ý kiến thứ nhất, cho rằng tại sao chỉ có mỗi một sự kiện này mà đất nước độc lập đã 77 năm vẫn chưa thể thống nhất đâu là hình ảnh chính xác nhất. Nhóm này cũng tỏ ra nghi ngờ đối với các sự kiện lịch sử. Cá biệt, có những ý kiến cho rằng các tuyên truyền của Đảng và Nhà nước sai sự thật (!?) ngay từ những sự việc cụ thể này.
Nhóm ý kiến thứ 2, lấy hình ảnh in trong Sách giáo khoa lớp 9 là sai. Những người thuộc nhóm ý kiến này cho rằng muốn biết đúng hay sai thì có video đấy. Trong video đó Bác Hồ không mặc comle, đội mũ cối. Nhóm ý kiến này cũng cho rằng những người đưa hình ảnh này đã cố tình đưa hình ảnh Bác Hồ đã không đúng mà lại mờ nhạt và kết luận: “Đánh tráo hình ảnh Bác để làm gì? Mục đích gì?”.
Nhóm ý kiến thứ 3, là nhóm ý kiến của những người mong muốn các cơ quan có trách nhiệm cần có những nghiên cứu thật sự khoa học, thấu đáo để đưa ra một tài liệu chính xác về hình ảnh này.
3. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói lịch sử chỉ có thể xảy ra một lần nhưng người viết sử có thể viết lại nhiều lần. Đã đến lúc những sự kiện lịch sử như hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập cần có kết luận cuối cùng và thống nhất hình ảnh chung.
Bây giờ, viết những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta có đủ điều kiện và cơ sở để đính chính những lầm lẫn của lịch sử. Các cơ quan có trách nhiệm cần có một hội đồng khoa học để xác tín lại lần cuối cùng hình ảnh này và công bố một hình ảnh chuẩn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau đó, các cơ quan có trách nhiệm cũng cần rà soát, đính chính, loại bỏ dần những hình ảnh chưa chuẩn xác về sự kiện này.
Làm được như thế chính là “chúng ta bày tỏ lòng kính yêu Bác, là tôn trọng sự thật lịch sử vĩ đại của dân tộc, đồng thời thể hiện sự biết ơn các nhà nhiếp ảnh, quay phim chân chính trong và ngoài nước đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản ảnh và phim trung thực, bất hủ” (Chu Chí Thành). Cũng vậy, làm được như thế để bớt đi những tranh luận không đáng có, nhiều khi gây chia rẽ và tạo kẽ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc.
Hồng Phúc