Mặc dù ở xa Tổ quốc, bà con Việt kiều tại Thái Lan luôn hướng về cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Thành lập chiến khu chuẩn bị lực lượng vũ trang chi viện miền Nam
Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng hội Việt kiều được sự giúp đỡ của Chính phủ Pridi Phanomyong và nhân dân Thái Lan đã lập trên mười chiến khu dọc theo vùng rừng núi Đông Bắc Thái Lan và biên giới Thái Lan–Campuchia. Bộ đội Việt kiều Giải phóng quân được triệu tập, thanh niên Việt kiều khắp Thái Lan nô nức lên đường về tập trung tại các chiến khu, thành lập các đơn vị tình nguyện về nước chiến đấu. Khoảng tháng 6-1946, chi đội Trần Phú được thành lập, bao gồm các chiến sĩ trước kia ở Lào và một số thanh niên Việt kiều ở Thái gồm 390 người. Sau 6, 7 tháng học tập huấn luyện quân sự, cùng với thanh niên miền Bắc nô nức Nam tiến, từ tháng 8 đến tháng 12-1946, bốn đơn vị Việt kiều là “Bộ đội Độc lập số 1”, “Bộ đội Quang Trung”, “chi đội Trần Phú ” và “Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II” lặng lẽ, bí mật vượt qua đất Campuchia, Lào, băng rừng vượt núi lần lượt lên đường về miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc[1].
Ngày 22-12-1946, kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chi đội Trần Phú làm lễ xuất quân về nước[2]. Chi đội Trần Phú tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây Ninh, lập nhiều chiến công, được nhân dân gọi thân mật là Đoàn quân Hải ngoại.
Từ năm 1946-1948, các đoàn Cửu Long 1 (1946), Cửu Long 2 (1947), Cửu Long 3 (1948) chuyên đưa vũ khí về Khu 8, Khu 9. Các đoàn Quang Trung 1 và Quang Trung 2 (giữa và cuối năm 1946) được Đặc ủy Việt kiều và Ban Chỉ huy Mặt trận miền Tây tổ chức đưa vũ khí về Nam Bộ. Khi qua Campuchia thường kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân Khmer đứng lên kháng chiến và tổ chức chiến đấu chống Pháp ngay trên đường hành quân.
Được sự đồng tình của Chính phủ dân tộc tiến bộ và sự giúp đỡ của Việt kiều yêu nước ở Thái Lan, cuối năm 1946 đầu năm 1947, cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập tại Băng Cốc và được hưởng quy chế như một cơ quan ngoại giao. Từ ngày 14-4-1947, cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam chính thức đi vào hoạt động[3].
Sau khi có phái đoàn đại diện chính phủ, cơ quan Việt Nam thông tấn xã tại Băng Cốc phát hành bản tin “Tin Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đến cuối năm 1948, ra thêm bản tin “Tin Việt Nam” bằng tiếng Thái, lấy tên là “Khào Việt Nam” với nội dung tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam[4]. Ngoài ra, Việt Nam thông tấn xã tại Băng Cốc còn phát hành hàng chục đầu sách tiếng Việt như: Cách mạng tháng Tám, Hiến pháp Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, Khu giải phóng Lịch sử cách mạng Việt Nam, Vần quốc ngữ, Cụ Hồ ở chíến khu, Chủ tịch Hồ Chí Minh…[5], được Kiều bào khắp các tỉnh nô nức đón nhận với lòng khát khao hướng về Tổ quốc. Cơ quan đặc phái viên Chính phủ và thông tấn xã Việt Nam tồn tại từ năm 1946 đến 1951 thì đóng cửa.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm Thái Lan năm 1978 (Ảnh tư liệu)
Đảng bộ Việt kiều cùng cơ quan Đại diện Chính phủ và Thông tấn xã thu xếp, đưa đón cán bộ trong nước đi dự các hội nghị quốc tế, hoặc cán bộ nước ngoài về như giáo sư Đặng Văn Ngữ từ Nhật Bản về tham gia kháng chiến. Ngoài ra còn cung cấp tin tức, tài liệu, sách báo in ở Pháp, Anh, Ấn Độ chuyển về trong nước.
Năm 1947, chính phủ tiến bộ Thái Lan bị lật đổ trong lúc hoạt động yêu nước của kiều bào đang tiến hành sôi nổi. Hoạt động cách mạng của Việt kiều có sự thay đổi lớn, không thuận lợi như trước đó.
Tháng 3-1948, Trung ương Đảng cử một đoàn cán bộ sang Thái Lan lập Ban cán sự Trung ương Hải ngoại. Dưới Ban cán sự có 4 đảng bộ: đảng bộ Lào; đảng bộ Campuchia; đảng bộ Việt kiều Thái Lan và đảng bộ đối ngoại và Ban cán sự Trung ương Hải ngoại. Sau hơn một năm hoạt động, Ban cán sự Trung ương Hải ngoại viết “Đề cương công tác Lào, Cam puchia” nhằm chỉ đạo công tác ở hai chiến trường này.
