Từ năm 1961 đến năm 1970, theo số liệu chưa đầy đủ, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tung khoảng 500 biệt kích ra phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn từ xa nỗ lực chi viện cách mạng miền Nam. 9/10 trong số này bị bắt giữ và tiêu diệt. Vậy tại sao biệt kích Việt Nam Cộng hòa dễ dàng bị phát hiện, bắt giữ và tiêu diệt như vậy ?
Thú nhận
Sedgwick Tourison mô tả tình hình bi đát của biệt kích Việt Nam Cộng hòa trong cuốn Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật như sau: “Vào đêm 4 tháng 6 (1963), ba toán được đưa vào ba tỉnh khác nhau: Một toán 5 người được đưa vào Lào Cai, toán 7 người vào Yên Bái và toán 6 người xâm nhập vào phía Tây Bắc của vùng Uông Bí. Nhưng tất cả đều bị bắt. Vào ngày 7 tháng 6, một toán xâm nhập vào Thanh Hóa và một toán khác vào Ninh Bình. Cả 2 toán cũng đều bị bắt. Ngày 9 tháng 6, một toán xâm nhập vào Hà Tĩnh và một toán vào Nghệ An. Cả 2 toán này cũng bị bắt. Tiếp theo vào ngày 3/7 một toán được đưa vào tỉnh Hà Tĩnh và 1 toán khác xâm nhập vào một vùng cách không xa Yên Bái. Tất cả các toán này đều bị bắt”[1].
Chính một biệt kích từng nhảy dù và bị bắt tại miền Bắc thú nhận:
“Tôi không cho rằng, không có một toán gián điệp biệt kích nào thành công cả ? Thực tế đã có những toán xâm nhập vào và rút ra an toàn. Nhưng đó chỉ là những toán gián điệp con thoi hoạt động có tính chất chớp nhoáng, có tính chất gây rối ở phía Bắc khu phi quân sự mà thôi. Còn các toán được tung ra hoạt động ở các vùng xa, trên phạm vi rộng và trong thời gian dài thì hầu như hoàn toàn bị thất bại.
Hình như các điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Bất cứ bằng đường không, đường biển, đường bộ, ở nơi hẻo lánh hoặc khu vực dân cư, dù vào ban đêm hay ban ngày… họ luôn được những người trên đất liền “chờ đón”. Nếu có điệp viên nào đó may mắn vào ra chót lọt thì có thể đặt câu hỏi là liệu đó có phải là họ “thả lỏng” do không cần phải làm gì nữa vì họ đã biết rất rõ mọi điều rồi”[2].
Riêng tại tỉnh Sơn La, từ năm 1961 đến năm 1968, quân và dân trong tỉnh đã bắt trên 60 vụ gián điệp, biệt kích xâm nhập địa bàn, bao gồm 86 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị, hàng trăm tấn hàng hóa, trong đó có 99 súng ngắn, 61 súng tiểu liên, 1 súng cối 60mm, 2 dàn phóng rốc két, 6.200 viên đạn các loại, 482 kg thuốc nổ, 9 máy vô tuyến điện, 327 dù hàng với tổng trọng lượng 63.836 kg hàng, 18 ống nhòm, 200 kg ngòi nổ, 45 bản đồ, 34 la bàn[3]…
Cũng trong giai đoạn 1961-1968, quân và dân Quảng Bình đã phát hiện, đánh đuổi 41 toán biệt kích xâm nhập địa bàn bằng đường không và đường biển, bắt và tiêu diệt hàng chục tên biệt kích. Tiêu biểu là vụ bắt gọn toán biệt kích 3 tên nhảy dù xuống vùng núi Cây Lim, huyện Bố Trạch ngày 2/6/1961, bắt gọn toán biệt kích 16 tên đột nhập cửa Sông Gianh ngày 30/6/1962, bắt 8 tên biệt xâm nhập Khe Lũy (Đèo Ngang) ngày 2/1/1963, bắt 5 tên biệt kích nhảy dù xuống vùng Tân Kiều, huyện Minh Hóa ngày 6/1/1963, toán biệt kích 10 tên nhảy dù xuống Trường Sơn, huyện Quảng Ninh ngày 15/9/1963, 10 tên biệt kích nhảy dù xuống Cha Mác, Xóm Cục, huyện Minh Hóa ngày 19/6/1964; toán biệt kích 15 tên nhảy dù xuống Khe Giữa (Hàm Nghi, Đình Phùng, huyện Lệ Thủy ngày 11/01/1966; toán KERN 10 tên biệt kích nhảy dù xuống Hóa Sơn, huyện Minh Hóa ngày 6/3/1966; toán biệt kích nhảy dù xuống Làng Mô ngày 14/5/1968….
