Việc thực hiện, triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, rào cản, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác, trung thực. Phê bình và tự phê bình tốt sẽ giúp cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Tổng kết công tác này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đánh giá: “Việc kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Cơ bản đạt yêu cầu. Việc kiểm điểm tập thể và cá nhân ở các cấp được đánh giá: Cơ bản đạt yêu cầu, trong đó có một số tập thể và cá nhân phải kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp theo Nghị quyết Trung ương 4 đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm và góp phần làm trong sạch Đảng”[1]. “Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức Đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật”[2].
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng: “Năm 2012, Ban Chỉ đạo lập 7 đoàn kiểm tra ở 11 tỉnh, thành phố và 7 cơ quan Trung ương; bổ sung 43 vụ án, 25 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi. Năm 2013, lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn ở 8 tỉnh, thành phố. Năm 2014, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng ở 7 bộ, ngành Trung ương. Năm 2015, lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố”[3].
Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý một số vụ án kinh tế nghiêm trọng, “điển hình là việc khởi tố Nguyễn Đức Kiên và một số nguyên lãnh đạo Ngân hàng ACB (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Xuân Giá, Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải…) về các hoạt động phi pháp nhằm mục đích đầu cơ, thao túng thị trường tiền tệ; truy bắt Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Ngay trong quá trình kiểm điểm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bàn, cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong Đảng và nhân dân, như về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin và về vụ việc ở Vinalines”[4].
“Những hạn chế, khuyết điểm được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở từng cấp đã kịp thời được giải quyết; một số vụ việc nổi cộm, bức xúc được xử lý dứt điểm. Kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu trên được dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ; góp phần củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng và sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên”[5].
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
3. Xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ các nguyên tắc xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
Tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, bước đầu.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo theo hướng dẫn của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy. Các tập thể và cá nhân đã tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý; qua kiểm điểm đã tập trung làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân, nhất là vai trò của người đứng đầu; từ đó, đã đề ra những giải pháp khắc phục, sửa chữa. Các tỉnh, thành ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổ chức các đoàn công tác làm việc với các sở, ngành, địa phương; hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý; hướng dẫn công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng kết các nghị quyết về thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội về công tác cải cách hành chính và về tình hình nắm bắt thông tin của người dân trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai chương trình kiểm tra, giám sát năm 2017 theo đúng kế hoạch. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ, có nhiều việc thể hiện nắm sát tình hình các tổ chức đảng, nhất là những nơi có vấn đề nổi cộm, phức tạp, bức xúc để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân từ cơ sở, hoặc tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên.
Từ sau Đại hội XIII, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Thực tế cho thấy rằng, việc vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là nguồn gốc của tham nhũng tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, đặc biệt là vai trò và hoạt động của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.
Trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan có trách nhiệm đã phát hiện, xử lý: Đã kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (04 Ủy viện Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng); đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý[6].
Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về khuyết điểm của tập thể và cá nhân bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý bằng pháp luật Nhà nước, hầu như những sai phạm về Đảng đều bắt đầu từ việc vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hiện nay và trong thời gian tới, hơn lúc nào hết, kiện định các nguyên tắc xây dựng Đảng đã và sẽ góp phần xây dựng, củng cố Đảng ngày càng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước.
Quốc Tuyên (tiếp theo và hết)
[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Sđd.
[2] Kỷ luật nghiêm minh làm nên sức mạnh của Đảng. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 17/02/2017.
[4] Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, Sđd.
[5] Lê Long Khánh: “Kỷ luật nghiêm minh để Đảng thêm vững mạnh”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 13/09/2016.
[6] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, tr. 26-27.