Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas đã phát động một cuộc xâm lược và tấn công quy mô vào Israel từ Dải Gaza, vượt qua hàng rào Gaza–Israel và vượt qua các cửa khẩu biên giới Gaza, các thành phố lân cận của Israel, các cơ sở quân sự lân cận và các khu định cư dân sự. Hamas gọi chiến dịch này Chiến dịch Bão táp Al-Aqsa (Operation Al-Aqsa Storm) trong khi Israel gọi cuộc phản công của mình là Chiến dịch Những thanh gươm sắt (Operation Iron Swords). Bản chất xung đột này là gì? Xung đột sẽ đi về đâu? Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong vấn đề này như thế nào và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên
Vùng đất của những xung đột và đau thương
Theo Kinh thánh Cựu Ước, khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 TCN, tức cách ngày nay 4 nghìn năm có một nhân vật đã sinh ra cộng đồng người Do Thái và Arab: đó là Abraham.
Abraham có một người con trai Ishmael và ông này sinh ra một người cháu, người cháu ấy sinh ra các chi phái Arab. Một người con trai khác của Abraham là Isaac, Isaac sinh Jacob, sau đó, Jacob được đổi tên thành Israel và sinh ra 12 chi phái người Do Thái. Như vậy, chúng ta có thể hiểu nôm na người Do Thái và người Arab có chung một ông nội.
Khoảng 3.000 năm về trước, tộc người Do Thái đến định cư ở phía tây bán đảo Arab và kiến thiết lên một quốc gia với thủ đô là Jerusalem. Vương quốc Israel và Judah thống nhất tồn tại từ 1030 TCN – 930 TCN với 3 vị vua nổi tiếng là: Saul, David và Solomon. Vị vua người Do Thái là vua David chính là người, theo truyền thuyết đã đánh bại tên khổng lồ Goliath. Sau khi vua Solomon qua đời, Israel tách thành vương quốc Bắc Israel và vương quốc Judah phía nam. Từ Judah này dịch sang tiếng Việt từ tiếng Hán nên chúng ta gọi là DO THÁI. Bắc Israel tồn tại tới năm 720 TCN, bị chiếm bởi Đế chế Tân Assyria. Judah tồn tại tới năm 587 - 586 TCN bị chiếm bởi Đế chế TÂN Babylon (đế chế này khác hẳn với đế chế Babylon trước đó). Sau đó, vùng đất này trải qua những chia rẽ, sáp nhập lãnh thổ rất phức tạp (Để viết cho kỹ từng sự kiện cần phải viết một tiểu luận hàng mấy trăm trang. Bài viết này đặt mục đích hệ thống hoá ngắn gọn nên nhiều chi tiết sẽ bị lược bỏ).
Đế quốc La Mã xâm chiếm khu vực vào năm 63 TCN. Thực ra trong khoảng thời gian này, người Do Thái cũng có giành được độc lập trong một giai đoạn ngắn và sự kiện đế chế La Mã cai trị họ có lẽ tính từ năm 37 TCN. Khi La Mã can thiệp vào vùng đất này đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa các phái và Herodes Đại vương đăng cơ và củng cố Vương quốc Herod với vị thế là một nhà nước Judea chư hầu của La Mã.
Vì dân tộc Do Thái bị đô hộ cả ngàn năm như thế nên họ chỉ ao ước có ai đó sẽ cứu dân tộc họ thoát khỏi cảnh trầm luân. KINH CỰU ƯỚC của người Do Thái có ghi: “Vị vua của Israel ở tương lai sẽ tiến vào Jerusalem trên lưng một con lừa”. Và, năm ấy, con người ấy xuất hiện: đó là Chúa Jesus. Bởi vậy, khi chúa Jesus vào thành Jerusalem, người Do Thái đã đổ ra đường chào đón ngài với hi vọng đây sẽ là người cứu dân tộc họ thoát khỏi bị đô hộ hàng ngàn năm. Thế rồi chỉ sau đó không lâu, ngài bị người La Mã cai trị đóng đinh trên cây thập giá. Lính La Mã nhận diện Jesus nhờ cái hôn của Judas Iscariot, một môn đồ đã phản ngài để nhận được tiền. Chúa Jesus có 12 sứ đồ, Judas là vị sứ đồ thứ 11 và là kẻ bán chúa nên Matthias được chọn vào chỗ của Judas Iscariot trong các tông đồ. Chúa cùng 12 sứ đồ cả thảy là 13, trong 13 người ấy có kẻ đã bán chúa. Vì vậy, người phương Tây chịu ảnh hưởng bởi Kito giáo rất kiêng kị con số 13. Theo các sách phúc âm, bữa tiệc cuối cùng này là bữa Tiệc Ly, đó là bữa ăn sau cùng mà chúa Jesus chia sẻ với các môn đồ trước khi ngài chịu đóng đinh. Theo các học giả, bữa ăn là dịp kỷ niệm Lễ Vượt qua, cử hành vào tối thứ Năm trước khi Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá vào thứ Sáu. Vì