Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Dân ca Ví, Giặm. Ảnh: Báo Nghệ An
Ví Giặm Nghệ Tĩnh được tạo thành bởi hai lối hát xen kẽ cùng nhau: Ví và Giặm.
Hát Ví thuộc thể ngâm vịnh, thường là hát tự do, không có quy định cụ thể cho tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao - thấp, ngắn - dài tùy thuộc vào ca từ bằng hay trắc, ít hay nhiều về số lượng lời ca. Hát Ví có nhiều loại khác nhau như: ví phường cấy, ví phường gặt, ví phường nón, ví đò đưa, ví phường vải, ví giao duyên... với ba hình thức diễn xướng là hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc. Các cuộc hát Ví, nhất là Ví phường vải, thường theo ba chặng: chặng một có hát dạo, hát chào/hát mừng và hát hỏi; chặng hai là hát đố hoặc hát đối - yêu cầu đối tượng phải giải và đối; chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn.
Hát Giặm là thể hát nói bằng thơ ngũ ngôn. Thông thường, một bài Giặm có nhiều khổ, loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, mỗi câu có 5 chữ, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm. Khác với Ví, Giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh - phách nhẹ, nhịp nội - nhịp ngoại với hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói. Quy trình hát Giặm về cơ bản cũng có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không chặt chẽ, đầy đủ bằng.
Giặm có nội hàm đa nghĩa, vừa có tính tự sự, vừa mang tính trữ tình với nhiều làn điệu phong phú như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm điền, giặm cửa quyền, dặm kể… Có nhiều loại giặm khác nhau với hai hình thức diễn xướng là giặm vè và giặm nam nữ.
Do sự “giao duyên” giữa Ví và Giặm, mà tạo cho thể loại dân ca này một màu sắc khác với nhiều thể loại khác: sự trầm bổng, đa thanh, linh hoạt trong tiết tấu, ca từ và hình thức diễn xướng...
Ví, Giặm neo đậu hồn quê
Cũng như các loại hình dân ca khác, Ví, Giặm là một trong những loại hình tiêu biểu, mang những nét đặc trưng bản địa rõ nhất. Nên ta nói Ví, Giặm neo đậu hồn quê.
Nét đặc trưng bản địa của Ví, Giặm bắt đầu từ tên gọi. Đã từng có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề tên gọi Ví Giặm hay Ví Dặm.
Ví, có thể hiểu là một động từ, chỉ hành động hát. Ví có thể hiểu là “ví von”, bởi ví có nhiều ví von, so sánh, nhiều ẩn dụ, tức là tìm cách diễn đạt văn hoa, có nhiều ngụ ý hơn tiếng nói ngày thường. Cũng có thể hiểu là “vói”, “vọi” tức là có khoảng cách trên sông, trên đồng... khi hát. Ví lại cũng có thể hiểu là “với”, người này hát với người kia, tức là hát tập thể hay hát giao duyên bên nam với bên nữ.
Giặm có nghĩa đen là “giắm” Theo cố GS. Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giặm mang nghĩa như là “thêm vào chỗ còn trống, chỗ đang thiếu”, chứ không phải là “dặm” với nghĩa “đơn vị đo lường độ dài”. Điều này hoàn toàn có thể coi là kết luận đáng tin cậy, khi tìm hiểu về tập quán lao động sản xuất của người địa phương. Hát Giặm gắn nghĩa với hoạt động giặm ló (lúa), trồng khoai, điền nan của người xứ Nghệ. Người ta dặm vào những cây mới vào chỗ đất đã trồng cây cũ hay là dặm trước để đề phòng cây cũ bị chết, bị trâu bò ăn.
Phương ngữ làm nên bản sắc của ca từ. Dân ca luôn là kho tàng lưu giữ tuyệt vời của phương ngữ. Nhưng có lẽ trong vô số thể loại dân ca của mọi vùng miền trên đất nước Việt Nam, Ví, Giặm vẫn là thể loại dùng nhiều phương ngữ hơn cả. Từ những danh từ, động từ, tính từ cho đến liên từ, hư từ như “chi, mô, răng, rứa...” cũng đều xuất hiện trong ca từ Ví, Giặm. Vô số những từ ngữ đời thường đã đi vào câu hát lời ca, hóa thành lời thơ, điệu nhạc. Những câu hát lời ca cất lên vừa hồn nhiên, mộc mạc như lời nói hàng ngày vừa bay bổng, duyên dáng, nên thơ. Tiếng Nghệ Tĩnh biểu cảm, đa nghĩa, giàu thanh điệu, đó là một cơ sở của thơ ca. Ngày nay, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập, phương ngữ này đã được phổ thông hóa, nên trong đời sống thường nhật, chất phương ngữ đã có phần phai nhạt. Ấy thế mà, trong dân ca Ví, Giặm vẫn lưu giữ một kho từ ngữ địa phương vô cùng phong phú, đầy biểu cảm và rất nguyên sơ. Sức hấp dẫn, cuốn hút của thể loại này cũng nằm ở đó.
Tình quê trong câu hát.
Gắn liền với đời sống và tập quán của cộng đồng địa phương, Ví, Giặm là tiếng nói đa thanh, có khả năng bao chứa và biểu đạt mọi cung bậc cảm xúc, tư tưởng, khát vọng của người xứ Nghệ. Người ta hát khi gieo mạ, cấy cày, hát khi dệt vải, hát khi leo núi trèo non, hát khi quăng chài thả lưới, hát khi ru con, hát chào nhau khi gặp gỡ hay ly biệt, hát khi chọc ghẹo, trêu đùa và tỏ bày tình ý giao duyên, hát trong khi thờ cúng, tế lễ, cầu vong cầu đồng.
