Ngoài các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù để bảo vệ cuộc sống, giữ vững khí tiết của người cách mạng, những người tù cộng sản còn luôn tìm cách vượt ngục trở về với Đảng, với dân, tiếp tục thực hiện mục tiêu cao cả của mình. Cuộc vượt ngục đêm Noel của một số tù nhân cộng sản đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản và yêu nước tại nhà tù Hỏa Lò
Cuối năm 1932, trước yêu cầu xây dựng, phục hồi cơ sơ Đảng và phong trào cách mạng, các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Tạo, Nguyễn Lương Bằng, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm. Nguyễn Tuấn Thức... đã bí mật bàn kế hoạch vượt ngục. Đây là số đồng chí có quyết tâm, dũng cảm và có điều kiện được giúp đỡ về vật chất.
Vấn đề là làm sao có thể vượt qua được khỏi nhà tù kiên cố, kín cổng, cao tường, canh phòng nghiêm ngặt. Đây là vấn đề nan giải nhất, nhưng với quyết tâm cao, đầy mưu trí, cộng với kinh nghiệm sống mà các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo đã từng trải, những phương án vượt ngục đã được đưa ra mà kẻ thù không thể nào tưởng tượng được.
Các đồng chí khẳng định, muốn vượt khỏi nhà tù Hỏa Lò chỉ có cách là làm sao được ra nằm ở nhà thường Phủ Doãn, rồi từ đó mới tìm cách ra khỏi nhà tù.
Muốn nằm ở nhà thương Phủ Doãn, phải giả bị ốm nặng, giả bị mắc những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi đã ra được nhà thương, có điều kiện thuận lợi hơn, cưa song sắt cửa sổ phòng ở rồi tìm cách thoát ra ngoài.
Vấn đề thứ hai là phải có thẻ thuế thân để ứng phó với địch khi bị khám xét và có tiền để ăn uống khi chưa bắt được liên lạc với cơ sở.
Nhà tù Hỏa Lò kiên cố nhất Đông Dương (Ảnh tư liệu)
Về việc ra nằm ở nhà thương Phủ Doãn đồng chí Nguyễn Lương Bằng có sáng kiến bày cho mỗi đồng chí được chọn vượt ngục phải tạo cho mình một căn bệnh « nguy hiểm ».
Còn tiền, lưỡi cưa sắt, thẻ thuế thân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bí mật vận động đồng chí Hào Lịch, một người cộng sản rất tiên trung ở Thái Bình, xuất thân từ một gia đình khá giả, sẽ làm giúp anh em. Đồng chí Hào Lịch rất sốt sắng nhận lời giúp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và cũng được chọn là một trong số các đồng chí vượt ngục.
Danh sách vượt ngục lần này không phải do chi bộ quyết định. Lúc này, ở nhà tù Hỏa Lò đã thành lập chi bộ, mọi hoạt động huấn luyện, tuyên truyền, đấu tranh, tổ chức sinh hoạt đều do Chi bộ lãnh đạo. Riêng về vấn đề vượt ngục, chi bộ không trực tiếp lãnh đạo, mà chỉ ủng hộ về chủ trương, còn chọn ai, kế hoạch như thế nào là do một số đồng chí có quyết tâm, dũng cảm và có điều kiện được giúp đỡ về mặt vật chất thực hiện.
Có 10 đồng chí dự kiến vượt ngục, trong đó có đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền (Xứ ủy viên), Nguyễn Tuấn Thức (Thức Voi), nhưng đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Tuấn Thức bị bất ngờ chuyển vào giam trong xà lim vì cai ngục nghi ngờ hai đồng chí đã tổ chức diễn kịch nhân dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười, đồng chí Nguyễn Chí Hiền đang nằm ở nhà thương Phủ Doãn, do bệnh tình đã cải thiện, bị chuyển trở lại Hoả Lò, nên 3 đồng chí này không tham gia được.
