Những ngày vừa qua, việc 2 nghệ sĩ Việt Nam bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ đang là 2 cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên internet và trở thành câu chuyện được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Sự quan tâm, chú ý cùng thái độ và hành vi của "cộng đồng mạng" xoay quanh sự việc này đang đặt ra nhiều vấn đề về môi trường văn hóa số, nơi những giá trị Việt phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Văn hóa số hình thành và phát triển mạnh mẽ trong thời đại internet. Ảnh: giatricuocsong
Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới, trong đó nội dung “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[1] nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ những người làm công tác văn hóa.
Theo Cẩm nang Chuyển Đổi số - Bộ Thông tin & Truyền thông, văn hoá số (digital culture) là thái độ, hành vi và thói quen liên quan đến công nghệ kĩ thuật số được hình thành bên trong tổ chức. Nói tóm lại, có thể hiểu văn hoá số chính là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số. Hiện nay, Việt Nam đã có chủ trương xây dựng công dân số, xã hội số, nền kinh tế số, nhưng lại chưa hình thành văn hóa trên môi trường số. Môi trường số luôn song hành, thậm chí chiếm nhiều thời gian hơn cuộc sống ngoài đời thực đối với nhiều người, nên chưa xây dựng được các giá trị văn hóa số, sẽ khiến không ít người lạc lối trên môi trường mạng. Nói cách khác, phương thức truyền tải văn hóa đã thay đổi, nhưng nếu cách thức chúng ta quản lý, định hướng nó vẫn cũ kĩ thì tất nhiên sẽ thiếu hiệu quả, ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến những người không có bản lĩnh, thiếu nền tảng kiến thức.
Với tốc độ phát triển và sự thay đổi nhịp sống diễn ra nhanh, hàng chục triệu người Việt Nam đang tham gia môi trường số. Báo cáo Digital 2022 ghi nhận tính đến tháng 2/2022, có 72,1 triệu người Việt Nam dùng internet, tương đương 73,2% dân số. Với lượng người dùng internet tăng trưởng nhanh chóng, không gian mạng đang tạo ra một xã hội ảo tồn tại song song với xã hội thực. Hiện rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ – đối tượng nắm bắt nhanh và làm chủ công nghệ, tham gia, sử dụng internet hàng ngày để kết nối với thế giới. Với đặc tính truyền tải nhanh và số lượng người dùng internet đông đảo, nếu biết tận dụng cơ hội, chúng ta có thể nhanh chóng truyền tải những giá trị tư tưởng, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo đúng định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Nhưng thực tế hiện nay như thế nào? Quay trở lại câu chuyện 2 nghệ sĩ Việt Nam có hành vi phạm pháp tại nước ngoài, điều đáng buồn là một bộ phận nghệ sĩ, công chúng tỏ ra cảm thông, thậm chí cổ xuý cho lối sống lệch lạc, vi phạm pháp luật thay vì lên án việc làm đáng xấu hổ, ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nó cho thấy một bộ phận không nhỏ công dân số nhưng lại chưa có văn hoá số. Nhiều kẻ lợi dụng câu chuyện của 2 nghệ sĩ – 2 công dân Việt Nam vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức để cổ vũ cho lối sống thác loạn, băng hoại giá trị đạo đức chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện xấu, độc trên môi trường số được đưa lên. Có thể dễ dàng thấy, hàng phút, hàng giờ vẫn có nhan nhản những clip, những cuộc livestream nhảm nhí hoành hành trên mạng dần làm lệch lạc quan niệm của bao người với hình ảnh bạo lực, ngoại tình, lối sống hưởng thụ, thực dụng… Những giá trị văn hoá bền vững của dân tộc dần bị lãng quên khi những yếu tố phản văn hoá liên tục được tô đậm trên không gian số.
Trong kỷ nguyên số, thế giới trở nên phẳng hơn, không gian mạng là không gian xuyên biên giới. Vì thế, nếu biết tận dụng công nghệ và công năng của xã hội số, chúng ta có thể tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho đất nước; quảng bá các sản phẩm văn hóa đến đông đảo công chúng không chỉ trong nước mà ra toàn thế giới. Trong thời đại kỷ nguyên số, cơ hội để chúng ta tiếp cận, quảng bá văn hóa Việt, giá trị Việt, với đậm đà bản sắc dân tộc ra thế giới, đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài là rất to lớn. Vậy phải làm gì để xây dựng môi trường văn hoá số, vừa để bảo vệ, quảng bá giá trị văn hoá Việt, vừa đấu tranh, phản bác lại các luận điệu phản văn hoá, lai căng, luận điệu thù địch, kích động gieo mầm tự diễn biến, tự chuyển hoá trong dân chúng, nhất là với lớp trẻ?
