V.I.Lênin tên thật là Vladimir Ilits Ulianov, sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), trong một gia đình trí thức tiến bộ. Ông mất ngày 21/01/1924, tại làng Gorki, Moskva, thi hài ông được đặt tại lăng ở Quảng trường Đỏ. Ông được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
Cuộc đời V.I.Lênin gắn liền với những hoạt động lý luận và thực tiễn phong phú cùng những quyết sách quan trọng, tạo bước ngoặt cho sự phát triển của cách mạng Nga và cách mạng thế giới.
Vận dụng, bổ sung, phát triển và đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, V.I.Lênin đã đọc các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen. V.I.Lênin đã chủ động vận dụng chủ nghĩa Mác trong việc giải quyết những vấn đề của cách mạng Nga như xây dựng nhà nước, chuyên chính vô sản, xây dựng Đảng...
Ảnh ghép chân dung của 3 nhà tư tưởng: C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin
Ngoài ra, V.I.Lênin còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc với các tác phẩm tiêu biểu như: “Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” (1916), “Nhà nước và cách mạng” (1917), “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (1920)… Đặc biệt hơn cả, V.I.Lênin còn tích cực đấu tranh chống lại những khuynh hướng phi mácxít như chủ nghĩa makhơ, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cơ hội… để bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng những tác phẩm bút chiến nổi tiếng như: “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” (1894), “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” (1916), “Bút ký triết học” (1915-1916)…
Thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga
Ngay từ năm 18 tuổi, V.I.Lênin bắt đầu nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, G.V.Plêkhanốp và tham gia tuyên truyền tư tưởng mácxít. Năm 1891, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Petersburg ngành Luật,V.I.Lênin trở thành người lãnh đạo nhóm mácxít ở Saint Petersburg.
Năm 1894, V.I.Lênin tham gia Đảng Xã hội Dân chủ Nga. Từ đây, Người là một trong những người tổ chức và lãnh đạo cách mạng Nga. V.I.Lênin là người đầu tiên đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga.
Lênin từ Zurich về tới Nga vào tháng 4/1917. Ảnh: Internet
Lãnh đạo thành công cách mạng tháng Mười Nga
Đầu năm 1917, Đảng Bônsêvích Nga đứng đầu là V.I.Lênin đã kêu gọi nhân dân chống lại cuộc chiến tranh đế quốc, đánh đổ Nga hoàng. Đến tháng 3/1917, cách mạng tháng Hai nổ ra, Nga hoàng thoái vị. Trên cơ sở đó, V.I.Lênin đã lãnh đạo thành công cách mạng tháng Mười Nga, xây dựng nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực.
Theo V.I.Lênin, đó là cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ áp bức, bóc lột, bất công - chế độ tư bản chủ nghĩa, và đã “giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động”.
Lênin trong những ngày Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử. Ảnh: Tư liệu
Sau Cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin đề nghị các bên tham chiến xây dựng một nền hoà bình, không bị chia cắt lãnh thổ, không bồi thường chiến phí.Đề nghị này không được các nước chấp nhận,vì vậy ngày 3/3/1918, V.I.Lênin đã kí với Đức hoà ước Brest-litovsk tuyên bố nước Nga Xô Viết ra khỏi chiến tranhđể tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thành lập Quốc tế Cộng sản
Cuối năm 1918, trong bối cảnh Quốc tế thứ hai bị chia rẽ, giai cấp công nhân không còn một tổ chức thống nhất để chỉ đạo phong trào và sau cách mạng tháng Mười Nga, nhiều đảng cộng sản như Đảng Cộng sản Áchentina, Phần Lan, Áo, Hungari, Ba Lan, Đức được thành lập, yêu cầu thành lập một tổ chức quốc tế mới được đặt ra và V.I.Lênin đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo việc thành lập Quốc tế thứ ba.
Lênin nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 của Quốc tế Cộng sản năm 1921. Ảnh: Tư liệu
Đại hội thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) tổ chức ở Mátxcơva từ ngày 2 đến ngày 6/3/1919 dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin. Đại hội đã thông qua Đề cương “Về dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản” và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng, tạo bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân trên phạm vi toàn thế giới.
Xây dựng những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa
Tại Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19/7 đến ngày 07/8/1920, V.I.Lênin đã thông qua Bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Từ đây, khẩu hiệu của C.Mác “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” đã được V.I.Lênin phát triển thành “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.
Quan điểm này của V.I.Lênin có tính chất mở đường cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc lúc bấy giờ, trong đó có Việt Nam. Khi được tiếp cận Bản Luận cương của V.I.Lênin vào tháng 7-1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó là đảng viên của Đảng Xã hội Pháp đã ngay lập tức bị cuốn hút và dành sự chú ý đặc biệt. Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người tìm thấy ở đó con đường đi đúng đắn để giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo V.I.Lênin, tin theo Quốc tế Cộng sản.
Kiến tạo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xôviết thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP)
Đầu năm 1921, sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, chính sách cộng sản thời chiến cùng với nạn đói kéo dài ở Nga và sự bao vây từ các quốc gia phương Tây khiến nền kinh tế nước Nga bị kiệt quệ nghiêm trọng. Đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân và thậm chí cả thủy thủ phản đối chính sách cộng sản thời chiến. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga nói riêng và Liên bang Xô viết nói chung, V.I.Lênin đã xây dựng Chính sách kinh tế mới (NEP) thay cho chính sách kinh tế cộng sản thời chiến trước kia. Cuối năm 1921, chính sách NEP của V.I.Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga.
Nhờ “Chính sách kinh tế mới”, nước Nga Xôviết đã nhanh chóng khôi phục kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, từ đó chứng tỏ sức sống và những ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Có thể thấy rằng, tên tuổi của V.I.Lênin gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại không chỉ đối với cách mạng Nga hay Liên Xô, mà còn đóng góp vào những bước ngoặt trong lịch sử loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “V.I.Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V.I.Lênin chính là bằng chứng sáng ngời khẳng định đóng góp to lớn của Người trong việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác và tạo nên những bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.
TH