Biến nhà tù thành nơi rèn luyện ý chí cách mạng, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù, trại giam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không ngừng đấu tranh cách mạng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng trong nhà tù để lãnh đạo tù nhân đấu tranh cho đến ngày thắng lợi
“Địa ngục” đày ải các nữ chiến sĩ cách mạng
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường miền Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” với biện pháp chủ yếu là “tìm diệt” và “bình định”. Chúng liên tục mở những cuộc hành quân lớn càn quét, bắt bớ, gây ra những cuộc tàn sát đẫm máu, đồng thời mở rộng hệ thống nhà tù để giam cầm những người yêu nước.
Tại Bình Định, từ năm 1967 đến năm 1972, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng một trung tâm giam giữ tù chính trị. Thời kỳ đầu, trại giam giữ cả tù nhân nam lẫn nữ, sau chỉ giam giữ tù nhân nữ là chính. Ban đầu trại mang tên “Trại giam tù phiến cộng Qui Nhơn”; sau đó được đổi thành “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Tài Qui Nhơn”.
Trại giam tù binh Phú Tài được xây dựng vào tháng 6/1967, nằm trong một thung lũng trước làm muối, tại thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước Phước (nay thuộc phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Phú Tài Là một khu vực nằm trong khu căn cứ quân sự của địch, bao quanh bởi những hàng rào đơn vị lính Việt Nam Cộng hòa. Phía Nam là trung tâm huấn luyện thuộc Sư đoàn 22 bộ binh. Ngoài ra, còn có những trại lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên đóng gần đó. Nhà tù trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, do 1 tiểu đoàn quân cảnh thuộc quân đoàn 2 trấn giữ. Chúng bố trí canh phòng rất cẩn mật, xung quanh dày đặc những hàng rào thép gai, 4 góc là 4 bót gác ngày đêm có lính canh phòng: “nhà tù Phú Tài có tới chín lớp rào kẽm gai bảo vệ, giữa mỗi lớp là một vọng gác, ban đêm thường có cảnh sát đi tuần, bốn chòi canh đặt ở bốn góc”. Khi mới xây dựng, nhà tù chỉ là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng của Bình Định, đến tháng 4/1968, chính quyền Sài Gòn đưa tất cả tù binh nữ từ các nhà lao Pleiku, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng và cả miền Nam về đây giam giữ.
Toàn bộ trại giam xây theo kiểu sườn nhà là khung sắt làm sẵn, lợp tôn bên trên. Hai phần ba nữ tù binh bị giam nơi đây là người hoạt động ở khu vực miền Trung, phần còn lại là tù binh quê Nam Bộ tham gia các tổ chức vũ trang chính quy, bị chính quyền Sài Gòn cho là “thành phần cộng sản ngoan cố”.
Khi mới lập, địch chia nhà tù làm 3 trại: A, B, C, giam giữ tù nhân nam ở trại C, nữ ở 2 trại A và B. Sau ngày 2/9/1968, địch chuyển tất cả tù nhân nam ra sân bóng đá ở phía Tây trại, lúc này chúng chia nhà tù thành 4 trại:
Trại 1 (gồm 6 phòng, gọi là trại chiêu hồi), gồm những tù nhân vì không chịu nổi những đòn tra tấn về thể xác và tâm lý, phải nhận làm việc cho địch. Sau khi chuyển anh em tù ra sân bóng, địch chuyển nữ chiêu hồi sang trại C và gọi là trại 1. Những chị em mới bị bắt vào và những chị em chúng cho là cứng đầu cũng bị giam vào trại 1 để các phần tử chiêu hồi mua chuộc, dụ dỗ.
Trại 2 (gồm 12 phòng): Trại nữ tù nhân, là khu trại nữ trước đây gồm trại A và B.
Trại 3: Trại giam tù nhân nam tạm thời, khi có đông người sẽ chuyển bớt đi Côn Đảo hoặc các nhà tù, trại giam khác.
Trại 4: khu biệt giam, được dựng lên ở sân banh để giam những người gọi là “phạm nội quy”. Mỗi phòng giam có diện tích khoảng 120m2, giam từ 70 đến 80 người, có khi lên đến 100, 150 người.
