Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị Trung ương Đảng tăng cường vào chiến trường miền Nam từ cuối năm 1964. Với cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng các đồng chí trong Trung ương Cục lãnh đạo quân và dân miền Nam giành chiến thắng trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967
Được Trung ương Đảng và Bác Hồ cử vào chiến trường miền Nam
Cuối năm 1964, có những dấu hiệu cho thấy chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị phá sản, cơ hội cho nhân dân miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn xuất hiện.
Trước tình hình đó, ngày 25 và 26/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị đề ra chủ trương kiên quyết đưa cách mạng miền Nam giành thắng lợi quyết định trong thời gian tới.
Sau khi phân tích diễn biến mới nhất của tình hình miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương: ở miền Nam, trên quan điểm trường kỳ, cần động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tập trung mọi khả năng, lực lượng để giành một bước thắng lợi quyết định trong một vài năm sắp tới. Bộ Chính trị nêu lên 5 công tác trước mắt, cần tập trung thực hiện kỳ được:
- Phối hợp đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận, tranh thủ thời cơ, cố gắng đánh bại hoàn toàn quân ngụy trước khi quân Mỹ nhảy vào.
- Làm chủ cho được nông thôn, rừng núi và đồng bằng.
- Ra sức đẩy mạnh công tác và phong trào đô thị.
- Gấp rút xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, đặc biệt là bộ đội chủ lực.
- Tăng cường công tác Mặt trận và mở rộng thành phần của Mặt trận dân tộc thống nhất đến các tầng lớp nhân dân từ nông thôn đến đô thị miền Nam.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm: “Ta phải đánh lâu dài 10 năm đến 20 năm, phải đề phòng địch có hành động điên cuồng dù chúng bị cô lập, phải có kế hoạch phòng khi đột biến. miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh. Hai năm qua chưa tăng cường Uỷ viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”.
Bộ Chính trị đã nhất trí cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị và một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm chỉ huy vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các đồng chí trước khi lên đường vào Nam công tác: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.
Vị tướng của công tác chính trị, tư tưởng
Vào miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo quân và dân toàn miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với nhiều chiến thắng vang dội như Cedar Fall, Attleboro, Juction City…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)
Tháng 6/1966, sau khi quân dân miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) của Mỹ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh với bút danh Trường Sơn viết bài: “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1965-1966” để lý giải nguyên nhân thắng lợi của ta và thất bại của địch.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích và nêu lên nguyên nhân thắng lợi của ta như sau:
Bước vào mùa khô, cục diện chiến tranh phát triển có lợi cho ta: quân và dân miền Nam đang trong thế thắng và chủ động về chiến lược; Mỹ đang trong thế thua và bị động về chiến lược. Mỹ đưa quân vào để cứu vãn quân ngụy và “chiến tranh đặc biệt” nên ngay từ đầu đã ở thế bị động chiến lược. Thế chiến lược của cách mạng miền Nam là thế chủ động, thế thắng, thể hiện ở những điểm như: ta có ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần; hình thái chiến trường có bước chuyển biến nhảy vọt so với một năm trước đó; ba thứ quân phát triển mạnh mẽ về số lượng và phối hợp “trên một trình độ mới”; ta đã có hậu phương tại chỗ vững chắc với 4/5 diện tích và 3/4 số dân.
Thế chiến lược yếu kém của địch thể hiện ở những mặt sau: yếu tố chính trị - tinh thần rối loạn, sút kém; Mỹ-ngụy bị cuốn vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta, không phát huy được sức mạnh quân sự tiềm tàng; nội bộ mâu thuẫn nhau, có lúc gay gắt; hậu phương tại chỗ thu hẹp, cơ sở chính trị - xã hội còn ít.
Trong bối cảnh trên, cách mạng miền Nam có điều kiện đạt cả ba mục tiêu chiến lược trước mắt của chiến tranh là tiêu diệt địch, giữ đất và giành dân.