Một toán biệt kích đang đổ bộ từ trực thăng (Ảnh chụp từ clip)
Lý do biệt kích nhanh chóng bị phát hiện và bắt giữ
Về lý do các toán biệt kích Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng bị bắt gọn, Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA và Cơ quan chỉ huy biệt kích tại miền Nam MACVSOG cho rằng các toán biệt kích nhảy dù hoặc đổ bộ bằng trực thăng không đúng các địa điểm đã xác định. Mặc dù đã trinh sát khá kỹ địa bàn sẽ đổ bộ, nhưng tâm lý phi công bay vào khu vực phòng không miền Bắc nhiều khi không ổn định, xác định sai địa điểm, nên nhiều toán biệt kích nhảy dù vào những địa điểm giáp làng mạc và lập tức bị phát giác.
Phụ thuộc vào thời tiết, các toán biệt kích thường được thả dù vào những đêm trăng sáng, thường từ mùng 10 đến 20 âm lịch hằng tháng, nhưng vì thế, các máy bay vận tải thả dù biệt kích dễ bị quan sát thấy và lộ hành tung.
Đồng thời, thật không may mắn khi các toán việt kích nhảy dù quá gần các khu dân cư. Toán TELLUS nhảy dù xuống Ninh Bình ngày 8/6/1963 bị phát hiện ngay khi dù đang lơ lửng trên không, cả toán nhảy dù 4 người bị bắt trong vòng 25 phút. Toán PACKER thì thảm họa hơn, nhảy dù vào giữa một ngôi làng, riêng nhân viên điện đài hạ cánh ngay trên một nóc nhà dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là những lý do phụ, lý do bề nổi. Lý do chính là do quân và dân miền Bắc đã chủ động, mưu trí, sáng tạo, quyết tâm đánh bại âm mưu, thủ đoạn của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tung biệt kích ra phá hoại miền Bắc.
Công an nhân dân, lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống biệt kích đã xây dựng hàng chục chuyên án phòng chống gián điệp, biệt kích xâm nhập và phá hoại miền Bắc. Từ những toán biệt kích bị bắt, lực lượng công an đã xây dựng phương án khống chế và “câu nhử”những toán biệt kích tiếp theo. Chính vì vậy, lực lượng công an miền Bắc đã nắm được cơ bản âm mưu, thủ đoạn và đặc biệt là thời gian, địa điểm mà Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tung biệt kích ra miền Bắc để từ đó đón lõng và bắt gọn các toán biệt kích xâm nhập.
Đến cuối năm 1967, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tin rằng vẫn còn 8 toán biệt kích còn hoạt động tại miền Bắc là toán EASY, REMUS, TOURBILLON, EAGLE, ROMEO, HARDLEY, RED DRAGON và biệt kích đơn tuyến ARES (Phạm Chuyên).. nhưng trên thực tế, từ nhiều năm trước, các toán này đã bị công an miền Bắc khống chế, tiến hành “trò chơi điện đài”, xây dựng những “cái bẫy” đón lõng các toán biệt kích và hàng hóa tiếp tế được tung ra miền Bắc.