Các nữ tù binh biểu diễn tiết mục tự biên “Phú Tài nổi sóng” tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vào tháng 6/1973 sau khi được trao trả (Ảnh tư liệu)
Phú Tài là nơi giam giữ số lượng tù binh nữ lớn nhất của cả nước, khi bắt chị em vào đây, chúng phân loại “tù binh” và “tù chính trị”. Những người “tù chính trị” thường bị giam giữ tại các trung tâm cải huấn, các trại giam ở địa phương. Còn những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, chúng gọi là “tù binh” và giam ở đây. Với âm mưu hủy hoại thân xác tù nhân, nhằm tiêu diệt tinh thần, sinh mệnh chính trị, làm tê liệt ý chí đấu tranh của chị em, chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi thủ đoạn tàn ác và xảo quyệt. Chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn vô cùng độc địa đối với chị em phụ nữ, kể cả việc sử dụng các hình thức tra tấn dã man nhất như: đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, miệng, rồi dậm chân lên bụng, lên ngực cho nước và máu trào ra, đến khi ngất đi; chúng nhúng đầu chị em vào thùng nước thuốc DDT làm nhiều chị em tuột da mặt, rụng tóc, mờ mắt, đau đầu. Chúng dùng xích sắt, roi điện đánh vào người, vào miệng, vào răng làm méo miệng, gãy răng. Tàn ác hơn, chúng đóng đinh vào đầu cây rồi đánh phập vào đầu, vào khắp thân thể chị em, làm nát cả thân người và nhiễm trùng, nhiều chị bị đánh đến ngất đi. Chúng còn dùng lửa châm đốt hai bàn tay, hai bàn chân và khắp người, hoặc nhét đất cát vào mũi, miệng, tai, rồi lấy que thọc vào làm cho nhiều chị bị điếc tai, đau đầu, co giật, động kinh…Đê tiện nhất là chúng tra điện, thọc cây, đá móc vào chỗ kín của chị em làm cho nhiều chị bị bí tiểu, tiểu ra máu hoặc sa tử cung. Nhiều chị hãi hùng đến mức động kinh, lên cơn co giật. Bọn chúng còn dựng lên một dãy cũi sắt, chuồng cọp để nhốt chị em mà chúng gọi là “phạm nội quy”. Chuồng cọp là những chiếc lồng bằng kẽm gai chật hẹp, để nhốt chị em phơi nắng giữa trời mà không thể nào ngồi thẳng và cựa quậy được… Đồng thời, chúng đưa lực lượng tâm lý chiến tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, làm lung lạc tinh thần chị em, đẩy một số chị em quay lưng với đồng chí đồng bào.
Xây dựng tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo đấu tranh
Trước yêu cầu bức thiết của tình hình, để bảo vệ các đồng chí tù binh, với ý thức trách nhiệm của người đảng viên cộng sản, những chiến sĩ cách mạng kiên trung đứng lên thành lập các tổ chức Đảng trong các trại giam, để tổ chức đấu tranh chống lại chế độ lao tù của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Đến năm 1968, tại Trại giam tù binh nữ Phú Tài, các đồng chí đảng viên trong trại giam Phú Tài nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công 19/8/1968, các đảng viên thành lập tổ chức Đảng trong trại giam lấy biệt hiệu là BK1968 (BK có nghĩa là Bất khuất). Bí thư Đảng ủy là đồng chí Nguyễn Thị Quyết (tên trong tù là Tám Chỉ), Phó Bí thư Đảng ủy đồng chí Hồ Thanh Tâm (tên trong tù là Hai An).
Ban Chấp hành Đảng bộ trại giam tù binh nữ Phú Tài gồm các đồng chí: Đặng Thị Minh Hường, Phạm Thị Táo, Trần Thị Duy Vinh, Lê Thị Xuân Mai và đồng chí Ba Tri.
Tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tháng 5/2022
Các đảng viên dùng một sợi chỉ đỏ thể hiện màu cờ, 3 sợi chỉ vàng thể hiện sao vàng và búa liềm làm biểu tượng cho Quốc kỳ và Đảng kỳ, chích máu từng người vào một tấm vải trắng cắt từ chân mùng, thề suốt đời đi theo lý tưởng của Đảng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.
