V.I.Lênin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870, mất ngày 21 tháng 1 năm 1924, là một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận chính trị kiệt xuất người Nga. Ông từng là người đứng đầu chính phủ của nước Nga Xôviết từ năm 1917 đến năm 1924 và của Liên Xô từ năm 1922 đến năm 1924. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, phong trào cách mạng ở Nga, sau đó là Liên Xô, đã trở thành thành trì vững chắc của cách mạng thế giới. Theo đánh giá của nhiều nhà chính trị, nhiều chính khách nổi tiếng, V.I.Lênin là ngọn lửa của nhiệt huyết cách mạng !
V.I.Lênin là nhà Mácxít chân chính, sáng tạo, người đã đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ Chủ nghĩa Mác. Bằng những nghiên cứu và kết luận khoa học của mình, V.I. Lênin đã bảo vệ, phát triển và làm phong phú Chủ nghĩa Mác trên tất cả những nội dung cơ bản, đưa Chủ nghĩa Mác sang một giai đoạn mới cao hơn, giải đáp những vấn đề cơ bản mà thời đại đặt ra cho giai cấp vô sản quốc tế.
V.I.Lênin vạch ra những sai lầm siêu hình, chủ quan của phái dân tuý Nga, chỉ ra con đường đúng đắn cho cách mạng Nga, làm phong phú lý luận hình thái kinh tế-xã hội, phát triển lý luận nhận thức với học thuyết phản ánh, về chân lý khách quan, quan hệ biện chứng giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối; đưa ra định nghĩa nổi tiếng về vật chất; nêu nguyên tắc tính đảng trong triết học, làm phong phú thêm một số nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác.v.v.. trong các tác phẩm: Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao?”(1894); Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơruvê về nội dung đó; Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908)…
Trong những năm 1901- 1904, Lênin viết một loạt tác phẩm Bắt đầu từ đâu?; Làm gì? Một bước tiến hai bước lùi.v.v... Trong các tác phẩm này, V.I.Lênin đề cập đến đảng kiểu mới, nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng kiểu mới; phê phán chủ nghĩa kinh tế, chủ nghĩa cơ hội. Tác phẩm Hai sách lược của đảng dân chủ-xã hội trong cách mạng dân chủ (1905) đề cập vai trò nhân tố chủ quan trong cách mạng, vai trò tích cực của quần chúng nhân dân; chỉ ra sai lầm của phái Mensêvích (Menschevik). Trong bài báo Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại (1908) V.I.Lênin đã vạch trần cơ sở triết học của chủ nghĩa xét lại trong phong trào công nhân cũng như bản chất của nó.
Năm 1915 V.I.Lênin viết Bút ký triết học phát triển triết học duy vật biện chứng, nêu 16 yếu tố của phép biện chứng, đánh giá quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là hạt nhân, bản chất của phép biện chứng duy vật; hình thành luận điểm quan trọng về sự thống nhất của phép biện chứng, lôgíc học và lý luận nhận thức.
Năm 1916 V.I.Lênin viết Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản đề cập về tình huống cách mạng vô sản; tiếp tục phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; chỉ ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc; về vai trò của đảng cộng sản trong thực hiện chuyên chính vô sản. Năm 1917 V.I.Lênin viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản của lý luận Mácxít về nhà nước, về nhiệm vụ cơ bản của giai cấp vô sản trong cách mạng vô sản là đập tan nhà nước tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản.
Sau Cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin tiếp tục bổ sung học thuyết về chủ nghĩa đế quốc; phân tích chỉ ra tính khách quan của sự phát triển không đồng đều của các nước tư bản chủ nghĩa; phát triển lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước tư bản chủ nghĩa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa; về quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội ở những nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. V.I.Lênin phân tích quá trình cách mạng như một hiện tượng toàn thế giới. Đặc biệt, Người chỉ rõ vai trò của chủ nghĩa xã hội trong phong trào cách mạng thế giới; phân tích vai trò của cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội ở những nước tư bản phát triển; chỉ ra mối liên hệ hữu cơ giữa phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc và phong trào công nhân. Chính V.I.Lênin là người đã đề xuất quan điểm cùng tồn tại hoà bình giữa các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau.
Lênin tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản, tháng 6-tháng 7 năm 1921 (Ảnh tư liệu)
Nhân dịp kỷ niệm 151 ngày sinh V.I.Lênin, chúng ta không chỉ nhắc đến những đóng góp của ông đối với chủ nghĩa Mác và lịch sử nhân loại với tư cách là nhà lý luận kiệt xuất mà còn ca ngợi ông với tư cách là con người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với thời đại chúng ta. V.I.Lênin đã xác lập nên những giá trị mới, biểu tượng mới cho nhân loại.
Alexandra Kolontai (1872-1952) - nhà ngoại giao nổi tiếng của Liên Xô từng viết: “Có những cá nhân - hiếm thấy trong lịch sử loài người - là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Ilich Lenin... Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mỵ trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới”.
Văn hào nổi tiếng người Nga Maksim Gorky nhận định: “Tràn ngập trong đời sống và công việc của V.I.Lênin là tinh thần hy sinh khắc khổ, thường thấy ở người cách mạng trí thức Nga trung thực, tin tưởng sắt đá vào khả năng thiết lập sự công bằng trên Trái Đất, tinh thần anh hùng của con người đã từ bỏ mọi niềm sung sướng trên đời để hiến mình cho hoạt động gian khổ vì hạnh phúc của mọi người"; tư tưởng của Lênin "giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động... Điều đặc biệt vĩ đại ở V.I.Lênin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin chói lọi của đồng chí rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi".
Tượng đài V.I.Lênin tại Thủ đô Hà Nội
Nhà cách mạng Tôn Trung Sơn cũng đã nói: “Qua các thời đại của lịch sử thế giới, hàng ngàn nhà lãnh đạo và học giả đã xuất hiện và nói những lời hùng hồn, nhưng đó vẫn chỉ là những lời nói. Người, V.I.Lênin, là một ngoại lệ. Người không chỉ nói và dạy cho chúng ta, mà Người đã thực sự biến lời nói thành hành động. Người đã khai sinh ra một quốc gia mới. Người cho chúng ta thấy con đường của cuộc đấu tranh chung... Người, một vĩ nhân, sẽ sống mãi trong ký ức của những người bị áp bức qua hàng thế kỷ”.
Nhà bác học thế kỉ XX Albert Einstein đã đánh giá: “Tôi tôn vinh V.I.Lênin như là một người hoàn toàn hy sinh bản thân và dành tất cả tâm huyết của mình để thực hiện công bằng xã hội. Tôi không quan tâm phương pháp của ông ấy có thực tế không, nhưng chắc chắn một điều là: ông ấy là mẫu người bảo vệ và phục hưng nhân loại”.
Năm 1998, ông được tạp chí TIME đánh giá là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến lịch sử thế giới trong thế kỷ XX, và là một trong 25 biểu tượng chính trị hàng đầu qua mọi thời đại.
Kiên Định