Khi nói đến những ấn tượng về Hà Nội, không ít người sẽ hình dung ra diện mạo đặc trưng của Thủ đô qua hình ảnh nhộn nhịp của những dòng xe cộ đan xen giữa các con phố cổ. Và đọng lại trong sự dịch chuyển ấy chính là bức tranh của vỉa hè Hà Nội.
Vỉa hè là một không gian sinh hoạt văn hóa. Ảnh: Internet
Dễ nhận thấy rằng, vỉa hè Hà Nội tồn tại như một không gian văn hóa đặc thù. Không chỉ dựng nên sắc màu trực quan trong tổng thể diện mạo đô thị với những chức năng cơ bản nhất, vỉa hè còn là nơi diễn ra những hoạt động sinh kế, là không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động.
Theo nhiều nghiên cứu về lịch sử văn hóa của Thủ đô, từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp sau khi vào Hà Nội đã cải tạo và quy hoạch các con phố quanh Hồ Gươm và vỉa hè Tràng Tiền. Đây được xem là những vỉa hè đầu tiên theo kiểu Phương Tây ở Hà Nội. Sau đó, dần dần khu vực 36 phố phường của Hà Nội đều có vỉa hè. Người Pháp cũng đã cho thuê vỉa hè để người dân mở cửa hàng buôn bán, đến đầu thế kỷ XX khi xuất hiện một số khách sạn sang quanh Hồ Gươm thì các khách sạn này đã thuê vỉa hè mở các quán cà phê dọc theo các mái hiên, những quán cà phê này rất được ưa thích và có lẽ “cà phê vỉa hè” xuất hiện từ đó.
Không chỉ đơn thuần là lối dành riêng cho người đi bộ, ngay từ khi ra đời, vỉa hè đã là không gian tích hợp nhiều yếu tố văn hóa khác. Có lẽ ở Hà Nội, vỉa hè, bên cạnh vai trò là không gian vật lý với chức năng giao thông ban đầu, còn nổi bật với chức năng của một “không gian kinh tế”, rất nhiều hoạt động kinh tế đa dạng và linh hoạt diễn ra ở vỉa hè, từ việc bán hàng ăn uống, các loại thực phẩm tươi sống, sơ chế hay đóng hộp cho đến đến đồ dùng, đồ lưu niệm, nhu yếu phẩm, máy móc thiết bị giống như một kiểu chợ không chính quy. Những dịch vụ cơ bản như sửa chữa, tiêu dùng đến hoạt động môi giới, giới thiệu sản phẩm và nhân công, các mặt hàng và dịch vụ quảng cáo, trông giữ đáp ứng một cách linh hoạt nhất nhu cầu hằng ngày của người dân… Các hoạt động kinh tế tư nhân hay các hoạt động kinh doanh có tổ chức cũng hiện diện trên vỉa hè, với dấu ấn của nhiều tầng lớp trong xã hội, từ bình dân cho đến trung lưu và giàu có.
Vỉa hè làm gia tăng sự nhộn nhịp của Thủ đô với “không gian sinh hoạt”. Đây trở thành nơi diễn ra những sinh hoạt thường ngày của cá nhân hay những nhóm người dân, nơi hoạt động cắt tóc, gội đầu, giặt giũ, cơm nước, luộc bánh chưng ngày Tết, xem bóng đá diễn ra nhộn nhịp... Một thói quen phổ biến trong cộng đồng được duy trì đến ngày nay là người dân thường dựng rạp khi gia đình có việc, tổ chức ma chay hiếu hỉ, bày sân khấu cho nhiều hoạt động tập thể của tổ dân phố như tết Trung thu, tết thiếu nhi 1/6, liên hoan khu phố... Không gian ấy cũng vì thế mà phản ánh “không gian xã hội”. Vỉa hè là nơi quy tụ của nhiều chủ thể văn hóa với hình thức biểu hiện đa dạng, phong phú, phản ánh nhiều phong cách sống, lối ứng xử, ngôn ngữ, xu hướng tâm lý và hành vi. Khái niệm “thông tấn xã vỉa hè” nhằm chỉ phương thức “truyền thông”, kết nối, chia sẻ thông tin theo lối bình dân cũng bắt nguồn từ yếu tố lan tỏa dư luận và tâm lý cộng đồng trong “môi trường xã hội” của vỉa hè.
