Trước cuộc tiến công của lực lượng Hamas vào Israel và chiến dịch tiến công trả đũa của nhà nước Do Thái, phản ứng của quốc tế và quan điểm của Việt Nam như thế nao ?
Ngày 14 tháng 5 năm 1948, người Do Thái đã chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Chỉ sau vài giờ tuyên bố độc lập, đã có nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng công nhận. Liên Xô khi ấy là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nhà nước Israel. Các quốc gia Arab không những không đồng tình mà còn liên kết nhau để đè bẹp quốc gia non trẻ này và họ đã đem quân xâm lược Israel. Cuộc xung đột đầu tiên này được lịch sử gọi là chiến tranh Arab - Israel 1948.
Điều bất ngờ cho cả thế giới, nhà nước non trẻ Israel đã chiến thắng khối Arab. Chiến thắng này không chỉ giúp họ giữ được phần đất được chia mà còn chiếm thêm được 60% vùng lãnh thổ được trao cho người Arab tại Palestine. 40% diện tích đất còn lại của Palestin lại bị các nước Arab tham chiến chia nhau như là một chiến lợi phẩm: Jordan sáp nhập Bờ Tây, Ai Cập chiếm Dải Gaza. Thành phố Jerusalem bị Israel sáp nhập vùng phía tây và tuyên bố đây là thủ đô của đất nước, Jordan thì chiếm lấy phần phía đông. Cuộc thất bại cay đắng này đã làm cho người Palestin mất nước và phải chạy khỏi đất nước sang các nước láng giềng. Vậy là không chỉ Israel chiếm đất của người Palestin mà cả các nước Arab cũng nhân cơ hội này chiếm đất của người Palestin.
Năm 1967, khối Arab lại một lần nữa lên kế hoạch tấn công Israel. Với mục đích để tự vệ, Israel đã tấn công phủ đầu 3 nước Arab là Syria, Jordan và Ai Cập. Lịch sử gọi đây là cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Để chung sống hoà bình với Arab, năm 1978, Mỹ đã làm trung gian để Israel đã trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập, Ai Cập chính thức công nhận nhà nước Israel và rút khỏi liên minh chống Israel.
Khi người Do Thái đang vận động để có một tổ quốc của mình, họ đã bắt gặp một dân tộc cùng chung cảnh ngộ là Việt Nam. Thế rồi do những trúc trắc của lịch sử nên khi nhà nước Israel ra đời họ lại nhận được nhiều sự bảo trợ từ Hoa Kỳ. Khi ấy, Hoa Kỳ lại xâm lược Việt Nam nên khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập bởi Yasser Arafat vào năm 1964 thì Palestin lại cùng cảnh ngộ với Việt Nam, vì lý do đó Việt Nam lại thân thiết và ủng hộ con đường đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của Palestin. Nay, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa nên Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với cả Israel và Palestin do Tổng thống Abbas là Chủ tịch Fatah đứng đầu.
Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin (trái) bắt tay Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine Yasir Arafat (phải) tại Lễ ký kết Hiệp định Oslo ngày 13/9/1993 với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từ khi thành lập đã phải di chuyển trụ sở hết nước này sang nước khác từ Ai Cập, Jordan, Nam Lebanon, Tunisia. Từ năm 1990, các nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột đã bắt đầu. Ngày 13 tháng 9 năm 1993, dưới dự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin của Israel và Chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestine Yasir Arafat đã ký kết Hiệp định Oslo. Theo đó, PLO thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel và cam kết từ bỏ đấu tranh bạo lực. Đổi lại, Israel cũng công nhận PLO là đại diện của người dân Palestine. Ngoài ra, PLO cũng được phép di dời khỏi Tunisia và thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Với hiệp định này, lần đầu tiên PLO chấp nhận giải pháp hai nhà nước, tức họ không còn đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ vùng đất Palestine nữa. sau khi hiệp định này được ký kết, năm 1994, giải Nobel Hòa bình được trao cho Yasser Arafat của Palestine, Shimon Peres và Yitzhak Rabin của Israel. Thế nhưng sau đó chính Yitzhak Rabin đã bị Yigal Amir một người cấp tiến cánh hữu Israel, người phản đối việc Rabin ký kết Hiệp định Oslo, ám sát.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan của Palestine, tiêu biểu là Phong trào Hamas cũng phản đối việc ký kết này. Họ lên án Arafat là "thỏa hiệp với kẻ thù" và ngay lập tức khởi xướng một chiến dịch khủng bố nhằm vào người Israel. Hòa bình lại một lần nữa không thể thành hiện thực.
