Một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng yếu tố bất ngờ là thuận lợi duy nhất của Việt Cộng. Tác giả Jeff stein và Marc Leepson trong cuốn Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1993 viết rằng: Trong Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng tiến công các thành phố tại miền Nam Việt Nam với vũ khí lớn nhất là sự bất ngờ. Đặc biệt, trận tiến công Đại sứ quán Mỹ, một nơi được cho là bất khả xâm phạm, làm cả nước Mỹ choáng váng
Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ lớn trước quy mô rộng lớn, tính chất táo bạo, ác liệt của cuộc tổng tiến công và nổi dậy
Sự bất ngờ thể hiện qua sự đánh giá của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ lúc bấy giờ nhận định: “Đối phương (tức quân Giải phóng) đã bị những thiệt hại nặng nề đến nỗi nỗ lực chính của Việt cộng và quân Bắc Việt hiện nay phần lớn chỉ giới hạn ở vùng biên giới Nam Việt Nam”; còn chính quyền Sài Gòn thì đánh giá: “Qua các trận đánh trên, địch (quân Giải phóng) đã làm những công việc tuyệt vọng và chỉ nhằm gây những tiếng vang yếu ớt”[1].
Tiến sĩ James H. Willbanks, nguyên Giám đốc Khoa Lịch sử Quân sự, Trường Chỉ huy Tham mưu Quân đội Mỹ (U.S. Army Command and General Staff College) ở Fort Leavenworth, bang Kansas, tác giả cuốn The Tet Offensive: A Concise History (Columbia University Press, 2007) cho biết: giữa tháng 11 -1967, tại nhiều địa điểm trên nước Mỹ, Westmoreland, trong nỗ lực giành thêm sự ủng hộ của công chúng Mỹ cho cuộc chiến của Tổng thống Johnson tại Việt Nam, nói “chúng ta đã đạt tới điểm quan trọng khi sự chấm dứt chiến tranh bắt đầu hiện ra”. Khi đưa ra những tuyên bố lạc quan, Westmoreland và nhiều thành viên của chính quyền Johnson đã xây đắp một loạt mong đợi sai lạc về tình hình ở Việt Nam”[2].
Rõ ràng là, sau hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965- 1966, 1966- 1967, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho rằng đã cơ bản đánh bại sức mạnh của quân giải phóng miền Nam. Mỹ đã lên kế hoạch và chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ ba, nhằm giành thắng lợi triệt để hơn, tiến tới rút dần quân Mỹ về nước. Nhưng tất cả đã thay đổi.
Ta cũng khẳng định cuộc tổng tiến công và nổi dậy có yếu tố bất ngờ và yếu tố đó do ta chủ động tạo ra.
Về ngoại giao, tháng 12-1967, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phóng thích 2 tù binh Mỹ nhân dịp lễ Noel, để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Ngày 30-12-1967, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh lần đầu tiên tuyên bố: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đàm phán với Mỹ một khi Chính phủ Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Những tín hiệu này làm cho nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền Johnson hy vọng về một khả năng đàm phán trực tiếp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ không phải là một cuộc tiến công quân sự như đã xảy ra trong thực tế.
Về quân sự, để nghi binh, phân tán địch, thu hút lực lượng địch ra khỏi các thành phố, thị xã, quân giải phóng đã mở các chiến dịch nghi binh tại Nậm Bạc (Lào) và Khe Sanh, kéo một lực lượng khá lớn quân Mỹ vào đó. Chiến dịch Nậm Bạc được mở ngày 12/1/1968, chiến dịch Khe Sanh được mở ngày 20/1/1968. Do bị uy hiếp ngày càng mạnh, nên mặt trận Đường 9- Khe Sanh đã dân thu hút trên 45.000 quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Tiến sĩ James H. Willbanks cũng nhận định rằng: “Trước các bằng chứng là đối phương gia tăng hoạt động gần đô thị và dọc vùng ven nông thôn, quân đồng minh buộc phải quyết định là cuộc tổng tiến công sẽ xảy ra ở đâu, khi nào, như thế nào. Họ đã thất bại trong việc này, khi tập trung cho hoạt động quanh khu vực Khe Sanh và các vùng xa xôi khác”[3].
Đây là lần thứ hai trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược, quân đội và nhân dân ta chủ động mở cuộc tiến công vào dịp Tết âm lịch, trong lịch sử là năm 1789, Nguyễn Huệ đã tiến công đại phá quân Thanh, giành thắng lợi vang dội.
