Quan hệ Việt Nam- Campuchia được xây dựng và thử thách qua nhiều biến cố lịch sử, trên cơ sở chung chiến hào chống lại các thế lực xâm lược ngoại bang và hiện nay đang hướng tới mối quan hệ hữu nghị đặc biệt nhằm mục tiêu hòa bình và phát triển của hai nước và khu vực Đông Nam Á
Chung chiến hào chống thực dân Pháp
Việt nam và Campuchia đều bị người Pháp xâm lược và đô hộ chiếm làm thuộc địa. Khi ấy, ở cả 2 nước đã diễn ra các cuộc khởi nghĩa của người dân chống lại sự thống trị của ngoại bang. Ở Việt Nam, các cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng được tiến hành dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, văn thân. Cùng lúc ấy, tại đất nước Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Pu Kôm, người dân Campuchia cũng đã đứng dậy chống lại quân xâm lược. Những buổi đầu chống quân xâm lược từ phương Tây đã tạo nên những liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Campuchia.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đến tháng 10-1930, ở Việt Nam, Lào, Campuchia có chung một tổ chức Đảng lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập ở hai nước, đó là Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ ngày 11 đến 13/3/1951, tại chiến khu Việt Bắc, đại diện ba mặt trận: Liên Việt (Việt Nam), Ítxala (Lào) và Ítxarắc (Campuchia) đã họp Hội nghị thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào với tuyên bố:
“1. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt Nam - Cao Miên - Lào là một bộ phận khăng khít của khối hòa bình, dân chủ thế giới.
2. Đánh đuổi thực dân Pháp, can thiệp Mỹ làm cho ba nước Việt - Miên - lào hoàn toàn độc lập là nhiệm vụ cơ bản của cách mạng mỗi nước.
3. Phải tăng cường tình đoàn kết, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau để chống kẻ thù chung của mỗi dân tộc mới chóng thành công.
4. Hội nghị cử ra một Ủy ban liên minh Việt - Miên - Lào để thực hiện việc liên lạc phối hợp giữa ba dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập ở mỗi nước[1]”.
Hội nghị Geneva năm 1954 đã thông qua tuyên bố chung thừa nhận: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia; đình chỉ chiến sự đồng thời tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương, các nước Đông Dương không có căn cứ của nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài; tổng tuyển cử tại mỗi nước; không trả thù người hợp tác với đối phương; trao trả tù binh và người bị giam giữ; thành lập ủy ban liên hợp kiểm soát và giám sát quốc tế thi hành Hiệp định.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Thái tử N. Sihanouk tại Hà Nội, ngày 25/5/1970
(Ảnh Tư liệu)
Chung chiến hào chống đế quốc Mỹ
Từ năm 1955, Campuchia tuyên bố các nguyên tắc chung sống hòa bình và khẳng định Campuchia là một nước trung lập, không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không tiến hành chiến tranh xâm lược; trong trường hợp bị xâm lược thì Campuchia có quyền tự vệ và kêu gọi Liên Hợp quốc hoặc nước bạn đến giúp đỡ. Tuy nhiên, phía Mỹ và quân đội Sài Gòn vẫn can thiệp vào nội bộ Campuchia nhằm phá vỡ nền trung lập mà Campuchia theo đuổi. Tháng 4/1970, những lực lượng chống đối ở Campuchia được Mỹ hậu thuẫn đã tiến hành đảo chính lật đổ nền trung lập của Campuchia và sau đó, Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn đưa hàng vạn quân mở các cuộc hành quân ở Campuchia. Để đối phó với âm mưu và thủ đoạn gây chiến, tháng 3/1965, Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương họp tại thủ đô PhNom Penh để biểu thị tình đoàn kết chống Mỹ, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù.
Kể từ Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương, hai nước Việt Nam - Campuchia đã đứng cùng nhau chung một chiến hào chống xâm lược giải phóng đất nước.
Dấu mốc đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia là ngày 24/6/1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.
Cùng ngày, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới Quốc vương Sihanouk. Bức điện có đoạn: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Khmer là những người bạn chiến đấu, những người anh em trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ những quyền dân tộc tự quyết thiêng liêng của mình. Chúng ta luôn ủng hộ, cổ vũ lẫn nhau. Chúng ta tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau (…). Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố công nhận và tôn trọng biên giới hiện tại của Vương quốc Campuchia. Tôi tin chắc rằng tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình ngày càng có điều kiện tăng cường hơn nữa, vì lợi ích tối cao của nhân dân hai nước chúng ta…[2]”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam, chính phỉ hoàng gia Campuchia và cá nhân Quốc vương Sihanouk đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa. Rất nhiều đoạn của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã được đi qua đất Campuchia. Trên sông, trên biển, nhiều hành lang cũng đã được thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí của phía Việt Nam. Chính trên con đường Trường Sơn huyền thoại, sau khi bị đảo chính, Quốc vương Sihanouk và Hoàng hậu Monic đã đi qua để sang vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ra miền Bắc Việt Nam và sau đó trở về an toàn tuyệt đối. Sau chuyến trở về an toàn tuyệt đối trên đường Trường Sơn, Quốc vương Sihanouk đã sáng tác bài hát có tựa đề “Cảm ơn con đường Hồ Chí Minh (Merci, Piste Ho Chi Minh)” với lời kết cũng là lời cam kết: “Thề nguyền son sắt đánh tan quân ngoại xâm, giành ngày chiến thắng huy hoàn chúng ta chung ngàn bài ca. Mãi sống trong tự do chan chứa bao niềm vui[3]” (bản dịch tiếng Việt).
Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc tết cổ truyền của Campuchia với khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn theo đuổi chính sách trước sau như một của mình với Vương quốc Campuchia là tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại và xây dựng sự hợp tác bền vững và lâu dài giữa hai nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Vương quốc Campuchia[4]”. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc vương Sihanouk và Hoàng hậu Monic đã tới Hà Nội dự Lễ truy điệu. Tại đây, Quốc vương Sihanouk phát biểu: "Được nhân dân kính mến, được bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này... Trongthế giới tàn bạo này, Người đã đem lại cho chúng ta cũng như cho biết bao dân tộc khác những lý do để hy vọng[5]".
Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh
Ngày 24/4/1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương được tổ chức. Hội nghị nhấn mạnh tinh thần tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau với cam kết: “Quyết tâm bảo vệ và phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa ba nước, trước mắt ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung và sau này hợp tác lâu dài trong việc xây dựng đất nước theo con đường riêng của mỗi nước[6]”.
Giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Khmer Đỏ
Dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, ngày 20/6/1977, một trung tá của quân đội Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam để mong thoát nạn và được cứu giúp, đó là ngài Thủ tướng đương nhiệm Vương Quốc Campuchia, Samdech Hun Sen. Nhớ lại sự kiện này, trong một phát biểu, ngài Samdech Hun Sen cho biết: “Khi đó phía Việt Nam chỉ muốn biết về thông tin tình hình chính trị, quân sự, kinh tế-xã hội Campuchia từ cơ sở đến Trung ương, và vấn đề này phù hợp với nguyện vọng của tôi. Tôi muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam biết được những hiểm họa đã và đang diễn ra tại Campuchia, đe dọa tính mạng của từng người dân Campuchia lương thiện và uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Vì vậy, tôi rất hứng thú trong việc trả lời các câu hỏi theo cách thảo luận giữa tôi và các cấp lãnh đạo Việt Nam, vì tôi chỉ muốn cho cấp lãnh đạo Việt Nam hiểu về tình hình Campuchia, và tôi cho rằng, chỉ có Việt Nam mới có thể giúp được nhân dân Campuchia[7]”. Dưới sự giúp đỡ của Nhân dân Việt Nam, của quân tình nguyện Việt Nam, đất nước Campuchia đã được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo, chế độ mà như ngài Hun Sen đã khẳng định: “Người dân Campuchia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố, khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, một chế độ không trường học, không chợ búa, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, hành vi tra tấn và sát hại người dân ngày càng nghiêm trọng hơn…[8]”.
Để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước, suốt nhiều năm liền, Việt Nam đã chịu sự lên án và cả vu khống của một số quốc gia, tổ chức quốc tế và một số tổ chức của người Khmer. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) dưới sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Liên hiệp quốc đã tuyên án chung thân đối với 2 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan trong vụ án 002/02, bao gồm tội danh “diệt chủng” người Chăm theo đạo Hồi và người Việt. ECCC, với sự hỗ trợ của quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên tuyên án tội "diệt chủng" với các cựu thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ, bốn thập kỷ sau khi có tổng cộng ít nhất 1,7 triệu người (1/5 dân số Campuchia khi đó) chết do bị hành quyết, lao động khổ sai, bệnh tật và chết đói. Phát biểu sau phán quyết này, ông Neth Pheaktra, người phát ngôn tòa sơ thẩm của ECCC cho biết: “Phán quyết ngày 16-11 sẽ là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, cho Campuchia, cho thế giới và cho cả công lý quốc tế[9]”.
Như vậy là phải 40 năm sau khi chế độ Campuchia Dân chủ sụp đổ, Tòa án quốc tế xét xử những tên cầm đầu Khmer Đỏ mới được tiến hành, và bản cáo trạng mới được công bố. Tội ác diệt chủng, chống lại loài người của tập đoàn Khmer Đỏ đã bị phơi bày trên những căn cứ pháp lý, những kẻ đầu sỏ gây ra tội ác đã bị kết án. “Điều đó càng khẳng định rằng, cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam cùng nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, cùng công cuộc giúp đỡ hồi sinh đất nước Campuchia “từ con số không”, là sự nghiệp chính nghĩa và nhân đạo. Cuối cùng, chân lý đã sáng tỏ, lương tri nhân loại đã giành được thắng lợi. Bài học về sự cảnh giác đối với tội ác diệt chủng vẫn mang ý nghĩa thực tiễn trong phạm vi khu vực và trên bình diện thế giới[10]”.