Đảng bộ gồm 10 chi bộ, được tổ chức theo từng huyện, huyện nào không đủ số lượng đảng viên thì lập chi bộ ghép. Mỗi chi bộ có khoảng từ 15 đến 17 đảng viên, bầu ra một Chi ủy để lãnh đạo chi bộ. Chi ủy có nhiệm vụ báo cáo hoạt động của chi bộ lên Đảng ủy nhà tù. Mỗi chi bộ tổ chức một đội bảo vệ để làm nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ tổ chức và quần chúng trong các cuộc đấu tranh.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn ủy trong trại giam cũng được thành lập và lấy biệt hiệu là BK. Ban Chấp hành Đoàn gồm: Đặng Thị Minh Hường (Bí thư), Lê Thị Hóa, Phan Thị Mai, Trần Thị Kính, Phan Thị Hồ, Lê Thị Hóa, Ngô Thị Thanh Trúc. Tổ chức thành 10 chi đoàn theo huyện và sinh hoạt theo hội đồng hương.
Đảng ủy, Đoàn ủy và các chi bộ, chi đoàn thường xuyên hội họp, đánh giá, rút kinh nghiệm qua các cuộc đấu tranh, làm công tác tư tưởng đối với nữ tù, phân công đảng viên, đoàn viên giúp đỡ động viên chị em trong trại.
Để phát triển tổ chức Đảng trong trại giam, Đảng ủy và các chi bộ trong trại quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Các chi bộ, Đảng ủy phát hiện ra những tù binh trung kiên, có tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong đấu tranh, lý lịch rõ ràng, trường hợp bị bắt, bị thẩm vấn và thái độ đối với địch trong trại giam không có vấn đề gì. Sau đó, chi bộ cử người kèm cặp, giúp đỡ, thử thách và cho học một lớp theo chương trình dành cho đối tượng Đảng. Khi các mặt đã đạt, hai người giới thiệu báo cáo với chi bộ, chi ủy thông qua và đề nghị Đảng ủy ra quyết định kết nạp Đảng. Thời gian dự bị tính theo Điều lệ Đảng.
Trong Trại giam tù binh nữ Phú Tài, các chi bộ cũng thử thách quần chúng ưu tú bằng cách giao nhiệm vụ hằng ngày và theo dõi qua các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Các chi bộ Đảng xem xét và đề nghị lên Đảng ủy trại giam kết nạp những đoàn viên, quần chúng ưu tú vào hàng ngũ của Đảng. Số đảng viên được Đảng ủy BK kết nạp tính đến tháng 2/1973 lên tới gần 150 đảng viên.
Những đảng viên được kết nạp trong tù theo đúng thủ tục, không có sai phạm, có thành tích đấu tranh với địch, sau này được "Tiểu ban xét duyệt Đảng tịch" quyết định công nhận là đảng viên, tuổi Đảng được tính từ ngày Đảng ủy trong tù quyết định chuyển thành đảng viên chính thức.
Tổ chức Đảng trong trại giam tù binh Phú Tài được hình thành trong nhà lao là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Đảng viên và quần chúng tốt, là cơ sở để tiếp tục giáo dục bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, ý chí tinh thần đấu tranh cách mạng để chống kẻ thù, giữ vững được lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng cũng là điểm tựa để vận động xây dựng tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ bảo vệ nhau trong tù, xây dựng khối đoàn kết thống nhất ý chí hành động khi tổ chức cần.
Có thể kể đến những hoạt động của các tổ chức Đảng trại giam tù binh Phú Tài, dù có những lúc thăng trầm, nhưng qua thực tiễn, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân yêu nước tập hợp được đông đảo quần chúng xung quanh tổ chức đảng, phát động nhiều phong trào đấu tranh chống lại sự kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ngay tại nhà tù, đòi dân chủ, dân sinh, chống đầu độc, đàn áp bóc lột, chống sử dụng thực phẩm, lương thực hư, thối.. từng bước cải thiện đời sống tù nhân. Sự đấu tranh mạnh mẽ buộc Ban quản lý trại giam phải nhân nhượng, đời sống và sinh hoạt của người tù có phần được cải thiện hơn. Cải thiện được chế độ lao dịch bỏ những việc nặng, cho làm việc nhẹ; cải thiện chế độ ăn uống phải có chất, phải đủ lượng; khi ốm đau được chăm sóc và cho thuốc men đầy đủ.
Trong hoàn cảnh bị giam cầm, đày ải khắc nghiệt, tổ chức Đảng trong trại giam Phú Tài phát huy vai trò của mình, lãnh đạo tù nhân rèn kuyện đạo đức, khí tiết người chiến sĩ cách mạng, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt của chính quyền Sài Gòn trong việc đày ải thể xác và tiêu diệt ý chí cách mạng của những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước miền Nam.
Kim Dung