Địch bị bất ngờ ngay từ đầu về quy mô tiến công, mục tiêu tiến công, phương thức tiến công. Nhiều thú nhận của giới chức quân sự, chính trị Mỹ cho thấy điều đó. Đó là bởi vì lần này, quân giải phóng miền Nam đánh khác cánh đánh truyền thống, đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù trong các thành phố, thị xã. Thượng nghị sỹ Eugene McCarthy nói: “Năm 1966, 1967 và 1968, ta vẫn nghe các tuyên bố rỗng tuếch về tiến triển và tiến gần đến thắng lợi. Như ta biết từ các sự kiện vài tuần qua, sự thật nói ra thật đau buồn, là kẻ thù đã trở nên táo tợn chưa từng thấy”[4].
Các chiến sỹ giải phóng quân chuẩn bị tiến vào Huế (1968) (Ảnh tư liệu TTXVN)
Tuy có tin tức tình báo và đánh giá là sẽ có các trận tiến công trước hay sau Tết, nhưng Mỹ không định lượng được quy mô và tính chất của cuộc tiến công, sức mạnh của lực lượng vũ trang giải phóng. Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tin tưởng vào sự hiện diện của trên 500.000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Việt Nam Cộng hòa trong Tết Mậu Thân. Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho rằng với trên dưới 300.000 quân, với trang bị vũ khí và tính cơ động kém hơn nhiều, quân giải phóng không thể mở cuộc tiến công lớn chống lại hơn 1 triệu quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa được. Đó sẽ là một cuộc tiến công hoàn toàn khồn cân sức. Chính vì thế, không khí đón Tết tại miền Nam vẫn nô nức như mọi năm, việc canh phòng có phần lơ là và trên thực tế, cuộc tổng tấn công và nổi dậy vẫn là một trận đánh bất ngờ. Về vấn đề này, Tiến sĩ James H. Willbanks cho rằng: “Một trong những bài học quan trọng nhất là về tình báo. Những ước đoán về binh lực và ý định của Cộng quân vào cuối năm 1967 mắc nhiều thiếu sót. Một phần của vấn đề là Phái bộ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (gọi tắt là MACV, Military Assistance Command, Vietnam), trong cố gắng chứng tỏ có tiến bộ, đã cố tình giảm nhẹ các đánh giá tình báo về binh lực của Cộng quân. MACV thay đổi cách tính toán, giảm số lượng quân địch từ gần 300.000 xuống còn 235.000 vào tháng 12-1967. Các phân tích gia tình báo Mỹ dường như tin vào đánh giá của chính họ và gần như bỏ qua bằng chứng là Cộng quân không chỉ duy trì khả năng tác chiến khá cao mà còn định dùng khả năng đó theo một cách quyết liệt. Một thất bại tình báo nữa là khi các phân tích gia tình báo bỏ qua nhiều tài liệu thu giữ được, cho rằng chúng chỉ thể hiện hy vọng hão huyền của Cộng sản mà không thấy rằng đối phương có khả năng thực hiện ý định. Vì thế, phía Mỹ đã đánh giá thấp khả năng của đối phương, bỏ qua những chứng liệu tình báo mới chỉ vì chúng đi ngược hẳn với suy nghĩ của họ về sức mạnh và khả năng của đối phương”[5].
Sài Gòn đã từng đã từng mịt mù trong khói lửa chiến trận khi quân đội của chính quyền Ngô Đình Diệm tiến công tiêu diệt lực lượng vũ trang của các giáo phái thân Pháp, đã từng rung chuyển bởi các phong trào đấu tranh chính trị những năm 1963, 1966, đã từng rúng động bởi các trận đánh của lực lượng biệt động thành vào các cở sở của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, nhưng đây là lần đầu tiên chiến trận nổ ra với quy mô và cường độ ác liệt nhất tại Thủ đô Việt Nam Cộng hòa. Hầu như không ai, kể cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất, ngờ tới điều đó.
Trên phương diện quốc tế, một sự kiện khá quan trọng đối với Mỹ ngay trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, là vào ngày 23-01-1968, tàu tuần thám USS Pueblo với thủy thủ đoàn 83 người của Hải quân Hoa Kỳ, đang di chuyển dọc theo duyên hải Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, bị chiến hạm Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bắt giam. Dư luận Hoa Kỳ đang chú tâm theo dõi vụ Pueblo bị bắt, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hết sức căng thẳng, thì một tuần sau, nổ ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Về khách quan, sự kiện này cũng góp phần làm lạc hướng, thu hút sự quan tâm của chính giới Mỹ, chứ không phải tình hình chiến sự ở Nam Việt Nam[6].
