Xây dựng cơ quan báo chí và đội ngũ cán bộ báo chí, sử dụng báo chí là một trong những phương thức tổ chức, tập hợp quần chúng yêu nước đã giúp Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945
Việc xây dựng các cơ quan báo và đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí được Đảng ta hết sức chú ý. Khi có điều kiện hoạt động công khai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ lưu ý các báo công khai của Đảng không phải chỉ làm báo mà phải coi tờ báo là nơi gặp gỡ bạn đọc, thu thập ý kiến, nguyện vọng của quần chúng, là nơi liên lạc với cơ cở, đó là đặc điểm nổi bật của thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939.
Sau khi chuyển vào hoạt động bí mật, việc xây dựng các tờ báo và đội ngũ cán bộ làm báo gặp khó khăn hơn, chính vì thế những cán bộ chủ chốt của Đảng thời kỳ này đồng thời là những người phụ trách các tờ báo lớn của Đảng và Mặt trận từ Trung ương đến địa phương.
Báo Dân chúng xuất bản ở Sài Gòn do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng trực tiếp chỉ đạo, tòa soạn gồm các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Trấn. Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Đồng chí Trường Chinh còn vừa là người phụ trách, vừa là cây bút chính của báo Cờ giải phóng.
Báo Đời nay là tờ báo cách mạng - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ, xuất bản ở Hà Nội, quản lý báo là Bùi Đăng Chi, giám đốc chính trị là Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), chủ bút là Trần Huy Liệu.
Cuối năm 1939, Xứ ủy Bắc Kỳ ra báo Giải phóng nhằm tuyên truyền đường lối của Đảng, vận động quần chúng đấu tranh. Báo do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách và Ban biên tập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Lê Viên, Trịnh Hồng Đoan, Phạm Đức Khiêm, Nguyễn Lương Hoàng.
Tháng 1/1941, Xứ ủy Nam Kỳ ra báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền, hướng đạo quần chúng đi theo cách mạng .
Bên cạnh các tờ báo của Trung ương, cấp xứ, báo của mặt trận, các đoàn thể quần chúng cũng được phát hành:
Báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là báo Việt lập) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập khi Người từ nước ngoài trở về hoạt động ở Pác Bó- Cao Bằng. Từ tháng 8/1942 đến tháng 8/1945, báo do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp đảm trách.
Ngày 25/1/1942, Việt Nam Độc lập Đồng Minh xuất bản báo Cứu quốc. Tòa soạn ban đầu có “anh Nhân” (Trường Chinh), “anh Tân” (Lê Toàn Thư) và Lê Quang Đạo. Sau đó là các đồng chí Nguyễn Khang, Xuân Thủy- nhân vật xuất sắc nhất của tờ báo.
Đồng chí Xuân Thủy, một nhà báo xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam
Cùng với báo của cấp Trung ương và cấp xứ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, nhiều tỉnh trong cả nước cũng xuất bản báo chí làm cơ quan tuyên truyền, vận động cách mạng, do các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy phụ trách.
Trong nhà ngục Sơn La, tờ Suối reo lúc đầu do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút, sau đó do đồng chí Xuân Thủy và Đào Đình Luống (tức Nguyễn Hữu Quỳ) phụ trách.
Tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), báo Đời tù- cơ quan ngôn luận của Lao Tù Hội được phát hành. Lao Tù Hội là hội của những tù nhân đã được cảm hóa, có cảm tình với cách mạng.