Hướng tới một biên giới hòa bình và phát triển
Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.137 km với Campuchia. Trong vấn đề biên giới, lãnh thổ nên đã có một số cá nhân, tổ chức người Khmer lợi dụng để kích động tinh thần dân tộc cực đoan nhằm gây chia rẽ tình cảm và mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc và hai đất nước. Nhiều vụ việc đã được đẩy lên cao một cách quá mức khi những người có ý đồ xấu luôn tuyên truyền rằng Việt Nam là những điều bất hạnh và cực khổ ở Campuchia. Việc Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng đã bị một số nhóm cực đoan người Khmer vu cáo cho rằng đó là “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Thậm chí, một thông tin gần đây còn cho biết, nhiều người trẻ Campuchia tin rằng câu chuyện về diệt chủng ở Campuchia là do Việt Nam dựng lên (!?).
Cố Quốc vương Sihanok từng nói: “Nếu họ (Việt Nam) không đánh đuổi bọn Pôn Pốt thì tất cả mọi người (Campuchia) có thể đã bị chết. Chúng (Khơme Đỏ) đã có thể giết chết tất cả chúng ta... chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân Campuchia đã không mắc sai lầm (khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khơme Đỏ), bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pôn Pốt thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt[11]”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì khẳng định: "Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Vấn đề này không quên được. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận[12]". Nghiên cứu, trao đổi về Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX” ở Hà Nội, ngày 20/9/2000, tiến sĩ Chay y Hiêng - Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đã khẳng định: “Điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ XX? Đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, là hình ảnh về một đội quân nhà Phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia[13]”.
Như vậy là phải tới năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn cắt cho Pháp đã được trao trả và nó được thể hiện bằng một văn bản pháp lý. Các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế sau này về Việt Nam như Hiệp định Geneva (1954), Hiệp định Paris (1973) đều công nhận Nam Bộ là phần lãnh thổ của nước Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cầm trên tay văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới (Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuoitre online)
Vậy nên, những ân tình trong quá khứ tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia là tài sản tinh thần vô giá mà hai dân tộc cố gắng trân trọng giữ gìn để tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình và cùng phát triển của hai nước. Vấn đề biên giới lãnh thổ, những tồn tại giữa hai nước từ những vấn đề lịch sử để lại rồi sẽ nhanh chóng được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong quá khứ, dù lịch sử giữa hai dân tộc có lúc thăng, lúc trầm, song cũng có những chương hợp tác đầy hữu nghị. Dù muốn hay không thì Việt Nam và Campuchia sẽ mãi mãi vẫn là láng giềng của nhau bởi không ai có thể mang được đất nước của mình đi nơi khác. Vả chăng, cái thời mà mạnh hiếp yếu đã lùi xa vào dĩ vãng cùng với sự văn minh, tiến bộ của nhân loại. Vậy thì, chỉ có một con đường duy nhất mà cả hai dân tộc Việt Nam - Campuchia sẽ sánh bước cùng nhau vào kỷ nguyên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đó chính là bồi đắp, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc, xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định để hai dân tộc cùng phát triển, đấu tranh chống lại các luận điệu quá khích, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm khoét sâu, chia rẽ, gây hằn thù giữa hai dân tộc.
Ước vọng chung sống bên nhau trong hòa bình cũng chính là ước vọng chung của hai dân tộc. Đúng như lời bài hát của Cố Quốc vương kính mến Sihanouk “Thề nguyền son sắt đánh tan quân ngoại xâm, giành ngày chiến thắng huy hoàng chúng ta chung ngàn bài ca. Mãi sống trong tự do chan chứa bao niềm vui”
Vũ Trung – Trung Kiên
[1] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 30-31
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 354-355
[3] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 56-57
[4] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 57-58
[6] Hà Minh Hồng (chủ biên), Việt Nam - Campuchia 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác (1967-2017), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 66-67
[7] http://baochinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20120102/Phatbieu_CPC.htm
[8] http://baochinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20120102/Phatbieu_CPC.htm
[9] https://tuoitre.vn/phien-toa-lich-su-tuyen-khmer-do-toi-diet-chung-20181117084405817.htm
[10] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chien-thang-cua-chan-ly-va-luong-tri-loai-nguoi-346182/
[11]https://baotintuc.vn/chinh-tri/hoi-thao-khoa-hoc-40-nam-chien-thang-che-do-diet-chung-20181228223106376.htm
[12] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ong-hun-sen-tiet-lo-bi-danh-viet-nam-155538.html
[13] http://tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/nghia-tinh-viet-nam-voi-cach-mang-campuchia-117922