Ngày 15/8/2021, nhà văn Vũ Hạnh qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 96 tuổi. Ông là một trong những nhà văn, chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926 (năm Bính Dần) tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
Nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh: Internet
Tài năng ông thể hiện trên lĩnh vực sáng tác với hơn 40 truyện ngắn và tiểu thuyết; trên lĩnh vực nghiên cứu, phê bình với hơn 60 công trình. Nhiều tác phẩm giá trị, có sức sống lâu bền với thời gian như Vượt thác, Bút máu, Chất ngọc, Lửa rừng, Cô gái Xà Niêng, Đọc lại Truyện Kiều, Người Việt cao quý, Tìm hiểu văn nghệ… Bút danh Vũ Hạnh là tên của người bạn Võ Hạnh, vốn thân thiết từ thời niên thiếu và sau này cùng là đồng chí trong hoạt động cách mạng, cùng bị bắt giam ở quê hương Quảng Nam dưới chế độ Mỹ-ngụy. Ông còn dùng nhiều bút danh khác như Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ, Cô Phương Thảo, A.Pazzi…
Vũ Hạnh - nhà văn, chiến sĩ
Vũ Hạnh sinh trong một gia đình Nho học xứ Quảng, sớm thụ hưởng tinh thần yêu nước của quê hương qua những tấm gương Duy tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Ông tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 3/1945, khi mới 19 tuổi, từng giữ vai trò là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình trong Cách mạng Tháng Tám. Giai đoạn 1946 - 1954, ông vừa dạy ở trường trung học Thăng Bình vừa hoạt động nghệ thuật phục vụ cách mạng. Sau khi Hiệp định Genève ký kết, ông ở lại quê hương tiếp tục hoạt động, năm 1955 bị bắt giam. Được trả tự do năm 1956, ông vào Sài Gòn tích cực hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Năm 1960, ông trở thành thành viên Mặt trận Dân tộc và Giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động công khai, đơn tuyến ở đô thị miền Nam trước 1975.
Đế quốc Mỹ và tay sai âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, chủ trương phổ biến văn hóa nô dịch, thuộc địa, hưởng thụ theo xã hội thực dân kiểu mới. Chúng không chỉ đưa theo cố vấn, quân Mỹ mà còn đem theo rất nhiều đô la và các ấn phẩm sách báo, phim ảnh nhằm phổ biến lối sống dâm ô, đồi trụy, bất cần, hưởng lạc, sống gấp… Trước nguy cơ bị xâm lăng văn hóa, năm 1966, Lực lượng Bảo vệ Văn hoá Dân tộc chính thức ra mắt tại số 112 - Nguyễn Du - Sài Gòn, cơ quan ngôn luận là tạp chí Tin Văn do Vũ Hạnh làm Tổng biên tập. Phong trào Bảo vệ văn hoá dân tộc ở miền Nam ngày càng lớn mạnh, thu hút sự tham gia của nhiều cây bút lớn như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Xuân, Lữ Phương, Tường Linh… Phong trào chủ trương cổ vũ lòng tự hào dân tộc, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, Phong trào tích cực chống khuynh hướng văn hóa nô dịch, đồi truỵ, phản nhân văn…
Trong thời gian hoạt động dưới chế độ Mỹ - ngụy Sài Gòn, Vũ Hạnh từng 5 lần bị bắt giam, song trước sau như nhất, ông vẫn kiên định con đường, mục tiêu đã lựa chọn, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Dù dưới sự kiểm duyệt tư tưởng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, các tác phẩm của ông vẫn thể hiện tinh thần đấu tranh chống văn hóa nô dịch, gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, tập hợp lực lượng các nhà văn yêu nước. Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 1985.
Vũ Hạnh - người luôn kiên định quan điểm nhân văn, tiến bộ
Để khẳng định giá trị trong các tác phẩm của Vũ Hạnh, cần có những công trình lớn hơn, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin lẩy ra một vài khía cạnh nhằm khẳng định quan điểm nhân văn, tiến bộ.
