So với khởi nghĩa tại Hà Nội (19/8/1945), Huế (23/8/1945) thì khởi nghĩa tại Sài Gòn diễn ra muộn hơn (25/8/1945). Vậy tại sao Xứ ủy Nam Kỳ hết sức cẩn trọng trong lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Bộ ?
Khởi nghĩa tại Sài Gòn
Trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình, mặc dù phái viên của Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương chưa về, nhưng căn cứ đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) vẫn quyết định nắm thời cơ tiến hành khởi nghĩa.
Ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền Phong) tiến hành hội nghị, xác định thời cơ khởi nghĩa đã tới, phải tận dụng thời cơ lúc Nhật đã đầu hàng. Thường vụ Xứ ủy thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa để bàn kế hoạch khởi nghĩa cho Sài Gòn và toàn Nam Bộ.
Tối 16 đến sáng ngày 17/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Tiền phong) tiến hành Hội nghị tại Chợ Đệm, do Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu chủ trì, để bàn, quyết định tổng khởi nghĩa. Do còn ý kiến khác nhau, Hội nghị tạm dừng, quyết định theo dõi sát tình hình miền Bắc, tình hình Hà Nội từng ngày, từng giờ. Hễ được tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn và toàn Nam Bộ khởi nghĩa ngay. Đồng thời quyết định chọn Tân An làm địa điểm khởi nghĩa đầu tiên, vừa thăm dò tinh hình, phản ứng của quân Nhật và rút kinh nghiệm cho cuộc khởi nghĩa toàn thành phố.
Trong thời gian Xứ ủy họp Hội nghị, mọi công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Vào thời điểm này, nội thành Sài Gòn có 324 công đoàn cơ sở với 120.000 đoàn viên. Lực lượng Thanh niên Tiền phong có hơn 80.000 đoàn viên, hoạt động sôi nổi, tích cực. Hai tổ chức Thanh niên Tiền phong và Công đoàn đã đã lên tới hơn 200.000 người chiếm ¼ số dân dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Quần chúng ngoại thành cũng đã sẵn sàng tham gia cùng đồng bào nội thành vùng lên giành chính quyền.
Chiều tối 19/8/1945, Việt Minh tổ chức ra công khai tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, trình bày chương trình hành động, diễn thuyết, hô hào quần chúng đứng lên giành độc lập dưới cờ Việt Minh. Chiều 22/8/1945, Thanh niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh.
Sáng 23/8/1945, sau khi nghe báo cáo kết quả của cuộc khởi nghĩa ở Tân An, Hội nghị Xứ ủy quyết định và thông qua kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn và toàn Nam Bộ. Hội nghị dự kiến sẽ phát lệnh khởi nghĩa tại Sài Gòn vào chiều tối 24/8, đến 0 giờ ngày 25/8 hoàn thành việc giành chính quyền vào sáng 25/8.
18 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa.
Tại Sài Gòn, sau khi được lệnh, các đội xung kích được lập từ trong các công sở chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim, cùng lúc từ trong chiếm ra; chiếm đến đâu, treo cờ đỏ sao vàng đến đó. Một số đội xung kích chiếm giữ các cầu lớn ở cửa ngõ thành phố, nơi ngã năm, ngã bảy quan trọng. Việc chiếm lĩnh các vị trí trong nội thành thắng lợi, trong thời gian khoảng 9, 10 giờ tối. Hầu hết các cơ quan chính quyền đã nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng các trại lính người Việt, lực lượng khởi nghĩa không cần phải đánh chiếm, vì tất cả lính đã theo Việt Minh.
Đến 22 giờ ngày 24/8/1945, tất cả bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn trong thành phố đã về tay cách mạng, trừ một số nơi có quân Nhật đóng và chúng quyết tâm giữ nên quân khởi nghĩa không chiếm được như dinh Toàn quyền, cảng Hải quân, Đông Dương Ngân hàng, Kho đạn đầu đường Thị Nghè, sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngay sau khi nhận được tin thắng lợi, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã chỉ đạo việc xây dựng một kỳ đài bằng gỗ và vải đỏ mang tên 9 ủy viên Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ tại ngã tư đại lộ Charner - đại lộ Bonard (nay là Nguyễn Huệ - Lê Lợi).
Một cuộc diễu hành biểu dương lực lượng của Thanh niên Tiền Phong (Ảnh tư liệu)
Từ nửa đêm 24/8/1945, hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ “vành đai đỏ” Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Xuyên, Chợ Đệm..., từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho với băng cờ, gậy gộc, dao găm, giáo mác, súng... ồ ạt tiến vào thành phố Sài Gòn. Cả thành phố rung chuyển trong muôn vàn âm thanh hào hùng, trong tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo Khâm sai Nguyễn Văn Sâm”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”...
Rạng sáng ngày 25/8/1945, Sài Gòn bừng dậy trong không khí cách mạng hào hùng, các đường phố tràn ngập cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vang dội khắp thành phố. Cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại có khoảng 1.200.000 người tham gia, đủ mặt các tầng lớp xã hội không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai... đã xuống đường xếp thành hàng theo khối từng đơn vị, địa phương, có người điều khiển đi đứng, hô khẩu hiệu và khởi xướng các bài hát cách mạng.
Đến 7 giờ sáng 25/8/1945, trước các khối quần chúng tập trung thành hành ngũ trước phủ Toàn quyền, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời chào mừng đồng bào, thông báo toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.