Thực hiện kế hoạch đã bàn, các đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Nguyễn Tạo mưu trí tạo ra những “căn bệnh hiểm nghèo” để được cai ngục cho phép ra nhà thương Phủ Doãn chữa bệnh. Tại đây, đồng chí Lê Đình Tuyển giả điên, la hét tạo điều kiện cho các đồng chí khác cưa song sắt cửa sổ.
Tại nhà tù Hỏa Lò, hai đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Võ Duy Cương giả ốm, rồi giả tự tử, buộc cai ngục phải đưa đến nhà thương Phủ Doãn. Kế hoạch vượt ngục tiến triển thuận lợi.
Nhà thương Phủ Doãn thời Pháp thuộc (Ảnh Trung tâm lưu trữ quốc gia I)
Đêm Nôen (24-12-1932) trong lúc mọi người tấp nập đi lễ, 7 đồng chí nhanh chóng chui qua cửa, vượt tường dây thép gai của bệnh viện nhảy ra ngoài, hoà cùng dòng người đi lễ, trốn thoát.
Các đồng chí còn để lại nhà thương lá thư đánh lạc hướng truy tìm của địch với nội dung « ở ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra, sẽ có xe đưa đón lên biên giới ». Số tiền đã chuẩn bị từ trước, các đồng chí chia nhau, mỗi người được hơn 7 đồng, để chi tiêu trong quá trình tìm đường về với cơ cở cách mạng.
Ra khỏi tù, các đồng chí Tạo, Đàm, Lịch, Mẫn, Tuyển thuê xe đi về phía Bạch Mai, rồi tìm đường về Hà Nam, các đồng chí Bằng, Cương ra bến đò Tứ Tổng, tìm đường về Vĩnh Yên.
Thoát khỏi nhà tù, các đồng chí còn phải vượt qua thời tiết giá rét và quãng đường xa tìm về cơ sở. Vượt hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, lội qua hết con mương này đến con mương khác của vùng đồng chiêm trũng Hà Nam, nước ngập đến đầu gối, có chỗ ngập đến ngang ngực. Đêm đi, ngày nghỉ, chui vào những bụi cây giữa đồng ẩn nấp để tránh lưới truy tìm của mật thám. Sau 3 ngày 2 đêm, các đồng chí mới về đến Phủ Lý, bắt liên lạc được với cơ sở, chia nhau đi về các địa phương, người về Nam Định, Thái Bình, người đi Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Nguyên để tiếp tục hoạt động[1].
Hai đồng chí đi về phía Vĩnh Yên, đồng chí Võ Duy Cương, do thiếu cảnh giác, bị mật thám bắt lại[2]. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cải trang thành nông dân, về sống ở ấp Dọn (Hải Dương), cùng nhân dân làm ruộng, xây dựng cơ sở cách mạng, sau đó bắt liên lạc với Đảng.
Tin 7 tù nhân cộng sản vượt ngục Hỏa Lò đã làm cho thực dân Pháp vô cùng tức tối. Chúng ra lệnh vây ráp, truy nã khắp nơi, thông báo dán ảnh, đăng tin trên báo chí, đồng thời chúng treo giải thưởng rất cao cho ai bắt được tù cộng sản vượt ngục. Bộ máy quan chức ở các địa phương được hứa sẽ thăng quan tiến chức khi bắt được tù trốn trại nguy hiểm. Mặc dù vậy, nhân dân ở những địa phương các đồng chí vượt ngục đến đều tìm cách che giấu, nuôi dưỡng tù nhân, mà không quản đến sự nguy hiểm của bản thân. Một vài tháng trôi qua, để cho việc lùng sục tù vượt ngục nơi lỏng dần, các đồng chí mới bắt đầu hoạt động.
Vượt ngục là hình thức đấu tranh tích cực nhất, cao nhất và cũng nguy hiểm nhất của người cách mạng khi bị cầm tù, nhưng khát vọng về với Đảng, về với nhân dân, tiếp tục hoạt động cách mạng luôn thường trực trong các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Đây là cuộc vượt ngục thành công đầu tiên ở nhà tù Hoả Lò, cho thấy tinh thần dũng cảm, quyết tâm và mưu trí cao độ của những người tù cộng sản trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.
Quỳnh Chi