Khi đề cập đến Vũ Hạnh, chúng ta không thể không nhắc đến Bút máu, tác phẩm như là tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm, thiên chức của nhà văn. Tác giả kể chuyện xưa để nói nay, để phê phán những nhà văn dùng ngòi bút vì danh lợi, vì lạc thú mà quên đi trách nhiệm. Như nhân vật Lương Sinh, một nho sĩ dùng ngòi bút để tiếp tay cho tội ác, “khêu gợi cho thiên hạ tiếc điều tài lợi mà xa đạo nghĩa..., xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo?”. Cuối cùng, Lương Sinh đã nhận ra “tội ác văn chương” chất cao như núi của mình, đã thấy những “oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành”. Đó cũng là mong muốn của nhà văn Vũ Hạnh, ông phê phán để nhằm cảnh tỉnh những nhà văn lầm đường, lạc lối trở về đúng thiên chức.
Ba tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh được xuất bản vào năm 2020, trong đó tiểu thuyết "Người nhà trời" là tác phẩm cuối cùng của ông.
Ở truyện ngắn Vượt thác, tác giả ngợi ca bản lĩnh can trường, tinh thần quả cảm; coi thường, khinh miệt lối sống “sợ khó, sợ khổ, chỉ muốn chui rúc cho xong cái kiếp tồi tàn”. Nhân vật ông Tư Mễ đã 62 tuổi nhưng vẫn bền bỉ với nghề buôn tre, luồng từ trên rừng về xuôi để bán, khi chèo lái bè vượt thác, vẫn “uy nghi như một viên tướng dũng mãnh bắt đầu lâm trận”. Nhưng thật bất hạnh cho ông, đứa con trai Cả Hộ lại biếng nhác, lười lao động, thiếu sức sống, nhút nhát. Ông muốn con trai nối nghiệp, nên đã đưa con trai theo để học cách chèo lái bè. Khi nhìn cảnh vượt thác với “ghềnh đá nhô lên, nhọn hoắt, lởm chởm như loài quái vật chĩa nanh giơ vuốt” thì Cả Hộ sợ quá, xin cha cho xuống khỏi bè, không theo nghề cha nữa. Người cha vì bực tức, vì thất vọng, mà mất hết sức lực khiến ông không thể lái bè khỏi dòng thác hung dữ, bè đâm vào đá, ông ngã xuống dòng thác trước mắt con. Cuối cùng, người con trai nhu nhược, hèn hạ ấy cũng lạc lối giữa rừng, bị hổ ăn mất xác.
Ở truyện ngắn Vàng tháp Hời, nhà văn gửi gắm những thông điệp cao cả, đẹp đẽ về vấn đề gìn giữ giá trị văn hóa, hồn cốt dân tộc, phê phán lối sống ham tiền, hám lợi mà chà đạp lên nhân phẩm con người. Câu chuyện diễn ra trên quê hương nhà văn, nơi ngôi tháp cổ Đồng Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được truyền tụng, thêu dệt về kho vàng của vua Chămpa cất giấu. Vậy nên nhiều người thèm khát vàng mà đào xới, mà đập phá cổ vật không thương tiếc. Cuối cùng, những kẻ hám vàng ấy đều chịu bi kịch, quả báo. Kẻ thì bị dìm chết dưới giếng, người thì bị ngã từ đỉnh tháp xuống chết. Nhân vật chính là ông Cửu Dật cũng suốt một đời khát vàng mà đập phá và giết người nhưng cuối cùng chỉ là tay trắng với bệnh tật và những “cơn mê sảng đầy bao ác mộng hãi hùng” của các “oan hồn trỗi dậy gọi mình” rồi chết trong đau đớn, thất vọng.
Thiết nghĩ, những bài học nhân sinh, quan điểm tiến bộ, những suy tư về thái độ sống, về giá trị con người đó của nhà văn Vũ Hạnh không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước chia cắt, bị xâm lăng văn hóa ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, mà ngày nay, vẫn còn nguyên tính thời sự./.
Anh Vũ