Trong nhà tù Côn Đảo, báo Độc lập do đồng chí Nguyễn Công Khương (tức Lê Văn Lương) trực tiếp chỉ đạo. Ban biên tập gồm có các đồng chí : Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan…
Việc tổ chức làm báo thời kỳ này chưa có những lớp học làm báo chính quy như thời kỳ sau này (năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng). Chủ yếu đội ngũ cán bộ làm báo bằng kiến thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng của mình. Chẳng hạn như tại nhà tù Côn Đảo, trong đoàn tù Sơn La, Hoả Lò, có nhiều đồng chí đã từng tham gia làm báo bí mật và công khai của Đảng. Các đồng chí tập hợp hơn 20 người, mở lớp huấn luyện cán bộ làm báo. Lớp học không có thầy, tù nhân chính trị tự nghiên cứu, xây dựng chương trình và thảo luận với nhau, trọng tâm là hai phần: nghiên cứu học tập và nghiệp vụ báo chí. Lớp học nghiên cứu tổng quát lịch sử văn học thế giới, chú ý phân tích đặc điểm văn hoá của các chế độ xã hội. Sau khi nghiên cứu kỹ phần văn học, các học viên thảo luận về nghiệp vụ báo chí từ các thể loại, cách trình bày, cho đến việc tổ chức in ấn, phát hành… có người từng học ở Liên Xô về, có người là học trò trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, có người học ở trong các nhà tù, trưởng thành trong cuộc đấu tranh cách mạng, mỗi người góp một ý, vận dụng kinh nghiệm làm báo bí mật và công khai trong thời kỳ 1936-1939 để xây dựng chương trình.
Mặc dù không có những lớp cán bộ báo chí được đào tạo bài bản nhưng qua thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1939-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đội ngũ các nhà làm báo với những cây bút xuất sắc được hình thành. Nhờ sự nỗ lực của nhiều thế hệ người cầm bút- chiến sỹ, dần dần, Đảng ta đã xây dựng được cả một hệ thống báo chí từ Trung ương xuống địa phương.
Những người làm báo cách mạng phần lớn là “nghiệp dư”, nhờ sự phân công, dìu dắt, bồi dưỡng của Đảng đã dần có tính chuyên nghiệp hơn như : Hải Triều, Hồng Chương, Hoàng Tùng, Quang Đạm, Xuân Thủy, Tô Hoài, Tố Hữu…
Đồng chí Trường Chinh, tên tuổi gắn với nhiều tờ báo lớn trước Cách mạng Tháng Tám
Từ năm 1944, với sự thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, Đảng đã thu hút được nhiều nhà báo, văn nghệ sỹ tài năng, có tên tuổi bổ sung cho đội ngũ báo chí cách mạng như: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Học Phi, Vũ Quốc Uy…
Đến năm 1945, đội ngũ những nhà báo cách mạng khẳng định được vai trò của mình với những cây bút xuất sắc mà trước hết là người sáng lập nền báo chí cách mạng Nguyễn Ái Quốc, kế đến là Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp,…. Trong số những nhà làm báo cách mạng đó, sau Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trường Chinh là người tiêu biểu, đúng như phát biểu của nhà báo Thép Mới: “Anh Trường Chinh là người lãnh đạo công tác báo chí, không những đã tích lũy được những kinh nghiệm công tác báo chí của toàn bộ phong trào mà bản thân anh còn là một nhà văn hóa, một nhà văn, nhà báo…”[1].
Khắc phục được những khó khăn do thời cuộc đem lại, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo với phẩm chất chính trị vững vàng, lòng nhiệt thành cách mạng và lòng say mê nghề nghiệp sâu sắc, đã đứng ra tổ chức, xây dựng được những tờ báo nổi tiếng như: Dân chúng, Cờ giải phóng, Việt Nam độc lập, Cứu quốc….Những tờ báo đó chẳng những là phương tiện, vũ khí quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến tri thức cách mạng, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của Đảng, mà còn là một hình thức tổ chức kết nối cơ quan của Đảng với quần chúng. Với những ý nghĩa đó, báo chí cách mạng có một vai trò quan trọng trong công cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám, góp phần đưa đất nước đến ngày độc lập.
Bình Thi
[1] Thép Mới: Sống động một sự nghiệp, báo Nhân dân, ngày 10/3/1991.