Côn Đảo là một hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi Việt Nam, hiện tại đang trở thành một trong những nơi hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Nhưng tại sao Côn Đảo được kênh truyền hình National Geographic cho là một trong 10 địa điểm đáng sợ nhất châu Á không nên đến? Bởi vì những du khách nhạy cảm sẽ bị ám ảnh bởi “chuồng cọp”, thứ đã góp phần biến hòn đảo thiên đường này thành “địa ngục trần gian”
Khái niệm “chuồng cọp” tại nhà tù Côn Đảo
Khi nói đến chuồng cọp của nhà tù Côn Đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người ta có thể liên tưởng và hiểu theo hai nghĩa khác nhau.
Hiểu theo nghĩa thứ nhất, chuống cọp được xây dựng từ năm 1971 trở về sau, tù nhân Côn Đảo thường gọi là “chuồng cọp 7”, “chuồng cọp Mỹ”, “chuồng cọp mới”, thuộc Trại 7, năm 1974, đổi là Trại Phú Bình.
Hiểu theo nghĩa thứ hai, chuồng cọp được chính quyền Sài Gòn tu bổ và xây dựng trước năm 1970, gắn liền với cuộc đấu tranh chống ly khai với “Năm ngôi sao sáng” thời kỳ Ngô Đình Diệm và đặc biệt là gắn với tên tuổi 5 sinh viên, học sinh Sài Gòn đã từng tố cáo trước Hạ viện Sài Gòn và được Phái đoàn điều tra của Quốc hội Mỹ tìm ra năm 1970.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về chuồng cọp Mỹ được xây dựng sau năm 1970, tù nhân thường gọi là “chuồng cọp mới”.
Chuồng Cọp Mỹ có tổng diện tích gần 30.000m2, tên gọi đầu tiên là trại VII, sau đó gọi là trại Phú Bình. Bao gồm 4 khu: AB, CD, EF, GH, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy 48 phòng biệt lập. Một trại giam điển hình kiểu Mỹ, do chuyên gia Mỹ thiết kế, nhà thầu Mỹ xây dựng (hãng thầu RMK) bằng đô la Mỹ viện trợ.
Đây là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của nhà ngục này. Mỹ ngụy lợi dụng cả yếu tố bất lợi của thiên nhiên vào việc đày ải con người. Chưa cần đến đòn roi, Chuồng cọp Mỹ đã hành hạ người rất tinh vi, chết dần chết mòn bởi lối kiến trúc Mỹ nên gọi là Chuồng cọp Mỹ.
Trên có song sắt tương tự như Chuồng cọp Pháp nhưng không có hành lang bên trên. Thay vào đó là mái tôn thấp, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt. Trong phòng giam không có bệ, tù nhân nằm dưới nền nhà hứng chịu khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi chuyển về khuya. Tù nhân phải tiểu tiện vào thùng gỗ, mỗi khi tù nhân đấu tranh, chúng phạt không cho đổ thùng vệ sinh, ba hôm năm hôm hay kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa…Phân và nước tiểu bê bết trên mình của 8 đến 10 người tù trong một phòng biệt giam khoảng 5m2. Khi ấy nhà giam đã biến thành nhà cầu. Sống trong cảnh ấy ngày này qua ngày qua ngày khác thì chẳng khác nào trong địa ngục. Chưa kể buổi trưa nắng như thiêu như đốt với mùi ô uế xông lên, bọn trật tự mở cánh cửa sắt ra kiểm tra rồi đóng dập lại thật mạnh, tiếng kêu dội lên đinh tai nhức óc khi chúng lần lượt kiểm tra 48 phòng giam trong một dãy, và liên tiếp 8 dãy với 384 lần dội vào đầu vào lồng ngực của tù nhân.
Khu chuồng cọp được Pháp xây dựng và Chính quyền Sài Gòn cải tạo để biệt giam tù nhân (Ảnh Vietsense)
Cùng với trại VI Khu B, Trại VII là nơi tập trung số tù chính trị chống đối, trở thành trung tâm phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo trong giai đọan 1973-1975.
Còn hệ thống chuồng cọp tồn tại trước tháng 7/1970, do các nghị sĩ Mỹ tìm ra là khu Banh 3, được xây dựng từ năm 1928, là trại giam lớn nhất Côn Đảo, gồm 2 khu vực, khu vực phía trước có 11 dãy khám giam, nhà bếp và các công trình phụ, khu vực phía sau gồm 7 dãy nhà giam, 2 dãy chuồng cọp, 4 dãy hầm lộ thiên, 7 khối nhà nhỏ, đến năm 1943 mới xây dựng xong, gồm một số hạng mục sau:
Khu vực phía trước giáp nghĩa địa Hàng Keo có nhà bếp,3 dãy khám giam, mỗi dãy 4 phòng.
Khu vực phía sau có 1 khối nhà nhỏ, gồm 2 phòng giam gần hàng rào nghĩa địa Hàng Keo, 2 dãy chuồng cọp 120 xà lim, 4 dãy hầm lộ thiên, hai khối nhà nhỏ phía sau nhà thương cùi.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, tù nhân nổi dậy đập phá hoàn toàn hai khu chuồng cọp này.
