Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp, đoàn kết đông đảo giai cấp, tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vô địch để chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sức mạnh của cuộc Cách mạng Tháng Tám khởi nguồn từ 15 năm trước đó, với cao trào cách mạng 1930- 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ -Tĩnh
Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về sức mạnh quần chúng
Thực tiễn lịch sử cho thấy, quần chúng nhân dân là chủ thể tạo ra mọi của cải vật chất bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” (1843), C.Mác đã viết: “Chủ quyền của Nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân”[1]; “Không phải chế độ nhà nước tạo ra Nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”[2]. Trong tác phẩm “Gia đình thần thánh” (1844), C.Mác và Ph.Ăngghen nhận xét vai trò của quần chúng nhân dân đặc biệt thể hiện rõ trong thời kỳ cách mạng: “Hoạt động lịch sử càng lớn lao thì do đó, quần chúng, mà hoạt động lịch sử đó là sự nghiệp của mình, cũng sẽ lớn lên theo”[3].
Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, VI.Lênin, trong tác phẩm “Chào mừng những người cộng sản Ý, Pháp và Đức” (1919), đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số Nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”[4].
Sức mạnh quần chúng và sự hưng thịnh trong lịch sử dân tộc
Truyền thống của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, tin ở dân, chăm lo cho dân, “lấy dân làm gốc”. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi trả lời vua Anh Tông, thời nhà Trần đã nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước, không còn gì hơn”[5]. Tiếp đó, vào thế kỷ XV, nhìn vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Theo ông, sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, “bỏ mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Dưới thời nhà Hồ (1400 - 1407), Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời Nhân dân, vì “chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận”. Danh nhân Nguyễn Trãi rút ra kết luận thật sâu sắc và thấm thía cho muôn đời: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”.
Công nông Nghệ -Tĩnh vùng lên đấu tranh năm 1930 (Tranh minh họa)
Quan điểm Hồ Chí Minh về sức mạnh quần chúng nhân dân
Kế thừa, phát triển “tư tưởng trọng dân” trong truyền thống lịch sử của dân tộc và quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Dân là gốc của nước, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”[6]. Từ chỗ coi “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[7], Người dạy cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”[8].
Sức mạnh quần chúng làm nên cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng
Quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đúc kết kinh nghiệm từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cao sức mạnh của quần chúng nhân dân. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị hà khắc, đàn áp, khủng bố dã man Nhân dân, làm cho nền kinh tế Việt Nam đình đốn, bầu không khí chính trị ngột ngạt và đời sống nhân dân điêu đứng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa, kêu gọi Nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh chống khủng bố, đòi quyền tự do, dân chủ và cải thiện đời sống.
Phong trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến của giai cấp công nhân, nông dân đã diễn ra sôi sục trong cả nước. Phong trào bắt đầu nổ ra từ các tỉnh Nam Kỳ, qua Trung Kỳ, đến Bắc Kỳ và đỉnh điểm là ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (từ tháng 8 đến tháng 12-1930 với 590 cuộc đấu tranh và từ tháng 1 đến tháng 5-1931 với là 643 cuộc đấu tranh). Tại đây, trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, chính quyền thực dân ở nhiều làng, xã thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị tan rã. Chính quyền Xô viết được thành lập, đã thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng non trẻ: “tịch ký ruộng đất của địa chủ mà phân phát cho dân cày nghèo, thiết lập toà án cách mạng của dân để xử bọn Lý - Nhân và bọn phản cách mạng”[9]; quản lý trật tự trị an trong thôn xóm, bảo vệ cuộc sống của nhân dân; “lấy tài sản của bọn địa chủ chia cho dân nghèo, huỷ bỏ tất cả mọi mệnh lệnh, quy định của quan lại bản xứ và bọn đế quốc Pháp”[10]. Kiên quyết không đóng thuế, tô cho quan lại, địa chủ. Một số nơi, chính quyền Xô viết còn tổ chức đắp đê, đào mương, tát nước chống hạn, tu sửa cầu cống, đường giao thông, tổ chức nhiều hình thức sản xuất để giúp đỡ nhau; tổ chức dạy chữ quốc ngữ; phổ biến sách báo, tài liệu cách mạng…Đây là thắng lợi to lớn đầu tiên của công, nông cả nước nói chung và công, nông Nghệ -Tĩnh nói riêng.
Thành quả lớn nhất của phong trào cách mạng 1930- 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định trên thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp Nhân dân yêu nước có đủ khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: Phong trào 1930 - 1931 là bước thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của cách mạng…, không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930 - 1931, trong đó, công nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình, thì không thể có phong trào trong những năm 1936 - 1939[11]. Mặc dù, phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh thất bại, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”[12].
Biển người trong ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Hà Nội (Ảnh Tư liệu)
Như vậy, từ phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thấy rõ sức mạnh của quần chúng Nhân dân, và chính quần chúng nhân dân là những người làm nên lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các đảng bộ địa phương, Nhân dân cả nước nói chung, đặc biệt là Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tỏ rõ sức mạnh của mình, dũng cảm đứng lên đấu tranh chống chính sách cai trị của đế quốc, phong kiến, lập nên những Xô viết đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình Biển Đông diễn ra hết sức căng thẳng. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới, việc phát huy những bài học được đúc kết từ lịch sử mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó bài học về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh là đặc biệt quan trọng. Vì chỉ có trên cơ sở tập hợp rộng rãi lực lượng của quần chúng Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp mới thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân cần phải gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng mới, động lực chủ yếu để phát triển đất nước, như Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, vẫn là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Lê Văn
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 1, tr. 347.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 1, tr. 350.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, Tập 1, tr. 123.
[4] V.I.Lênin,Toàn tập, NxbTiến bộ,Mátxcơva, 1979, Tập 39, tr. 251.
[5] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, Tập 2, tr. 80.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr. 502.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr. 19.
[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 15, tr. 142.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 2, tr.55.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện toàn tập, tập 2, sdd, tr.79.
[11] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 39.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 408.