Quân và dân miền Nam có quyết tâm rất cao và chính xác. Quyết tâm đó được xây dựng trên lập trường cách mạng triệt để và phương pháp biện chứng khoa học. Quyết tâm đó là quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam, kiên quyết đánh thắng Mỹ ngay từ đầu. Quyết tâm đó chứa đựng những nội dung: khí thế của cách mạng miền Nam đang trên đà thắng lợi, lập trường kiên quyết kháng chiến chống xâm lược của một dân tộc dày dạn kinh nghiệm đấu tranh chống đế quốc, một dân tộc anh hùng, bất khuất, yêu nước tha thiết và căm thù giặc sâu sắc. Quân và dân miền Nam cũng có phương pháp phân tích khoa học, phát hiện mâu thuẫn của địch, đánh giá đúng tương quan lực lượng ta và địch, bám sát thực tế chiến trường.
Quân Mỹ tải thương trong cuộc càn Junction City, tháng 2-4/1967 (Ảnh tư liệu)
Sự chỉ đạo và thực hành chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo. Quân và dân miền Nam đã buộc Mỹ-ngụy phải đánh theo cách đánh của mình, làm cho Mỹ-ngụy đông mà thành ít, mạnh nhưng lại yếu. Chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của ta thể hiện ở tinh thần kiên quyết, liên tục, chủ động tiến công, chọn hướng tiến công chính xác; kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận; phối hợp chiến trường nhịp nhàng; phối hợp ba thứ quân chặt chẽ; kết hợp chặt chẽ nhiều cách đánh...
Cuối cùng, đồng chí kết luận: Mùa khô 1965-1966 thực sự là mùa khô thắng lớn của ta và đó là cơ sở thực tiễn chắc chắn nhất để ta tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Tiếp đó, tháng 7/1966, đồng chí Nguyễn Chí Thanh có bài viết “Bàn về công tác tư tưởng của quân dân miền Nam trong chiến thắng mùa khô 1955-1966”.
Đồng chí cho rằng: trong mùa khô 1965-1966, quân và dân miền Nam đã xác định một lập trường cách mạng kiên định, một quyết tâm vững chắc đánh Mỹ và thắng Mỹ, trải qua một phương pháp phân tích khoa học so sánh lực lượng và từ thực tế chiến trường.
Đồng chí khẳng định: “Có vũ khí tư tưởng sắc bén mới có vũ khí bằng sắt thép sắc bén để chiến thắng quân thù”. Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân miền Nam cũng được bắt nguồn từ thực tế lịch sử, ta đã đánh bại cuộc “chiến tranh một phía” và “chiến tranh đặc biệt” của địch, điều đó cổ vũ ta tiến lên đánh bại bất kỳ chiến lược chiến tranh mới nào của địch.
Khi quân Mỹ vào, điều quan trọng nhất đối với dân tộc ta nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng là phải xác định được lập trường kiên định, đó là cái gốc của mọi vấn đề. Đồng chí tổng kết: “Muốn đánh giặc, thắng giặc thì trước hết gan phải to, chí phải quyết, lòng phải bền”.
Bước vào cuộc chiến đấu chống “chiến tranh cục bộ”, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là vấn đề tư tưởng. Quân và dân miền Nam trong mùa khô thắng Mỹ đầu tiên đã xác định rõ tư tưởng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đó là cái chìa khóa mở ra những thắng lợi huy hoàng từ đó về sau.
Chỉ qua hơn một năm cùng Trung ương Cục lãnh đạo quân và dân miền Nam trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cho thấy ông không chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn là một vị tướng xuất sắc về công tác Đảng, công tác chính trị với những luận điểm đã đi vào lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và dân tộc ta nói chung.
Nắm vững luận điểm tư tưởng “chí phải quyết, lòng phải bền” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, quân và dân ta tại miền Nam cũng như quân và dân cả nước đã xây dựng được quyết tâm kháng chiến chống Mỹ và đánh Mỹ đến ngày thắng lợi.
Bình Nguyễn