Tuy nhiên, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cũng không thực sự hoàn toàn bất ngờ, cũng đã có một số động thái để đối phó với cuộc cuộc tổng tiến công và nổi dậy
Thứ nhất, miền Bắc đổi lịch vào tháng 8 năm 1967, nên lịch miền Bắc và miền Nam có chênh lệch, Tết âm lịch ở miền Nam chậm hơn miền Bắc 1 ngày nên các chiến trường nổ súng nhanh chậm mất 1 ngày, mà một ngày trong thời điểm đó vô cùng quý báu đối với yếu tố bất ngờ. Khu V và Tây Nguyên nổ súng sớm hơn Nam Bộ 1 ngày. Khánh Hòa là tỉnh nổ súng sớm nhất, vào 23 giờ ngày 29/1/1968 tức đêm 29 Tết. Sau đó 24 giờ, Sài Gòn Gia Định, các tỉnh Nam Bộ và một số tỉnh còn lại của Khu V, Khu VI mới nổ súng tiến công.
Thứ hai, Mỹ nhận thấy có sự chuyển dịch lực lượng ta về các đô thị, nên có sự tăng cường phòng thủ. Mỹ đã hủy bỏ các cuộc hành quân dự kiến cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ ba 1967- 1968, rút về củng cố bảo vệ Sài Gòn, hình thành 3 tuyến phòng thủ dày đặc. Lực lượng bảo vệ Sài Gòn tăng từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cũng quyết định duy trì 50 % quân đội trong tình trạng báo động, giảm giờ ngưng chiến trong dịp Tết từ 48 giờ xuống còn 36 giờ.
Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ném bom, bắn pháo bừa bãi vào các khu dân cư
trong nỗ lực đẩy lùi quân giải phóng ra xa các đô thị (Ảnh Tư liệu)
Thứ ba, ý nghĩa các đòn nghi binh, phân tán lực lượng địch không lớn. Tại Đường 9- Khe Sanh, mặc dù lực lượng quân giải phóng tiến công mạnh mẽ, chiếm nhiều mục tiêu như Hướng Hóa, Huội San, Làng Vây, nhưng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cũng rất cảnh giác, không vội vã tăng cường lực lượng viện binh lên mặt trận như ta dự tính. Chỉ sau khi Tà Cơn bị uy hiếp mạnh, địch mới tăng cường lực lượng, lúc này thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 1 đã nổ ra, ý nghĩa nghi binh thu hút lực lượng địch không lớn như dự tính.
Thứ tư, nhiều đơn vị đã xác định mục tiêu, nhưng trên đường hành quân, bị địch ngăn chặn nên đến được mục tiêu thì yếu tố bất ngờ không còn, địch đã phòng thủ vững chắc, hoặc là lực lượng đã bị tiêu hao, khi đến tiến công mục tiêu với lực lượng không đầy đủ, nên hiệu quả tiến công không cao. Nhiều đơn vị chưa kịp tiến công, đã phải chuyển từ tiến công mục tiêu sang chống địch phản kích. Tại một số điểm, địch phản ứng khá nhanh, chỉ mất 15- 20 phút để tổ chức lực lượng phản kích theo kế hoạch khá bài bản. Nhiều đơn vị nhận được lệnh tiến công chậm, nên không kịp chuẩn bị lực lượng hậu cần và tiếp cận mục tiêu.
Thứ năm, ta chỉ phát huy được yếu tố bất ngờ trong cao điểm 1 của đợt 1, còn từ cao điểm 2 của đợt 1 và trong đợt 2, đợt 3, yếu tố bất ngờ hoàn toàn không còn. Địch đã phòng thủ vững chắc và chuyển sang chiến lược “quét và giữ”.
Cuộc tổngg tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam Tết Mậu Thân đã gây bất ngờ cho cả lực lượng Mỹ và Việt Nam cộng hòa tại miền Nam Việt Nam, vừa gây bất ngờ lớn cho dư luận tại nước Mỹ. Hệ quả của nó là thổi bùng ngọn lửa phản chiến trong lòng nước Mỹ, chia rẽ nước Mỹ hơn nữa và trên thực tế đã đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi vào bước ngoặt quyết định.
Lê Minh
[1]. Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu Thân 1968. Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa tháng 8-1968. Dẫn theo Hồ Khang: Tết Mậu Thân 1968..., Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.124. Nhận định của quân Sài Gòn về quân Giải phóng: “Mặc dù bị tổn thất nặng, cộng sản vẫn còn khả năng tấn công đáng kể, trọng tâm đánh vào chương trình bình định, chưa đủ mạnh để tạo thắng lợi quân sự, chưa có khả năng bước sang giai đoạn tổng phản công, chỉ có khả năng bảo tồn lực lượng, chờ khi Mỹ rút sẽ tổng tiến công vào quân lực Việt Nam Cộng hòa” (Ban Tổng kết chiến tranh B2 thuộc Bộ Quốc phòng, tài liệu quân Sài Gòn ký hiệu ABID, tháng 11-1967).
[4] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[6] .Vụ bắt giữ tàu USS Pueblo đã mở đầu một trong những thời kỳ căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tháng 11 -1968, 82 thủy thủ còn sống đã được trả tự do, nhưng chiếc tàu vẫn bị giữ lại cho đến này nay.