Trước hết, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới. Mặc dù vấn đề bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hoá đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên vẫn chưa được thực hiện, đôi lúc vẫn mang tính chất “kì” “cuộc”. Chính vì thế mà hiệu quả chưa cao, chưa tác động sâu sắc tới nhận thức của người dân. Không chỉ tại các cơ quan, mà hoạt động bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hoá còn phải đến tận từng tổ dân phố, từng hộ gia đình. Chỉ khi trở thành phong trào “toàn dân” thì mới thực sự thấm nhuần, trở thành tấm lá chắn vững chắc, có thể ngăn chặn và hoá giải các mã xấu, độc văn hoá. Không chỉ là những lời kêu gọi, những cuộc thi, mà mỗi người dân khi đã được trang bị đầy đủ phông văn hoá, bản lĩnh chính trị vững vàng thì sẽ không có bất kì lực lượng nào lợi dụng được. Quan trọng nhất nữa là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật làm hành lang pháp lý hữu hiệu cho công tác bảo vệ an ninh tư tưởng, văn hóa. Cuộc đấu tranh của chúng ta đôi khi là đấu tranh vô hình, chúng ta ở ngoài sáng, kẻ thù trong bóng tối với thủ đoạn tinh vi. Do đó, hành lang pháp luật càng chặt chẽ thì càng hạn chế được nguy cơ bị phá hoại từ bên trong, nhất là vấn đề an ninh tư tưởng - văn hoá.
Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa. Người trẻ bao giờ cũng háo hức với cái mới. Người trẻ cũng nắm bắt công nghệ tốt hơn. Do đó, các yếu tố văn hoá mới lạ dễ thu hút người trẻ khi trải nghiệm sống của họ chưa nhiều. Những sản phẩm văn hóa trên không gian mạng đã và đang trở thành nguồn thông tin ngày càng phong phú và đa dạng xâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là thanh thiếu nhi. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng rất khó khả thi khi hành lang pháp luật vẫn còn thiếu và yếu, bản thân thanh thiếu niên chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của các chương trình xấu, độc, phụ huynh không quan tâm hoặc cũng không nắm bắt được công nghệ để đồng hành cùng con. Vì thế, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 311/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030” trong đó có đề cập “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thành niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả… Giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”. Phải xây dựng môi trường văn hoá số thực sự lành mạnh, trở thành nơi định hướng nhân cách, lối sống văn hoá cho thanh thiếu niên như tăng cường truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tri thức về văn hóa dân tộc trong xã hội, bắt đầu từ thiếu nhi; thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường, hoạt động Đội, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn cần làm tốt công tác chủ động theo dõi và kịp thời nắm bắt, định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của thanh thiếu nhi. Kịp thời có các biện pháp, cách thức đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, “xâm lăng văn hóa”. Đồng thời, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và miễn dịch với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đến thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, sản xuất các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm văn hoá trên nền tảng số phải thực sự đầu tư cả về công nghệ lẫn chất xám, để tạo hiệu ứng lan toả trong xã hội. Nếu như không tạo ra những tác phẩm thực sự có giá trị, có sức hấp dẫn thì rất khó thu hút được sự chú ý của công dân số. Bởi thực tế trên môi trường số có hàng triệu sản phẩm để cộng đồng mạng lựa chọn. Làm sao để sản phẩm của chúng ta có tầm ảnh hưởng, truyền tải được những giá trị về văn hoá, con người Việt Nam. Thực tế, những năm gần đây, trên YouTube xuất hiện một số kênh truyền hình chuyên về quảng bá văn hoá Việt Nam như chương trình truyền hình thực tế, trải nghiệm phát sóng trên các Đài truyền hình và được đăng tải trên YouTube như kênh SvietnamTVseries và SVietnamchannel (S – Việt Nam – Hương vị cuộc sống), kênh truyền hình trực tuyến tham gia với mục đích giới thiệu những nét tinh hoa văn hoá các dân tộc – kênh vanhoaviettv (Văn hoá Việt Nam). Các kênh truyền hình này không chỉ giới thiệu những giá trị truyền thống của dân tộc mà còn giới thiệu những nét văn hoá mới mẻ và độc đáo của dân tộc Việt Nam trong xã hội đương đại. Từ đó, có thể thấy, các kênh này đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc quảng bá văn hoá Việt Nam đến với chính người dân Việt, đặc biệt là giới trẻ và xa hơn là bạn bè quốc tế.
Văn hóa đã được coi là sức mạnh nội sinh của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhưng sứ mệnh cao hơn của văn hoá là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, bảo vệ giá trị văn hoá của dân tộc từ sớm, từ xa thông qua “sức mạnh mềm”. Chính vì thế, việc xây dựng môi trường văn hoá số trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.
[1] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.172
ĐTT