Đường Trường Sơn đã đi vào huyền thoại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Làm nên huyền thoại đó là công sức, xương máu của hàng triệu bộ đội, thanh niên xung phong, quần chúng nhân dân và chúng ta không thể không nhắc đến vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ), sinh ngày 1/3 /1923 tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống yêu nước. Song thân ông là cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ Đặng Thị Cấp. Cụ Nguyễn Hữu Khoán, sinh năm 1884, mất năm 1933.
Cụ sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Cụ là cháu nội sĩ phu Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần Vương bị Pháp xử bắn ở Cửa Giang, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Cụ Đặng Thị Cấp sinh năm 1882 tại làng Kinh Châu, xã Châu Hóa, Quảng Bình. Cụ mất tại quê hương Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày 22 /4 /1982, thọ 100 tuổi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà của hai cụ là nơi cất giấu tài liệu, địa chỉ liên lạc và che giấu cán bộ, nơi tổ chức một số cuộc họp của các cán bộ Khu ủy, Huyện ủy.
Ngày nay, ngôi nhà của hai cụ tại Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình được ghi nhận là di tích lịch sử - cách mạng, là ‘địa chỉ đỏ” ở quê hương Quảng Bình, nơi sinh ra và lớn lên của ba vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hai đại biểu Quốc hội.
Trong kháng chiến chống Pháp, cụ Đặng Thị Cấp được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và danh vị “Có công với nước”. Hai cụ sinh được 9 người con, (6 trai và 3 gái). Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (tức Nguyễn Hữu Vũ), sinh năm 1923 là người con thứ tư trong gia đình.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trong một chuyển kiểm tra công tác vận tải xăng dầu cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên từ nhỏ được cha dạy chữ Hán và theo học chữ Quốc ngữ bậc tiểu học tại Thọ Linh, nay thuộc xã Quang Sơn, huyện Quảng Trạch. Chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, đồng chí sớm có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp. Năm 12 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên, bí danh là Tế - một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vừa hoạt động cách mạng, đồng chí vừa theo học bậc trung học tại trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Đồng chí kết hôn với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (1928-2012) người thị xã Quảng Hòa, Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), Quảng Bình. Ông bà sinh được 6 người con.
Tháng 12/1939, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Đồng chí trở thành đảng viên khi chưa tròn 17 tuổi và đang học trung học. Năm 1940, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn. Năm 1941, đồng chí làm Phủ Ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được cử giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559-Bộ đội Trường Sơn, kiêm Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào.
Ngay sau khi ra mắt nhận nhiệm vụ, đồng chí tổ chức
một chuyến đi nghiên cứu thực tế và khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, từ đường 9 trở ra. Đồng chí có mặt tại nhiều trọng điểm, đến trực tiếp nhiều trận địa và sở chỉ huy của các binh trạm, trung đoàn trên toàn tuyến. Lúc này, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí đã đề xuất ý tưởng về việc triển khai tác chiến hợp đồng binh chủng, đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Đồng chí nêu rõ: Các binh trạm phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hợp thành, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược. Cơ quan Bộ Tư lệnh cũng chuyển hẳn sang chỉ huy hợp đồng binh chủng, không dừng lại ở chỉ đạo. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển được 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959-1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường[1].
Trong giai đoạn 1969-1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc.
Tại Hội nghị quân chính tháng 5/1971, đồng chí quyết định thực hiện kế hoạch 3 điểm: mở tuyến đường kín, mở tuyến Đông Trường Sơn, rải đá trên các tuyến vượt khẩu.
Đặc biệt, từ đầu tháng 6 /1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở “đường kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch; đẩy mạnh vận tải cơ giới, vận tải đường sông.
Một đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại (Ảnh tư liệu)
Giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới - đường bộ và đường sông và đường ống; trong đó lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là hỗ trợ. Từ chủ trương trên, Đoàn 559 đã giao cho các chiến trường khối lượng vật chất gấp 180 lần so với giai đoạn I, phục vụ đắc lực cho toàn chiến trường đánh thắng một bước căn bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Ngoài nhiệm vụ vận chuyển chi viện các chiến trường, Bộ đội Trường Sơn còn tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị, góp phần quan trọng giành chiến thắng trong các chiến dịch nêu trên.
Trong giai đoạn 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn không chỉ bảo đảm vận chuyển binh lực, hỏa lực, vũ khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân tăng gấp 318 lần so với giai đoạn 1959-1964 mà còn tham gia nhiều chiến dịch lớn, như Chiến dịch Tây Nguyên, góp phần hết sức quan trọng giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như vận chuyển 61.000 tấn đạn cho chiến dịch, bắc lại hàng trăm cây cầu bảo đảm giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A từ Quảng Trị vào Đồng Nai; tổ chức nhiều điểm cấp phát xăng dầu, bảo đảm cho các phương tiện cơ động tham gia chiến dịch.
Không chỉ tham gia các chiến dịch giai đoạn 1973-1975, mà ngay sau khi ký Hiệp định Paris, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đầu năm 1974, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Chiến công của Bộ đội Trường Sơn trong đó có vai trò của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vô cùng to lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời gian khoảng 8 năm (1967-1975), Trường Sơn trở thành một phần trong đời sống của ông. Ông là một trong ít vị Tướng của Quân đội đã sống và chiến đấu trực tiếp trên chiến trường gian khổ và ác liệt với thời gian dài nhất.
Đến hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn năm xưa đều nhắc về ông - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với sự kính trọng và yêu mến, chân thành. Hình ảnh Tướng Đồng Sỹ Nguyên sống mãi trong lòng các chiến sĩ Trường Sơn.
Minh Phương