vậy mà người phương Tây kỵ thứ Sáu, ngày 13. Cũng có thuyết cho rằn thứ 6 là ngày mà Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng vì không nghe lời chúa trời. Nên nhớ, kinh thánh không phải là tác phẩm khoa học tự nhiên. Tôn giáo đi vào bằng ngả trái tim, nó không đi vào bằng cái đầu. Khi ấy, một bộ phận người Do Thái tin rằng chúa Jesus đã chết. Nhưng một bộ phận khác thì không, họ tin rằng chúa sẽ phục sinh. Các Kitô hữu tin rằng chúa Jesus sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết trên thập tự giá. Và rồi sự kiện này được cử hành hằng năm vào ngày Lễ Phục sinh. Ngày Chúa ra đời trở thành ngày lễ Giáng Sinh. Hiện nay trên thế giới này, có lẽ ít có ngày lễ nào được đông đảo mọi người đón nhận như 2 ngày lễ này. Những người tin chúa phục sinh tách thành một giáo lý riêng gọi là KINH TÂN ƯỚC và đó chính là Kito giáo. Những người thuộc nhóm này vì muốn cho mọi người biết Chúa đã phục sinh, nên đã đi khắp nơi để giảng đạo. Đến năm 380, vua Theodosius I của La Mã chính thức công nhận Kitô giáo là quốc giáo của đế chế La Mã.
Theo kinh Tanakh (cách gọi kinh Cựu Ước của người Do Thái) thì đền thờ của Solomon được xây trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ X trước Công Nguyên và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước CN. Đền được tái xây dựng và dâng cho Chúa năm 516 trước CN. Khoảng năm 19 trước CN, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại Núi Đền. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Năm 70 sau Công Nguyên trong cuộc chiến tranh Do Thái - La Mã lần thứ nhất thất bại và ngôi đền do Herod xây dựng bị phá hủy nên ngày nay nó chỉ còn sót lại một phần nhỏ và người Do Thái gọi đó là “Bức tường Than Khóc”. Cũng từ năm 70 sau công nguyên, sau thất bại này, người Do Thái bắt đầu rời bỏ quê hương lang thang khắp nơi trên thế giới. Dù phải rời bỏ mảnh đất lịch sử của cha ông, song gặp nhau ở đâu trên thế giới người Do Thái đều chào nhau “Năm sau trở về Jerusalem”. “Bức tường Than Khóc” trở thành địa điểm linh thiêng đối với người Do Thái.
Năm 610, khi vùng đất này vẫn nằm dưới sự cai trị của La Mã đã xuất hiện một con người, con người ấy đã tạo nên Hồi giáo với hàng tỷ tín đồ trên thế giới hiện nay. Thực ra cái tên của đạo này là Islam, tuy nhiên tôn giáo này truyền vào Trung Quốc qua những người dân tộc Hồi nên mới được gọi là Hồi giáo.
Người tạo nên Hồi giáo là Muhammad không xưng mình là thượng đế mà chỉ nhận mình là “Nhà tiên tri”, là sứ giả của thượng đế, là người phát ngôn của Thánh Alah xuống truyền đạt đúng y lời của thượng đế, chưa bao giờ ông nói mình là “Chúa”. Muhammad cũng nói rằng Thiên thần Gabriel - người được phái xuống để thông báo rằng ông đã được chọn làm sứ giả của Thiên Chúa. Nơi mà ông bay lên gặp Thánh Allah lại cũng chính là Jerusalem. Một vùng đất nhỏ bé là Jerusale đã sinh ra 3 tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo.
Thành phố Jerusalem được xem là thánh địa của 3 tôn giáo lớn là Do Thái Giáo, Kito giáo và Hồi GiáoVì rất nhiều những nguyên nhân khác nhau nên đã có những xung đột giữa các tôn giáo mà cụ thể là giữa Kito giáo La Mã và Hồi giáo. Các cuộc Thập tự chinh chính là các cuộc chiến tranh tôn giáo.
Trên thế giới, ít có dân tộc nào chịu nhiều đau khổ như người Do Thái (và bây giờ thêm người Palestin). Từ khi lập quốc khoảng thế kỳ 11 TCN thì chỉ đến thế kỷ thứ 8 TCN, gần như các quốc gia của người Do Thái đã bị tiêu diệt hoàn toàn, vùng đất Palestine lần lượt nằm dưới sự cai trị của các Đế chế Assyria, Đế chế Babylon, Đế chế Ba Tư, Đế chế La Mã trong hàng thế kỷ sau đó. Người Hồi giáo Ảrập trong quá trình bành trướng của họ đã chiếm được khu vực này vào thế kỷ thứ 8 từ tay người La Mã. Trải qua nhiều thăng trầm, Palestine tiếp tục bị kiểm soát bởi người Hồi giáo trong hàng thế kỷ với sự cai trị lần lượt của các đế chế Hồi giáo Ayyubid, Đế chế Mamluk và đế chế Ottoman.