Khi bàn giao lại cho chính quyền Sài Gòn, Banh 3 chỉ còn hai dãy khám giam kế bên hông khu chuồng cọp. Chính quyền Sài Gòn gọi đây là Trại 3.
Ngày 23/2/1957, chính quyền Sài Gòn dời lao Y xá và Trại 3, dùng 2 phòng làm bệnh xá cho những tù nhân bị bệnh lao. Năm 1957, chính quyền Sài Gòn bắt đầu sửa chữa lại Banh 3 và khu chuồng cọp, đến giữa năm 1959 hoàn thành hai dãy khám kiên cố, 2 phòng giam riêng và nhà bếp, một dãy nhà lợp tôn, không xây tường, dùng làm nơi tập trung tù nhân bắt học tập chính trị, chỗ sinh hoạt của trật tự và một dãy chuồng cọp (chuồng cọp 1) năm 1960 mới sửa xong khu chuồng cọp 2.
Từ năm 1959, Trại 3 là tên gọi chung của hai khu khám giam, được đánh số phòng từ 1 đến 8 đối với khu vực kế bên chuồng cọp và từ phòng 9 đến 16 đối với khu vực được sửa lại từ năm 1957. Chuồng cọp được gọi là khu kỷ luật của Trại 3.
Đây chính là hệ thống chuồng cọp từng giam giữ, tra tấn những người tù chính trị câu lưu không chịu ly khai chính quyền Sài Gòn và giam giữ những sinh viên năm 1970 mà khi được thả, họ đã tố cáo trước dư luận trong nước và quốc tế, được các nghị sĩ và nhà báo tiến bộ Mỹ tìm ra.
Hình ảnh tái hiện cảnh tù nhân bị giam giữ, đày ải tại chuồng cọp (Ảnh Vietsense)
Chuồng cọp, một điển hình tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với tù nhân
Ta hãy tìm hiểu thêm cuộc sống của người tù trong các chuồng cọp tại nhà tù Côn Đảo như thế nào, qua lời kể của những tù nhân từng chịu đày đọa một thời gian dài trong chuống cọp, dưới thời Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Chuồng cọp, mới trông bên ngoài chỉ giống như hai dãy nhà lầu (nhà cao có gác). tầng dưới để nhốt tù, tầng trên dành cho lực lượng canh gác. Cầu thang bằng gạch xây chắc chắn lại được bắc ở bên ngoài của ngôi nhà. Lối lên xuống đặc biệt này làm cho những người tù hoàn toàn không biết gì và không thể cản trở mọi hoạt động của cai ngục và lính canh.
Tầng dưới khu chuống cọp được chia thành 60 căn chuồng nhỏ riêng biệt, sắp thành hai dãy song song. Mỗi căn chuồng rộng một mét hai, dài hai mét tư, cửa sổ nhìn ra phía ngoài nhà, còn lưng chuồng đấu lại với nhau, tựa chung vào một bức tường lửng dày gần một mét. Bức tường lửng chung nằm giữa hai dãy chuồng này gọi là đường boong, có lan can bằng sắt để người đi lại vịn tay hoặc đứng tựa vào đó.
Bọn lính canh hoặc cai tù đi lại trên đường boong đó để canh chừng và kiểm soát tù nhân. Chúng nhìn xuyên qua rất dễ dàng các song sắt đan ngang dọc trên nóc chuồng cọp, để kiểm soát mọi cử chỉ, hoạt động của tù nhân.
Cấu trúc của chuồng cọp khác hẳn cấu trúc của các hầm đá ở chỗ chuồng cọp không có nắp, tức là chuồng cọp không có tấm trần che kín bên trên, mà chỉ ngăn cách với đường boong bên trên bằng những song sắt lớn.
Đứng trên đường boong nhìn xuống các chuồng cọp, người ta có cảm giác như đang đứng trên một miệng giếng hình chữ nhật có gài song sắt, hoặc đang đứng bên trên một chuồng nuôi thú dữ trong sở thú. Người tù bị nhốt trong chuồng cọp phải nằm dài trên sàn xi măng, chân bị còng chặt vào một cây sắt lớn.
Chuồng cọp là nơi kẻ thù nhốt những tù nhân mà chính quyền Sài Gòn cho là ngoan cố nhất, những người không chịu ly khai, không chịu chào cờ, hô khẩu hiệu phản động. Chuồng cọp là nơi có đủ điều kiện để kẻ thù đàn áp thân xác và ý chí của người tù cách mạng một cách lâu dài, hằng tháng, hằng năm, hay suốt đời của người tù.
Chuồng cọp là nơi hành hạ người tù gần như tuyệt đối, người tù không có một phát giây nào được ngừng nghỉ, cho dù đó chỉ là những phút giây ngừng nghỉ trong đâu đớn giữa những trận tra tấn.
Trên đường boong của chuồng cọp, cai tù sắp xếp trật tự canh tuần suốt ngày đên, 24/24 giờ. Dù vào nửa đêm hay giữa ban trưa, thường xuyên có trật tự cầm một cây sào dài, đầu cây sào có bịt đồng hay bịt sắt, đi qua đi lại.
(Còn tiếp)
Lê Minh