Người xứ Nghệ coi hát là cách để chia sẻ niềm vui sướng, hân hoan, hát để giãi bày những nỗi buồn sâu lắng, những uẩn khúc cuộc đời. Người ta hát trong niềm hy vọng và hát cả trong lúc giận hờn, bất bình, tuyệt vọng… Thông qua câu hát, người ta cũng dạy bày khuyên nhủ người đời về những điều hay lẽ phải, về thuần phong mỹ tục, về đạo lý nghĩa tình, về lệ làng phép nước, ái quốc trung quân... Sự biến tấu phong phú, linh hoạt của cảm xúc cộng với sự mộc mạc của ca từ tạo nên nét duyên quê không thể lẫn cho câu ca Ví, Giặm. Đặc biệt là điệu Ví, có lúc nghe thật dàn trải mênh mang, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, lại có lúc nghe dí dỏm, nghịch ngợm, vui tươi, nhất là ví mục đồng và ví ghẹo. Cùng một cốt nhạc (một làn điệu) có thể chuyển tải được nhiều nội dung văn học, nhiều đối tượng miêu tả, nhiều sắc thái tình cảm, đây có lẽ là một đặc tính nổi trội làm nên cái lý thú của thể loại này.
Ví, Giặm có chỗ đứng đặc biệt với người xứ Nghệ và những ai có nhiều duyên nợ với xứ Nghệ. Người sống trên mảnh đất quê hương hát và nghe dân ca như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Biết bao người con xa xứ nghe câu hò Ví, Giặm mà bồi hồi mong nhớ cố hương. Ví, Giặm cũng là khúc dân ca mà Bác Hồ kính yêu trước giây phút về với thiên thu vẫn khao khát được nghe lại một lần... Bởi đó không chỉ là câu hát, đó còn là cả hồn quê neo đậu, là cả trời quê chan chứa kỷ niệm, ân tình… Những tình cảm của cá nhân người hát, trong những không gian diễn xướng dân gian đã trở thành tiếng lòng của nhiều người, của cả cộng đồng nhờ sự đồng điệu, cộng cảm và lan tỏa.
Để điệu Ví, Giặm còn vang mãi
Với những giá trị độc đáo và nổi bật, ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp), dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, con người, lịch sử và văn hóa xứ Nghệ có thêm cơ hội tỏa sáng đến khắp mọi miền thế giới. Sức sống của Dân ca Ví, Giặm đang ngày ngày bám rễ trong đời sống tinh thần của không chỉ quê hương xứ Nghệ mà còn cả đất nước Việt Nam cũng như vươn ra thế giới. Những ca từ, tình điệu của Ví, Giặm còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các nghệ sĩ đương đại sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc, sân khấu mang âm hưởng dân ca, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong xã hội hiện đại.
Một tiết mục Ví, Giặm. Ảnh: Internet
Nhưng, cũng như nỗi lo chung cho số phận của nhiều di sản trong cuộc sống hôm nay, làm thế nào để Ví, Giặm thực sự neo đậu hồn người, thực sự có sức sống, sức lan tỏa?
Trong thời gian qua, người dân bản địa, chính quyền địa phương, Đảng và Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn vốn quý của di sản này. Nhiều tư liệu quý về văn hoá văn nghệ dân gian - dân tộc đã được sưu tập khai thác và sử dụng; nhiều công trình nghiên cứu và thực nghiệm đã được công bố bằng phương tiện in ấn (xuất bán sách và băng đĩa) và bằng công diễn trên sân khấu hoặc trên sóng phát thanh truyền hình… Bằng nhiều phương thức khác nhau, Ví, Giặm đã được trao truyền, gìn giữ và phát huy, phát triển với sức sống mới, đã có bước phát triển về chất, đó là sự chuyển hoá từ hình thức ca hát dân gian, đến ca nhạc chuyên nghiệp, rồi ca kịch sân khấu. Sự hấp dẫn của Dân ca Ví, Giặm nằm ở sự tôn trọng việc tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Mỗi người có thể hát Ví với âm điệu tự do, hoặc hát Giặm có phách mạnh, phách nhẹ, hoặc hát cả hai một cách linh hoạt. Bằng lối hát này, họ cũng dễ dàng ứng tác, đặt lời mới, góp phần làm cho kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh thêm đa dạng, phong phú.Câu hò ví dặm đã thực sự phục vụ cuộc sống đương đại, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức bảo tồn thuần tuý. Sự sân khấu hóa ví dặm đã góp phần tạo ra những sản phẩm tinh thần mới, không ngừng thoả mãn nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng hôm nay.
Cũng như nhiều thể loại dân ca khác, kỹ thuật hát chủ yếu của Ví, Giặm được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu. Sức sống của dân ca Ví, Giặm gắn liền với thực hành, với môi trường diễn xướng dân gian. Chúng ta cần phải bảo tồn các điệu hát nguyên gốc, phục hồi các hình thức diễn xướng cộng đồng, đó là cách bảo tồn không gian môi trường hát dân ca xưa (hát trên sông nước, ruộng đồng, trên núi non, trong nhà hay ngoài thôn xóm).
Gắn với môi trường diễn xướng, số phận của dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng cũng đặc biệt song hành với sự tồn vong của nghệ nhân. Mà nghệ nhân lành nghề thì phần lớn đã đi vào thiên cổ. Vì vậy, cùng với các phương thức bảo tồn khác, thiết nghĩ phải làm tốt công tác trao truyền các thế hệ, đầu tư đãi ngộ cho các nghệ nhân, đào tạo nghệ nhân, như thế, điệu Ví Giặm mới còn vang mãi, giữ mãi sức sống lâu bền.
Quang Hoa