Vỉa hè là không gian sinh kế phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Internet
Ở một góc độ nhất định, vỉa hè Hà Nội hiển hiện lên như một “không gian nghệ thuật”. Vỉa hè là nơi rõ nhất để nhìn ra những sự chuyển động của phố phường, của những dòng người xe qua lại, những gánh hàng rong đủ màu sắc, những người làm nghề khoe sự tài khéo, những loại đồ ăn, thức uống phô bày cả cách làm, những loại hình nghệ thuật đa dạng được sáng tạo và trình diễn tại chỗ, rồi những mái nhà, ô cửa, những hàng quán tấp nập, những âm thanh cuộc sống... tất cả làm nên một đời sống nghệ thuật nhiều sắc màu và đặc biệt hấp dẫn du khách.
Vỉa hè gắn với đời sống đương đại và lịch sử, do đó mà mang sắc thái của “không gian ký ức”. Trong hoài niệm về Hà Nội với những món ăn quen thuộc, với những câu chào hỏi, những giao tiếp xã hội, gắn với những con người, cảnh vật, hàng cây, góc phố, những chứng nhân của lịch sử mà mỗi người đã từng có trải nghiệm, thì ở một góc sâu thẳm nào đó vẫn thấp thoáng hình ảnh vỉa hè. Những điều này trở thành ký ức gắn bó với tuổi thơ, với những biểu tượng trong nỗi nhớ của những người đi xa nhớ về, và cả những người chưa từng trải nghiệm muốn tìm tới. Ký ức về vỉa hè Hà Nội đã và vẫn đang có đời sống sinh động trong thực tế cũng như trong thi ca, nhạc họa (tranh phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Trường hay bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi với “Sống vui phố hè/ Bồi hồi chàng trai/ Những đôi mắt nào”...). Nhìn ở khía cạnh văn hóa, vỉa hè Hà Nội là một không gian đặc thù mà từ khi xuất hiện cho đến nay con người đã không ngừng tạo ý nghĩa cho nó và đó cũng là quá trình sáng tạo văn hóa đưa vỉa hè từ không gian vật lý trở thành một không gian văn hóa. Cho đến nay văn hóa vỉa hè trở thành một phần vô cùng quan trọng trong bức tranh văn hóa đô thị Hà Nội.
Với mỗi người dân Hà Nội hôm nay, vỉa hè vẫn luôn sống động, là chỗ ăn chỗ chơi, chỗ tụ họp bạn bè, chỗ mua bán, sửa chữa, sử dụng dịch vụ, chỗ chia sẻ thông tin, chỗ thưởng thức nghệ thuật, chỗ thể hiện sự sành điệu và hiện nay nhiều vỉa hè Hà Nội trở thành địa điểm “check in” hấp dẫn giới trẻ như phố Hàng Mã, phố Tạ Hiện, phố Nhà Thờ... Người Hà Nội thực sự đã sống cuộc sống đầy màu sắc và sôi động trên vỉa hè, đã gắn bó với vỉa hè từ thời thơ ấu cho đến khi về già, vỉa hè đã trở thành một phần trong cuộc đời của họ, sống trong ký ức của họ.
Vỉa hè Hà Nội có lẽ đã trở thành một biểu tượng riêng trong tâm thức của nhiều người dân Thủ đô. Đó là chốn ghi dấu cuộc sống mỗi ngày, là không gian “tuổi thơ lớn lên”, là “biểu tượng ngõ phố quê nhà” trong nỗi nhớ của người xa quê, nơi lưu giữ kỷ niệm của đời người, của lịch sử. Có thể nói, trong sự biến đổi nhanh chóng của diện mạo đô thị, đến ngày nay, vỉa hè vẫn phát huy những giá trị nhất định trong đời sống văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng tạo nên phần hồn cho Thủ đô.
Vỉa hè là một trong những "điểm hẹn tinh thần" của giới trẻ. Ảnh: Internet
Từ vai trò của vỉa hè trong đời sống văn hóa của Hà Nội, có thể nhận thấy rõ ràng vỉa hè là một không gian văn hóa, nơi diễn ra cuộc sống thường ngày của người dân với tất cả những hoạt động sinh hoạt, mưu sinh, giao tiếp, ứng xử… Cuộc sống ấy luôn được thể hiện với chiều cạnh phong phú, đa dạng, phức tạp và luôn vận động, phát triển, biến đổi không ngừng. Việc tiêu chuẩn hóa, quy hoạch vỉa hè nhằm xây dựng một Hà Nội văn minh, trật tự, có lẽ phải xuất phát từ cách định hình nên văn hóa vỉa hè Hà Nội với sự đa nghĩa, đa tầng, đa chức năng, và gắn kết chặt chẽ với bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Thủ đô.
Tuấn Hoàng