Lực lượng công an nhân dân luôn nắm chắc địa bàn, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng có các phần tử phản động, bất mãn với chế độ, các phần tử tề ngụy cũ, là nơi các toán biệt kích thường chọn để xâm nhập, móc nối, hoạt động.
Nắm vững địa bàn, giáo dục quần chúng nhân ý thức cảnh giác cách mạng, quân và dân miền Bắc đã triệt phá tận gốc đường về và hoạt động của các toán biệt kích, làm cho chúng không có chỗ dung thân, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, không có điều kiện hoạt động, dễ bị phát hiện và truy bắt
Có thể nói đây là chiến công xuất sắc của lực lượng công an nhân dân miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đối với các toán biệt kích được tung vào miền Bắc không thuộc các chuyên án của lực lượng công an, việc phát hiện các toán biệt kích dựa vào tai mắt của quần chúng nhân dân. Trên thực tế, hàng chục toán biệt kích đổ bộ đường không hoặc xâm nhập đường biển bị người dân phát hiện và báo cho chính quyền.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tới quần chúng các địa phương, nhất là địa bàn có nguy cơ cao bị biệt kích xâm nhập, phá hoại về âm mưu, thủ đoạn của địch. Không ngừng nâng cao cảnh giác đối với các thế lực thù địch, giáo dục nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu vùng xa. Vì vậy, nhân dân các địa phương nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng về đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, không ngừng nâng cao cảnh giác, sớm phát hiện và báo cho chính quyền, cho lực lượng công an, bộ đội những dấu hiệu nghi ngờ về người và phương tiện xuất hiện tại địa phương. Thực tiễn có nhiều vụ gián điệp biệt kích bị nhân dân phát hiện và báo cho cơ quan chức năng đã chứng tỏ không kẻ thù nào lọt qua được tinh thần cảnh giác của nhân dân.
Tổ chuyên án chống gián điệp, biệt kích Công an Sơn La họp bàn phương án đón bắt gián điệp, biệt kích (Ảnh tư liệu)
Ngày 8/1/1966, 4 người dân tộc Vân Kiều thuộc xã Phan Đình Phùng, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đi rừng lấy mây, bị biệt kích không chế rồi đưa tiền về mua lương thực. Họ đã báo cáo chính quyền xã để lực lượng công an và dân quân phối hợp truy lùng bắt gọn toán biệt kích có biệt danh ROMEO xâm nhập bằng trực thăng xuống khu vực hữu ngạn sông Long Đại (Quảng Bình) ngày 19/11/1965.
Hai bố con ông Pòng (người Thượng) ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị, trong khi đi rừng, đã phát hiện toán biệt kích và báo cáo với công an xã Vĩnh Hà.
Đó cũng là trường hợp tên Quách Rả, toán trưởng toán EUROPA được thả dù xuống xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình ngày 20/02/1962, bị hai bố con ông Bùi Văn Chằm mưu trí bắt giữ khi hắn đến lán của bố con ông xin ăn.
Điệp viên đơn tuyến (Singleton) ARES thì bị một người dân Hồng Quảng phát giác do đã sử dụng một cây bút bi, một vật dụng rất hiếm ở miền Bắc lúc đó.
Khi phát hiện biệt kích xâm nhập địa bàn, quân và dân miền Bắc nhanh chóng triển khai lực lượng truy lùng, vây bắt.
Để truy bắt toán biệt kích EUROPA nhảy dù xuống tỉnh Hòa Bình ngày 20/2/1962, ngoài lực lượng công an, bộ đội, địa phương đã huy động 1.429 dân quân, tự vệ, du kích và 1.094 người dân tham gia truy lùng biệt kích địch.
Trước thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và quyết tâm của quân và dân miền Bắc trong việc làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn sử dụng lực lượng biệt kích chống phá miền Bắc như vậy, việc các toán biệt kích xâm nhập miền Bắc dễ dàng bị phát hiện và bắt giữ là hoàn toàn dễ hiểu.
Lê Minh
[1] Sedgwick Tourison: Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 179-180.