Giữ vững đường dây liên lạc và tiếp tế về nước
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, do còn bị phong tỏa nhiều phía nên việc liên lạc giữa các miền trong nước cũng như thông ra thế giới gặp nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đặc ủy, Tổng hội bà con Việt kiều yêu nước đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm giao thông liên lạc thông suốt, an toàn suốt một thời gian dài. Đó là đường từ Nam Bộ - Thái Lan – Thượng Lào – căn cứ địa Việt Bắc. Nhiều đoàn cán bộ đi công tác từ Bắc vào Nam hoặc từ trong Nam ra Việt Bắc đều dừng chân ở Thái Lan. Sau đó còn mở thêm tuyến Nam Bộ - Miến Điện – Thái Lan – Lào – Khu 4. Cơ sở Việt kiều yêu nước Thái Lan còn là cửa ngõ thông ra quốc tế của nhiều phái đoàn Đảng, chính phủ, các đoàn thể… Chỉ sau Chiến dịch Biên Giới (9-1950), vị trí cửa ngõ của bà con kiều bào yêu nước mới tạm chấm dứt.
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một ngôi đền thờ tại Thái Lan
Trong thời gian từ 1947-1954, mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan có những điểm sáng quí báu đối với cả hai nước, hai dân tộc. Từ sau khi chính phủ Thái Lan công nhận chính phủ Bảo Đại, đã đàn áp Việt kiều trên đất Thái, tước đoạt nhiều quyền lợi về sinh hoạt, buôn bán, học tập, làm cho đời sống kiều bào gặp khó khăn. Nhưng cũng trong tình hình ấy, kiều bào ta ở Thái Lan ứng xử linh hoạt, tiến hành các hình thức đấu tranh “ngoại giao nhân dân” để tồn tại, đồng thời giữ được mối quan hệ trong một khuôn khổ nhất định.
Nhằm phát triển và cụ thể hóa nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết trong quá trình cách mạng Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, ngày 15 –2–1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương công bố Đề cương công tác Lào - Miên, nêu rõ việc giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia là vì lợi ích chung; nắm vững các nguyên tắc dân tộc tự quyết, nhiệm vụ cách mạng Lào, Campuchia phải do Lào, Campuchia quyết định; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Campuchia như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Campuchia để Lào, Campuchia tự làm lấy[6].
Trên bước đường phát triển của cuộc kháng chiến, Đảng Cộng sản Đông Dương và khối đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng trưởng thành. Trên cơ sở đó, theo đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, và sự nhất trí của đoàn đại biểu Đảng bộ Lào, Campuchia, Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương (2–1951) quyết định thành lập ở mỗi nước một đảng mácxít - lêninít. Liền sau đó, từ ngày 11 đến ngày 13–3–1951, diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận Liên minh Việt - Miên - Lào. Hội nghị cử một Ủy ban liên minh Việt - Miên - Lào[7] để thực hiện việc liên lạc, phối hợp giữa ba dân tộc trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù chung[8].
Tháng 9–1952, tới dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị cán bộ Mặt trận Liên minh Việt - Miên - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Kháng chiến của Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công, thì Miên, Lào mới thắng lợi và Miên, Lào kháng chiến có thắng lợi thì Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Việt - Miên - Lào như anh em ruột thịt trong một nhà"[9].
Hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ giữa quân, dân ba nước trên các chiến trường thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hòa cùng nhịp bước trưởng thành nhanh chóng của liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia mà thắng lợi của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 với đỉnh cao Điện Biên Phủ là minh chứng rạng ngời. Thắng lợi đó được ghi nhận tại Hiệp định Geneva. Các bên tham dự Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Xuân Nguyễn
[1] Trần Đình Lưu: Việt kiều Lào - Thái với quê hương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004 tr.143.
[2] Xem thêm bài của Nguyễn Văn Khoan, tạp chí Lịch sử quân sự số 9-2000.
[3] TS Nguyễn Văn Khoan chủ biên: Người Việt ở Thái Lan 1910-1960, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
[4] Văn hóa và Lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái Lan – Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003.
[5] Trần Đình Lưu: Việt kiều Lào – Thái với quê hương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. tr140.
[6] Hồ sơ 1651. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.
[7] Ủy ban này gồm các vị: Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam), Xuphanuvong, Nuhắc Phumxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia)
[8] Tổng cục chính trị, Đảng lãnh đạo quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr. 92-93.
[9] Tài liệu Lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.