Ngày Bác chưa đi xa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, vào thời khắc giao thừa, quân và dân ta lại háo hức đón nghe lời thông báo của phát thanh viên đài Tiếng nói Việt Nam: “Trân trọng mời đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài lắng nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Trong hơn 20 bài thơ Bác viết chúc Tết (từ năm 1946 đến năm 1969), có 2 bài thơ viết về năm Thìn, đó là Tết Nhâm Thìn (1952) và Tết Giáp Thìn (1964)
Thơ Tết năm Thìn 1952, 1964– “Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đón Tết năm Nhâm Thìn (1952) trong khí thế của mùa Xuân mới, sau những thắng lợi toàn diện đạt được ở năm 1951.
Về chính trị, Đảng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II và ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam; hợp nhất Việt Minh và Liên Việt và thành lập Ủy ban hành động Việt - Miên - Lào (Việt Nam, Cao Miên, Lào) đã củng cố rất nhiều khối thống nhất và lòng tin tưởng của nhân dân Việt Nam, củng cố khối đồng minh giữa ba nước anh em đang đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Về mặt kinh tế, Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã được thành lập, nền tài chính được đặt dưới sự kiểm soát tập trung và thống nhất, việc giao thông và liên lạc cũng được tổ chức lại. Văn hóa – xã hội đạt được nhiều thành tựu.
Đặc biệt, trên lĩnh vực quân sự, quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Hòa Bình, ta phát huy quyền chủ động chiến lược, làm phá sản kế hoạch chiến tranh lớn của địch.
Đồng thời, trong năm 1951, quan hệ ngoại giao của Việt Nam được mở rộng và củng cố. Lần đầu tiên những đoàn đại biểu của nhân dân Việt Nam đã đi thăm Trung Quốc, Triều Tiên. Đoàn đại biểu của thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan ở Berlin, đoàn đại biểu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đi dự hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới ở Warsaw và đoàn đại biểu hòa bình đi dự Hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới ở Vienna. Những chuyến đi ấy đã củng cố hơn nữa tình đoàn kết giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trước những kết quả đó, trong ngày đón Năm mới Tết Nhâm Thìn, Bác Hồ gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước bài thơ Chúc Tết, chỉ với “Mấy câu thành thật nôm na”, nhưng chứa chan tình yêu thương và sự dặn dò và niềm tin tất thắng, nhằm mục đích “Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, tháng 5/1952 (Ảnh tư liệu)
Trước hết, những câu thơ Tết của Bác đã tổng kết lại chặng đường lịch sử với những năm kháng chiến chống thực dân xâm lược và can thiệp Mỹ, mặc dù gian khó nhưng với niềm tin chiến thắng của cuộc kháng chiến chính nghĩa: “Xuân này, Xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa 6 năm/Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm”[1].
Để tiếp tục phát huy cuộc kháng chiến lên tầm cao mới, Bác dặn dò: “Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới”, thì nhất định “Thắng lợi ắt về ta”.
Không cam chịu trở thành thuộc địa Mỹ, nhân dân miền Nam, với sự chi viện của đồng bào miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên cường đứng dậy tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng.
Hơn 9 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, quân và dân hai miền Nam – Bắc giành được những thắng lợi lớn.
Ở miền Nam, với chiến thắng Ấp Bắc (ngày 02/01/1963) đã đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Vùng nông thôn, “Ấp chiến lược” bị phá từng mảng lớn. Phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị dâng cao làm lung lay chính quyền của Ngô Đình Diệm. Ngày 01/11/1963, Hoa Kỳ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”. Cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm lại đưa chế độ Sài Gòn vào “vòng xoáy” khủng hoảng mới và một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài, đứng trước nguy cơ rối loạn và sụp đổ. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” từng bước bị phá sản.
Trên miền Bắc, các mặt kinh tế, văn hóa, nhất là quốc phòng và an ninh đều có bước phát triển mới. Đặc biệt, hơn 10 triệu nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp đã phấn đấu đưa sản lượng nông nghiệp đến năm 1963 cao hơn hai lần so với năm 1939 (là năm phát triển cao nhất thời thuộc Pháp và trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai). Những kết quả đó là cơ sở để miền Bắc đảm đương vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam[2]; đồng thời, từng bước xây dựng chế độ mới, con người mới.
Trong không khí thắng lợi, Bác Hồ viết bài thơ: “Thư chúc mừng năm mới”, đánh giá lại những kết quả của năm thứ tư thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; đồng thời nhắn nhủ đồng bào, chiến sĩ cả nước “Để hoàn thành thắng lợi kế hoạch, đồng bào miền Bắc hãy hăng hái thi đua yêu nước, đẩy mạnh hai phong trào trong công nghiệp, nông nghiệp và cuộc vận động đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng miền núi. Đồng bào miền Nam đang anh dũng chiến đấu cho tự do, độc lập và đang giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Đồng bào miền Bắc phải hết lòng ủng hộ đồng bào miền Nam. Phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”.
Đặc biệc, Bác nhấn mạnh Nam – Bắc một nhà; cùng cội nguồn và cùng chung một khát vọng, một lý tưởng đó là: độc lập dân tộc, thống nhất đất nước: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”.
“Mấy lời thân ái nôm na /Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”[3].
Thật xúc động khi cảm nhận hai bài thơ chúc Tết năm Thìn của Bác. Với những câu thơ dung dị, chất giọng ấm áp, thân thương Bác Hồ chúc mừng, biểu dương, dặn dò, đồng thời còn nêu định hướng chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta tới tất cả đồng bào, chiến sĩ trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Những dòng thơ ngắn, mộc mạc, nhưng chứa muôn ngàn tình yêu thương và niềm tin chiến thắng.
Những bài thơ chúc Tết của Bác trở thành nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm mới, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy gang thép Thái Nguyên nhân dịp Xuân Giáp Thìn
tháng 01/1964 (Ảnh tư liệu)
Xuân Giáp Thìn 2024 – Xuân của hy vọng
Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 5,05% thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam[4].
Thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có sự chuyển biến vượt bậc; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Chính phủ đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.
Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng, an ninh được nâng lên; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là về chiến lược. Công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế[5].
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15, ngày 09/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Từ đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, xác định 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".
Năm mới với khí thế mới, quyết tâm mới, mỗi đồng bào, chiến sĩ luôn phát huy truyền thống dân tộc, luôn khắc ghi và thực hiện thật tốt những chỉ dẫn của Bác Hồ để từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”!
Chi Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 272.
[2] Đến năm 1964, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu tăng 14 lần so với năm 1960, trong đó có nhiều cán bộ quân sự cấp cao có kinh nghiệm xây dựng và tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực; vũ khí phương tiện chuyển vào miền Nam tăng 10 lần so với năm 1960- Dẫn theo: Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.323.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 224.
[4] Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,25%. Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% so với dự toán trong bối cảnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát trong giới hạn cho phép.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu có xu hướng phục hồi, cả năm ước xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, cả năm ước tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,82%; công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.
Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn năm 2022 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới- Nguồn: ttps://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/10-dau-an-noi-bat-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2023-119231228101850795.htm
[5] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-01-nq-cp-giai-phap-chu-yeu-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-ktxh-nam-2024-1192401111609145.htm