Năm 2004, lãnh đạo PLO Yasser Arafat qua đời, một năm sau, phong trào Intifada (thánh chiến) lần thứ hai kết thúc, các khu định cư của Israel ở Dải Gaza bị dỡ bỏ, binh lính Israel cùng 9.000 người định cư rời khỏi vùng đất này. Tháng 1/2005, Palestin bầu Tổng thống và Chủ tịch Fata là Abbas đã được bầu làm Tổng thống Palestin. Tháng 1/2006, lần đầu tiên người dân Palestin bầu Quốc hội và sau đó Hamas quản lý Dải Gaza từ năm 2006 đến nay và cũng từ đó đến này không có một cuộc bầu cử nào được tổ chức ở Gaza. Năm 2007, Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Dải Gaza, cáo buộc Hamas là "khủng bố". Từ đó đến nay (trước cuộc xung đột lần này), Israel đã có 4 lần tấn công vào Dải Gaza trong các năm 2008, 2012, 2014 và 2021 gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của người Palestine.
Ngày 7 tháng 10 năm 2023, các nhóm quân sự Palestine do Hamas lãnh đạo đã phát động một cuộc xâm lược và tấn công quy mô vào Israel từ Dải Gaza, vượt qua hàng rào Gaza - Israel và vượt qua các cửa khẩu biên giới Gaza, các thành phố lân cận của Israel, các cơ sở quân sự lân cận và các khu định cư dân sự.
Hamas gọi chiến dịch này Chiến dịch Bão táp Al-Aqsa (Operation Al-Aqsa Storm) trong khi Israel gọi cuộc phản công của mình là Chiến dịch Những thanh gươm sắt (Operation Iron Swords). Đây là cuộc xung đột trực tiếp đầu tiên trong phạm vi ranh giới của Israel kể từ cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948.
Vào sáng sớm, Hamas đã tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của Israel và các cuộc xâm nhập bằng phương tiện vận chuyển vào lãnh thổ Israel, với một số cuộc tấn công vào các cộng đồng dân sự Israel xung quanh và các căn cứ quân sự của Israel. Sau khi giải phóng lực lượng Hamas khỏi các khu vực bị ảnh hưởng, Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza. Liên Hợp Quốc báo cáo rằng khoảng 423.000 người Palestine, hơn 1/5 dân số Gaza, đã phải di dời trong nước. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo càng gia tăng sau khi Israel cắt nguồn cung cấp lương thực, nước, điện và nhiên liệu cho Gaza, Strip nơi vốn đã bị cả Ai Cập và Israel phong toả. Đã có nhiều thường dân thiệt mạng và có nhiều cáo buộc về tội ác chiến tranh. Trên bình diện quốc tế, các cuộc biểu tình xảy ra ở nhiều địa điểm và tội phạm căm thù ngày càng gia tăng.
Ít nhất 44 quốc gia đã lên án Hamas và coi các chiến lược của tổ chức này là khủng bố, tuy nhiên các chủ thể trong khu vực như Qatar, Ả Rập Xê Út, Kuwait, Syria và Iraq lại quy trách nhiệm cho Israel. Nhiều quốc gia kêu gọi giảm căng thẳng. Một cuộc xung đột đã được báo cáo giữa Hezbollah và các chiến binh Palestine ở Liban và lực lượng Israel vào ngày 8 và 9 tháng 10. Hoa Kỳ triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay đến Đông Địa Trung Hải, và Đức tuyên bố sẽ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Israel.
