Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam là một nền văn hóa được cấu thành từ rất nhiều bộ phận và thuộc tính khác nhau mà trong đó không thể thiếu hai thuộc tính là “tính riêng biệt” và “tính tổng thể”. Để góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, việc nhận thức và xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa hai thuộc tính này là điều rất cần thiết.
Sức sống bất diệt của văn hóa truyền thống Việt Nam (nguồn ảnh: internet)
Tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa
Tính riêng biệt và tính tổng thể là hai thuộc tính cơ bản của văn hóa. Hai thuộc tính này được xem là “cái riêng” và “cái chung” và đều được hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của văn hóa: vật chất - tinh thần, vật thể - phi vật thể, cá nhân - cộng đồng...
Xét ở nội hàm giá trị của văn hóa, tính riêng biệt là những biểu hiện riêng, thể hiện cá tính và phong cách văn hóa của một cá nhân, nhóm người hoặc địa phương, vùng miền. Đây là giá trị văn hóa được tích hợp, tái tạo và thực hành trong cuộc sống, đồng thời là một tiêu chí đặc thù để phân biệt sự khác nhau giữa các chủ thể và đối tượng văn hóa…; Tính tổng thể là biểu hiện chung, phổ quát của văn hóa cộng đồng, dân tộc, vùng miền hoặc một quốc gia. Đây là hệ giá trị văn hóa cộng đồng đã được đa số mọi người trong cộng đồng thừa nhận và vận hành thông suốt trong toàn xã hội.
Kế thừa và phát huy các thành tựu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Đảng ta luôn khẳng định nhất quán các phương hướng phát triển về văn hóa và con người gắn với nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”[i]. Có thể nói, đây chính là sự cụ thể hóa về chủ trương, đường lối xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa Việt Nam
Trong đời sống văn hóa, con người vừa có nét truyền thống, cộng đồng lại vừa có nét đặc trưng riêng của cá nhân. Nét đặc trưng riêng này được thể hiện ở chỗ cá nhân có khả năng sáng tạo ra cái riêng, cái giá trị đặc sắc mà truyền thống, cộng đồng chưa có và nó mang giá trị văn hóa: “Mỗi một con người cụ thể vừa có những đặc điểm chung của mẫu người văn hóa mà anh ta sở thuộc, đồng thời lại có những nét riêng do khí chất sinh học, thời thơ ấu, hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, giáo dục.”[ii]. Nếu không có nét riêng, không có sự phát triển thì chỉ là “bản sao” từ một khuôn mẫu. Do đó, để xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa nhằm góp phần xây dựng và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục kiên định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng trong thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi lẽ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tiếp đến là sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân luôn là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Hai là, xây dựng “Mẫu người văn hóa” phù hợp với thời đại. “Mẫu người văn hóa” này phải là người dung hòa được truyền thống và hiện đại, là người vừa có các giá trị văn hóa riêng của cá nhân vừa mang những giá trị văn hóa tiêu biểu, đại diện cho các giá trị chuẩn mực của văn hóa cộng đồng và dân tộc Việt Nam. Đây là việc làm rất cần thiết, bởi lẽ những con người này chính là chủ thể vừa tạo ra văn hóa vừa “mang vác những giá trị văn hóa”[iii]. Một ví dụ tiêu biểu cho việc xây dựng “mẫu người văn hóa” hiện nay là nhiều địa phương trên cả nước tiến hành tôn vinh những “công dân tiêu biểu”, “công dân ưu tú” trong năm. Đây là những tấm gương tiêu biểu mà đời sống, việc làm của họ vừa mang bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện được những nét văn hóa hiện đại, hội nhập được với văn hóa thế giới. Việc vinh danh này, ngoài ý nghĩa xã hội ghi nhận những đóng góp của họ cho cuộc sống còn là thông điệp lan tỏa về những người sống có trách nhiệm với bản thân, công việc, cộng đồng; không ngừng khát vọng, kiên trì theo đuổi ước mơ, vượt qua giới hạn bản thân, tự tin hội nhập.
Ba là, cần tiếp tục có thêm những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng các nghiên cứu về mối quan hệ hài hòa giữa tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều cơ quan, các công trình khác nhau tiến hành nghiên cứu các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, nhưng các công trình nghiên cứu về mối quan hệ hài hòa giữa tính riêng biệt và tính tổng thể của văn hóa trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa nhiều, thậm chí còn trống. Hoạt động nghiên cứu chuyên sâu này còn góp phần tránh những ngộ nhận, hiểu nhầm, thậm chí hiểu sai lệch về văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Qua đó, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc vừa thiếu tính học thuật, vừa thiếu tính phê bình, thiếu tính xây dựng.
Văn hóa Việt Nam trong sự đa dạng của văn hóa thế giới (nguồn ảnh: https://vietnamhoinhap.vn/)
Bốn là, đảm bảo sự hài hòa giữa tính ổn định truyền thống và sự tiếp nhận các giá trị bên ngoài. Yêu nước, tự cường, đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng đạo lý, trọng tình nghĩa, cần cù, sáng tạo, ứng xử tinh tế và giản dị… là những đặc trưng về bản sắc văn hóa đã được cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo, gìn giữ, cùng thừa nhận và sống theo. Đây là những giá trị cần giữ vững và duy trì. Song, duy trì bản sắc không đồng nghĩa với việc “bế quan tỏa cảng” về văn hóa. Là chủ thể sáng tạo, khi chúng ta duy trì bản sắc văn hóa dân tộc cũng là lúc chúng ta chấp nhận mọi sự tiếp xúc, quan hệ văn hóa - nhất là khi Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương: “Văn hóa hải đảo di chuyển từ Đông sang Tây đều đi qua Việt Nam, và văn hóa lục địa từ Tây sang đông cũng qua Việt Nam”[iv].
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa của thời kỳ 4.0, cùng với việc kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam từ trong lịch sử, chúng ta cũng cần phải “học tập” thêm nhiều văn hóa và con người bên ngoài. Học tập ở đây là “học tập người ta để nắm được chính cái tinh thần đã tạo nên được một cái văn hóa cao hơn mình (…) Rồi từ đó đổi mới văn hóa của mình bằng những đóng góp tinh thần của nền văn hóa mới, nhưng không hề bỏ mất mình; trái lại làm cho mình mạnh lên”[v]. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc để từ đó chúng ta hòa nhập với với thế giới chính là một sự đóng góp vào cái chung to lớn của nhân loại, và “đó là hình thức làm giàu lên cho dân tộc”[vi].
Sỹ Bùi
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lân thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr.262.
[ii] Đỗ Lai Thúy: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2005, tr.469-470.
[iii] Đỗ Lai Thúy: Sđd, tr.9.
[iv] Đỗ Lai Thúy: Sđd, tr.3.
[v] Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, H, 2002, tr.137.
[vi] Đỗ Lai Thúy: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2005, tr.475.