Chỉ trong vòng hơn hai tuần, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã diễn ra nhanh gọn, giành thắng lợi vang dội, đặc biệt là tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, chính trị của quân phiệt Nhật và Nam triều. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số địa phương đã không giành được chính quyền trong tổng khởi nghĩa tháng Tám, trong đó có những nơi không nổ ra khởi nghĩa, có nơi khởi nghĩa muộn và không thành công
Tại Lai Châu
Tỉnh Lai Châu nằm ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, dân cư chủ yếu là các dân tộc ít người. Khi cả nước tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ở Lai Châu vẫn chưa có tổ chức Đảng, tổ chức Việt Minh. Vì vậy, trong tháng 8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Lai Châu không diễn ra.
Đến tháng 10-1945, trong toàn tỉnh Lai Châu, chỉ duy nhất châu Quỳnh Nhai giành được chính quyền, nhờ vào tinh thần yêu nước của một số công chức, giáo viên nhạy bén với thời cuộc. Khi được tin cách mạng thành công ở Sơn La, ông Điêu Chính Châu, quê ở xã Mường Chiên, châu Quỳnh Nhai, vốn là một thừa phái, đã cùng với gia đình trở về Quỳnh Nhai, thảo luận với những người trong họ, vận động quần chúng giành chính quyền ở châu lỵ. Sau một thời gian ngắn tích cực vận động quần chúng và được sự ủng hộ của một số người ở Sơn La, 19 giờ ngày 17-10-1945, lực lượng khởi nghĩa đã chia làm nhiều mũi tiến công vào châu lỵ Quỳnh Nhai. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ chính quyền châu đã về tay quân khởi nghĩa.
Tại Lào Cai
Tỉnh Lào Cai, khi cả nước tổng khởi nghĩa, ở Lào Cai chưa có tổ chức Đảng; cơ sở cách mạng còn yếu, phong trào quần chúng chưa phát triển. Trong khi đó Việt Nam Quốc dân đảng đã theo chân các toán quân Trung Hoa dân quốc đột nhập Lào Cai phá hoại, ngăn chặn phong trào cách mạng, lập chính quyền phản động thân Trung Hoa dân quốc. Trước tình hình Lào Cai không có cán bộ lãnh đạo, khởi nghĩa không nổ ra, Tỉnh ủy Yên Bái đã phái một đơn vị vũ trang và cán bộ lên lập chính quyền cách mạng ở Lào Cai, nhưng đã bị quân Trung Hoa dân quốc chặn lại ở Phố Lu, kế hoạch giành chính quyền ở Lào Cai không thực hiện được. Cuối tháng 10-1945, Xứ ủy và Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ lên Lào Cai tổ chức chính quyền cách mạng, nhưng cũng bị Việt quốc dựa vào thế quân đội Trung Hoa dân quốc phá hoại, nên việc lập chính quyền không thành, phải đến cuối năm 1946, Lào Cai mới được giải phóng, chính quyền cách mạng mới được thiết lập.
Tại Hà Giang
Tại Hà Giang, sau khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào cách mạng ở Hà Giang tuy có muộn hơn một số nơi khác, nhưng đã phát triển mạnh mẽ. Từ một vài cơ sở ở mấy xã hẻo lánh, phong trào đã mở rộng tới hàng chục xã thuộc 4 tổng Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang, hình thành hai vùng cách mạng ở phía Nam và phía Bắc tỉnh...Tuy nhiên, cho tới cuối tháng 8-1945, lực lượng cách mạng mới chỉ làm chủ vùng nông thôn mà chưa tiến vào được thị xã, thị trấn. Do thiếu sự chuẩn bị và không có sự chỉ đạo chung, nên Hà Giang đã bỏ lỡ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ và toàn tỉnh. Ngày 29-8-1945, phát xít Nhật rút khỏi Hà Giang. Ngày 30-8-1945, quân đội Trung Hoa dân quốc vào chiếm đóng thị xã Hà Giang và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Núp dưới bóng quân đội Trung Hoa dân quốc, một toán quânViệt Nam Quốc dân đảng do Hoàng Quốc Chính cầm đầu đã chiếm đồn Quản Bạ (giữa tháng 9-1945), rồi chiếm thị xã Hà Giang (cuối tháng 9-1945). Quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa tập hợp lực lượng, dựng lên chính quyền phản động thân Trung Hoa dân quốc, tổ chức một đội quân khoảng 200 tên. Sau đó, chúng đem quân đi chiếm các địa phương khác trong tỉnh.Phải đến đầu tháng 12-1945, cách mạng mới giành được chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 25-12-1945, Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh thành lập, do Thanh Phong làm Chủ tịch và Tỉnh bộ Việt Minh do Hồng Quân làm Bí thư.
Tại Vĩnh Yên
Tỉnh Vĩnh Yên, trước ngày nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, hầu hết bộ máy chính quyền bù nhìn ở các phủ, huyện đã tan rã, nhưng thị xã Vĩnh Yên hết sức phức tạp. Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt câu kết với lực lượng bảo an cướp chính quyền trước Việt Minh, chờ quân Trung Hoa dân quốc vào, chống phá cách mạng. Ngày 19-8-1945, lợi dụng lúc Việt Minh tập trung khởi nghĩa ở các huyện và chống lũ lụt cứu dân, bộ phận Việt quốc và Đại Việt phản cách mạng đã ép Tỉnh trưởng giao chính quyền và vũ khí; lùng bắt cán bộ Việt Minh và tổ chức cuộc mít tinh công khai nắm chính quyền tĩnh Vĩnh Yên. 10 ngày sau, Tỉnh ủy Vĩnh Yên mới có quyết định, tổ chức quần chúng, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, biểu tình giành chính quyền ở thị xã Vĩnh Yên. Ngày 31-8-1945, hàng nghìn quần chúng và tự vệ vũ trang từ Tam Dương xuống và từ Hương Canh lên, kéo vào thị xã. Dựa vào quân đội Trung Hoa dân quốc, Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt xả súng vào đoàn biểu tình, làm hàng trăm người chết và bị thương. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Vĩnh Yên thất bại. Đến cuối tháng 9-1945, chính quyền cách mạng tỉnh Vĩnh Yên mới được thành lập. Giữa năm 1946, quân đội Trung Hoa dân quốc rút khỏi Việt Nam, thị xã Vĩnh Yên mới được giải phóng.
Tại Hải Ninh
Tỉnh Hải Ninh, phong trào cách mạng chưa có điều kiện phát triển mạnh như ở các địa phương khác, lại bị lượng phỉ quấy rối đã lâu, nên khi cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa thì ở nhân dân Hải Ninh không nổi dậy khởi nghĩa được. Việc giành chính quyền ở Hải Ninh phải tiến hành bằng tấn công quân sự; lực lượng vũ trang cách mạng phải chiến đấu giằng co, quyết liệt nhiều lần với lực lượng phản cách mạng, được quân đội Trung Hoa dân quốc hỗ trợ. Đến tháng 2-1946, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh được thành lập , nhưng mới có hơn một nửa số huyện được giải phóng.
Mặc dù còn một số địa phương không giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy nhiên, đó là những địa bàn xa xôi, ít có tác động đến cục diện tình hình chung của cả nước và không ảnh hưởng gì lớn đến thắng lợi của tổng khởi nghĩa tháng Tám trong toàn quốc. Việc giành chính quyền tại những địa bàn quan trọng như Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tạo cơ sở cho việc giành chính quyền, xây dựng chính quyền ở những địa phương nói trên trong những năm tháng sau đó.
Nguyễn Hải Hòa