Cứ mỗi độ tháng Năm về, trên mảnh đất linh thiêng nhưng đầy khoan dung, nhân ái, nghĩa tình này, mọi người con Việt Nam đều rưng rưng xúc động khi nhớ về Người - Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta. “Người là cha, là bác, là anh” của biết bao triệu người. Càng nhớ về Người ta càng thêm niềm tri ân, thêm niềm tôn kính. Nhớ Bác, và để xứng đáng với sự hy sinh của Bác, chúng ta càng phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để sống, tu dưỡng, rèn luyện và cống hiến.
Bác Hồ - Vị cha già kính yêu của dân tộc (ảnh tư liệu)
Hiếm có một tình yêu nào trong sáng, tự nhiên, thiêng liêng và tha thiết như tình yêu mà nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của mình. Vẫn còn đó câu chuyện từ Làng Sen năm ấy, “Có một người trai chí lớn”, người “Mang lí tưởng cách mạng giải phóng quê hương”. Người đã sẵn sàng bất chấp gian khổ, hiểm nguy, ra đi với hành trang là lòng yêu nước đến nồng nàn cháy bỏng. Và, với “Chiếc áo vải mong manh”, Người đã đi “khắp trời Âu giá lạnh”. Người bôn ba đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, để tìm đường đi cho dân tộc theo đi. Người đã “đem ánh mặt trời” để “xua màn đêm giá lạnh” cho đất nước, cho quê hương; giải phóng đồng bào ta khỏi bao khổ đau, áp bức:
“Từ Làng Sen có một người trai chí lớn /Mang lí tưởng cách mạng giải phóng quê hương/ Ra đi tìm khắp bốn phương/Đường đi cho cả dân tộc…/Chiếc áo vải mong manh khắp trời Âu giá lạnh/ Xót thương người cùng cảnh càng chạnh lòng nước non/ Thân trong chốn lao tù lòng hướng về quê hương/ Nước nhà đang khổ đau người xót xa trong lòng.[1]
Hồ Chí Minh - Người đã sống một cuộc đời vĩ đại. “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/ cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam”. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Bác đã có những tình yêu, và tình yêu đó của Người thật bao la rộng lớn. Tình yêu của Bác là dành cho bờ cõi non sôn này, dành cho tất cả mọi người: Cho các cụ già, cho các em thơ, cho những anh chị dân công, hay cho bao người chiến sĩ…
“Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa,
Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà.
Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng,
Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương.
Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương”[2]
Nhà Bác tại Làng sen, Nam Đàn, Nghệ An (ảnh tư liệu)
Bác chúng ta là vậy đó, Người chưa một lần màng đến những danh lợi, vinh hoa. Ngay cả khi sắp về với thế giới người Hiền, ước mong của Người cũng rất đỗi đơn sơ, dung dị: Bác muốn nghe những làn điệu dân ca, những câu hò xứ Nghệ. Quê hương Việt Nam ta, giai điệu tổ quốc ta luôn âm vang, lắng đọng, thổn thức, khắc sâu, sống mãi trong trái tim Người.
Chính tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự giản dị hiếm có của Hồ Chí Minh đã làm nên một cuộc đời “trong như ánh sáng, như pha lê” và tuyệt nhiên không một vết gợn. Ở Bác luôn tỏa ra một thứ văn hóa, “là một nền văn hóa của tương lai”. Sức hấp dẫn ấy, văn hóa ấy đến từ tài năng, đức độ, từ sự nhân ái vô bờ bến và từ sự “giản dị - lão thực – hiền minh”. Ở Bác, có sự kết hợp giữa “Đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Marx, thiên tài cách mạng của Lenin”[3] . Khi bên Bác ta bỗng trong sáng hơn, trưởng thành hơn, bình yên hơn:“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...”[4]. Chúng ta tự hào, tôn kính, hạnh phúc biết bao nhiêu vì có Bác, vì chính non sông ta đã sinh ra Người, để rồi con người vĩ đại ấy đã làm rạng rỡ tổ quốc ta: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”[5]. Người mang tầm vóc của một anh hùng giải phóng dân tộc, con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất.
Đến hôm nay, cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là những kho báu vô cùng lớn lao và quý giá. Từ những tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, về xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng con người Việt Nam XHCN đến công tác cán bộ, công tác dân vận, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau….Từ những “Đường cách mệnh”, “Tuyên ngôn độc lập”; đến “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc”…Những minh triết Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn luôn tràn đầy sức sống, đầy tính cách mạng và khoa học, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Ngày nay, để thực hiện ước mong của Người, để xứng đáng với sự hy sinh của Người, và để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh hạnh phúc như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để tu dưỡng phấn đấu, nêu gương, thấm nhuấn sâu sắc về đạo đức cách mạng, về Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phẩm chất hiếu với dân và trung với nước. Cán bộ đảng viên tu dưỡng tốt là góp phần xây dựng Đảng ta vững mạnh, thực sự là đạo đức, là văn minh. Chúng ta càng khắc cốt ghi tâm về những lời dạy của Người, không ngừng lan tỏa những giá trị tư tưởng trường tồn này đến với nhân dân, quần chúng. Đồng thời, luôn nâng cao ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những thành quả của cách mạng, thành quả xây dựng CNXH, góp sức dựng xây đất nước ta thêm “đàng hoàng hơn”, “to đẹp hơn”, như Người từng mong ước.
[1] Trích bài “Từ Làng sen”, tác giả Phạm Tuyên
[2] Lời bài “Bác Hồ một tình yêu bao la” (Thuận Yến)
[3] Nhận xét của nhà sử học Helen Tourmer
[4] Bài viết sử dụng một số câu trích trong các bài thơ, bài nhạc: Sáng tháng năm, Theo chân Bác (Tố Hữu); Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên),), Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn).
[5] Trích Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc ngày 09-9-1969, tại Lễ truy điệu Bác Hồ.
Nhâm Hồ