Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam thường được biết đến qua câu thơ “Việt -Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”, không phải ngẫu nhiên mà có cơ sở lịch sử và hiện tại, được vun đắp từ hơn 80 năm qua
Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào là mối qua hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Là hai nước láng giềng anh em gần gũi, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào vốn có mối quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã luôn dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ngày nay.
Trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều cuộc nổi dậy của người Việt Nam cũng lan sang và phát triển tại Lào, nhưng sau đó đều bị dập tắt.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhiều đảng viên hoạt động bí mật tại Lào và Campuchia.
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công gìn giữ, vun đắp và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong (Ảnh tư liệu)
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đang ở Vinh ra Hà Nội, chính thức đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Lào.
Năm 1946, thực dân Pháp tái xâm lược Đôgn Dương, Pháp coi Lào là quốc gia thuộc khối Liên hiệp Pháp.
Cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương ngày càng lan rộng, tháng 8/1950,, Hoàng thân tổ chức lực lượng vũ trang Pathet Lào, thành lập Chính phủ kháng chiến Lào
Tháng 2/1951, đồng chí Kaysone Phomvihane tham dự Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương với tư cách Trưởng đoàn đại biểu Lào.
Trong những năm 1951-1952, tại Lào, lực lượng Pathet Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh chiếm nhiều vùng do Pháp và chính quyền Vương quốc Lào nắm giữ. Đến cuối năm 1953, Pathet Lào kiểm soát được Thượng Lào, một số tỉnh tại Trung và Hạ Lào
Sau Hiệp đinh Genava, lực lượng cách mạng Lào tập kết tại hai tỉnh Phong Xa Lỳ và Sầm Nưa cho tới khi có bầu cử thống nhất Lào. Năm Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập. Chính phủ Liên hiệp các đảng phái được thành lập và bầu cử diễn ra năm 1958 với sự thắng thế của Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Souphanouvong lãnh đạo.
Cùng với việc can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ tăng cường can thiệp vào Lào.Hoa Kỳ gây áp lực buộc Chính phủ Phoui Sananikone loại bỏ phe hoàng thân Souphanouvong khỏi Chính phủ liên hiệp và bắt giam ông năm 1959. Ngày 24/5/1960, Hoàng thân Souphanouvong được giải thoát.
Đến năm 1959, Việt Nam bắt đầu xây dựng tuyến đường bộ để vận chuyển nhân lực và vật lực từ miền Bắc vào chi viện cách mạng miền Nam, hình thành tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong giai đoạn 1959-1960, tại Lào liên tiếp xảy ra các cuộc đảo chính quân sự. Chính phủ liên hiệp lần 2 ra đời, nhưng chỉ giữ được ổn định tới năm 1968.
Sau chiến thắng 30/4 lịch sử, cách mạng Lào phát triển mạnh mẽ và đã giải phóng được Thủ đô Viêng Chăn, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dana Lào.
Năm 1976, Việt Nam và Lào đã ký kết hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Tiếp sau đó là ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào năm 1977 và Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia.
Năm 1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân tiến đánh biên gới phía Bắc. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Mặc dù phải đối phó với cuộc chiến tranh của Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng lực lượng vũ trang Lào, có đủ khả năng bảo vệ đất nước, chủ quyền lãnh thổ.
Việt Nam và Lào chính thức thành lập Ủy ban hợp tác Việt Nam- Lào từ năm 1980, thống nhất sẽ thường xuyên gặp nhau để phát triển các kế hoạch. Cấp độ hợp tác của Việt Nam và Lào mở rộng từ cấp Trung ương đến các địa phương có biên giới với nhau.
Ngày 24/1/1986, hai nước ký kết một nghị định thư về phân định biên giới và cắm mốc.
Trong xung đột biên giới giữa Lào và Thái Lan từ tháng 12/1987 đến tháng 2/1988, Việt Nam trợ giúp Lào tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.
Tháng 7/1992, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thực hiện hiệp ước năm 1977, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được củng cố thêm một bước. Sau khi Liên Xô tan rã, Lào và Việt Nam đã cùng tích cực hợp tác với các quốc gia khác, nhưng quan hệ Lào – Việt Nam vẫn là mối quan hệ đặc biệt.
Mối quan hệ về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh luôn được hai nước coi trọng và tăng cường hợp tác, là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển và ổn định của mỗi nước. Các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế được đẩy mạnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, vì sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.
Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ trao tượng trưng quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hỗ trợ
Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào ứng phó đợt dịch Covid-19 mới ở Lào, ngày 25/10/2021
Việt Nam hiện đang là quốc gia đầu tư lớn thứ ba vào Lào, sau Trung Quốc và Thái Lan. Tổng số dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào tính đến nay là 415 dự án, tổng giá trị vốn đăng ký là 4,4 tỷ USD, với hai dự án nổi bật là Dự án thủy điện Xekhaman 1 và Xekhaman Sanxay. Ngoài ra, Dự án hợp tác phát triển cảng biển Vũng Áng 1, 2, 3, thỏa thuận mua bán điện cũng đem lại lợi ích cho cả hai nước.
Hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng sinh viên Lào theo học tại Việt Nam không ngừng tăng, hiện có 16.067 sinh viên Lào theo học tại các trường và cơ sở đào tạo giáo dục tại Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam quyết định cấp 1.220 suất học bổng cho sinh viên Lào, trong khi đó, số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại Lào là 184 người.
Gần đây nhất, trong năm 2021, Việt Nam viện trợ và giúp Lào xây dựng trụ sở mới Quốc hội Lào cũng như viện trợ giúp Lào một số trang thiết bị, vật tư y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
Quan hệ Việt Nam – Lào bắt nguồn từ lòng yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế; tình đoàn kết và niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau. Quan hệ Việt Nam – Lào được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào. Trải qua rất nhiều gian nan, thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ.
Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào được nuôi dưỡng, phát triển theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Dựa trên luận điểm về quyền dân tộc tự quyết, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Lào đã cùng nhất trí tiến hành liên minh, hợp tác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ của bạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Cán bộ Việt Nam sang công tác ở Lào phải hoàn toàn ở dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Trung ương Lào, nhất là của Thủ tướng Xuphanuvông. Tuyệt đối không được tự cao, tự đại, không được bao biện...”[1].
Hai dân tộc Việt Nam-Lào luôn kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung, đoàn kết yêu thương nhau trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, trở nên gần gũi, thân thiết không gì có thể so sánh được. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển vững chắc, sâu sắc và đạt được những thành quả về nhiều mặt. Việc trao đổi các chuyến thăm của nguyên thủ, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương và trong các lĩnh vực, được tiến hành thường xuyên. Trong hơn tám thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Tiến Duy