8 giờ sáng, đoàn biểu tình bắt đầu khởi hành từ Tổng hành dinh của Ủy ban Khởi nghĩa (số 6 Colombert, nay là đường Alexandre de Rhodes) đến dinh Đốc lý Sài Gòn. Dẫn đầu là các thành viên trong Xứ ủy Nam Kỳ, Kỳ bộ Việt Minh, đại biểu các đảng phái, tôn giáo...
Đoàn biểu tình tới bờ sông rẽ sang phải theo đường Belgique (nay là bến Chương Dương) đến ngã ba Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học). Đồng bào ngoại thành và các tỉnh về thêm, đứng chen chúc tràn ngập các đường phố.
11 giờ rưỡi trưa, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đại diện Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ công bố danh sách Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ gồm 9 người: Trần Văn Giàu, Chủ tịch; Nguyễn Văn Tạo, Ủy trưởng Nội vụ; Nguyễn Phi Hoanh, Ủy trưởng Tài chính; Phạm Ngọc Thạch, Ủy trưởng Ngoại giao; Hoàng Đôn Văn, Ủy trưởng Lao động; Dương Bạch Mai, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc; Nguyễn Thanh Sơn, Thanh tra chính trị; Ngô Tấn Nhơn, Ủy trưởng Kinh tế; Huỳnh Văn Tiểng, Ủy trưởng Tuyên truyền và Thanh niên.
Hàng chục vạn quần chúng vỗ tay hò reo nhiệt liệt, công nhận thành phần của chính quyền mới là chính quyền hợp pháp.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn kết thúc thắng lợi.
Nhân dân Sài Gòn trong khởi nghĩa ngày 25/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Tại sao Sài Gòn khởi nghĩa muộn hơn ?
Tin chính thức Hà Nội đã khởi nghĩa thành công ngày 19/8/1945 đến Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kỳ cho rằng đó là minh chứng cách mạng đã có thể vô hiệu hóa quân Nhật. Tuy nhiên, thận trọng hơn kể từ khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định lấy Tân An làm thí điểm khởi nghĩa.
Ngày 21, 22/8/1945. khởi nghĩa Tân An thành công. Đó là cơ sở để Xứ ủy Nam Kỳ quyết định khởi nghĩa tại Sài Gòn vào ngày 25/8/1945.
Như vậy, không phải do không nắm được tình hình khởi nghĩa trong cả nước, nhất là tại Hà Nội, cũng không phải do lực lượng khởi nghĩa tại Sài Gòn và Nam Bộ chưa đủ mạnh mà Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền muộn hơn Hà Nội, Huế. Lý do chính cắt nghĩa sự thận trọng của Xứ ủy Nam Kỳ là từ bài học xương máu của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Chúng ta biết rằng, nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ luôn mang trong mình khát vọng động lập, tự do. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 là biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa diễn ra chưa đúng thời điểm, không có thời cơ, nên đã bị chính quyền thuộc địa dìm trong bể máu. Cơ sở Đảng và quần chúng yêu nước bị thiệt hại vô cùng to lớn.
Thự dân Pháp tăng cường mọi biện pháp để đàn áp, khủng bố, dùng mọi lực lượng hải, lục, không quân với vũ khí hiện đại nhất để đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Ở Mỹ Tho, Pháp cho lính càn quét, mỗi cuộc có hàng nghìn binh lính, trong đó có 1 tiểu đoàn lính lê dương và 3 đại đội lính tập đầy đủ tàu chiến, xe thiết giáp, xe cơ giới, máy bay.
Ở Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long... mỗi lần càn quét, Pháp dùng từ 2 đến 3 đại đội, đủ loại quân, hung hăng nhất là lính lê dương, thả cửa bắn giết, hãm hiếp dân lành; không kể cho đi thám thính, mỗi lượt, Pháp huy động hàng chục máy bay ném bom xuống các làng, các xóm thuộc Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Tân An, Vĩnh Long... Lực lượng đàn áp đốt phá hoa màu, nhà cửa, phá nát ruộng vườn, đường sá, bắn trâu, bò, lợn, gà, đốt phá rừng để không cho quân khởi nghĩa ẩn náu.
Vừa đàn áp, bắn giết, Pháp vừa bắt bớ những người nổi dậy: liên tỉnh Gia Định 903 người, liên tỉnh Mỹ Tho 2.901 người, liên tỉnh Cần Thơ 1.729 người, liên tỉnh Long Xuyên 315 người. Tính đến ngày 31-1-1941, Pháp đã bắt 7.048 người và chỉ tính riêng trong tháng 1/1941 đã có 1.200 người bị bắt.
Hàng trăm người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài. Nhân dịp này, đế quốc Pháp đã đem hành hình nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng bị bắt trước khởi nghĩa là Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tỉnh Đồng Nai dương dương tự đắc nói với Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông rằng, sau khởi nghĩa Nam Kỳ, phải mất ít nhất 15 năm, cộng sản ở Nam Kỳ mới có thể gượng dậy được.
Nhưng chính quyền thuộc địa không thể dự đoán được sức sống mãnh liệt của phong trào cách mạng Nam Kỳ. Những năm 1941-1945 chứng kiến nỗ lực không mệt mỏi của đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước ở Sài Gòn và Nam Kỳ trong khôi phục tổ chức và lực lượng cách mạng.
Chính vì thế, cuối tháng 8/1945, mặc dù xác định thời cơ thuận lợi đã đến, mặc dù không khí cách mạng đã hết sức sôi sục, mặc dù lực lượng cách mạng đã dâng trào mạnh mẽ như dòng thác, Xứ ủy Nam Kỳ vẫn hết sức cẩn trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ quyết định khởi nghĩa khi chắc thắng, khi biết tin Hà Nội và Huế đã khởi nghĩa thành công.
Thái Trần