1. Vụ án “Chuyến bay giải cứu” được đưa ra ánh sáng công lý là một sự cảnh tỉnh cho chúng ta thấy một sự thật đớn đau về sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ đảng viên, đau xót hơn cả là có những đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy của Nhà nước được Đảng tin Dân mến. Ấy vậy mà chính những đảng viên này lại dựa vào cái gọi là “giải cứu đồng bào” để có “đồng hào”.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án. Ảnh: Congly.vn
Những người này đã từng là những quần chúng ưu tú gắng sức luyện rèn của những người đoàn viên, những công dân gương mẫu với mong muốn khát khao được đứng trong hàng ngũ của Đảng một tổ chức ưu tú của giai cấp công nhân, được vào đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng để dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, để phụng sự cho giai cấp cho dân tộc và cho nhân loại.
Thật trớ trêu chính những con người ấy đã bội ước để “vinh thân, phì da” sống trên nỗi đau mất mát, xương máu của đồng bào mình. Nhìn lại những ngày tháng đã qua trong “cơn bạo bệnh” mà cả nhân loại đã từng chịu đựng khi “con Covid – 19” gõ cửa từng nhà, từng góc phố, nơi làng quê trên mọi nẻo đường của dân tộc Việt thì cũng là lúc Đảng và Nhà nước đã đưa ra những quyết sách đúng đắn và đầy tính nhân văn, nhân ái: “Đưa đồng bào về nước, Đưa người Việt về nước”.
Cũng chính tại thời điểm này, “Combo giải cứu, Combo về nước” cũng xuất hiện, vun vén cho lợi ích cá nhân, phe cánh trục lợi, cùng nhau “kiếm chác” trên nỗi đau của đồng bào. Tất nhiên logic tất yếu và là “Nhân - Quả” của cuộc sống cũng đã cho thấy kết cục của sự móc ngặc, đi ngược lại lợi ích của Đảng của dân tộc là hàng loạt các quan chức rơi vào vòng lao lý, với những cái tên đủ làm người ta phải giật mình về độ “đạo đức, phẩm chất” trước đó của họ. Đây là minh chứng thể hiện sự bội ước của bộ phận cán bộ, đảng viên mà hằng ngày họ vẫn leo lẻo: không tư túi gì, mà làm vì lương tâm, phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc, v.v…
2. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao họ lại “bội ước”? Nguyên nhân sâu xa chính là sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ đã rất “nhanh và nhạy” lợi dụng những chủ trương, chính sách nhân văn, nhân ái để trục lợi, vun vén cá nhân, kiếm chác cho đầy túi tham.
Lý ra, với cương vị của mình, bộ phận cán bộ, đảng viên này phải làm gương, chống lại chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực thì chính bản thân họ đã LÀM ngược lại so với lời thề (NÓI) của chính mình, phản bội lại với chính lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ đã phải trả giá cho hành động đi ngược lại lời thề danh dự của bản thân, của người đảng viên cộng sản, như một logic tất yếu. Sự tha hóa, phai nhạt lý tưởng của Đảng trong chính những cán bộ, đảng viên ấy đã dẫn tới những hệ lụy đớn đau không chỉ cho họ, gia đình họ, nơi đảng bộ họ sinh hoạt mà lớn hơn là họ đã để làm mất lòng tin của dân với Đảng, với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.
Đau đớn, xót xa khi mất đảng viên, mất cán bộ. Sự mất mát lớn hơn thế là mất niềm tin của quần chúng, Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp mà Đảng ta dày công xây dựng. Song, dù có mất mát, đau thương, chúng ta cũng phải loại trừ những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Một trong những vấn đề trọng tâm, chiến lược là phải xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, để không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân./.
Thùy Linh