Cho tới nay, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về sự kiện Việt Nam chủ động mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược ngày 19/12/1946. Chính vì sự chủ động đó, có ý kiến cho rằng dân tộc Việt Nam đã khơi mào cuộc chiến tranh với nước Pháp. Vậy vì sao Việt Nam buộc phải phát động toàn quốc kháng chiến ?
Dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp
Ngay khi nước Việt Nam còn đang sục sôi khí thế Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, thì thực dân Pháp đã tìm mọi cách quay trở lại xâm lược Việt Nam. Bản Tuyên bố ngày 24-3-1945 của tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle (Charles de Gaulle) xác định Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu Liên bang gồm 5 xứ khác nhau (Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao), trong đó quyền đối ngoại do Pháp đại diện và đứng đầu Chính phủ Liên bang là một viên toàn quyền. Đây là quan điểm thống trị thực dân cũ của Pháp.
Chỉ thị ngày 16-8-1945 của De Gaulle gửi D’Argenlieu nêu rõ: Sứ mệnh của Cao uỷ là khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương. Tướng chỉ huy tối cao của các lực lượng quân sự tại Viễn Đông chịu trách nhiệm dưới quyền của Cao uỷ, thi hành mọi biện pháp quân sự nhằm khôi phục chủ quyền đó[1].
Ngày 17-8-1945, Pháp thành lập đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông do tướng Lơclerc làm Tổng chỉ huy và D’Argenlieu làm cao uỷ kiêm tổng tư lệnh hải lục không quân Pháp ở Viễn Đông và ngày 18-8-1945, Lơclerc lên đường đến Đông Dương.
Ngày 22-8-1945, De Gaulle thực hiện chuyến thăm nước Mỹ và nước Anh để tìm kiếm sự ủng hộ cho Pháp trở lại Việt Nam, Đông Dương.
Cùng ngày, từ Côn Minh, Trung Quốc, Sainteny[2] cùng nhóm của mình theo phái đoàn đầu tiên của OSS, do tiểu đoàn trưởng Patti dẫn đầu, hạ cánh xuống Hà Nội[3]…
Đặc biệt, ngày 23-9-1945, được sự hậu thuẫn của quân Anh, Pháp đã nổ súng tiến công Sài Gòn, chính thức mở đầu quá trình thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam.
Sau đó, hàng loạt các điều khoản của Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946… không được thực dân Pháp thực hiện. Bên cạnh đó là những vụ tàn sát đẫm máu tại Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội trong những tháng cuối năm 1946… cho thấy dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.
(Ảnh tư liệu- chụp từ clip)
Thiện chí hoà bình của Việt Nam không được thực dân Pháp đếm xỉa đến
Việt Nam không ngừng tìm cách vãn hồi hoà bình kể cả khi thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn.
Ngày 26-9-1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ra thông cáo kêu gọi kiều dân Pháp tại Hà Nội hãy tránh mọi khiêu khích nguy hiểm, khẳng định thiện chí của Việt Nam muốn hợp tác với những người Pháp thật sự tôn trọng độc lập của Việt Nam.
Ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Hoàng Minh Giám tiếp đại diện của Pháp là Alessandri và Pignon, nói rõ quan điểm Pháp và Việt Nam cần tìm cách thỏa thuận với nhau.
Trong lúc nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đang bao vây chặt quân Pháp, biết quân Pháp đề nghị ngừng bắn để chờ viện binh, Việt Nam vẫn đồng ý đề nghị của Pháp và gặp Pháp ba lần từ ngày 2-10-1945 đến 8-10-1945, nhưng không đi đến kết quả do phía Pháp thiếu thiện chí.
Ngày 1-12-1945, Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp gặp Sainteny, Pignon và Caput (Bí thư khu Bắc Kỳ của Đảng Xã hội Pháp) bàn về ngừng bắn ở Nam Bộ và nền độc lập của Việt Nam, nhưng phía Pháp đã từ chối công nhận độc lập của Việt Nam.
Để tránh chiến tranh, Việt Nam đã nhân nhượng với Pháp: Ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Ta cũng chấp nhận tổ chức Hội nghị trù bị tại Đà Lạt (19-4 đến 11-5-1946) theo đề nghị của Pháp. Ngày 16-4-1946, phái đoàn Quốc hội Việt Nam đi thăm thiện chí Quốc hội và nhân dân Pháp. Thiện chí đàm phán tại Fontainebleau (khai mạc 6-7-1946) nhằm thiết lập quan hệ hữu nghị với Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp từ 31-5-1946 đến 20-10-1946 và ký Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946… Song, mọi nỗ lực, thiện chí muốn hợp tác với Pháp của Việt Nam đã không thể ngăn cản được quyết tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và chiến tranh đã xảy ra.
Khát vọng hòa bình của cả dân tộc vừa giành được dộc lập
Bỏ qua mọi nỗ lực, thiện chí của Việt Nam, thực dân Pháp ngày càng ráo riết tìm cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng giải pháp quân sự.
