Ngày 18/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 402/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022
Huyện Vĩnh Bảo nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km, có diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên, 90% dân số sống ở nông thôn, bởi vậy xây dựng nông thôn mới được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, năm 2010, Vĩnh Bảo triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sau 12 năm triển khai thực hiện, huyện Vĩnh Bảo đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nhất là việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Tổng kinh phí đã thực hiện: 20.423.174 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 6.715 triệu đồng (0,03%); Ngân sách Thành phố: 1.657.270 triệu đồng (8,11%); Ngân sách huyện: 135.052 triệu đồng (0,66%); Ngân sách xã: 85.123 triệu đồng (0,42%); Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án: 6.256.696 triệu đồng (30,64%); Vốn tín dụng: 5.500.000 triệu đồng (26,93%); Vốn doanh nghiệp: 5.533.000 triệu đồng (27,09%); Nhân dân đóng góp: 1.249.318 triệu đồng (6,12%).
Kinh tế của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân tăng đều qua các năm, trung bình giai đoạn 2011-2020 đạt 13,02%.
Quy mô tổng giá trị sản xuất năm 2020 gấp 1,84 lần năm 2015 và gấp 3,2 lần năm 2010. Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12,01% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước phát triển, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, giá trị tăng cao và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Một góc đô thị thị trấn Vĩnh Bảo (Ảnh Internet)
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, trong đó đã thực hiện 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tân Liên - Tam Đa với diện tích 210ha; tích tụ (thuê đất) của nông dân để tổ chức sản xuất tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được trên 265ha; duy trì và phát triển sản xuất được 220 vùng sản xuất trong nông nghiệp tập trung, diện tích 2.664ha; hằng năm năng suất lúa duy trì trên 13 tấn/ha/năm, các giống lúa chất lượng chiếm trên 60% diện tích và có từ 700-800ha lúa sản xuất hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; diện tích các cây rau màu, cây công nghiệp hàng năm từ 7.500-7.600ha, trong đó có từ 300-500ha sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; có 12 vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, tổng diện tích 83,8ha, có 107 trang trại chăn nuôi; quy hoạch được 48 vùng thủy sản tập trung với diện tích 426,29ha, có 23 trang trại thủy sản; thực hiện Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm (OCOP) cho 10 sản phẩm.
Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển với tốc độ cao, bình quân 17-19%/năm; toàn huyện có 95 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, 8 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy mô sản xuất được mở rộng, đã thu hút 70.526 lao động, chiếm 33,4% tổng số lao động trong độ tuổi; sản xuất công nghiệp tập trung giữ vai trò chủ đạo, chiếm trên 85% giá trị sản xuất công nghiệp, trong 10 năm (2011-2020) giải quyết việc làm mới cho 42.690 người lao động toàn huyện.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hoá, thông tin… được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hướng chuẩn, sáng - xanh - sạch - đẹp.
Nhân dân tự nguyện hiến trên 400 ha đất ở và đất nông nghiệp, đóng góp hàng vạn ngày công để xây dựng 942,313 km đường giao thông nông thôn: 316,743km đường giao thông nội đồng; 625,57 km đường trục thôn, xóm và làm các công trình thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa.
83/83 trường học các cấp đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hoạt động thông tin truyền thông thông suốt đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp. Hội trường các nhà văn hoá xã được xây dựng, nâng cấp đảm bảo từ 150 - 300 chỗ ngồi có với các trang thiết bị cần thiết.
Đến tháng 12/2022, 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và 92,89% hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tập trung. 54.488 hộ/57.408 hộ (đạt 94,3%) có nhà đạt chuẩn của Bộ xây dựng. Cuộc vận động ”5 không, 3 sạch” được các hộ dân trên địa bàn huyện thực hiện tốt.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, môi trường ở khu vực nông thôn được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. 29/29 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục.
Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày một nâng lên, Vĩnh Bảo luôn được đứng trong top đầu về tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến tháng 12/2022 của 29 xã là 86,2%, tăng 1,67% so với năm 2020 (84,53%), tăng 18,44% so với năm 2015 (67,76%), tăng 37,69% so với năm 2011 (48,51%).
Đến tháng 12/2022, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 93,5 %, trong đó 100% các xã, thị trấn có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%.
Một con đường nông thôn mới tại xã Hòa Bình (Ảnh Internet)
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” công tác triển khai xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2021 số làng, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu là 261/267 (đạt 97,7%); 25/29 xã có 100% số làng, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng từ 87,17% năm 2010 lên 92% năm 2021.
Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Vĩnh Bảo không ngừng được cải thiện và từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2010 đạt 14,1 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 52,2 triệu đồng, năm 2022 đạt 63,01 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân của 29 xã giảm dần qua các năm: 5,79% (năm 2011), 3,64% (năm 2015) và 2,26% (năm 2020). Đến tháng 12/2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của 29 xã là 1,08%, tương ứng với 670 hộ.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh được quan tâm chăm lo. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Từ tiềm lực, xuất phát điểm ban đầu thấp (đánh giá hiện trạng năm 2011 theo 19 tiêu chí nông thôn mới, toàn huyện chỉ đạt bình quân 3,7 tiêu chí), đến hết năm 2019, 29/29 xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2022, 3/29 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm Tân Liên, Tam Đa, Hoà Bình). Thị trấn Vĩnh Bảo đạt các tiêu chí đô thị văn minh theo quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để tạo động lực, khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới: Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 02 tập thể (xã Nhân Hoà năm 2015 và xã Tiền Phong năm 2019) và tặng Bằng khen cho 02 cá nhân. Uỷ ban nhân dân thành phố khen thưởng 14 tập thể và 205 cá nhân. Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo khen thưởng 205 cá nhân, 145 tập thể có nhiều cống hiến, giải pháp, sáng kiến trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố; sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực, hiệu quả của các Sở, ban, ngành thành phố; sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Bảo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là cơ sở, tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Bảo tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, cố gắng thức hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Dương Thị Bích