Sau khi ra đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực tìm kiếm các cơ hội để kiến lập quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước xã hội chủ nghĩa
Chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước xã hội chủ nghĩa
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 3/10/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, nêu rõ:
- Với các nước lớn, các nước Đồng Minh chống phát xít, “Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực cộng tác trên lập trường bình đẳng tương ái để xây lắp lại nền hòa bình thế giới”.
- Với Pháp: Đối với các kiều dân Pháp, nếu họ yên tĩnh làm ăn và tôn trọng sự độc lập của Việt Nam thì sinh mệnh và tài sản của họ được bảo vệ theo luật quốc tế”; riêng với Chính phủ Pháp De Gaulle chủ trương thống trị Việt Nam thì “kiên quyết chống lại”.
- Với các nước láng giềng: Với Trung Quốc, chủ trương thành thật hợp tác trên tinh thần bình đẳng nhằm “Thắt chặt tình thân ái khiến hai dân tộc Việt - Hoa tương trợ mà cùng tiến hóa”. Với Cao Miên và Ai Lao, quan hệ lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng và càng phải chặt chẽ hơn; ba nước Đông Dương “còn nhiều mối liên hệ về kinh tế nên sẽ giúp đỡ lẫn nhau và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa”.
- Với các nước tiểu dân tộc trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập”[1].
Ngày 14/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với tất cả chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[2].
Tháng 7/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi; miền Bắc được hòa bình, độc lập. Đảng Lao động Việt Nam quyết định lãnh đạo miền Bắc Việt Nam quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đề ra chủ trương đối với cách mạng miền Bắc là: củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần từng bước vững chắc đến chủ nghĩa xã hội. Chủ trương của Đảng về phương hướng phát triển cách mạng miền Bắc đã chính thức đưa Việt Nam đứng vào hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Việc Việt Nam trở thành thành viên của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã có tác động lớn đến sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Trung Quốc năm 1955 (Ảnh tư liệu)
Miền Bắc Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một xuất phát điểm rất thấp, đó là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa; về cơ sở vật chất, kỹ thuật chuẩn bị cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa đã có một quá trình tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu, việc phát huy mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa là một sự cần thiết và tất yếu, nhằm học hỏi, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất.
Thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa
Thực hiện chính sách ngoại giao của Chính phủ và sự nỗ lực vận động, hoạt động ngoại giao, từ đầu năm 1950, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng về ngoại giao.
Mở đầu vào ngày 18/1/1950, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 30/1/1950, Chính phủ Liên Xô kiến lập bang giao với Việt Nam.
Sau Trung Quốc và Liên Xô, ngày 31/01/1950, Triều Tiên và trong đầu tháng 2/1950, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt tuyên bố công nhận Việt Nam về mặt ngoại giao.
Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 9/2/1950, khẳng định: “Việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân sốt sắng thừa nhận và đặt bang giao với Việt Nam…., chứng tỏ phe dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo quyết tâm giúp đỡ Việt Nam, đặt Việt Nam một cách công khai và chính thức trong hàng ngũ các nước dân chủ thế giới”[3].
Như vậy, từ đầu thập niên 50 thế kỷ XX, cùng với nền độc lập, chủ quyền được công nhận, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 1954 - 1960, Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cử nhiều đoàn đại biểu thăm chính thức các nước xã hội chủ nghĩa. Mục đích của các chuyến thăm nhằm tăng cường vận động quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cách mạng Việt Nam nói chung; đồng thời, để học hỏi, trao đổi quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội với các nước xã hội chủ nghĩa.
Trong quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đặc biệt chú ý xây dựng quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trang phục truyền thồng Mông Cổ, năm 1955 (Ảnh tư liệu)
Từ ngày 22/6 đến ngày 22/7/1955, Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã thăm chính thức ba nước Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô. Thành công trong chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ba nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô có ý nghĩa củng cố tình đoàn kết hữu nghị và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước bạn.
Đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định đó là “một bước phát triển quan trọng của tình hữu nghị Việt - Xô - Trung. Nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến việc củng cố không ngừng tình hữu nghị vĩ đại ấy về sau này, ảnh hưởng sâu rộng đến việc củng cố miền Bắc của ta…”[4].
Tiếp đó, tháng 2/1956, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh dẫn đầu sang dự Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 10/1956, Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm Liên Xô. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tháng 7-1957, ở Liên Xô, Hội Hữu nghị Xô - Việt được thành lập. Năm 1959, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tham dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 11/1954, sau khi Liên Xô đặt Đại sứ quán tại Việt Nam, Chính phủ Liên Xô đã thực hiện khá thường xuyên các chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam, ký kết các hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực với Chính phủ Việt Nam. Tháng 5/1956, Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô đầu tiên tới thăm Việt Nam do Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.L.Micaian dẫn đầu. Tháng 5/1957, Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô K.E.Vôrosilốp dẫn đầu; tháng 10/1957, Đoàn Đại biểu Xô viết tối cao do Arixtốp dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam. Quan điểm của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam là ủng hộ đấu tranh phương pháp hòa bình thông qua xây dựng miền Bắc thành kiểu mẫu chủ nghĩa xã hội, để từ đó tác động vào quá trình diễn biến cách mạng miền Nam.
Các chuyến thăm cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Trung Quốc cũng được thực hiện khá thường xuyên: Năm 1955, Đoàn đại biểu quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu; tháng 4/1957, Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu; tháng 9/1959, Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu; tháng 5/1960, Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Về phía Trung Quốc, tháng 11/1956, Đoàn đại biểu do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu đã sang thăm Việt Nam; năm 1960, Đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Lý Phú Xuân đến Việt Nam. Thông qua các chuyến thăm chính thức của các đoàn đại biểu cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường. Đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ rõ quan điểm ủng hộ nhiệm vụ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam.
Ngoài các chuyến thăm cấp cao đến Liên Xô và Trung Quốc, từ ngày 6-7 đến ngày 30/8/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm các nước Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Anbani, Rumani, Cộng hòa Liên Bang Nam Tư.
Kết quả của các chuyến thăm đã tăng cường quan hệ thân thiết giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Như vậy là đến năm 1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao chặt chẽ với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Việc trở thành thành viên của hệ thống xã hội chủ nghĩa là điều kiện để Việt Nam tham gia các hoạt động chung, đóng góp cho sự phát triển của hệ thống, mặt khác, đó cũng là cơ sở để Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhẫn Trần
[1] "Thông cáo về Chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH", Báo Cứu quốc, ra ngày 3/10/1945, tr.1
[2] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Liên Xô: Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao, Việt Nam, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1983, tr.8, 9.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.11, tr 222.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.16, tr.475-476.