Ngày 20-11-1946, thực dân Pháp kiếm cớ đánh chiếm Hải Phòng, sau đó là Lạng Sơn và đổ bộ hàng nghìn quân Pháp lên Đà Nẵng.
Ngày 13-12-1946, trả lời phóng viên báo Pari - Sài Gòn, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết muốn nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp”[4].
Nhưng ba ngày sau, ngày 16-12-1946, D’Argenlieu tuyên bố khôi phục các điều ước do triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp, coi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp.
Ngày 17-12-1946, quân Pháp khiêu khích và gây hấn ở Hà Nội.
Không còn con đường nào khác, nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên kháng chiến. Một khẩu đội pháo của Vệ quốc đoàn tại Pháo đài Láng, tháng 12/1946 (Ảnh tư liệu)
Ngày 18-12-1946, quân Pháp chiếm hai công sở của Việt Nam thuộc Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính, đồng thời gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam phải tước khí giới của tự vệ và giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội cho Pháp v.v…
Trước tình thế đó, sáng 19-12, Hồ Chí Minh vẫn cử Hoàng Minh Giám đi gặp Sainteny tìm cách giải quyết tình trạng căng thẳng, song thực dân Pháp đã khước từ.
Vậy là, “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”[5].
Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập. Vì hòa bình, Việt Nam sẵn sàng nhân nhượng, thành thật hợp tác với Pháp, ủng hộ Đồng minh. Nhưng cũng vì hòa bình, để có hòa bình, Việt Nam kiên quyết chiến đấu đến cùng.
Sự kiện ngày 19-12-1946 vừa phản ánh dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, buộc Việt Nam phải lựa chọn giải pháp chiến tranh, vừa khẳng định bản lĩnh trí tuệ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc Việt Nam. Thực tiễn minh chứng sự chủ động của Đảng trong sự kiện ngày 19-12-1946 đã trở thành nghệ thuật mở đầu kháng chiến toàn quốc, tạo ra lợi thế quan trọng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Sự hối tiếc muộn mằn
Một số nhân vật trong chính giới Pháp sau này đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã để xảy ra cuộc chiến của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.
Sainteny[6] đã viết trong cuốn sách Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ: “Đáng lẽ, chúng ta đã tiết kiệm (tránh) được cuộc chiến tranh này, đã có thể không phải phơi bày và làm thoái hóa tinh thần quân đội, và có thể chúng ta vẫn giữ được một vị trí nào đó ở Việt Nam, nếu không phải là kinh tế thì ít nhất cũng trong lĩnh vực văn hóa và tinh thần. Tôi có thể tin chắc điều này, bởi vì, như chúng ta đã thấy, ngay cả sau cuộc chiến tranh thảm khốc này, những sợi dây liên hệ cùng dệt với Việt Nam suốt 80 năm chung sống vẫn không hề bị đứt”[7].
Nhà sử học Pháp Philippe Devillers, người đã có mặt tại Việt Nam vào lúc cuộc chiến tranh xảy ra và đã viết nhiều cuốn sử về Việt Nam, khẳng định: “Các tư liệu lưu trữ đã chứng minh cuộc chiến tranh Đông Dương đã xảy ra như thế nào. Không phải do ngẫu nhiên, mà do tội lỗi, do sự “vụng về” hoặc “tính toán sai” của một vài người mà sự xảo trá hai mặt và cái nhãn quan “cận thị”chưa hề có trong lịch sử nước Pháp. Một cánh nhỏ những quan chức và nhà quân sự cấp cao Pháp đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa nước Việt Nam và nước Pháp chỉ đơn giản vì họ không đồng tình với chính sách của chính phủ họ, và đặc biệt vì họ muốn đặt ông Léon Blum và Đảng Xã hội trước “một việc đã rồi” trước khi bắt đầu nền Đệ tứ Cộng hòa. Một “cuộc đảo chính không thành” (của Pháp!) đã được biến dạng thành cuộc “tấn công của Việt Minh”, cho phép thực hiện cuộc “trả đũa”, thực tế là một “hành động vũ lực” đã được mưu tính từ nhiều tháng nay; thất bại, nó đã biến tướng thành một cuộc chiến tranh dai dẳng mà chính những kẻ gây ra đã làm đủ mọi cách để ngăn cản sự chấm dứt”[8].
Còn Charles de Gaulle, trong bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1966 viết: “Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”.
Vài ý kiến bày tỏ sự hối tiếc nói trên cũng góp phần cho thấy ai là người phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp.
Nam Trang
[1] Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Bản dịch của Hoàng Hữu Đản, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.108
[2] Uỷ viên Cộng hoà Pháp ở miền Bắc Đông Dương
[3] Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Bản dịch của Hoàng Hữu Đản, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.98
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Lời tuyên bố với phóng viên báo “Pari - Sài Gòn”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.526
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534
[6] Ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Bắc Đông Dương, một người trong cuộc, người đại diện Chính phủ Pháp ký với Chủ tịch Hồ Chí Minh bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946
[7] J. Sainteny: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ. Đối diện Hồ Chí Minh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 398-399
[8] Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Bản dịch của Hoàng Hữu Đản, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.28-29