Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử, nhưng trong phong trào cách mạng xuất hiện những lãnh tụ, vĩ nhân mà tư tưởng và hành động của họ có vai trò to lớn, thúc đẩy những bước tiến bộ vĩ đại của lịch sử một dân tộc, rộng hơn là lịch sử thế giới. V.I. Lênin là một vĩ nhân như thế
Việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa quần chúng nhân dân và vĩ nhân có ý nghĩa quyết định đối với những thay đổi tiến bộ của tiến trình lịch sử nhân loại. Theo V.I.Lênin: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”[1].
Chủ nghĩa duy vật lịch sử khẳng định quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử. Bởi vì, mọi lý tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người chỉ được chứng minh thông qua sự tiếp thu và hoạt động của quần chúng. Hơn nữa, tư tưởng tự nó không làm biến đổi xã hội mà phải thông qua hành động cách mạng, hoạt động thực tiễn của quần chúng nhân dân, để biến lý tưởng, ước mơ thành hiện thực trong đời sống xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn” [2].
Vai trò quyết định lịch sử của quần chúng nhân dân được biểu hiện ở ba nội dung:
Thứ nhất, quần chúng là lực lượng sản xuất, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng, không có cuộc chuyển biến cách mạng nào mà không là hoạt động đông đảo của quần chúng. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng, đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Trong các cuộc cách mạng làm chuyển biến xã hội từ hình thái kinh tế-xã hội này sang hình thái kinh tế-xã hội khác, nhân dân lao động là lực lượng tham gia đông đảo. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng. Tất nhiên, suy đến cùng, nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng là bắt đầu từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến mâu thuẫn với quan hệ sản xuất, nghĩa là bắt đầu từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng lao động. Bởi vậy, nhân dân lao động là chủ thể của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội, đóng vai trò là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.
Thứ ba, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần. Hoạt động của quần chúng từ trong thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội. Mặt khác, các giá trị văn hóa tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần chúng chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến.
Lênin và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga rung chuyển thế giới (Ảnh tư liệu)
Theo quan điểm duy vật lịch sử, vai trò sáng tạo ra lịch sử, quyết định tiến trình phát triển lịch sử của quần chúng nhân dân không bao giờ có thể tách rời vai trò cụ thể của mỗi cá nhân mà đặc biệt là vai trò của các cá nhân ở vị trí thủ lĩnh, lãnh tụ, vĩ nhân của cộng đồng nhân dân.
Trong quá trình quần chúng nhân dân sáng tạo ra lịch sử, mỗi cá nhân tùy theo vị trí, chức năng, vai trò và năng lực sáng tạo cụ thể mà họ có thể tham gia quá trình sáng tạo lịch sử của cộng đồng nhân dân. Trong đó, vĩ nhân là những cá nhân kiệt xuất, xuất hiện trong phong trào quần chúng nhân dân, nhận thức được một cách đúng đắn, nhanh nhạy, kịp thời những yêu cầu, các quy luật, những vấn đề căn bản nhất của một lĩnh vực hoạt động nhất định của đời sống xã hội hoặc là kinh tế, hoặc là chính trị, hoặc là văn hóa, khoa học, nghệ thuật, v.v.. Vĩ nhân còn là có năng lực nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn, có khả năng tập hợp quần chúng nhân dân, thống nhất nhận thức, ý chí và hành động của nhân dân, có năng lực tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà thời đại đặt ra. Ví nhân còn là người có những phẩm chất xã hội tiêu biểu, được quần chúng tín nhiệm, dám hy sinh quên mình vì lợi ích của quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng.
Trong phong trào cách mạng thế giới, V.I.Lênin là một trong những vĩ nhân có vai trò to lớn, thúc đẩy những bước tiến bộ vĩ đại của lịch sử.
V.I.Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) sinh ngày 22/4/1870, mất ngày 21/1/ 1924, là một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận chính trị kiệt xuất người Nga. Ông từng là người đứng đầu chính phủ của nước Nga Xô Viết từ năm 1917 đến năm 1924. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, phong trào cách mạng ở Nga, sau đó là Liên Xô đã trở thành thành trì vững chắc của cách mạng thế giới, và theo đánh giá của nhiều nhà chính trị, nhiều chính khách nổi tiếng, là nhà tư tưởng, nhà hoạt động thực tiễn, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, với trí tuệ thiên tài của một nhà tư tưởng lớn, ngọn lửa của nhiệt huyết cách mạng không ngừng. V.I.Lênin đã biến lý tưởng và những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học trở thành hiện thực, giải đáp được những vấn đề cơ bản nhất mà thời đại đặt ra, góp phần cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình-lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng loài người trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại gắn liền với tên tuổi V.I.Lênin-người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”[3].
Tuy vậy, quan điểm duy vật lịch sử cho rằng, nếu tuyệt đối hóa vai trò của quần chúng nhân dân mà bỏ qua vai trò của cá nhân, hoặc tuyệt đối hóa vai trò của cá nhân, thủ lĩnh, lãnh tụ, vĩ nhân mà xem thường vai trò của quần chúng nhân dân đều là không biện chứng, và do đó không thể lý giải chính xác tiến trình vận động, phát tnển của lịch sử nhân loại nói chung cũng như mỗi cộng đồng xã hội nói riêng. Cần thấy rằng, quần chúng nhân dân là lực lượng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của lịch sử xã hội, là động lực của sự phát triển đó. Vĩ nhân là người dẫn dắt, định hướng cho phong trào, thúc đẩy phong trào phát triển, do đó mà thúc đẩy sự phát triển của lịch sử xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 152 năm ngày sinh V.I.Lênin, chúng ta không chỉ nhắc đến những đóng góp của ông đối với lịch sử nhân loại với tư cách là một vĩ nhân của lịch sử-người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với thời đại chúng ta, mà ông còn góp phần xác lập nên những giá trị mới, biểu tượng mới cho nhân loại.
Quang Đặng