Nguyên nhân xung đột
Khi người Do Thái lang thang ra đi khắp nơi trên thế giới thì vùng đất hiện nay là lãnh thổ của Israel và Palestin tiếp tục bị kiểm soát bởi người Hồi giáo trong hàng thế kỷ với sự cai trị lần lượt của các đế chế Hồi giáo Ayyubid, Đế chế Mamluk và đế chế Ottoman.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, một nhà báo Áo - Hung gốc Do Thái là Theodor Herzl đã viết tác phẩm có tiêu đề “Nhà nước Do Thái” (1896). Tác phẩm này là cơ sở lý luận và nền tảng cho sự ra đời của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Đó là lý do ông được biết đến như là cha đẻ của Nhà nước Israel. Tên của ông cũng được đề cập cụ thể trong Tuyên ngôn Độc lập của Israel và được gọi chính thức là "người cha thiêng liêng của Nhà nước Do Thái" (tất nhiên, trước ông đã có nhiều người Do Thái hoạt động và đề ra ý tưởng này).
Sau đó, người Do Tahsi đã cho ra đời Phong trào Phục quốc Do Thái với mục tiêu thành lập một quốc gia có chủ quyền cho dân tộc của họ ở khu vực Trung Đông. Cùng lúc ấy, phong trào chủ nghĩa dân tộc Arab cũng được thành lập để đấu tranh giành độc lập từ đế chế Ottoman. Trong giai đọn ấy, nhiều người Do Thái ở châu Âu đã tìm đường về vùng đất hiện nay. Khi người Do Thái quay trở về hẳn nhiên họ gặp xung đột với người Arab ở vùng đất này. Mâu thuẫn giữa 2 bên bắt đầu âm ỉ.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ottoman chọn cùng phe với Đức, Áo - Hung để chống lại phe Đồng minh Anh, Pháp, Nga. Kết cục là phe Liên minh Ottoman thất bại và đế chế Ottoman ta rã thành nhiều quốc gia độc lập. Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chính là quốc gia kế thừa của Ottoman (tất nhiên lãnh thổ hẹp hơn rất nhiều).
Sau chiến tranh thế giới, vùng đất này (Palesin, Israel và Jordan) được đặt dưới chế độ “ủy trị” phe chiến thắng và giao cho nước Anh kiểm soát cho đến khi người Anh giao trả vùng đất này cho "chủ nhân" thực sự. Nhưng "chủ nhân" thật sự là ai? Người Do Thái hay người Arab.
Tuyên bố Balfour năm 1917 (Ảnh: History.com)
Vào ngày 2 tháng 11 năm 1917, Ngoại trưởng Anh khi ấy là Arthur Balfour đã viết một lá thư gửi tới Lionel Walter Rothschild, một người đứng đầu cộng đồng người Do Thái ở Anh. Bức thư cam kết chính phủ Anh sẽ “thành lập ở Palestine một quốc gia cho dân tộc Do Thái”. Bức thư ấy sau này được gọi là Tuyên bố Balfour. Khi ấy, vùng đất này đa số là người Arab nên Palestine phải là một phần của một quốc gia Arab. Chính phủ Anh trong 25 năm thực hiện nhiệm vụ uỷ trị này (1923-1948) đã tạo điều kiện để người Do Thái nhập cư về vùng Palestin và dẫn đến căng thẳng giữa 2 cộng đồng Do Thái và Arab.
Khi người Do Thái trở về, đã có nhiều cuộc nổi dậy của người Arab để phản đối. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, người Do Thái là đối tượng bị phát xít Đức tiêu diệt nên càng khát khao cháy bỏng có một tổ quốc để trở về càng thôi thúc cộng đồng người Do Thái khắp mọi nơi trên thế giới. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, những người Do Thái có vị thế, uy tín trên trường quốc tế tiếp tục vận động cho sự trở về này.
Kế hoạch Phân chia Palestine của Liên hiệp quốc năm 1947
Năm 1947, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết phân chia vùng đất Palestine thành nhà nước của người Arab và người Do Thái. Phần đất giành cho người Do Thái là 55%, người Arab là 42%. Thành phố Jerusalem chiếm 3% được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Hãy nhìn tấm bản đồ phân chia lãnh thổ này để thấy nó cũng chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những xung đột dai dẳng hiện nay.
Khi kế hoạch phân chia này được đưa ra, người Do Thái ở Palestine khi ấy và khắp thế giới hài lòng và chấp nhận, người Arab thì không bởi khi ấy, người Palestine đang sở hữu 94% diện tích Palestine lịch sử và chiếm 67% dân số.
Lãnh thổ Israel và Palestine qua các thời kỳ. Ảnh: Al Jazeera
Trung Kiên (Tổng hợp)