Tổng thư ký LHQ chỉ trích cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza: “Israel đang khiến dân thường ở Gaza chịu thương đau và bày tỏ lo ngại khi luật nhân đạo quốc tế bị vi phạm”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói “Hamas không phải khủng bố”. Trong Asean thì Indonesia và Malaysia thể hiện lập trường gần với các nước Hồi giáo, chỉ trích mạnh mẽ Israel và kêu gọi cộng đồng quốc tế có các biện pháp để buộc Israel ngưng tấn công Gaza. Khắp nơi trên thế giới, người dân tại nhiều quốc gia đã xuống đường biểu tình ủng hộ người dân Palestin.
Sau 4 thất bại liên tiếp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas, ngày 26-27/10/2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 193 quốc gia thành viên, đã thông qua nghị quyết với 120 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi một thoả thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững nhằm chấm dứt xung đột, hối thúc tất cả các bên ngay lập tức tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Ngày 15/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo tại Dải Gaza. Nghị quyết số 2712 kêu gọi ngừng bắn và thiết lập hành lang nhân đạo khẩn cấp và mở rộng trên khắp Dải Gaza “trong đủ số ngày” để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở. Nghị quyết nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp liên tục, đầy đủ và không bị gián đoạn các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên khắp Gaza, bao gồm nước, điện, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế cũng như sửa chữa khẩn cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ngày 8/10, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan điểm về leo thang quân sự tại Trung Đông
Ngày 18/10, trả lời câu hỏi phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho Tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Ngày 24/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận mở về đề mục “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine”. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh: “Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay, nhất là các tổn thất nghiêm trọng đối với dân thường; lên án mạnh mẽ mọi hành động tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự”. Đại sứ kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, kiềm chế tối đa, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng người dân, trong đó bảo đảm an toàn và thả ngay lập tức tất cả con tin, giảm thiểu thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu theo Nghị quyết 2573 năm 2021 của Hội đồng Bảo an. Đại diện Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tất cả các bên liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt giao tranh, nối lại đối thoại và đàm phán, cho phép tiếp cận nhân đạo và triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo kịp thời, không bị cản trở tới người dân cần trợ giúp, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Từ những phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc cho thấy rõ Việt Nam mong muốn các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Đối với Palestin, chúng ta ủng hộ quyền có một nhà nước của người Palestin trong vùng lãnh thổ được Liên Hợp quốc phân chia năm 1947, song chúng ta cũng không ủng hộ các hành vi bạo lực của Hamas. Không phải chỉ Việt Nam mà Tổng tống Palestin Abbas cũng tuyên bố: “Hành động của Hamas không đại diện cho người dân”. Đối với Israel, chúng ta cũng ủng hộ quyền chung sống hoà bình trong vùng lãnh thổ được Liên Hợp quốc phân chia năm 1947, song không ủng hộ các hành vi lấn chiếm lãnh thổ của người Palestin, không ủng hộ các hành vi bắn giết dân thường…
Ngày 23/7/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel (12/7/1993-12/7/2023). Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung nhấn mạnh: “Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Israel liên tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng gắn kết sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực”. Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ quyền có một nhà nước của người Palestin. Ngày 6 tháng 10 năm 2022, tiếp Đoàn đại biểu Đảng Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestin (Fatah), Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam: “Ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì các quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết và quyền thành lập Nhà nước Palestin độc lập; ủng hộ việc thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột”. Là những người bạn của cả Israel và Palestin, chúng ta mong muốn các bên tìm được tiếng nói chung để chấm dứt bạo lực, lập lại hoà bình, không gây thêm đau khổ cho người dân.
Trung Kiên (Tổng hợp)